Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

13492 - Khó Khăn Cho Cả Hai Bên



Tháng Tám cho thấy hai phía Cộng Hòa và Dân Chủ gập nhiều khó khăn trên đường tranh cử 

tới 2020. Phía Cộng Hòa tránh được xung đột nội bộ vì Tổng Thống Donald Trump chưa có đối thủ chính thức cùng đảng, nhưng lo sợ đe dọa về kinh tế cùng những vấn đề khó giải quyết trong và ngoài nước. Phía Dân Chủ có quá nhiều ứng viên và phải đương đầu với hai khuynh hướng khác hẳn nhau giữa người cùng đảng đe dọa những chia rẽ trong những tháng tới và sau cả tranh cử sơ bộ/primary.

KINH TẾ VÀ TRANH CỬ 


Sau nhiều ngày thị trường tài chính Mỹ bị rối loạn và đi xuống vì đe dọa “suy thoái kinh tế/recession” trong trận chiến Washington-Bắc Kinh, giữa Tháng Tám Tổng Thống Donald Trump công bố tạm rút bỏ ý định leo thang chiến trận “thuế nhập cảng/tariff” với Trung Quốc. Ông đã đe dọa gia tăng thêm 10% tariff trên trị giá $300 tỉ hàng hóa Tầu trước đây, đã định đầu Tháng Chín này. Đây nhắm vào những món hàng thông dụng mùa lễ lạc cuối năm, gồm điện thoại và computer di động, đồ chơi, quần áo và giầy dép. Tổng thống đưa ra lý do, “Tôi làm quyết định này vì mùa Giáng Sinh, lỡ ra một số tariff có thể ảnh hưởng tiêu cực vào người tiêu thụ Mỹ.” Đây đúng vì đại đa số người tiêu thụ Mỹ sẽ phải trả tariff mới và sẽ bất mãn vì thuế cao, trong khi người Hoa bị mất khách “xộp” Mỹ và phải bí bách tìm thị trường mới và chịu bán giá bán hạ hẳn với 7 đồng yuan ăn $1. 

Đe dọa recession lên cao hơn với mức “thâm thủng ngân sách liên bang/deficit” cho năm nay ở mức $960 tỉ, và năm tới lên $1,000 tỉ—phần lớn từ $1.5 nghìn tỉ cắt thuế “cho nhà giầu” và giới đại kỹ, thương, tài chính giữa năm 2017 đồng thời liên tục gia tăng tiêu pha quốc phòng. Để bù vào mức thuế thiếu hụt và tiêu pha chính quyền phải vay nợ từ bên ngoài (Trung Quốc, Châu Âu), lên tới từ $2.7 nghìn tỉ và $4 nghìn tỉ theo ước lượng của tờ USA Today—mà thế hệ đang lớn lên sẽ phải gánh trả, vì khi ông Trump mới nhậm chức hứa sẽ trả sạch nợ cũ (từ chính quyền Obama, phải đi vay nặng để đối đầu với recession lớn từ chính quyền Bush để lại) nhưng nay lại gom thêm nợ mới. 

Lý do chính trị dễ thấy: Mức ủng hộ ông Trump trở lại 43%, và ông chỉ còn đặt hy vọng tái cử vào “kinh tế ngoạn mục,” và kỳ vọng giữ được nhóm “cử tri trung kiên/base” gồm 1/3 người đi bầu sau khi ông Trump đã gạt hẳn cử tri không thuộc đảng nào qua một bên. Chỉ số thị trường chứng khoán Dow Jones tụt 800 điểm và công ty thép ở Michigan sa thải nhân viên trong khi tổng thống khoe nhà máy thép mở khắp nơi. Mức tự tín của người tiêu thụ đã xuống 6.4% từ đầu Tháng Bẩy; ông Trump công khai làm áp lực Ngân Hàng Trung Ương (“Fed”) phải hạ giá lãi suất thêm 1% ngay để cứu vãn kinh tế; Chủ Tịch “Fed” Jerome Powell có trách nhiệm quyết định độc lập từng dọa sẽ từ chức nếu bị nhiều áp lực từ chính quyền—và nay thành “kẻ thù chính” của ông. 

Theo Associated Press, 74% các nhà kinh tế Mỹ lo sợ cuộc chiến kéo dài và kinh tế Mỹ sẽ không ra khỏi recession—như gần 10 năm giữa thời ông Bush và ông Obama mới hồi phục. Một nửa nhà kinh tế dự đoán recession sẽ xẩy ra năm bầu cử tới, bất lợi cho tổng thống. Thứ Sáu trước chỉ số Dow Jones lại đi xuống thêm 600. Bắc Kinh trả đũa tariff; tổng thống lại tăng tariff và “ra lệnh” cho các công ty “dọn ra khỏi Trung Quốc” rồi mang những bế tắc tới hội nghị G-7. Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, tổ chức hội nghị bẩy nước kỹ nghệ tiên tiến và định hướng nghị trình nhấn mạnh chuyện “hòa bình kinh tế” thay vì chiến tranh tariff, thay đổi khí hậu mà ông Trump không tham dự. Ông cũng không gặp ngoại trưởng Iran được ông Macron bất ngờ đón tiếp tới nơi họp (về hiệp định nguyên tử năng mà ông Trump đã rút ra). 

Tồng thống cố lôi kéo hội nghị vào việc cho Vladimir Putin (người giúp ông đắc cử) trở lại hội nghị (sau khi bị chính quyền Obama loại bỏ năm 2014 vì Nga xâm lăng Ukraine), nhưng không thành công. Gần “thành công” là nỗ lực của ông lôi kéo hội nghị G-7 năm 2020 tới một khu nghỉ mát của mình mấy năm nay thiếu khách thăm viếng, nhưng đây dễ thành “lấy chức vụ công tạo tư lợi cho mình,” hay “mâu thuẫn quyền lợi” mà theo tổ chức không thuộc đảng nào “Dân Chúng Đòi Hỏi Trách Nhiệm và Đạo Đức ở Washington/CREW” ông đã phạm hơn 2,300 lần từ khi nhậm chức 

Ví dụ mới nhất: Truyền hình NBC cho thấy cậu Trump con, đúng ngày ngừng tăng thuế 10% ký giấy tờ xây Trump Tower & Condos cạnh khu giải trí kiểu Disneyland với một tỉ phú ở Indonesia. Công ty Trump Organization vừa nhận được tài trợ cho dự án này từ một ngân hàng quốc doanh Tầu—chưa kể những đặc quyền làm ăn “người bạn” họ Tập dành riêng cho con gái và rể tổng thống ở Trung Quốc. Đây là những cơ hội làm ăn tiền tỉ gia đình Trump không thể từ chối—giống như những làm ăn trước với giới tỉ phú Nga mà Deutsche Bank theo lệnh tòa phải cung cấp hồ sơ (gồm thuế má) cho hai ủy ban giám sát Hạ Viện với đa số Dân Chủ. 

Trong vòng ba tuần lễ với ba vụ nổ súng tự động sát hại hàng chục người, ông Trump đã thay đổi ý kiến hoàn toàn về việc kiểm soát và hạn chế súng đạn mà ông hứa sau thảm sát. Đây đã thành thói quen khi ông bắt đầu tranh cử, với thay đổi từ một người không ưa súng đạn thành ứng viên và tổng thống đi theo lập trường ủng hộ súng đạn tối đa của hội Súng Đạn NRA với tiền bạc và uy quyền tuyệt đối trên giới dân cử bảo thủ. 

Ông Trump giải thích, lập lại lời của Chủ Tịch NRA không cần kiểm soát chặt chẽ việc mua bán súng đạn, “Hiện nay chúng ta đã có những luật lệ về kiểm tra lý lịch người mua súng.” Ông hứa hẹn tịch thu súng đạn từ những người có thể là đe dọa cho chính mình hay người khác (vì bệnh tâm thần); nay ông nhắc lời NRA, “Việc này dễ là mở đầu để phía Dân Chủ có thể tịch thu súng từ mọi người.” Ông cũng nhấn mạnh lời NRA, “Đừng quên ai đã giúp ông vào Bạch Ốc”—NRA bỏ ra $30 triệu ủng hộ Tranh Cử Trump năm 2016. 

DÂN CHỦ: CHIA RẼ ĐÁNG NGẠI 


Phía Dân Chủ mừng là số ứng viên tổng thống primary đã giảm xuống gần một nửa sau hai kỳ tranh luận, vì một số đã rút lui hoặc không đủ ủng hộ để tiếp tục tranh luận tháng tới. Tuy nhiên, năm ứng viên dẫn đầu lại chia ra ba nhóm: cựu Tổng Thông Joe Biden đầu danh sách thuộc nhánh ôn hòa; hai Nghị Sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders thuộc cấp tiến; Nghị Sĩ Kamala Harris và Thị Trưởng Pete Butigieg chưa rõ ràng. Đề tài bảo hiểm y tế, rất quan trọng với cử tri và từng giúp phía Dân Chủ lấy lại đa số Hạ Viện, nay chia rẽ nội bộ ứng viên tổng thống với phe cấp tiến muốn “Y tế cho mọi người/Medicare for All,” phe ôn hòa đòi mở rộng “Obamacare” đã giúp 20 triệu người được bảo hiểm. 

Theo chuyên gia Canada về y tế “Single-payer Healthcare” kiểu công lập Steven Lewis, hầu hết thế giới không dùng bảo hiểm sức khỏe tư. Canada, theo truyền thống Châu Âu, dùng hệ thống y tế tài trợ bởi thuế má người dân đóng góp và quản trị bởi nhà nước. Vấn đề chính không phải là đóng thuế, quan trọng là dân chúng có bảo hiểm tốt và giữ được tiền trong túi mình. Trung bình, gia đình Mỹ trả $5,500 tiền túi cho dịch vụ y tế, cộng với $19,600 nơi làm việc đóng mua bảo hiểm cho mình. Lợi tức cá nhân đồng niên sẽ thấp xuống $14,000 vì chỗ làm việc phải đóng số tiền mua bảo hiểm tư này. Giá bảo hiểm tăng vèo vèo nâng cao giá cả những dịch vụ và hàng hóa sản xuất ở Mỹ mà người dân phải bỏ tiền mua. Đóng thuế (bằng một nửa tổng số trên) để “nhận” bảo hiểm từ chính phủ giúp công nhân lẫn chủ nhân giữ được nhiều tiền hơn; chủ nhân không phải lo sợ trả gánh nặng bảo hiểm tư nên dễ cạnh tranh trên thị trường hơn, và công nhân không buộc phải làm việc nơi mình không muốn để giữ bảo hiểm. 

Người Mỹ tin tưởng vào hệ thống tư bản, sẵn sàng nộp tiền cho tư nhân nhưng nghi ngờ lẫn sợ hãi đóng thuế vì coi thường những gì chính phủ có thể làm hay cung cấp cho mình. Dịch vụ y tế ở Hoa Kỳ đắt gấp đôi các nước tiền tiến Âu Châu và Canada, nhưng đây không có nghĩa người Mỹ lợi hơn. Người Canada đi khám bác sĩ mình chọn và bác sĩ quyết định những chạy chữa chuyên môn hơn, không phải công ty bảo hiểm. Theo ông Lewis những khoản tiền khổng lồ đổ dồn vào guồng máy thư lại y tế tư “chôn sống” bác sĩ vào việc “làm hồ sơ khai báo, hoặc cãi nhau” với công ty bảo hiểm để đòi tiền, thay vì chăm sóc bệnh nhân. Những công ty bảo hiểm tư bỏ túi hàng trăm tỉ một năm từ giới sử dụng và trực tiếp cung cấp dịch vụ y tế. Giá cả quản trị hệ thống y tế công chỉ bằng một phần nhỏ quản trị tư ở Hoa Kỳ. Đây chưa kể giá cả thuốc thang cao nhất thế giới, đủ “giết người” trước khi chữa bệnh. 

Người Mỹ tin rằng dịch vụ y tế công rất hạn chế. Đây có thể là đúng, “nhưng không chương trình nào, công hay tư, cung cấp mọi thứ cho mọi người trong mọi trường hợp.” Rất nhiều bệnh nhân Mỹ bị bắt buộc phải đi qua nhiều thử nghiệm và thủ tục y tế không cần thiết hay lập lại, chỉ làm lợi cho phòng thí nghiệm hay nhà thương—ví dụ, giá cả y tế cho người già ở Miami (Florida) đắt gấp đôi giá ở Minneapolis (Minnesota). Ông Lewis phân biệt “bệnh nhân cần chữa chạy đúng, không phải chữa chạy tối đa;” người đủ phương tiện vẫn có quyền chọn lựa những tối đa và đắt giá ở khắp nước Mỹ. Ông đưa nhận xét, “Nếu dân chúng Mỹ hiểu rõ hệ thống y tế công tổ chức và sử dụng tiền bạc thế nào, họ sẽ bỏ rơi hệ thống bảo hiểm tư đắt giá và kém hữu hiệu từ lâu rồi.” Các công ty dược phẩm và bảo hiểm tư giầu sụ bị đe dọa nhiều nhất—và chắc chắn họ sẽ phản kháng vô cùng mạnh mẽ, với trợ lực của giới dân cử nhận tiền “lóp-bi.” 

Theo ông Lewis, sở dĩ đây còn tiếp tục là vì tiền bạc, tuyên truyền, lóp-bi gây sợ hãi, ù lì trong dân chúng vì tin tưởng lâu đời rằng “chính phủ không thể là một công cụ để thực hiện những điều tốt đẹp.” Liệu những ứng viên Dân Chủ cấp tiến với chủ trương “công lập” có thể “dẹp bỏ” bảo hiểm tư chăng? Hoặc đây chỉ là giấc mơ vô vọng vì họ không thể đương đầu với ông Trump (với tài bóp méo sự thật thần sầu) và những đồng minh khác của bảo hiểm tư lẫn đại công ty dược phẩm dồi dào tiền bạc? 

Đây có lẽ là lý do phía Dân Chủ và dân chúng vẫn ngả về hướng ôn hòa, tiệm tiến dẫn đầu bởi ứng viên Joe Biden với “Obamacare mở rộng”—không “cách mạng” nhưng an toàn và gắn liền với chính quyền Obama, vẫn được mến chuộng hơn chính quyền Trump với hỗn loạn, bát nháo từng ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét