Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

13521 - Quan hệ với Trung Quốc làm suy yếu nước Nga

Ngọc Diệp (giới thiệu)

Vladimir Putin cần Tập Cận Bình hơn là Tập Cận bình cần ông – và do đó Trung Á đang thay đổi.
Cung điện của các sĩ quan ở Dushanbe, thủ đô nước Cộng hòa Tajikistan thuộc Liên Xô trước đây, được xem là một nơi lưu trú của các nhân vật quyền cao chức trọng. Cung điện này nổi bật với các cửa sổ màu sắc, ánh đèn màu tím và một nhà hàng Trung Quốc tuyệt vời. Việc xuất hiện một nhà hàng Trung Quốc ở đây không gây ngạc nhiên. Dinh thự xa hoa này do Trung Quốc xây dựng và tặng cho Bộ Quốc phòng Tajikistan.

Cung điện này không phải là món quà duy nhất. Cung điện mới đồ sộ dành cho chính phủ và tòa nhà quốc hội đi cùng hiện đang được xây dựng cũng là món quà của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một nhà ngoại giao phương Tây nhớ lại rằng hệ thống thư thoại tại Bộ Ngoại giao, một món quà khác, được sử dụng để nói chuyện với người gọi bằng tiếng Trung Quốc phổ thông. Trung Quốc đã xây dựng các trường học, lát các con đường, đào các đường hầm và cho Tajikistan vay 1,3 tỷ USD – chiếm gần 1/2 nợ nước ngoài của họ. Họ khai thác vàng bạc của Tajikistan và sưởi ấm các ngôi nhà của họ bằng một nhà máy nhiệt điện kết hợp đốt than lớn. Trung Quốc cung cấp cho Tajikistan các camera quan sát và camera giao thông; logo trên những chiếc xe cảnh sát sáng bóng của Dushanbe có đề chữ “viện trợ của Trung Quốc”.
Tajikistan là nước nghèo nhất trong số các nước Trung Á, không có các nguồn tài nguyên thiên nhiên như Kazakhstan, Uzbekistan và Turmenistan, và nghèo khó hơn do cuộc nội chiến. Điều đó làm nổi bật sự hào phóng của Trung Quốc. Nhưng cũng có thể thấy sự hào phóng đó ở các nước láng giềng giàu có.
Có nhiều lý do giải thích cho sự hào phóng này. Trung Quốc đang gặp vấn với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, đa số ở khu tự trị Tân Cương, tiếp giáp với Tajikistan và Kazakhstan. Việc họ mua tầm ảnh hưởng ở các nước láng giềng có đông người theo Hồi giáo cũng là điều dễ hiểu. Trung Á giữ một vị trí quan trọng đối với con đường tơ lụa mới của Trung Quốc nói riêng và với  Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nói chung. Vì vậy, Trung Quốc đã thâm nhập vào khu vực này.
Điều đó có ý nghĩa gì đối với những nước hậu Xôviết? Nga sẽ vẫn coi Trung Á, khu vực Sa hoàng đã thuộc địa hóa vào thế kỷ 19, là sân sau của nước này, đặc biệt là trong các vấn đề quân sự. Do đó, Tajikistan là một thành viên thuộc Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể, một liên minh do Nga lãnh đạo. Chừng nào Trung Quốc vẫn chỉ quan tâm phần lớn đến lĩnh vực đầu tư, thì Nga vẫn có thể chịu đựng, thậm chí là chào đón.
Nhưng vào năm 2016, nếu không nói là trước đó, các đơn vị quân đội Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện ở Tajikistan, bề ngoài là để theo dõi hành lang Wakhan – một dải đất thuộc Afghanistan chia tách Tajikistan và Pakistan. Sau đó, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận với quân đội Tajikistan, nước có một số sĩ quan trẻ được huấn luyện ở Thượng Hải.
Trung Quốc và Tajikistan phủ nhận sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở nước này. Một quân nhân Trung Quốc đã nói với phóng viên tờ Washington Post, người đã tình cờ đến một tiền đồn của Trung Quốc ở gần thị trấn Murghab: “Hãy nhớ rằng bạn chưa bao giờ thấy chúng tôi ở đây”. Nhưng tùy viên quân sự đã bố trí hàng chục nhân viên quân sự, trại huấn luyện và các gác bảo vệ của Trung Quốc ở dãy núi Pamir, vốn đóng một vai trò trong đại chiến lược kể từ thời Alexander Đại đế.
Alexander Gabuev, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại trung tâm Carnegie ở Mosco nói rằng việc tăng cường hoạt động quân sự này đã khiến Mosco lo ngại. Nhưng như một nhà ngoại giao Ấn Độ chỉ ra, họ khó có thể phàn nàn: “Nga không thể đối đầu với Trung Quốc, bởi vì họ phụ thuộc vào nước này”. Thay vì đối đầu, họ chọn phô trương sức mạnh. Năm 2018, Nga đã mang quân trang hiện đại nhất của mình đến Tajikistan để tiến hành các cuộc tập trận gần các điểm tập trận của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu gần đây đã đến thăm Cung điện của các sĩ quan ở Dushanbe khi có mặt tại Tajikistan để duyệt sư đoàn bộ binh cơ giới 201 với quân số 7.000 người, sự triển khai lớn nhất của Nga ở nước ngoài. Có thể ông đã dừng chân ăn mỳ vịt dưới cái nhìn cảnh giác của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ bức ảnh đầy kiêu hãnh của ông Tập trên bức tường trong nhà hàng của bộ. Trong đoàn tùy tùng của ông, người ta có thể thấy cả bếp trưởng.
Việc bố trí quân sự ở khu vực xa xôi này mang lại một cái nhìn hiếm hoi về tình trạng căng thẳng ẩn giấu bên dưới quan hệ hữu nghị chính thức giữa Nga và Trung Quốc, mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nỗ lực thúc đẩy từ giữa những năm 2000. Khi Chủ tịch Trung Quốc và một phái đoàn gồm 1.000 người đến tham dự Diễn đàn kinh tế St. Petersburg mà Tổng thống Nga Putin tổ chức hàng năm, ngày 5/6, Putin đã nói với Tập Cận Bình rằng: “Trong những năm gần đây, nhờ sự tham dự trực tiếp của ông, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã đạt đến một tầm cao chưa từng thấy”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Nga là quốc gia tôi đã đến thăm nhiều lần nhất và Tổng thống Putin là người bạn và đồng nghiệp tốt nhất của tôi”. Họ đi dạo quanh vườn thú Mosco, đi thăm hai con gấu trúc được Trung Quốc cho mượn như một dấu hiệu cho thấy sự tin tưởng lớn và được trẻ em Nga chào đón bằng tiếng Trung Quốc phổ thông. Không ai thực sự hát được bài hát “Nga và Trung Quốc mãi mãi là anh em”, được viết 70 năm trước để kỷ niệm tình bạn bất diệt giữa Joseph Stalin và Mao Trạch Đông.
Giống như Stalin và Mao Trạch Đông, chính kẻ thù chung là Mỹ đã đưa Putin và Tập Cận Bình đến với nhau. Nhưng có những khác biệt quan trọng giữa sự phẫn nộ của ngày nay và cuộc chiến sinh tử trong quá khứ. Thứ nhất, Chiến tranh Lạnh là cuộc chiến xác định mô hình của phe nào đại diện cho tương lai đối với thế giới. Cuộc đối đầu ngày nay bác bỏ ý tưởng về bất cứ tương lai độc nhất nào. Thực tế hơn, năm 1949 Mao Trạch Đông là một đối tác mà Stalin cảm thấy có thể kiểm soát. Ngày nay, Tập Cận Bình có lợi thế hơn. Cuối năm 1989, GDP của Liên Xô lớn gấp đôi của Trung Quốc. Ngày nay, GDP của Trung Quốc cao gấp 6 lần của Nga, tính theo ngang giá sức mua. Nga đứng thứ 10 trong số các thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, nhỉnh hơn một chút so với Philippines nhưng thấp hơn Ấn Độ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Nga sau EU. Họ mua dầu lửa của Nga nhiều hơn bất cứ nước nào khác.
Sự bất cân xứng về kinh tế như vậy hữu ích đối với chính sách đối ngoại. Khi một nhà ngoại giao phương Tây hỏi một quan chức Trung Quốc rằng liệu sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Tajikistan có được làm sáng tỏ với Nga hay không, ông ấy nói: “Chúng tôi cũng trao đổi với Nga” bằng một giọng điệu cho thấy Nga hẳn cũng sẽ ghi nhớ rõ điều đó. Nhưng động lực đã thay đổi của mối quan hệ giữa hai nước vượt xa điều này. Cách tiếp cận của Putin với Trung Quốc đang khiến Nga phụ thuộc vào nước láng giềng về công nghệ và chính trị. Như Alexei Navalny, một nhà lãnh đạo phe đối lập, nói: “Những gì ông Putin đang làm ngày nay gần như chắc chắn sẽ khiến nhà lãnh đạo kế tiếp của Nga trở thành con tin cho chính sách Trung Quốc. Sẽ rất khó để một nhà lãnh đạo Nga trong tương lai biến sự hợp tác với Trung Quốc thành kiểu quan hệ có lợi cho Nga và được người dân ủng hộ”.
Vấn đề sự ủng hộ của người dân cho thấy sự bất cân xứng thứ hai trong quan hệ giữa hai nước. Đối với Trung Quốc, mối quan hệ với Nga là mối quan hệ đối ngoại như với các nước khác - một mối quan hệ quan trọng, phức tạp, nhưng là vấn đề thuộc về nghệ thuật quản lý nhà nước. Đối với Nga, sự gần gũi mới nhằm vào các vấn đề bản sắc dân tộc. Giới tinh hoa Nga đã tự nhận diện bằng cách hướng sang phương Tây trong nhiều thế kỷ. Trở thành cường quốc châu Âu đầu tiên rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc là một sự đảo ngược - thậm chí là sự phủ nhận - lịch sử đó.
Giấc mộng của Raskolnikov
Từ cuối thế kỷ 17 trở đi, giới cầm quyền Nga đã xác định Nga là một cường quốc châu Âu - St Petersburg là biểu tượng cho lựa chọn đó - và chối bỏ những truyền thống châu Á của mình bằng sự hang hái chuyển đổi. Catherine Đại đế, người gốc Đức, đã thề sẽ đẩy người Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi châu Âu, chế ngự Trung Quốc và mở cửa giao thương với Ấn Độ. Vào thế kỷ XIX, người phương Tây gốc Nga đã coi Trung Quốc là một điển hình của sự trì trệ, quan liêu, tham nhũng và chuyên quyền. Khi Nga tiến hành chinh phục các quốc gia Trung Á, họ thấy mình đang làm những việc giống của một cường quốc châu Âu hiện đại hóa.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga lại tiếp tục giấc mộng trở thành một cường quốc phương Tây hoàn toàn. Tổng thống Nga khi đó Boris Yeltsin đã phát biểu trước Liên hợp quốc năm 1992, liên kết đất nước ông với Mỹ và châu Âu: “Nguyên tắc của chúng tôi rất rõ ràng và đơn giản: uy quyền tối cao của dân chủ, nhân quyền và tự do, các tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức”.
Trong những năm 1990, mọi thứ trở nên tồi tệ. Khi Nga bắt đầu đi theo chủ nghĩa tư bản, họ đã chứng kiến sự suy giảm kinh tế và sự xuất hiện của giới đầu sỏ chính trị; vụ NATO ném bom Serbia bất chấp sự phản đối của Nga là một đòn giáng mạnh vào niềm tự hào Slav của nước này. Nhưng khi Putin – không khi nào là một người tin vào các giá trị chung mà Yelsin nói đến - lên nắm quyền, ông vẫn coi phương Tây là hình mẫu cho sự hiện đại hóa của Nga và có những nỗ lực thích đáng để đạt được điều đó. Ông cũng không phản đối việc các nước Baltic gia nhập NATO.Đến lượt mình, những người chỉ trích Nga ở phương Tây như Alexander Lukin thuộc Trường Kinh tế cấp cao ở Mosco nói rằng ông chẳng thấy được gì ngoài tình trạng trở nên tồi tệ thêm: sự xâm lấn phạm vi ảnh hưởng của Nga thông qua “các cuộc cách mạng màu” ở Ukraine và các công cụ khác cũng như việc chỉ trích các vụ vi phạm nhân quyền. Trong một cuốn sách về quan hệ Nga-Trung, Lukin viết: “Chính... phương Tây đã hủy hoại ý tưởng tạo ra một hệ thống chính trị toàn cầu mới dựa trên luật pháp quốc tế. Chính... phương Tây đã sử dụng quyền lực của mình để tạo ra một thế giới trong đó các quốc gia hùng mạnh có thể chiếm giữ bất cứ thứ gì sẵn có, phá hủy mọi biên giới và vi phạm bất cứ hiệp ước nào vì ‘lý do chính đáng’”. Theo logic này, Nga đã xoay trục sang Trung Quốc sau khi phương Tây không chấp nhận Nga.
Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Năm 1994, Yegor Gaidar, người kiến tạo các cải cách thị trường Nga, đã lập luận rằng có 2 cách để Nga quay sang phương Tây. Họ có thể cố gắng bắt kịp phương Tây bằng cách huy động các nguồn lực nhà nước - mô hình từ sau thời Peter Đại đế đến những năm 1930, phải trả cái giá rất lớn về con người. Hoặc họ có thể tìm cách trở thành nước phương Tây thực sự bằng cách giảm sự kiểm soát và phát triển các loại thể chế khuyến khích tinh thần kinh doanh và tăng trưởng dài hạn.
Mô hình chính trị của châu Á
Mục tiêu của Trung Quốc bây giờ là đảm bảo rằng một nước Nga được trấn an sẽ hành động như một vùng đệm, khả quan nhất là một nước thân thiện và ít nhất là trung lập, ở giữa Trung Quốc và Mỹ. Họ không muốn có một nước láng giềng yếu kém; cũng không muốn có một nước láng giềng hùng mạnh. Họ đã đầu tư; họ mỉm cười; họ đã mua dầu và vũ khí (mặc dù khi đó họ không có được những vũ khí tốt nhất). Trung Quốc có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ Nga trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trừ khi nước này gây ra thêm các vấn đề với Mỹ. Do đó, họ không chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea nhưng cũng không công nhận.
Thay vào đó, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc đó. Việc sáp nhập Crimea và can thiệp Ukraine đã loại bỏ bất cứ nguy cơ liên minh nào giữa Nga và Mỹ trong một tương lai có thể thấy trước. Các hành động của ông Putin đã chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi Trung Quốc; chúng cũng khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Tháng 5/2014, vài tuần sau cuộc can thiệp, ông Putin và một đoàn tùy tùng gồm các doanh nhân và quan chức đã bay tới Thượng Hải để thúc đẩy mối quan hệ đối tác mới. Các thỏa thuận đạt được bao gồm một hợp đồng khí đốt 30 năm trị giá 400 tỷ USD, được tạo điều kiện bởi một đường ống dẫn khí mang tên Power of Siberia ở cực Đông. Đường ống đó sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay. Nga và Trung Quốc cũng đã tăng cường hợp tác trong việc tìm cách mở đường vận chuyển ở phía Tây Bắc, đáng chú ý là việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Những hạn chế không chính thức về các loại hình đầu tư mà Trung Quốc có thể cung cấp cho các công ty dầu mỏ đã được dỡ bỏ; toàn bộ vũ khí phi hạt nhân của Nga hiện đã có sẵn cho Bắc Kinh, bao gồm cả hệ thống phòng không S-400.
Không nên nhầm lẫn sự phụ thuộc này với một liên minh. Các nhà tuyên truyền của Nga, ở trong nước và ở Trung Quốc, đã lợi dụng cuộc chiến thương mại hiện tại để thổi bùng ngọn lửa xung đột và đưa nước họ trở thành nạn nhân của cuộc xâm lược của Mỹ. Nhưng Trung Quốc đang gắn chặt với lập trường đã được tuyên bố là tránh cả liên minh lẫn thù địch. Feng Yujun, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á tại Đại học Phúc Đán nói: “Mối quan hệ quan trọng nhất đối với chúng tôi là mối quan hệ với Mỹ. Chúng tôi không muốn lặp lại những sai lầm của Stalin và Mao Trạch Đông. Nga phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc phụ thuộc vào Nga”.
Sự vượt trội của Trung Quốc
Nếu Trung Quốc không tìm kiếm liên minh, họ sẽ có được sự phụ thuộc đó và muốn đảm bảo tiếp tục nó. Nga có thể kịp thời tìm cách quay lại hướng về phương Tây, hoặc vì sự thay đổi quyền lực ở Kremlin - có xu hướng gây ra sự đảo lộn như vậy, như khi Khrushchev kế nhiệm Stalin - hoặc bởi vì người dân bắt đầu phẫn nộ với hành động của Trung Quốc, như một số người ở Siberia. Một nhà ngoại giao phương Tây nói: “Nga sẽ phản công khi Trung Quốc xâm phạm định nghĩa tâm lý về ý nghĩa của một xã hội Nga”. Gabuev nói rằng để giữ lợi ích của mình an toàn trước sự đảo lộn như vậy, Trung Quốc đang nỗ lực tạo ra một sự vận động hành lang ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ bên trong giới chính trị Nga và tạo ra sự phụ thuộc cả về cấu trúc lẫn phần cứng mà sẽ vẫn tồn tại cho dù có bất kỳ thay đổi chính trị nào ở Nga.
Trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc tiếp cận được với một số tài sản có giá trị nhất của Nga. Các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc sở hữu 1/5 dự án LNG Bắc Cực do Novatek phát triển, công ty năng lượng một phần thuộc sở hữu của Timchenko. Gần một nửa số thiết bị khoan mà các công ty dầu mỏ của Nga sử dụng đến từ Trung Quốc. Trung Quốc đã giúp công ty dầu khí quốc gia Nga Rosneft thực hiện các vụ mua lại, và thậm chí còn mua thêm dầu của họ. Putin và Tập Cận Bình đã đồng ý tăng lượng giao dịch của họ được tính bằng nhân dân tệ (NDT) và ruble, một phần để tránh các lệnh trừng phạt. Lượng NDT hiện Ngân hàng trung ương Nga đang nắm giữ chiếm 14% dự trữ ngoại hối, mặc dù đồng NDT không hoàn toàn có thể chuyển đổi. Theo ông Gabuev, con số này gấp 10 lần so với bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác.
Nga cũng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về công nghệ. Huawei, một công ty bị Mỹ nghi ngờ sâu sắc, đang triển khai thiết bị viễn thông 5G tại Nga. Alibaba, một công ty thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, đã liên doanh với Mail.ru, chủ sở hữu của các mạng truyền thông xã hội lớn nhất của Nga. Luật của Nga về “chủ quyền Internet”, hiện được đưa ra trước quốc hội, được sao chép từ Trung Quốc, và người ta hy vọng sẽ sử dụng công nghệ Trung Quốc để thực hiện nó. Công nghệ Dahua đang giúp ích cho Nga bằng kỹ thuật nhận diện khuôn mặt. Camera Hikvision đang theo dõi cư dân Mosco. Grigory Yavlinsky, một chính trị gia tự do, lập luận trong một bài báo gần đây về những thỏa thuận này là việc biến Nga thành “vệ tinh của Trung Quốc ... để đối đầu với Mỹ là một sự thiển cận không thể tha thứ”.
Leonid Kovachich, một nhà báo theo dõi việc Nga sử dụng công nghệ Trung Quốc, cho biết các quan chức Nga nhận thức được những rủi ro an ninh liên quan đến sự thâm nhập của Trung Quốc và đang cố gắng sử dụng phần mềm và thuật toán do Nga tạo ra. Nhưng họ không thể không sử dụng phần cứng của Trung Quốc. Ông Putin từng nói rằng các quốc gia và công ty thống trị lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ thống trị thế giới. Rất có khả năng là gần như toàn bộ trí tuệ nhân tạo của Nga đều đến từ Trung Quốc.
Những sự bất cân xứng và mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là rõ ràng nhất ở Trung Á. Hãy lấy Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), được thành lập vào cuối những năm 1990, làm ví dụ. Trung Quốc coi đó là một cách để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở Trung Á; các cán bộ của Tajikistan và của các nước Trung Á khác được đào tạo tại chính một viện SCO ở Thượng Hải. Nga coi đó là một cách để kiềm chế sự mở rộng như vậy. Đó là lý do tại sao 2 năm trước, họ khăng khăng rằng Ấn Độ và Pakistan cần được phép tham gia. Nga cũng đã tìm các đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc tạo ra một khu vực thương mại tự do bên trong SCO bằng cách thành lập một Liên minh Á-Âu bên cạnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể. Một nhà ngoại giao Ấn Độ nói rằng mục đích của việc làm này là để bảo vệ thị trường của Nga khỏi sự tràn ngập hàng hóa Trung Quốc.
Về phần mình, các nước Trung Á coi SCO là một sự bảo đảm an ninh không chống lại Trung Quốc nhiều như chống lại Nga, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc chiến tranh ở Ukraine. Đặc biệt có thể thấy rõ những nỗi lo sợ này ở Kazakhstan, nước giàu nhất trong các nước Trung Á và là nước có biên giới dài nhất với Nga. Giống như Ukraine, năm 1994, Kazakhstan đã từ bỏ vũ khí hạt nhân của Liên Xô mà nước này được thừa hưởng để đổi lấy cam kết rằng Mỹ, Anh và Nga sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền lãnh thổ của mình.
Hai thập kỷ sau, việc Nga sáp nhập Crimea đã tiết lộ giá trị thực sự của “Bản ghi nhớ Budapest” đó. Trong vài tuần, tổng thống đầu tiên của Kazakhstan Nurultan Nazarbayev đã yêu cầu Tập Cận Bình đảm bảo an ninh cho đất nước ông. Để xoa dịu Mosco, Kazakhstan cũng đã gia nhập Liên minh Á-Âu của Nga, mặc dù là phiên bản rút gọn. Một trong các nhà đàm phán của Kazakhstan nói: “Nga muốn nó trở thành một liên minh chính trị và kinh tế, với một loại tiền tệ và một quốc hội duy nhất. Chúng tôi đã cố gắng xoa dịu họ”.
Những con rồng nhỏ
Sự khác biệt giữa cách tiếp cận của Nga và Trung Quốc đối với Trung Á là rất đáng chú ý. Nga vung gậy, Trung Quốc đưa ra củ cà rốt. Họ đang sử dụng mọi công cụ trong bộ công cụ sức mạnh mềm đôi khi khá tồi tàn của mình để lôi kéo giới cầm quyền ở Trung Á và bù đắp cho sự phẫn nộ của người dân đối với Trung Quốc tăng lên. Đóng vai nước láng giềng hào phóng dường như có tác dụng. Khi Mỹ chất vấn các chính phủ trong khu vực xem họ có thể lên tiếng về vấn đề Tân Cương tại Liên hợp quốc hay Tổ chức các quốc gia Hồi giáo hay không, thì không ai hồi đáp.
Một quan chức chính phủ cấp cao ở Kazakhstan nói: “Nga vẫn coi chúng tôi là một phần của đế chế và không nghĩ rằng họ cần phải có được lòng tin của chúng tôi. Họ luôn nói về các liên minh, mà ám chỉ một cuộc đối đầu với bên thứ ba, trong khi đó, Trung Quốc nói về ‘bạn bè’”. Tình hữu nghị này rất quan trọng đối với giới tinh hoa của các nước vì nhiều lý do mang tính mỉa mai lịch sử. Vào thế kỷ 19, Trung Á muốn duy trì nguyên trạng, nhưng Nga muốn phương Tây hóa khu vực này bằng vũ lực. Ngày nay, Nga muốn giữ mọi thứ như trước, nhưng giới thượng lưu Trung Á lại muốn phương Tây hóa. Và họ coi quan hệ với Trung Quốc là cách để đạt được mục tiêu đó.
Mặc dù phần lớn các chính phủ Trung Á rút khỏi Liên minh Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể của Nga, nhưng họ coi BRI của Trung Quốc - được công bố chính thức tại Kazakhstan năm 2013 - vừa là cơ hội kinh tế vừa là sự đảm bảo an ninh. Chính Nazarbayev là người đầu tiên đề xuất khôi phục con đường tơ lụa trước đây đi qua Kazakhstan nằm giữa đất liền. Ông từng nhận xét: “Chúng tôi đang ở giữa một lục địa. Chúng tôi không thể tiếp cận với biển. Nhưng như một doanh nhân Trung Quốc đã nói: ‘Trung Quốc là đại dương của chúng tôi’”.
Không giống như Nga, Trung Quốc chứng minh bằng hành động. Hai năm trước, Công ty Vận tải Đại dương Trung Quốc đã trở thành chủ sở hữu 49% “cảng khô” Khorgos, một cảng đường bộ và đường sắt rộng lớn ở biên giới Kazakhstan-Trung Quốc được coi là trung tâm của BRI. Chỉ trong vòng vài tháng, một thành phố với các trung tâm mua sắm, vòng quay Ferris, các tòa nhà ở cao tầng và các nhà hàng Duy Ngô Nhĩ mọc lên ở đường biên giới phía Trung Quốc.
Raffaello Pantucci thuộc Viện nghiên cứu Royal United Services Institute, một tổ chức tư vấn chiến lược ở London, nói: “Trung Quốc coi Trung Á trước hết là một cách để ổn định Tân Cương. Nhưng đó cũng là nơi thử nghiệm chính sách đối ngoại của Trung Quốc và khả năng của họ tiến vào không gian quy chuẩn của Nga. Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã phá vỡ sự độc quyền của Nga về các đường ống năng lượng ở Trung Á. Transneft, công ty vận hành đường ống dẫn dầu của Nga, từng kiểm soát dòng dầu lửa của Kazakhstan. Hiện tại Kazakhstan xuất khẩu dầu sang Trung Quốc thông qua một đường ống mới được xây dựng năm 2009. Pantucci nói: “Trung Quốc đang làm mới toàn bộ khu vực. Tất cả các con đường từng dẫn đến Mosco. Hiện tại mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh”.
Nga vẫn có ảnh hưởng về văn hóa, ngôn ngữ và chính trị ở Trung Á. Nhưng điều đó không khiến Trung Quốc quá bận tâm. Như một nhà ngoại giao phương Tây khác nói: “Nếu bạn sở hữu tòa nhà, thì ai là người thuê cũng vậy”.
Có thể thấy rõ sự thay đổi trong cán cân này ở đại lộ trung tâm thành phố Osh ở Kyrgyzstan. Gần bức tượng Lenin rộng lớn, cánh tay vươn ra, nổi trội trên quảng trường chính là một dấu mốc mới: Shanghai City, khách sạn lớn nhất thành phố. Azizbek Karabaev, người quản lý 31 tuổi của Shanghai City, đã làm việc ở Nga vào đầu những năm 2000, nhưng năm 2012 mới bắt đầu học tiếng Trung và sang Trung Quốc để học kinh doanh khách sạn. Shanghai City cũng là nơi để các sinh viên học tiếng Trung thực hành tiếng. Karabaev nói: “Có một nhu cầu rất lớn về các phiên dịch viên tiếng Trung”. Con trai 6 tuổi của ông, Adilkhan, hầu như không hiểu tiếng Nga, nhưng nói tiếng Hoa lưu loát. Cậu cũng có một cái tên Trung Quốc là Vương Tiểu Long./.
Bài gốc được đăng trên trang The Economist.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét