Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

13460 - Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan sang lĩnh vực tiền tệ

Ngọc Diệp (giới thiệu)

Tình hình chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang phát triển theo chiều hướng không mấy khả quan. Ngọn lửa chiến tranh thương mại bỗng nhiên lan sang cả lĩnh vực tiền tệ, cuộc chiến thương mại đã leo thang thành cuộc chiến tiền tệ.


Các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã kết thúc mà không có kết quả, Donald Trump hiểu rõ về mánh khóe câu giờ của Tập Cận Bình nên đã vô cùng phẫn nộ. Ông giữ nguyên quan điểm của mình và công bố bắt đầu từ ngày 1/9 sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với một phần hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc. Phía Trung Quốc có phần hoảng loạn, nhưng bề ngoài tỏ ra không phục và cho biết họ sẽ có biện pháp đáp trả. Donald Trump đã dành cho Trung Quốc thời gian đàm phán 1 tháng, việc này lẽ ra sẽ làm yên ổn tình hình trong ngắn hạn, nhưng điều khiến mọi người bất ngờ là ngọn lửa chiến tranh thương mại bỗng nhiên lan sang cả lĩnh vực tiền tệ, cuộc chiến thương mại đã leo thang thành cuộc chiến tiền tệ.
Ngày 5/8, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (NDT) so với USD đã giảm mạnh, phá vỡ ngưỡng 7 NDT/USD, neo ở mức 7,0282 NDT/USD. Động thái này của Trung Quốc cũng không thể xem thường, bởi tỷ giá duy trì ở ngưỡng 7 NDT/USD là một rào cản quan trọng đối với việc ổn định ngoại hối của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phá mốc 7 NDT/USD trong 9 năm qua. Lần này, “tổ ong vò vẽ đã bị chọc”, Donald Trump ngay lập tức phản ứng, ông viết trên Twitter rằng “Trung Quốc đã giảm giá đồng tiền của họ xuống mức gần như thấp nhất trong lịch sử. Đó được gọi là ‘thao túng tiền tệ’. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ có thấy gì không vậy? Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng mà sẽ khiến Trung Quốc suy yếu đi rất nhiều theo thời gian”. Ngay sau tuyên bố của Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã ra tuyên bố liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết tuyên bố của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 5/8 đã chứng minh rằng Chính quyền Bắc Kinh đã kiểm soát hoàn toàn tỷ giá đồng NDT. Hành động của Trung Quốc vi phạm cam kết của G20 về kiềm chế phá giá tiền tệ nhằm đặt lợi thế cạnh tranh tiền tệ và Mỹ hy vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ những cam kết này. PBOC đã ngay lập tức phản ứng bằng cách bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, đồng thời cho rằng tên gọi này không phù hợp với các tiêu chuẩn định lượng của cái gọi là “nước thao túng tiền tệ” mà Bộ Tài chính Mỹ tự đặt ra, là hành vi đơn phương và bảo hộ tùy tiện, phá hoại nghiêm trọng các quy tắc quốc tế. Bộ Thương mại Trung Quốc đã hành động và tuyên bố tạm dừng mua nông sản của Mỹ.
Trung Quốc và Mỹ lần này đã đối đầu nhau. Sáng ngày 6/8, thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã giảm 2% ngay trong phiên mở cửa giao dịch. Thị trường chứng khoán Hong Kong đã giảm hơn 600 điểm ngay trong phiên mở cửa, giảm 2,6%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,62% và chỉ số Shenzhen Component Index giảm 1,66%.
Đồng NDT phá ngưỡng 7 NDT/USD và vụ việc Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc là nước thao túng tiền tệ lập tức trở thành tâm điểm của dư luận quốc tế, bởi hậu quả của cuộc chiến tiền tệ nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại. “Thời báo tài chính” (Anh) cho biết lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ đã sụp đổ. Cuộc chiến thương mại đang bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có. Giám đốc đầu tư của Tập đoàn Bleakley Advisory Group, Peter Boockvar, cho rằng tình hình chiến tranh thương mại đang vượt khỏi tầm kiểm soát. “The New York Times” cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn nguy hiểm hơn. Giáo sư trong lĩnh vực thương mại tại Đại học Nam Carolina, Tạ Điền, đã chỉ ra rằng Chính phủ Trung Quốc chịu sức ép từ nhiều phía, cho phép đồng NDT mất giá là biện pháp bất đắc dĩ. Một mặt, Trung Quốc muốn đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách giảm tỷ giá NDT, mặt khác vì đã in rất nhiều tiền mặt, nên bất đắc dĩ không thể để đồng NDT thả nổi. Hiện Trung Quốc không thể kiểm soát được, cuộc chiến thương mại cũng đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối của họ, không còn nhiều tiền để duy trì tỷ giá hối đoái, vì vậy đành phải thả nổi nên đồng NDT mới “phá ngưỡng 7”. Việc đồng NDT mất giá có thể sẽ kích thích Mỹ thu thuế nhiều hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ chịu sức ép ngày càng lớn từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, kinh tế nước này sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dòng vốn chảy ra nước ngoài ngày càng nghiêm trọng, sự chuyển dịch chuỗi ngành nghề cũng sẽ tăng tốc. Về vấn đề này, tác giả bài viết đã đưa ra quan điểm của mình như sau:
Thứ nhất, việc đồng NDT phá vỡ ngưỡng 7 NDT/USD có phải là do Trung Quốc cố tình thao túng hay không?
Thống đốc PBOC Dịch Cương cho biết: “Trung Quốc tuân thủ hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định, không tham gia phá giá để cạnh tranh, không sử dụng tỷ giá hối đoái vào mục đích để cạnh tranh và không sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ để giải quyết tình trạng hỗn loạn bên ngoài như tranh chấp thương mại. Nhưng việc Chính phủ và PBOC kiểm soát giá cả ngoại hối là một thực tế không thể chối cãi. Trung Quốc là một quốc gia kiểm soát ngoại hối nghiêm ngặt, đồng NDT không được trao đổi tự do. PBOC chứ không phải các giao dịch thị trường xác định giá trung gian của tỷ giá NDT. Để giữ tỷ giá NDT không “phá vỡ ngưỡng 7”, chốt chặn tâm lý mang tính giai đoạn của PBOC cách đây 2-3 năm, PBOC cũng đã tiêu hao một lượng lớn dự trữ ngoại hối (từ gần 4.000 tỷ USD năm 2013 giảm xuống còn 3.000 tỷ USD hiện nay). Việc hạ giá đồng tiền lần này là một sự thao túng có chủ ý của Chính phủ Trung Quốc, mục đích là nhằm vào việc Mỹ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của Trung Quốc. Khi giải thích về sự mất giá của đồng NDT, ông Dịch Cương đã chủ động đề cập đến "ảnh hưởng của các biện pháp chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại cũng như việc dự báo Mỹ áp thuế bổ sung đối với Trung Quốc", đã chứng minh dấu vết bàn tay hữu hình của chính phủ Trung Quốc. Trong môi trường suy thoái kinh tế, ngăn chặn tác động của thuế quan thông qua việc phá giá tiền tệ để đối phó với ảnh hưởng của thuế quan, kích thích xuất khẩu, phù hợp với một số lý do nhất định. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, hậu quả tiềm tàng mà tỷ giá nhân dân tệ “phá ngưỡng 7” gây ra là không thể ước tính được.
Thứ hai, hậu quả của việc đồng NDT mất giá.
Đồng nhân dân tệ mất giá là con dao hai lưỡi, không chỉ có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc, mà còn đẩy nhanh quá trình dòng vốn chảy ra bên ngoài và thúc đẩy tăng giá thành nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, tăng sức ép lạm phát. Chính phủ Trung Quốc luôn coi việc "đảm bảo tỷ giá đồng NDT/USD ở ngưỡng 7" là chốt chặn không thể bị phá vỡ. Kể từ tháng 5/2008 đến nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chưa bao giờ để tỷ giá NDT/USD “phá ngưỡng 7”. Tỷ giá hối đoái NDT/USD “phá ngưỡng 7” có tác động lớn đến tâm lý của người dân Trung Quốc, sẽ khiến họ gia tăng dự báo về cuộc khủng hoảng kinh tế và lạm phát ở nước này. Sau khi tỷ giá “phá ngưỡng 7”, điểm tới hạn của tỷ giá hối đoái tiếp theo nằm ở đâu? Có học giả cho rằng các tính toán hiện nay đều không đáng tin cậy, bởi bản thân những thay đổi mà người dân dự báo là không chắc chắn, nhưng điều có thể khẳng định là trong tay PBOC hiện còn khá nhiều dự trữ ngoại hối. Chỉ cần PBOC sẵn sàng trả giá, tỷ giá đồng NDT thậm chí có thể quay về trong ngưỡng 7, nhưng về mặt tâm lý xã hội, chiếc hộp Pandora vừa được mở ra thì sức mạnh ma thuật của nó rất khó kiểm soát. Chiếc hộp Pandora trong nền kinh tế Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn như nợ chính phủ, hệ thống tài chính, bong bóng bất động sản…
Tác giả bài viết cho rằng hành động này của PBOC là nhằm mục đích thăm dò điểm tới hạn tiếp theo, tiếp tục duy trì ổn định thị trường ngoại hối, giữ cho tỷ giá dao động trong ngưỡng 7 và sẽ không để tỷ giá đồng NDT rơi tự do một cách không kiểm soát. Có học giả cho rằng tỷ giá đồng NDT đã cho thấy mức độ biến động nhất định, nhưng tính linh hoạt của tỷ giá theo chiến lược duy trì ổn định này rất khác với trạng thái cân bằng thị trường thực. PBOC tạm thời thoát khỏi nguyên tắc tỷ giá không được “phá vỡ ngưỡng 7”, đồng thời sẽ dần dần buộc mình vào câu “nguyên tắc” mới. Cần phải chỉ ra rằng đồng NDT mất giá có tác động nhiều hơn đến cuộc sống của người dân, có thể dự báo mức độ tăng vật giá sẽ còn lớn hơn nữa. Số liệu cho thấy tháng 6/2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó giá thực phẩm, hoa quả tươi tăng 42,7%, tăng 16 điểm phần trăm so với tháng trước; giá thịt lợn tăng 21,1%, tăng 2,9 điểm phần trăm so với tháng trước; giá rau tươi tăng 4,2%.
Thứ ba, hậu quả của việc Trung Quốc bị liệt vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Báo cáo của Tập đoàn Tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC) chỉ rõ hiện nay cơ sở pháp lý để Mỹ nhận định "nước thao túng tiền tệ" là Đạo luật về thuận lợi và thực thi thương mại năm 2015 (TFTEA). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ có quyền quyết định các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan và các ngưỡng xác định, tổng thống cũng có thể chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh. Trung Quốc liệu có biểu hiện của nước thao túng tiền tệ hay không? Có ba tiêu chí chủ yếu xác định nước thao túng tiền tệ là nước thao túng tỷ giá có thâm hụt thương mại vượt trên 20 tỷ USD, thặng dư tài khoản vãng lai hơn 3% GDP và đơn phương liên tục can thiệp vào tỷ giá hối đoái. So sánh hai tiêu chí "đạt chuẩn" của Trung Quốc: Một là giữa Mỹ và Trung Quốc có thâm hụt thương mại rất lớn; Hai là theo số liệu chính thức của Trung Quốc, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc năm 2007 chiếm hơn 10% GDP, giảm xuống còn 3,5% trong năm 2015 và giảm xuống còn 1,38% trong năm 2017. Số liệu bên ngoài cho thấy những con số này không phù hợp điều kiện 3% của Mỹ. Ba là sự can thiệp của Trung Quốc vào tỷ giá hối đoái, cố tình giảm giá đồng NDT để bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu do chiến tranh thương mại là một thực tế, phù hợp với điều kiện của Mỹ. Trung Quốc từng 5 lần bị Mỹ cáo buộc là nước thao túng tiền tệ trong những năm 1992-1994.
Theo luật pháp của Mỹ, nếu một quốc gia nào đó bị liệt vào danh sách nước thao túng tiền tệ thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ khởi động đàm phán với nước này để thúc giục họ thay đổi biện pháp. Nếu tỷ giá hối đoái tiếp tục bị thao túng sau 1 năm, thì Tổng thống Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt sau: 1. Cấm các công ty đầu tư tư nhân ở nước ngoài của Mỹ góp vốn vào bất kỳ dự án nào của nước này; 2. Loại nước này ra khỏi danh sách nước mua sắm và cung cấp của Chính phủ Mỹ; 3. Kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng cường giám sát đối với nước này; 4. Chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá xem có nên ký kết hiệp định thương mại với nước này hay khi khởi động, tham gia đàm phán hiệp định thương mại thì cần phải xem xét hành vi thao túng tiền tệ của họ. Do vậy, tác giả bài viết cho rằng hành động của Tổng thống Donald Trump và Bộ Tài chính Mỹ phần lớn mang tính tượng trưng. Bởi vì, khi Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, bước tiếp theo là đàm phán giữa hai nước. Vì vậy, mục đích Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vẫn là gây sức ép với họ để buộc Tập Cận Bình phải nhanh chóng nhượng bộ và đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Xét về phía Tập Cận Bình, liệu có phải cố tình giảm sức ép xuất khẩu hay không? Cần phải quan sát Mỹ trong thời gian 1 năm, cuộc tranh cử của Trump thất bại, sau đó khôi phục quan hệ với tổng thống nhiệm kỳ mới?
Cuối cùng, tổng kết lại rằng tỷ giá hối đoái NDT/USD đã “phá ngưỡng 7” là do Chính phủ Trung Quốc cố tình áp đặt, với mục đích nhằm vào hành vi tăng thuế của Mỹ và giảm bớt sức ép do xuất khẩu giảm mang lại. Mục đích của việc Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ là nhằm gây sức ép, buộc họ phải sớm thỏa hiệp và đạt được giao dịch với Mỹ. Nhưng sự kiêu ngạo của Tập Cận Bình đã vượt quá dự đoán của Donald Trump, phản ứng quá khích của Trung Quốc cũng sẽ khiến cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt. Để trả đũa việc Donald Trump tăng thuế, Trung Quốc còn có thể đưa ra “con bài” khác và việc giảm giá đồng NDT không phải là thượng sách. Trung Quốc vội vàng để tỷ giá đồng NDT phá vỡ ngưỡng 7 là một hành động nguy hiểm, không tính đến tâm lý lo ngại của các doanh nghiệp tư nhân và người dân Trung Quốc về cuộc khủng hoảng kinh tế, đã vội vàng châm lửa vào “thùng thuốc súng” tài chính của mình./.
Bài gốc được đăng trên trang Boxun.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét