Rừng Amazon bị phá để trồng đậu nành tại bang miền tây Mato Grosso (Brazil). Ảnh chụp ngày 4/10/2015.REUTERS/Paulo Whitaker/File Pho
Rừng Amazon cháy lớn. Việc chính quyền Brazil thoái thác trách nhiệm bị cộng đồng quốc tế lên án là tiêu điểm thời sự trước thềm thượng đỉnh G7 (từ 24 đến 26/08/2019). Căng thẳng tạm lắng, vấn đề những cội nguồn sâu xa nào dẫn đến nạn rừng Amazon cháy lớn lại trở thành chủ đề thời sự hàng đầu.
Sau khi lên án thái độ của tổng thống Brazil trong việc xử lý cháy rừng, nguyên thủ Pháp hôm thứ Hai, 26/08/2019, tiếp tục thu hút công luận, với việc công khai thừa nhận « phần trách nhiệm » của nước Pháp, của châu Âu, trong việc nhập khẩu đậu nành từ Brazil, nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu của nạn đốt rừng lấy đất cho cây trồng (1). Hai câu hỏi mà nhiều người cũng đặt ra là : việc Pháp và châu Âu nhận phần trách nhiệm về vấn đề « đậu nành » sẽ có các hệ quả gì, cũng như trách nhiệm của các quốc gia khác ?
1 - Vì sao nói đậu nành là « sát thủ rừng Amazon » ?
Theo số liệu thống kê được AFP dẫn lại, ngành trồng đậu nành, hay đậu tương, chiếm đến gần 6,5% đất rừng bị phá để trồng cây tại Brazil. Brazil - nhà xuất khẩu đậu nành số một thế giới, đứng trên nước Mỹ - năm ngoái 2018, xuất khẩu tổng cộng 83,3 triệu tấn đậu nành, đạt mức kỷ lục, vượt 22,2% so với năm 2017, theo bộ Kinh Tế Brazil.
Cần phải nhấn mạnh là Trung Quốc đã trở thành quốc gia mua đậu nành số một của Brazil. Với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Brazil đang trở thành nguồn cung cấp đậu tương số một của Trung Quốc, thay thế cho Hoa Kỳ. Hiện tại khoảng 80% đậu nành xuất khẩu Brazil là sang Trung Quốc. Lượng đậu nành Brazil bán sang Trung Quốc tăng gần 30% hồi năm ngoái. Ước tính có thể có tổng cộng 13 triệu hecta (50.000 km²) rừng bị triệt hạ, chỉ để cung cấp đậu tương cho thị trường Trung Quốc, theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia Viện công nghệ Đức Karlsruher Institut für Technologie (KIT), do nhà môi trường học Richard Fuchs đứng đầu, công bố tháng 3/2019.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây cho đến trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ (khiến nhu cầu đậu nành Brazil từ Trung Quốc tăng vọt), việc phá rừng để trồng đậu tương tại Brazil vốn có chiều hướng chững lại, theo một điều luật có hiệu lực từ năm 2006. Xu hướng này đã bị đảo ngược trong thời gian gần đây. Số lượng vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 8, tăng gần gấp bốn lần. Theo một điều tra của Reuters, công bố đầu tháng 8/2019, trong mùa tới, diện tích trồng đậu nành tại Brazil dự kiến sẽ tăng 2,3%, với tổng số 36,7 triệu hecta.
2 - Nói đậu nành là thủ phạm gây cháy rừng Amazon có phóng đại ?
Ngành trồng đậu nành ở Brazil phát triển mạnh kể từ những năm 1970 vào thời kỳ nở rộ các kỹ thuật nông nghiệp mới dẫn đến năng suất cao, đặc biệt với việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Đậu nành là cây trồng chủ yếu tại Brazil vừa để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, vừa phục vụ chăn nuôi trong nước.
Có thể nói đậu nành là biểu tượng của ngành chăn nuôi bò Brazil, quốc gia xuất khẩu thịt bò đứng số một thế giới, với 1,6 triệu tấn năm 2018. Thị trường tiêu thụ số một thịt bò Brazil cũng là Trung Quốc. Tiếp theo đó là Ai Cập và Liên Hiệp Châu Âu. Theo nhà nghiên cứu Romulo Batista, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, tổng cộng hơn 65% rừng Amazon tại Brazil bị phá để làm bãi chăn thả bò lấy thịt. Trong vòng 20 năm, từ 1997 đến 2016, thịt bò Brazil xuất khẩu tăng gấp 10, về trọng lượng cũng như về giá trị.
3 - Tổng thống Pháp tuyên bố ra sao về vấn đề này ?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài France 2 hôm 26/08/2019, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận nước Pháp và Liên Âu nói chung có một phần trách nhiệm với nạn cháy rừng ở Brazil, do việc nhập khẩu đậu nành. Ông Macron giải thích rõ : « Đậu nành chúng tôi cần hiện nay tại châu Âu, do đây là nguồn cung cấp protein thực vật cho chăn nuôi. Chúng tôi không tự sản xuất được ».
Tổng thống Macron cũng cho biết thêm tình hình hiện nay là hệ quả của thỏa thuận những năm 1960 giữa châu Âu với Mỹ (trong khuôn khổ Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch - GATT). Vào thời điểm đó, châu Âu chấp nhận phụ thuộc vào nước Mỹ về nguồn protein thực vật. Theo nguyên thủ Pháp, đây là « một quyết định rất tồi » đối với khả năng tự chủ của châu Âu, bởi nhẽ ra châu Âu đã có thể sản xuất được protein thực vật tại chỗ, thay vì phải mua từ một nơi xa xôi khác. Ông Macron khuyến cáo châu Âu cần tạo lập lại quyền tự chủ trong lĩnh vực protein thực vật.
4 - Châu Âu nhập khẩu bao nhiêu đậu nành hàng năm ?
Liên Hiệp Châu Âu nhập khẩu hàng năm khoảng 17 triệu tấn protein thực vật (bao gồm đậu nành, các loại hạt khô), trong đó có 13 triệu tấn protein đậu nành, tương đương với 30 triệu tấn hạt đậu nành. Châu Âu là nhà nhập khẩu đậu này đứng thứ hai thế giới, đứng sau Trung Quốc, nhà nhập khẩu số một, với khoảng 100 triệu tấn/năm.
Nhìn chung châu Âu rất phụ thuộc vào đậu nành Brazil. Theo France Agri Mer, trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát, hơn 58% lượng đậu nành nhập khẩu của châu Âu là từ Brazil, phần còn lại chủ yếu từ Mỹ (18%) và Canada (11%). Pháp là quốc gia nhập khẩu đậu nành Brazil đứng hàng thứ 8 và là nước đứng thứ ba trong số các quốc gia nhập khẩu của Liên Âu.
5 - Giải pháp tự túc đậu nành liệu có khả thi ?
AFP dẫn lời Ủy Ban Châu Âu cho biết là sự phụ thuộc của Liên Âu vào đậu nành nói riêng và protein thực vật từ bên ngoài nói chung đạt mức rất cao là vào những năm 1970. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng này có chiều hướng sụt giảm, đặc biệt là tại Pháp, nơi việc sản xuất đậu tương và nhiều protein thực vật khác (các loại hạt như hướng dương, hạt cải, lanh (lin), đậu cánh chim (lupin), đậu răng ngựa (féverole), đậu Hà Lan (pois)… hay các loại cỏ giầu đạm như cỏ linh lăng (luzerne)…) được khuyến khích. Pháp có chủ trương tăng diện tích trồng đậu nành từ 150.000 hecta (tương đương 1.500 km²) hiện nay lên 250.000 hecta.
Dưới sự chủ trì của Terres Univia (Liên hiệp các ngành sản xuất dầu và protein thực vật Pháp), ngành trồng đậu nành đã bắt đầu khởi sắc (2). Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo là, không nên tính tới chuyện tự túc 100% protein thực vật, vì để thay thế lượng đầu nành nhập khẩu 3,5 triệu tấn/năm, ước tính (theo Greenpeace), riêng đối với nước Pháp, phải có thêm 11.980 km² bổ sung, tức tương đương với diện tích nhiều tỉnh nước Pháp. Điều hoàn toàn không khả thi, với mức độ tiêu thụ hiện tại.
Một trong các giải pháp quan trọng khác cần tính đến là giảm lượng tiêu thụ thịt (trong trường hợp này chủ yếu là thịt gà [3]), điều này đồng nghĩa dẫn đến việc giảm diện tích đất trồng đậu nành. Nói một cách hình tượng, bớt ăn thịt một con gà được nuôi tại Pháp, hoặc châu Âu, bằng đậu nành nhập khẩu, có nghĩa là góp phần giảm bớt nạn phá rừng tại Brazil.
Nhìn chung, việc giảm nhập khẩu đậu nành để bảo vệ rừng Amazon, phát triển các sản phẩm thay thế tại Pháp và châu Âu, giảm lượng thịt tiêu thụ là các biện pháp nằm trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, hãm lại đà hâm nóng khí hậu. Chưa kể đến việc thúc đẩy các sản phẩm có chất lượng cao (đậu nành không biến đổi gien, và các sản phẩm đạm thực vật có đánh dấu xuất xứ, nơi chế biến...) cũng là các nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ và nâng cao uy tín của nhãn hiệu Made in France.
Ghi chú :
1 - Trước đó, ngày 23/08/2019, đại diện Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Hoang Dã (WWF) đã lên tiếng trên đài France Info chỉ rõ mối liên hệ giữa nạn phá rừng Amazon với tình trạng châu Âu phụ thuộc vào đậu nành Nam Mỹ, lên án phương thức sản xuất và tiêu thụ hiện nay là thủ phạm, và kêu gọi xây dựng một cách làm nông nghiệp khác. Báo chí Pháp nhất loạt chỉ trích tình trạng Pháp và Liên Âu « nghiện đậu nành ».
2 - Từ năm 2015, chính phủ Pháp thời tổng thống Hollande đã khởi sự chương trình Proleval, hướng đến nâng cao mức độ tự chủ về protein thực vật của nước Pháp. Đầu năm 2018, chính quyền Macron tái khẳng định đường hướng này. Mục tiêu hiện nay tại Pháp là giảm phụ thuộc của ngành chăn nuôi vào nguồn đạm thực vật nhập khẩu xuống mức 45% (so với tỉ lệ trung bình châu Âu là 70%).
3 - Theo ước tính của Greenpeace, 87% đậu nành nhập vào châu Âu là để chăn nuôi, trong đó ba phần tư phục vụ chăn nuôi gà trứng, gà thịt, hay heo (16% nuôi bò sữa, 7% bò thịt).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét