Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

7344 - Xã hội Việt Nam có hạnh phúc?




Một tai nạn giao thông xảy ra giữa xe hơi và xe container vào sáng 30 Tháng Bảy, 2018, tại tỉnh Quảng Nam. Mười bốn thành viên trong cùng một gia đình đã thiệt mạng trong tai nạn này khi đang trên đường đi rước dâu. (Hình: AFP/Getty Images)
Từ ngày 20 Tháng Ba, 2012 trở đi, Liên Hiệp Quốc đã chính thức chọn làm “Ngày Hạnh Phúc Quốc Tế” (International Day of Happiness). Theo báo cáo thường niên năm 2019 thì Việt Nam xếp hạng 94 trên 156 nước trong một bảng xếp hạng “Quốc Gia Hạnh Phúc” do Mạng Lưới Các Giải Pháp Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố.
Phương thức xếp hạng được dựa trên một số tiêu chí nhất định như GDP trên đầu người, hỗ trợ của xã hội, tuổi thọ, tự do làm điều mình muốn, sự rộng lượng, và vấn đề tham nhũng. Trong đó về tự do lựa chọn trong đời rất cao, xếp thứ 23. Mảng hỗ trợ xã hội, Việt Nam xếp thứ 64. Tuổi thọ xếp 49. Tham nhũng bị xếp 86, rộng lượng 97, GDP 105.
Tất nhiên những con số cụ thể đưa ra cũng chỉ mang tính tượng trưng trên văn bản giấy tờ, còn thực tế đời sống hiện sinh của xã hội có thể khác xa.
Với thứ hạng 94 trên 156 quốc gia được Liên Hiệp Quốc bình chọn, Việt Nam quả là một quốc gia “vô phúc,” trong “Ngày Hạnh Phúc Quốc Tế.” Nhưng hệ thống cầm quyền và bộ máy tuyên truyền vẫn mị dân bằng những khẩu hiệu bánh vẽ hoặc những con số vô thực. Thậm chí có lúc họ nói Việt Nam là quốc gia hạnh phúc thứ năm trên thế giới, hay Việt Nam là quốc gia bình yên.
Trong một xã hội mà sự bất an và rủi ro luôn kề cận trong từng bước đi, từng nhịp sống của con người thì quốc gia đó có thực sự hạnh phúc, có thực sự bình yên không?
Bất an lan tràn trong môi trường giáo dục và học đường đang là vấn đề vô cùng nhức nhối. Vấn nạn bạo lực trong học đường xảy ra triền miên trong tất cả các cấp học. Con số được phát hiện và biết đến chỉ tính trong năm 2018 lên đến 2000 vụ, trong khi ngành giáo dục thống kê chỉ được vài trăm vụ.
Lạm dụng, tấn công, trao đổi, mua bán tình dục trong môi trường giáo dục cũng thực trạng đáng báo động. Thầy giáo gạ tình, dâm ô học sinh liên tục xảy ra ở khắp Việt Nam trong thời gian ngắn vừa qua đã khiến người dân bất bình, phẫn nộ.
Một đất nước được chế độ bất chính, tham nhũng có hệ thống điều hành thì vị tất xã hội đó luôn luôn bất ổn định. Dù ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, có hô hào quyết tâm tiêu diệt tham nhũng trong gần hai năm qua với một số vụ án đưa ra xét xử; nhưng thực tế đó chỉ là các vụ án mang tính khỏa lấp dư luận.
Chỉ số tham nhũng của Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng ở vị trí 86. Con số này tỉ lệ thuận cho những ai nghi ngờ công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng là không có thực, mà thật ra chỉ là thanh trừng phe nhóm để củng cố quyền lực của mình mà thôi.
Người Việt thường hay nói “thượng bất chính thì hạ tất loạn.” Hằng ngày người ta đang đọc được muôn mặt xã hội, mà trong đó hiếp dâm, cướp của, giết người xảy ra khắp nơi, phơi bày nhan nhản trên mặt báo.
Có ai ngây thơ đến nỗi nhìn rõ ràng cái chết đến với mình bất cứ giây phút nào khi tham gia giao thông mà vẫn cho là hạnh phúc? Chỉ trong những ngày đầu năm 2019, số người chết vì tai nạn giao thông cao hơn cả khủng bố, chiến tranh. Trong bốn ngày đầu dịp nghỉ Tết có đến 111 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Thống kê hằng năm thì thấy những con số vô cùng khủng khiếp, trong 2018 vừa qua toàn quốc có 8,248 người chết vì tai nạn giao thông, bị thương 14,802 người. Báo nhà nước còn đặt nghi vấn số người chết vì tai nạn lớn hơn nhiều con số công bố.
Theo nhà báo Nguyễn Trung Bảo, cựu thư ký tòa soạn báo Một Thế Giới, nói với BBC thì tai nạn giao thông chính là hậu quả của chính sách nhiều năm của hệ thống cầm quyền.
Nếu cho tôi được vấn trắc để chấm trong thang điểm hạnh phúc, tôi sẽ đặt vấn đề về hệ thống y tế có làm cho con người ta hạnh phúc không? “Thực trạng đau lòng của hệ thống bệnh viện tại Việt Nam,” đó là nhận định chung của người dân khi được hỏi. Vì sao? Họ cho rằng đa số các bệnh viện ở Việt Nam hiện nay đều quá tải, chất lượng khám chữa bệnh rất thấp. Mối quan hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân nằm trong trạng thái căng thẳng, đó là chưa nói đến vấn đề đầu tiên – tiền đâu. Nếu người bệnh không có tiền thì sự thờ ơ, vô cảm thấy rõ nơi bệnh viện.
Thờ ơ vô cảm dường như trở thành một căn bệnh trong xã hội Việt Nam mà không có bác sĩ kê đơn. Người dân có sẵn sàng làm một điều gì đó cho thiện ích xã hội? Nhắm mắt, bịt tai, bịt miệng trước mọi tương tác, sự liên đới trong xã hội đang trở nên thịnh hành hơn sau gần 44 năm Cộng Sản cai trị.
Con người ta có hạnh phúc khi không được quyền quyết định sinh mạng chính trị của chính mình, vận mệnh dân tộc của quốc gia, khi cất lên tiếng nói của tự do nhưng lại bị cầm tù? Trong quá trình đi tìm hạnh phúc, con người lại khoanh khái niệm này thành những mục tiêu rất hạn hẹp và cụ thể, ví dụ quy thành niềm vui, hay sự thỏa mãn cá nhân nhất thời thì đó không phải là bản chất của hạnh phúc.
Trong một xã hội, một quốc gia mà phô diễn quá nhiều rủi ro, bất an và quyền hành chính trị công dân bị tước đoạt thì đó là quốc gia thuộc về sự bất hạnh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét