Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

13478 - Công ty nước ngoài vỡ nợ, ai bảo vệ quyền lợi cho công nhân?


Công nhân công ty Kaiyang biểu tình sáng ngày 28/8/2019.
Công nhân công ty Kaiyang biểu tình sáng ngày 28/8/2019.


Sáng ngày 28/8, hơn 2.300 công nhân Công ty TNHH KaiYang Việt Nam tại Hải Phòng đã xuống đường biểu tình đòi quyền lợi khi ban lãnh đạo của công ty 100% vốn nước ngoài này bỏ trốn. Hơn 2.000 công nhân vừa vỡ òa hạnh phúc khi được đi làm lại sau một tuần bị mất việc đột ngột do Ban lãnh đạo công ty bỏ trốn không rõ nguyên nhân thì một tuần sau đó họ lại phải thất nghiệp và có nguy cơ không nhận được lương và bảo hiểm khi Ban lãnh đạo mới lên một lần nữa bỏ chạy.
Đó là câu chuyện của hơn 2.000 công nhân tại Công ty Kai Yang Việt Nam có trụ sở tại Hải Phòng. Và, bây giờ họ đang hoang mang vì thất nghiệp và không biết số phận sẽ như thế nào khi chính quyền địa phương công bố chưa tìm ra giải pháp nào giúp họ...

Hoang mang tột độ

Câu chuyện bắt đầu vào hôm 12/8, khi truyền thông trong nước đưa tin hơn 2.300 công nhân lao động công ty KaiYang tại thành phố Hải Phòng phát hiện Tổng giám đốc công ty là ông Huang Shang Che cùng 17 nhân viên kỹ thuật người Đài Loan đã biến mất. Trong khi đó, công nhân công ty này vẫn chưa nhận được lương tháng 7, theo lịch thanh toán là vào ngày 10/8.
Đến ngày 20/8, ban lãnh đạo mới của công ty KaiYang do bà Jenny Koo điều hành cam kết trả 50% lương tháng 7 và 10 ngày tháng 8 của người lao động  đến ngày 24/8, 50% còn lại sẽ trả hết trong ngày 31/8.
Nói rõ hơn về tình trạng lương bổng tại Kai Yang, chị H., một công nhân làm ở công ty không muốn nêu tên trả lời qua Facebook Messenger, cho hay:
“Ngày 23/8 chúng tôi nhận được 4 triệu tiền lương, nhưng đến chiều ngày 26, chủ tịch công đoàn công ty cho họp tất cả công nhân thông báo về tình hình công ty. Do vấn đề pháp lí nên chủ mới không thể tiếp nhận công ty được nên ai muốn gắn bó thì cứ đi làm còn ai không muốn gắn bó thì có thể nghỉ ở nhà. Không biết chúng tôi có bị sắp đặt hay không, nhưng tất cả công nhân chúng tôi nghĩ mình bị lừa.”
Không chỉ bị nợ lương, chị H. còn cho biết người lao động ở KaiYang còn bị công ty chiếm đoạt tiền bảo hiểm trong 3 tháng qua, chị viết:
“Công nhân chúng tôi vẫn đóng bảo hiểm hàng tháng đầy đủ. Nhưng công ty bảo hiểm quận Kiến An nói là công ty mới đóng bảo hiểm cho chúng tôi đến tháng 5. Chúng tôi rất bất ngờ về việc này.
Bà Trần Lương, người đại diện bảo hiểm cho doanh nghiệp và giám đốc bảo hiểm quận Kiến An có nói rằng: ai muốn nối bảo hiểm hay những chế độ thai sản thì đóng 100% bảo hiểm thông qua người đại diện bảo hiểm công ty vào những tháng 5,6,7 đấy thì sẽ được chốt và thanh toán. Còn ai không muốn thì có thể mang sổ đến chốt hết tháng 4.”
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng và Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng sáng 27/8 đã có cuộc đối thoại với công nhân để trấn an họ sau khi ban lãnh đạo mới thông báo công nhân nghỉ việc, nhưng vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết cụ thể.
Trước tình trạng này, đến sáng ngày 28/8, hơn 2.300 công nhân Công ty TNHH KaiYang Việt Nam tại Hải Phòng đã xuống đường biểu tình đòi quyền lợi chính đáng của mình. Chị Hương Phạm, một công nhân may công ty KaiYang có mặt trong đoàn người biểu tình cho chúng tôi biết:
“Thứ nhất là số tiền lương còn lại, thứ hai là tiền bảo hiểm của mọi người 10 mấy năm nay, từ ngày thành lập công ty tới bây giờ. Mọi người hy vọng lấy được số tiền công ty chốt cho, tiền bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và các loại tiền cho công đoàn, tiền thai sản, tiền ốm đau… rất nhiều tiền chứ không phải ít, thậm chí có người lên vài chục triệu chứ không phải vài triệu.”

Tranh đấu đòi quyền lợi

Theo lời chị H., khi đoàn công nhân đến công ty thì Chủ tịch công đoàn và người đại diện bảo hiểm của công ty vắng mặt. Vì vậy, tất cả hơn 2.000 công nhân đã tự mình đấu tranh cho quyền lợi của mình và cùng nhau đến UBND quận Kiến An yêu cầu các cán bộ trả lời và giải thích:
“Tất cả công nhân chúng tôi rất bình tĩnh, không kích động. Chúng tôi chỉ muốn đòi lại đúng những quyền lợi mà chúng tôi phải được hưởng. Lúc đấy chủ tịch quận và chủ tịch thành phố mới xuống làm việc, có nói là sẽ họp khẩn cấp và tìm hướng giải quyết và nói công nhân chúng tôi ngày mai không được đến cổng công ty đấu tranh như thế. Nếu ai còn đến sẽ xử lí nghiêm theo quy định.”
Báo trong nước dẫn lời ông Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cho biết việc xuất tiền giải quyết cho các công nhân đang gặp khó khăn do chưa có cơ chế pháp lý nên không thể tiến hành.
Trong khi đó, theo khoản 4 Điều 47 của Bộ Luật lao động 2012 quy định khi doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động phải được ưu tiên thanh toán. Chẳng lẽ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng không biết quy định này để trấn an công nhân?
Anh Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động cho quyền lợi của công nhân, nhìn nhận vấn đề này theo hướng khác, anh cho rằng, do nhà nước Việt Nam kêu gọi đầu tư một cách lỏng lẻo nên không bảo vệ được quyền lợi cho công nhân lao động:
“Khi một doanh nghiệp đầu tư vào một tỉnh nào đó thì bắt buộc tỉnh đó, Liên đoàn lao động tỉnh đó và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải có biện pháp bảo vệ công nhân. Không thể nói bây giờ công ty không trả tiền công nhân rồi bỏ trốn thì nhà nước không có biện pháp. Như vậy nhà nước kêu gọi đầu tư để làm gì? Quyền lợi công nhân nằm ở đâu trong khi mỗi tháng công nhân đều đóng những khoản cho công đoàn, bảo hiểm rồi nó nằm ở đâu?”
Vẫn theo anh Đoàn Huy Chương, vấn đề doanh nghiệp bỏ trốn không phải là mới ở Việt Nam mà đã xảy ra từ rất nhiều năm nay. Nguyên nhân được anh cho là do sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước và không có sự bảo vệ cho người lao động nên giống như đến hẹn lại lên, công ty sau một thời gian hoạt động rồi tuyên bố phá sản hoặc bỏ trốn thì thiệt hại chính vẫn là người lao động. Vì vậy, anh đề ra giải pháp:
“Với cơ chế hội nhập hiện nay cần phải có sự minh bạch giữa nhà nước và người lao động. Tôi nghĩ nhà nước Việt Nam phải trao cho người lao động một quyền nhất định là quyền giám sát doanh nghiệp của mình chứ không để doanh nghiệp lộng hành như vậy. Bởi vì nhà nước Việt Nam không có công đoàn độc lập, không cho người lao động đứng ra thành lập một tổ chức để tự mình bảo vệ quyền lợi nên việc này lặp đi lặp lại.”
Hiện tại, theo nhiều chia sẻ từ các công nhân công ty KaiYang, mọi người sẽ không biểu tình nữa mà sẽ ngồi nhà trông chờ sự giải quyết từ các cấp chính quyền, theo đúng yêu cầu của họ. Tuy nhiên, họ không có niềm tin vào sự can thiệp của chính quyền.
Chị H. chia sẻ chị và những công nhân không biết phải chờ đến bao giờ.  Tuy nhiên vì quyền lợi của chị và những công nhân khác chị sẽ đấu tranh đến cùng để giành lại quyền lợi cho gia đình, con cái của chị.
Cũng trong chiều 28/8, chị Hương Phạm, một công nhân khác cho biết, các anh chị em công nhân đã nhận được một công văn gửi hỏa tốc trên facebook về hướng giải quyết cho người lao động KaiYang:
“Trong công văn bảo tiền hoàn thuế về cho công ty chuyển qua ngân hàng. Ngân hàng nói sẽ không siết nợ nữa, sẽ không trừ tiền thuế hơn 3 tỉ nữa để trước hết trả lương công nhân, rồi đến tiền thai sản, bảo hiểm. Chúng em rất mong muốn hơn 9 tỉ đó để trả cho công nhân.”
Tuy nhiên, báo chí trong nước và phía công ty vẫn chưa xác nhận thông tin này. Theo chị Hương, đây không phải là lần đầu một công văn có nội dung không chính xác được đưa ra mà lại không theo thông báo chính thức từ công đoàn công ty mà lại phát hành trên facebook, nên hầu như mọi người đã không còn niềm tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét