Nguyễn Phương Hoài (giới thiệu)
Cuộc đọ sức Trung-Mỹ chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt sau hàng loạt các cuộc đàm phán bế tắc. Liệu thương chiến có lây lan sang lĩnh vực chính trị và gây ra kết quả tương tự như cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 30 của thế kỷ 20?
Đúng như dự đoán của dư luận, cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ tại Thượng Hải một lần nữa thất bại trong việc hạ nhiệt cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Cuộc đọ sức Trung-Mỹ cũng đã diễn biến theo hướng một cuộc chiến về tài chính và tiền tệ. Mặc dù Mỹ sớm tuyên bố hoãn áp thuế một phần trong gói hàng hóa xuất khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc, lệnh cấm đối với Huawei cũng một lần nữa được kéo dài thêm 90 ngày, nhưng Donald Trump gần đây đã tuyên bố công khai rằng ông “không muốn làm ăn với Huawei nữa”. Gần đây, rõ ràng Mỹ có ý đồ đưa vấn đề Hong Kong vào đàm phán thương mại Trung-Mỹ. Triển vọng đàm phán Trung-Mỹ đã trở nên phức tạp và khó đoán hơn.
Trang HK01 mới đây có cuộc phỏng vấn với Phó giáo sư Tả Hy Nghênh, Học viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc về nội dung liên quan đến cuộc chiến thương mại, triển vọng cuộc đọ sức chiến lược Trung-Mỹ. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
(HK01) Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế một phần đối với gói hàng hóa xuất khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc. Donald Trump nói rõ rằng đây là kết quả chủ yếu sau khi cân nhắc đến nhân tố mùa Giáng sinh và không muốn làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây không phải là “cành ô liu” mà Mỹ chìa ra với Trung Quốc. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tả Hy Nghênh: Tôi cho rằng đến nay Trung Quốc và Mỹ đã hiểu khá rõ về ý đồ và quyết tâm của nhau. Việc Donald Trump hoãn áp thuế đối với một số hàng hóa của Trung Quốc lần này cũng thể hiện rõ “nghệ thuật đàm phán” của ông ta, đó là: Ngoài miệng nói vì nghĩ đến nhân tố người tiêu dùng Mỹ, nhưng trên thực tế là có ý định dành một lối thoát cho Trung Quốc, để ngỏ một dư địa nhất định cho đàm phán Trung-Mỹ, buộc Trung Quốc phải thỏa hiệp.
Về việc Trung Quốc sẽ đưa ra biện pháp nào, tôi nghĩ đường lối đàm phán hiện nay của Trung Quốc rất rõ ràng. Từ ngày 10/5 đến nay, về cơ bản không có sự thay đổi quá lớn, nghĩa là muốn đạt được thỏa thuận thương mại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Vì vậy sẽ có quan điểm cho rằng 11 vòng đàm phán trước đây giữa Trung Quốc và Mỹ phần lớn là thể hiện tranh chấp và bất đồng. Từ vòng đàm phán thứ 12 tại Thượng Hải, hai bên đều đã bước vào tư thế “đối đầu”. Cuộc đàm phán tại Thượng Hải mới là sự khởi đầu của cuộc chiến thương mại thật sự?
Tả Hy Nghênh:Tôi không nhất trí với quan điểm này. Cần phải nói rằng từ sau ngày 10/5, cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới, cuộc đàm phán tại Thượng Hải chỉ là sự khởi đầu giai đoạn mới của cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Nếu xét về thời gian, ngay từ ngày 14/8/2017, Donald Trump đã công bố Bản ghi nhớ với Đại diện thương mại Mỹ để bắt đầu tiến hành điều tra Trung Quốc theo điều 301 của Luật thương mại năm 1974. Có nghĩa là, khi đó Mỹ đã bước vào giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ngày 22/3/2018, Văn phòng Đại diện thương mại công bố báo cáo điều tra theo điều 301, về cơ bản được coi là phía Mỹ đã “hạ chiến thư” với Trung Quốc về các vấn đề thương mại. Ngày 9/3/2018, Donald Trump đã chính thức ký lệnh “lần lượt áp thuế 25% và 10% đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu”, trong đó có 3 tỷ USD liên quan đến hàng hóa Trung Quốc. Cuộc tấn công lần đầu tiên của Donald Trump phát động nhằm vào Trung Quốc là áp thuế bổ sung 25% đối với gói hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá 50 tỷ USD vào ngày 6/7/2018. Cá nhân tôi nghiêng về hướng cho rằng đây là khởi điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tất nhiên, các lập luận khác nhau về khởi điểm của cuộc chiến thương mại này đều có điểm hợp lý, điều này phụ thuộc vào góc độ quan sát của mỗi người.
Quá trình đàm phán Trung-Mỹ có một số mốc quan trọng. Cột mốc thứ nhất là cuộc đàm phán song phương lần đầu tiên từ 3-4/5/2018. Đây là cuộc đối đầu đầu tiên giữa hai bên. Phía Mỹ đã đưa ra một khuôn khổ cho tiến trình đàm phán, đề ra các yêu cầu chi tiết đối với Trung Quốc. Đó có thể coi là điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán giữa hai bên. Cột mốc thứ hai là ngày 1/12/2018, theo đó có hai sự kiện quan trọng xảy ra: Một là vụ bắt giữ phó Chủ tịch Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu; hai là Tập Cận Bình và Donald Trump đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại Hội nghị G20 ở Argentina, hai bên đã ra tuyên bố tạm hoãn cuộc chiến thương mại. Cột mốc thứ ba là ngày 10/5/2019, khi vòng đàm phán thứ 11 giữa Trung Quốc và Mỹ bị thất bại. Tại cuộc đàm phán tại Thượng Hải gần đây, tôi cảm thấy cuộc chiến thương mại đã bước sang giai đoạn mới, Trung Quốc cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại bình đẳng, công bằng và cân bằng.
Đặc biệt là sự nhấn mạnh của Trung Quốc về “tính bình đẳng trong văn bản thỏa thuận”?
Tả Hy Nghênh: Đúng theo quan điểm trước đó của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, chủ yếu có ba lý do: thứ nhất, toàn bộ mức thuế bổ sung phải được hủy bỏ, đặc biệt là mức thuế đối với hàng hóa trị giá 50 tỷ USD ban đầu; thứ hai, số liệu thương mại phải phù hợp với thực tế; thứ ba, văn bản thỏa thuận phải được cân bằng và công bằng bình đẳng. Ba nội dung này cũng là mối quan tâm lớn nhất của Trung Quốc hiện nay.
Hiện nay dư luận quốc tế đều lo ngại cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ có một “bước đi nguy hiểm”, chuyển sang cuộc chiến tiền tệ. Nhưng cũng có một số nhà bình luận phương Tây cho rằng việc coi Trung Quốc là một “nước thao túng tiền tệ” là vô nghĩa. Cuộc chiến lan sang lĩnh vực tài chính sẽ ảnh hưởng thế nào đến Trung Quốc và Mỹ?
Tả Hy Nghênh: Điều này được quyết định bởi cách Trung Quốc và Mỹ tương tác với nhau ra sao, đặc biệt là hai nước liệu có thể đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán thương mại hay mong muốn của hai bên có thể đạt được thông qua cuộc chiến thương mại hay không? Nếu cuộc chiến thương mại không thể giải quyết được vấn đề thì khả năng hai nước đi theo hướng cuộc chiến tiền tệ là tương đối lớn.
Đối với Trung Quốc, cuộc chiến tiền tệ sẽ tác động đến hệ thống tài chính thậm chí là sự phát triển kinh tế, sẽ gây sức ép nhất định đối với đất nước. Còn với Mỹ, cuộc chiến tiền tệ chắc chắn sẽ mang lại tác động tiêu cực rất lớn và nền kinh tế nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này có thể tác động đến quyết tâm tiến hành cuộc chiến thương mại của Trump. Điều quan trọng hơn là cuộc chiến tiền tệ sẽ đẩy cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ đến một giai đoạn khó kiểm soát và khó đoán hơn. Thậm chí, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ còn có thể mở rộng sang lĩnh vực chính trị.
Trên thực tế, trước khi cuộc chiến tài chính bắt đầu, cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ ở một mức độ nào đó chẳng phải đã lan sang lĩnh vực chính trị?
Tả Hy Nghênh: Xét về ba lĩnh vực cơ bản của cạnh tranh chiến lược là chính trị, kinh tế và quân sự. Cạnh tranh chiến lược hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực quân sự cũng rất nghiêm trọng, nhưng được người dân ít quan tâm hơn. Trong lĩnh vực chính trị, đặc biệt là sự cạnh tranh về ý thức hệ và mô hình phát triển, hiện nay lãnh đạo hai nước vẫn đang cố kiểm soát. Đối với Donald Trump, ông ta vốn không quan tâm nhiều đến các phương diện ý thức hệ như bảo vệ nhân quyền và mở rộng dân chủ… Nhưng trong tương lai, nếu các cuộc đàm phán thương mại không thể đạt được thỏa thuận thì việc chuyển cạnh tranh chiến lược sang cạnh tranh lĩnh vực chính trị chắc chắn sẽ là một trong những lựa chọn chính sách của Mỹ.
Hiện tại đã có một số dấu hiệu?
Tả Hy Nghênh: Đúng là vẫn luôn có một số dấu hiệu, nhưng lãnh đạo hai nước vẫn đang kiểm soát được.
Mới đây Donald Trump đã đăng trên Twitter rằng: “Nhiều người đang đổ lỗi cho Mỹ và cả tôi vì những gì đang xảy ra ở Hong Kong. Tôi thật sự không thể hiểu nổi tại sao”. Ông có nghĩ rằng Trump thực sự không hiểu hay giả vờ không hiểu?
Tả Hy Nghênh: Tôi cho rằng bản thân Donald Trump không muốn can thiệp vào vấn đề Hong Kong. Sự quan tâm của ông ấy đối với cái gọi là “xuất khẩu dân chủ” này là tương đối ít, vì vậy tôi có một chút hoài nghi về việc ông ấy nói câu này là xuất phát từ cá nhân ông. Tuy nhiên, một số bộ phận trong Chính quyền Trump vẫn quan tâm, Bộ Ngoại giao cũng đã can thiệp sâu vào vấn đề Hong Kong và tới đây cũng không loại trừ các bộ khác sẽ đề xuất một số chính sách với Donald Trump và gây sức ép với ông về vấn đề Hong Kong, có thể sẽ làm thay đổi lựa chọn chính sách của ông.
Liên quan đến vấn đề này, cùng với thời điểm cuộc bầu cử Đài Loan sắp đến gần, liệu có phải Mỹ sẽ tăng dần mức độ sử dụng con bài Đài Loan hay không?
Tả Hy Nghênh: Về vấn đề Đài Loan, Chính quyền Trump đã hành động nhiều hơn so với thời Chính quyền Obama. Mỹ đã sử dụng Đài Loan như một con bài vì nhận thức được rằng tình hình Eo biển Đài Loan đang mất cân bằng và họ cần phải điều chỉnh chính sách đối với Đài Loan, giúp vùng lãnh thổ này nâng cao năng lực quân sự. Xét từ chính sách hiện nay của Mỹ đối với Đài Loan cho thấy, họ đang xem xét lại chính sách “Một nước Trung Quốc” và điều này đã tác động đến hiện trạng ở Eo biển Đài Loan.
Quay trở lại chủ đề cuộc chiến tiền tệ, một hiện tượng thú vị là hiện nay dường như bên lo ngại nhất không phải Trung Quốc và Mỹ, mà là châu Âu. Nhiều phương tiện truyền thông của châu Âu đều cho rằng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực tài chính sẽ dẫn đến kinh tế thế giới suy thoái. Liệu cuộc đọ sức Trung-Mỹ có thể sẽ dẫn đến kết quả tương tự như cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 1930 của thế kỷ 20 không?
Tả Hy Nghênh: Cuộc chiến kinh tế và thương mại Trung-Mỹ ở một mức độ nào đó đã thực sự ảnh hưởng đến xu hướng phát triển kinh tế thế giới. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước có thể vô tình mở ra một thời đại mà cục diện quốc tế sẽ diễn biến theo theo hướng xung đột và đối đầu. Tình hình này có một số đặc điểm như sau: thứ nhất, cạnh tranh quyền lực đang gia tăng, đối đầu địa chính trị nổi lên; thứ hai, các cơ chế đa phương suy giảm, chủ nghĩa song phương trỗi dậy; thứ ba, tự do thương mại đang chịu sự tác động của xung đột thương mại, chủ nghĩa bảo hộ đã dần chiếm ưu thế trong xu hướng, quy tắc thương mại quốc tế hiện nay.
Trong tương lai liệu có xuất hiện cuộc đại suy thoái kinh tế như những năm 1930 của thế kỷ 20 không? Cần phải nói rằng trong tương lai quả thực có thể xuất hiện nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tôi cho rằng chắc sẽ không xuất hiện dưới hình thức đại suy thoái như những năm 1930 của thế kỷ 20, mà là theo một cách mới.
Hiện dư luận quốc tế về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận rằng cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ là một cuộc chiến lâu dài, nhưng cũng có quan điểm trái ngược rằng dựa trên kết quả của cuộc đàm phán tại Thượng Hải, có thể thấy Donald Trump thực sự chịu áp lực tâm lý rất lớn, ông rất lo lắng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới, kể cả các hành động sau khi gia tăng mức thuế, đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ…, trên thực tế cũng là một biểu hiện kích động, bề ngoài có vẻ rất cứng rắn nhưng thực ra là do thiếu tự tin. Nếu nhận định này là đúng, điều đó có nghĩa là khả năng Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận đang tăng lên. Trung Quốc vào lúc này cần xem xét như thế nào để đi đến một thỏa thuận có thể khiến Donald Trump có cảm giác là người chiến thắng?
Tả Hy Nghênh: Một là, tôi cho rằng cuộc chiến kinh tế và thương mại Trung-Mỹ là một cuộc chiến kéo dài, không thể giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn. Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau, chẳng hạn như cuối năm nay hoặc đầu năm tới, Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, ngay cả khi hai nước đạt được thỏa thuận, điều đó cũng không có nghĩa là xung đột kinh tế thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ chấm dứt. Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ là lâu dài, xung đột kinh tế và thương mại cũng sẽ kéo dài. Khả năng đạt được thỏa thuận vào cuối năm là khá thấp.
Hai là, Donald Trump quả thực đã chịu áp lực từ các nhân tố trong nước. Donald Trump có hai điều lo ngại trong vấn đề kinh tế và thương mại Trung-Mỹ, cụ thể: thứ nhất là cuộc bầu cử, liệu ông có thể giành chiến thắng vào năm 2020 hay không, địa vị đối với ông vẫn rất quan trọng; thứ hai là nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ, bởi ông luôn miệng nói rằng sau khi ông trở thành tổng thống, nền kinh tế Mỹ phát triển nhất trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 50 năm qua. Gần đây, tình hình phát triển kinh tế của Mỹ đã không còn tốt như trước, đặc biệt là biểu hiện của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây khiến Donald Trump có đôi chút lo ngại.
Ba là, Trung Quốc sẽ chấp nhận một thỏa thuận khiến Mỹ cảm thấy là người chiến thắng. Từ sau vòng đàm phán Trung-Mỹ lần thứ 11 vào ngày 10/5 thất bại, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Đối với bản thân Donald Trump, hai yếu tố bầu cử và kinh tế sẽ ảnh hưởng đến một số hành động của ông trong các cuộc đàm phán và có thể ảnh hưởng đến lập trường của Mỹ về các vấn đề đặc biệt tại các thời điểm cụ thể và ở một số giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, điều này khó có thể ảnh hưởng đến phương hướng cơ bản của Mỹ trong đàm phán thương mại. Trái lại, Chính quyền Trump cho rằng chỉ khi đạt được thỏa thuận phù hợp với lợi ích của Mỹ thì mới có thể đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế dài hạn của nước này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét