Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

13468 - Cả hệ thống buôn bán… tâm linh!





                     Một đại lễ tại chùa Tam Chúc ngày 13 tháng Năm, 2019.



Các đại tự: Bái Đính, Tam Chúc, vốn mang nhiều yếu tố không “nhất thế giới”, “nhất Đông Nam Á” thì cũng… “nhất Việt Nam” đã, đang và chắc chắn sẽ còn là tâm của nhiều scandal. Trước, đại tự Bái Đính nổi tiếng vì là một thành tố của Dự án Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), đại tự Tam Chúc nổi tiếng vì là một thành tố của Dự án Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam). Cả hai dự án đều do doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư.
Đại tự Bái Đính rồi Đại tự Tam Chúc đã mở đường cho những dự án đem tâm linh gắn vào du lịch mà hệ thống công quyền Việt Nam hào hứng gọi là… “du lịch tâm linh”! Xua cho tâm linh đồng hành với du lịch đã góp phần tạo ra những đại tự tọa lạc bên cạnh các nhà hàng, khách sạn, sân golf, khu giải trí và… sòng bạc!
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó. Sáng kiến phát triển cuộc hôn nhân trái khoáy giữa tâm linh vốn cần trang nghiêm với du lịch chỉ nhắm tới gia tăng náo nhiệt đã thúc nhiều ngành, thuộc đủ mọi cấp từ trung ương đến địa phương cho ra đời nhiều qui hoạch, dự án… dùng tâm linh phát triển kinh tế - xã hội!
Thay mặt chính phủ, năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL) bắt đầu quảng bá cho qui hoạch “Tuyến du lịch tâm linh khu vực đồng bằng sông Hồng” (1). Theo đó, hệ thống công quyền sẽ phát triển các khu du lịch rộng lớn với những đại tự chưa từng thấy thành… tuyến.
Tuyến này bắt đầu từ Hà Nội, băng qua Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam. Hệ thống công quyền còn tuyên bố sẽ xây dựng thêm các “tuyến du lịch tâm linh trọng điểm” vừa gắn chính quyền các địa phương với doanh nghiệp, vừa gắn các doanh nghiệp với nhau (2).
“Du lịch tâm linh” không chỉ lấp lánh ánh kim, những cá nhân cổ súy “du lịch tâm linh” còn khéo léo biến “du lịch tâm linh” thành những món trang sức, trao chúng cho hệ thống công quyền, giúp hệ thống công quyền có cơ hội tô điểm lại diện mạo vốn rất nhiều vết ố vì xâm hại nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo.
Nói cách khác, các sản phẩm của “du lịch tâm lịch” như đại tự Bái Đính, đại tự Tam Chúc được hỗ trợ tận tình vì tự nguyện trở thành công cụ hữu dụng về chính trị, trọng lượng riêng cứ thế lớn dần theo những Đại lễ Vesak (đại lễ mang tính quốc tế của Phật giáo, kỷ niệm cùng lúc ba sự kiện: Phật Đản, Phật Thành đạo và Phật nhập Niết bàn).
Đến giờ, Xuân Trường – doanh nghiệp khai phá “du lịch tâm linh” vẫn dẫn đầu về đầu tư vào “du lịch tâm linh”. Sau Bái Đính, Tam Chúc là dự án “du lịch tâm linh” Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), dự án “du lịch tâm linh” Cái Tráp (Hải Phòng). Năm ngoái, Xuân Trường đề nghị giao 1.000 héc ta để thực hiện dự án “du lịch tâm linh” chùa Hương (Hà Nội) (3).
***
Trước chỉ trích càng ngày càng tăng về sự phát triển không ngừng của các dự án “du lịch tâm linh” mà tính chất giống như “buôn thần, bán thánh”, cách nay hai tháng, một số đại biểu Quốc hội như Trương Trọng Nghĩa, Phạm Văn Hòa đã chất vấn chính phủ về chuyện giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường vốn có rất nhiều dấu hiệu đáng ngờ (4).
Cách nay một tuần, trong văn bản trả lời những chất vấn ấy, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) cho biết, xét theo quy hoạch đã được chính phủ phê duyệt năm 2003 thì đại tự Bái Đính nằm trong Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, diện tích 1.566 héc ta để “bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị” khu di tích này.
Năm 2004, khi phê duyệt qui hoạch chi tiết, chính quyền tỉnh Ninh Bình đặt lại tên cho qui hoạch vừa kể là Khu Du lịch Tràng An. Diện tích Khu Du lịch Tràng An được nới rộng, tăng thêm 395 héc ta thành 1.961 héc ta, bao gồm đất thu hồi của dân, rừng do chính quyền địa phương quản lý và công thổ.
Quỹ đất gần 2.000 héc ta ấy được giao cho ba nơi chia nhau quản lý: Sở VHTTDL (495,3 héc ta), Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An (18,6 héc ta) và UBND huyện Gia Viễn (4,3 héc ta). Cho đến giờ này, trên giấy tờ, 1.961 héc ta ấy vẫn thế, nghĩa là doanh nghiệp Xuân Trường không được giao đất (5).
Có vài câu hỏi chưa được giải đáp. Chẳng hạn, về tính chất, “khu di tích” khác xa “khu du lịch”. “Khu dí tích” phải được “bảo tồn, tôn tạo” nghiêm ngặt cả về kiến trúc lẫn cảnh quan. Tại sao chính quyền tỉnh Ninh Bình tùy tiện biến “khu di tích” thành “khu du lịch” và tại sao chính phủ làm thinh, không nói gì suốt 15 năm vừa qua?
Tại sao không được giao đất mà Xuân Trường có thể xây dựng đại tự quy mô như Bái Đính, khai thác hàng ngàn héc ta đất để kiếm lời rầm rộ hơn mười năm? Tại sao hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương làm thinh, không nơi nào, không cá nhân nào thắc mắc cả về giao đất, lẫn xác định mục đích sử dụng đất để thu tiền cho công quỹ?
Sau văn bản trả lời những chất vấn xoay quanh chuyện giao đất cho Xuân Trường, Tổng cục Quản lý đất đai (QLĐĐ) thuộc Bộ TNMT đã có văn bản yêu cầu chính quyền ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên báo cáo về việc giao đất cho doanh nghiệp này thực hiện các dự án “du lịch tâm linh” (6).
Khác với Ninh Bình, tuy Hà Nam có giao đất cho Xuân Trường thực hiện dự án “du lịch tâm linh” Tam Chúc – Ba Sao nhưng nếu chiếu theo các qui định hiện hành về quản lý đất đai thì sẽ có nhiều viên chức phải vào tù vì giao hàng ngàn héc ta đất nhưng thiếu tất cả những yếu tố cần thiết để tính toán, thu tiền cho công quỹ.
Ở Thái Nguyên, cho dù Xuân Trường đã chi tiền làm đủ thứ, tháng 5 vừa qua, báo chí cho biết chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã giao khoảng một nửa diện tích dành cho dự án “du lịch tâm linh” Hồ Núi Cốc cho Xuân Trường (7) nhưng theo Tổng cục QLĐĐ thì Xuân Trường “đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt”, chưa có hồ sơ xin thuê đất.
Trong bốn dự án “du lịch tâm linh” đình đám mà Xuân Trường làm chủ đầu tư, chỉ có dự án “du lịch tâm linh” đảo Cái Tráp ở Hải Phòng đang bị chính quyền địa phương làm các thủ hủy bỏ vì từ 2015 đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn tất công việc khảo sát, đệ trình thiết kế dự án.
***
Doanh nghiệp Xuân Trường vừa tuyên bố không có mét vuông nào ở hai đại tự Bái Đính và Tam Chúc. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về tuyên bố này. Ông Trường cùng các phật tử góp công, góp của để xây dựng hai đại tự vì mến mộ Đức Phật, yêu thiên nhiên, trân trọng các giá trị lịch sử văn hóa của quê hương.
Còn Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, kiêm Phó Trụ trì thường trực chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc vừa khẳng định, cả hai đại tự đều là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), được quản lý, vận hành theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật (8).
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang thì cuối năm ngoái, sau khi thiên hạ thảo luận sôi nổi về chuyện xây chùa để kinh doanh, GHPGVN từng gửi công văn cho các cơ quan hữu trách nhấn mạnh, Bái Đính và Tam Chúc là hai cơ sở thờ tự của GHPGVN. Ông bảo rằng: Mọi người thấy doanh nghiệp xây chùa nên nghĩ chùa là của họ, họ có quyền sở hữu và kinh doanh nhưng điều này không đúng. Chính quyền địa phương giao đất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, doanh nghiệp và các phật tử chỉ là đơn vị thi công chùa giúp cho Giáo hội, mọi người làm công quả, hộ trì Phật giáo! Ngoài việc là là nơi thờ phụng, phật tử đến tĩnh tâm, tu tập, hai đại tự còn thúc đẩy phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân địa phương, phục vụ công tác đối ngoại của đất nước, đặc biệt là đối ngoại về văn hóa, tôn giáo...
Cách nay năm tháng, Thượng tọa Thích Minh Quang từng trần tình, mỗi năm, chùa Bái Đính cần từ 70 tỉ đến 80 tỉ để duy trì hoạt động. Tiền công đức, tiền giọt dầu và các nguồn thu khác chưa được 1/3 nên doanh nghiệp Xuân Trường phải đài thọ. Các thầy từng tính tiết kiệm tiền điện nhưng “Xuân Trường bảo không được cho nên ngày nào chùa cũng thắp đèn cả đêm”, gần đây đến 22 giờ tối mới tắt. Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính nói thêm, đại tự này hiện có “400 cán bộ công nhân viên, một tháng trả bình quân 4,5 triệu đồng – 8 triệu đồng cho một người”. Thượng tọa Thích Minh Quang thừa nhận, Bái Đính không có phật tử làm công quả như các chùa khác vì “tất cả mọi người đều nghĩ rằng chùa Bái Đính đã được ông Xuân Trường đài thọ nên không phải làm gì”. Cũng vì vậy, phải trả lương, mua bảo hiểm cho “hơn 50 người viết công đức” (8).
Tháng 6 vừa qua, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm đại biểu Quốc hội cũng từng khẳng định với Quốc hội rằng tất cả các chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, tiền xây chùa là do giáo hội, các địa phương và dân chúng đóng góp. Không có chùa BOT (9).
Đến tháng 7, tờ Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) giới thiệu “Huyên náo Tam Chúc”, một phóng sự hai kỳ. Theo đó, khách đến đại tự Tam Chúc phải trả đủ thứ phí với giá không rẻ chút nào. Không có biên lai, không thể sử dụng các dịch vụ đưa vào bên trong vãn cảnh chùa, còn khi ra, khách sẽ được nhân viên đề nghị hoàn lại… biên lai!
Cũng theo tờ SGGP, Tam Chúc gây ấn tượng đặc biệt còn vì nhà hàng trong chùa bán đủ thứ đồ mặn (phở gà, bánh cuốn thịt nướng, cơm chiên hải sản, thịt kho tộ, cá kho tộ, cá rán giòn, cơm sườn…) và bếp của nhà hàng này là nơi chế biến, nấu nướng cả đồ chay lẫn đồ mặn (10)!
Cho dù chủ doanh nghiệp Xuân Trường tuyên bố, ông không có mét vuông đất nào ở cả hai đại tự Bái Đính và Tam Chúc, dẫu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Thượng tọa Thích Minh Quang khẳng định, cả Bái Đính lẫn Tam Chúc cùng là “chùa của GHPGVN, quản lý, vận hành theo Hiến chương GHPGVN” nhưng đâu phải một vài mà là hàng triệu người cùng thấy doanh nghiệp Xuân Trường đang tổ chức khai thác mọi thứ.
Chuyện không chỉ có vậy. Chẳng biết có phải nhờ sức mạnh “tâm linh” hay không mà Xuân Trường có thể xây dựng sân golf Kim Bảng trong Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc Ba Sao không cần giấy phép. Ngoài phạt tiền, Thanh tra Bộ Xây dựng còn yêu cầu tháo dỡ toàn bộ công trình trong 60 ngày nhưng sân golf Kim Bảng vẫn còn nguyên, vẫn hoạt động, thậm chí còn tổ chức thi đấu, trao giải.
Khi trò chuyện với phóng viên SGGP, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Nam, xác nhận, chưa cấp đất cho đại tự Tam Chúc (diện tích 144 héc ta) vì “đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng”. Tuy nhiên ông Hảo nói thêm, vì là cơ sở tôn giáo, đất sẽ được giao… lâu dài và không… thu tiền (11).
Qua “Huyên náo Tam Chúc”, SGGP góp thêm thắc mắc mà thỉnh thoảng báo giới Việt Nam lại nêu lên trong vài năm vừa qua, đó là hàng chục ngàn tỉ đã được hệ thống công quyền rút từ công quỹ để rót vào các công trình hạ tầng, mở đường vào những khu “du lịch tâm linh” do Xuân Trường đầu tư.
Chẳng hạn riêng Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc - Ba Sao là nâng cấp quốc lộ 21A đoạn từ Ba Chồm đến cầu Đồng Sơn, nâng cấp tỉnh lộ 74 đoạn qua Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao tới địa phận Hà Nội, xây dựng tuyến T3 nối Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao với quốc lộ 1A, xây dựng mới tuyến nối Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao với chùa Hương. Sau năm 2030 sẽ “kết nối với các tuyến cao tốc như đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, đường Hồ Chí Minh, đầu tư tuyến Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính điều chỉnh cho phù hợp với khả năng, thẩm quyền của địa phương tạo nên tuyến du lịch văn hóa tâm linh, kết hợp với các điểm danh thắng trong khu vực”.
Một chuyên gia kinh tế yêu cầu ẩn danh từng phân tích với phóng viên tờ SGGP thực hiện “Huyên náo Tam Chúc”: Nhà nước bỏ tiền đầu tư nhằm tạo dòng khách về Bái Đính, Tam Chúc. Còn nếu tiền do nhà đầu tư bỏ ra thì sẽ được tính vào suất đầu tư của họ. Chi phí cho các cung đường này không nhỏ, khoảng 25.000 tỉ đồng đến 30.000 tỷ đồng và sẽ tạo ra “con đường tâm linh”. Đó là một kế hoạch kinh doanh rất hoàn hảo vì năm nào người Việt nhất là cư dân vùng đồng bằng sông Hồng cũng hành hương. Nếu sau này có thêm sự kết nối với chùa Hương thì sẽ không có đồng nào rớt ra khỏi cái phễu hút tiền đó.
***
Nhìn một cách tổng quát, chỉ kiểm tra việc giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện các dự án du lịch tâm linh là chưa đủ, phải kiểm tra tại sao từ trung ương đến địa phương thi nhau dùng công quỹ để phát triển hệ thống hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp này kinh doanh.

Năm 2014, tờ Nhân Dân từng có một bài, đề nghị cần phân định rõ trách nhiệm quản lý Khu Du lịch Tâm linh Tràng An – Bái Đính. Vốn đầu tư vào Khu Du lịch Tràng An – Bái Đính, đặc biệt là hạ tầng, không phải của Xuân Trường, nhiều hạng mục trong dự án này là công quỹ (khoảng 3.000 tỉ) nhưng tổ chức khai thác thì vẫn do Xuân Trường đảm nhận. Bởi có sự “đan xen chằng chịt giữa công và tư” nên chưa xác định được tỷ lệ đầu tư/tỷ lệ phân chia lợi nhuận. Lúc đó, Xuân Trường hưởng… 90% doanh thu (12). Giờ thì sao, cứ như SGGP tường thuật thì Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc – Ba Sao cũng chẳng khác gì .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét