Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

13516 - Hong Kong: Một mùa hè phản kháng




Một người biểu tình Hong Kong mang "Tấm khiên Tự do", ngày 24/8/2019. Ảnh: Miguel Candela/SOPA Images/LightRocket via Getty Images



Phong trào biểu tình ở Hong Kong đã bước qua ngày thứ 80. Tròn một mùa hè, thành phố này trở thành tâm điểm của cả thế giới. Nguồn cơn của cuộc biểu tình là dự luật dẫn độ (extradition law) Hong Kong 2019. Dự luật cho phép toà án các nước khác, bao gồm Trung Quốc, yêu cầu Hong Kong giao nộp nghi phạm. Người biểu tình lo ngại rằng Trung Quốc sẽ dựa vào đó để can thiệp và làm suy yếu sự độc lập của toà án Hong Kong. 
Cuộc biểu tình sau đó mở rộng thành một phong trào chống chính phủ, với yêu sách: bầu cử độc lập, điều tra về việc công an dùng bạo lực với người biểu tình, ân xá cho những người đã bị bắt, v.v.
Tính đến thứ Ba, 27/8, cuộc phản kháng mùa hè này đã kéo dài hơn Phong trào Dù vàng 2014, trở thành biến cố chính trị lớn nhất kể từ khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc cách đây 22 năm.


Nguồn số liệu: Bloomberg

Tháng 6: Khởi sự

Cuộc xuống đường đầu tiên là vào ngày 9/6. Những người tổ chức ước tính đã có hơn một triệu người tham gia, tức là cứ bảy người Hong Kong thì có một người đã góp mặt trong cuộc biểu tình đó.
Chính quyền vẫn đòi thông qua dự luật, cho rằng dự luật là khẩn cấp và “lỗ hổng” pháp lý cần được lấp lại.
Ngày 12/6, người biểu tình xuống đường một lần nữa và chiếm toà nhà lập pháp (LegCo). Cảnh sát bắt đầu dùng hơi cay với người biểu tình.
Ba ngày sau, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báohoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ. Tuy nhiên, bà cũng nói rõ rằng dự luật chỉ bị trì hoãn, chứ không bị rút lại.
Người biểu tình không hài lòng với phản ứng này. Họ xuống đường một lần nữa vào ngay ngày hôm sau, 16/6. Đó được xem là cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử của thành phố này.
Ngày 18/6, tại cuộc họp báo, Trưởng đặc khu Lam nói rằng bà “chân thành xin lỗi”. Chứng kiến những cuộc biểu tình vừa qua, bà nhận ra rằng mình “cần lắng nghe nhiều ý kiến khác biệt và mối bận tâm của nhiều người hơn”.
Thế nhưng, bà vẫn không rút lại dự luật. Biểu tình lại tiếp diễn bốn ngày sau đó.
Ngày 21/6, hàng trăm người biểu tình đã đổ xô về khu phức hợp của chính quyền Hong Kong vào để phản đối. 
Một số người biểu tình xuất hiện trước tòa nhà chính quyền Hong Kong, mang theo các áp phích yêu cầu cảnh sát không bắn vào họ như những vụ bạo lực tuần trước đó
Các văn phòng của chính quyền thành phố trong sáng ngày 21 đã đóng cửa vì các quan ngại về an ninh. Căng thẳng tiếp diễn.


Người dân Hong Kong tràn xuống đường ngày 9/6. Số người tham gia, theo cảnh sát, chỉ là 240.000 người. Ảnh: The New York Times.
Ngày 16/6, theo ban tổ chức, gần hai triệu người mặc áo đen đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ và yêu cầu bà Carrie Lam từ chức. Ảnh: AP
Cảnh sát bắt đầu dùng lựu đạn hơi cay để đối phó với người biểu tình. Nhiều người tham gia nói rằng họ bị sốc vì việc này. Ảnh: The New York Times.
Màu đen được chọn cho các cuộc biểu tình, một phần là để tưởng niệm một người đã trượt chân ngã và qua đời khi treo biểu ngữ phản đối dự luật dẫn độ của chính quyền đặc khu. Ảnh: inmediahk.net.
Một người giương cờ đen trong một cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát ngày 21/6. Ảnh: Tyrone Siu/File Photo/REUTERS.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong cuộc họp báo công bố hoãn thông qua Dự luật Dẫn độ, ngày 15/6/2019. Ảnh: Justin Chin/Bloomberg.

Tháng 7: Những bước ngoặt

Ngày 1/7/2019 đánh dấu kỷ niệm 22 năm kể từ ngày Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc. Đây là ngày biểu tình truyền thống trong hơn chục năm qua, nhưng năm nay nó đánh dấu một bước ngoặt của cuộc phản kháng.
Hàng trăm người biểu tình trẻ tuổi đã xông vào trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong và bôi xoá các biểu tượng liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc và các phần tử thân Bắc Kinh bên trong tòa nhà. 
Trước đó, chưa rõ bằng cách nào, từ đêm 30/6, những người biểu tình Hong Kong đã thay quốc kỳ Trung Quốc trước trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong bằng một lá cờ màu đen treo rủ. Điều này được cho là để bày tỏ nỗi tức giận và thương tiếc của họ trước cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ” (one country, two system).


Người biểu tình đột nhập vào toà nhà lập pháp Hong Kong, ngày 1/7. Ảnh: The New York Times.
Chiếm đóng toà nhà lập pháp. Biểu ngữ có dòng chữ “Không có kẻ côn đồ, chỉ có sự chuyên chế”. Ảnh: Bloomberg.
Một người biểu tình bôi đen biểu tượng Hong Kong sau khi đột nhập vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong, thứ Hai, ngày 1 tháng 7 năm 2019. Ảnh: Philip Fong/AFP/Getty Images.

Ngày 7/7, người biểu tình tiếp tục xuống đường. Các cuộc tuần hành cứ thế diễn ra khoảng hai ngày một lần, với sự tham gia của ngày càng nhiều thành phần hơn.
Bà Carrie Lam có xuất hiện một lần trước truyền thông vào ngày 9/7, thông báo rằng dự luật dẫn độ “đã chết”. Nhưng bà không từ chức.


Những người lớn tuổi tuần hành ngày 17/7. Dòng người kéo đi những tấm băng rôn ghi khẩu hiệu: “Hãy ủng hộ những người trẻ tuổi. Hãy bảo vệ Hong Kong”. Ảnh: Winson Wong/SCMP.


Những người lớn tuổi phải di chuyển bằng xe lăn cũng xuống đường. Phần lớn họ mặc đồ trắng. Ảnh: Winson Wong/SCMP.
Cuộc đụng độ ngày 14/7 tại New Town Plaza, nơi tập trung nhiều du khách Trung Quốc. Khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông, người biểu tình ném dù và chai nước vào họ. Hơn 40 người bị bắt. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 21/7 là một bước ngoặt khác.
Trong ngày này, người biểu tình chiếm đóng những tuyến đường chính ở trung tâm thành phố và tiến về Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh, cơ quan đại diện cho chính quyền trung ương Trung Quốc tại Hong Kong ở quận Tây. 
Đêm đó, một nhóm người đeo khẩu trang, mặc áo trắng, mang theo gậy gộc tấn công người biểu tình trên đường về nhà tại ga tàu điện Yuen Long và bên trong các toa tàu. Ít nhất 45 người đã bị thương.
Sự vắng bóng của cảnh sát châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ rộng khắp. Từ đây, cuộc biểu tình không còn là về luật dẫn độ nữa. Nó trở thành đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền.
Một số nghị sĩ Hong Kong cáo buộc các lãnh đạo “nhắm mắt làm ngơ” trước tình trạng mà họ gọi là “băng đảng Trung Quốc đại lục đánh đập người Hong Kong”.
Họ cho rằng cảnh sát đã thất bại khi mất hơn một giờ mới đến can thiệp và không bắt được kẻ tấn công nào. Cảnh sát trưởng thành phố Stephen Lo bác bỏ cáo buộc, cho rằng nhân viên của mình đang bận rộn đối phó với những cuộc biểu tình chống chính quyền đầy bạo lực ở nơi khác.
Ngày 27/7, cảnh sát đã ban bố lệnh cấm biểu tình ở Nguyên Long với lý do an toàn. Điều này không ngăn cản những người biểu tình tiếp tục tràn xuống đường trong suốt những ngày cuối tháng Bảy.


Những người lạ mặt mặc áo trắng tấn công người biểu tình tại ga Yuen Long đêm 21/7. Ảnh: Tyrone Siu/Reuters.
Họ trang bị mũ bảo hộ, gậy và thanh sắt và tấn công người biểu tình khi họ đang trở về nhà. Ảnh: The New York Times
Người biểu tình ở Yuen Long, ngày 27/7, khi cuộc đấu tranh đã có thêm mục tiêu mới. Ảnh: The New York Times.
Một người ném trả lựu đạn hơi cay về phía cảnh sát trên đường Des Voeux Road trong cuộc đụng độ tại Sai Ying Pun. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 8: Những biểu tượng

Ngày 5/8, một cuộc tấn công tổng lực của người biểu tình vào hệ thống giao thông làm mọi thứ bị xáo trộn nghiêm trọng.
Vào giờ cao điểm, phần lớn các tuyến xe điện ngầm bị tê liệt do người biểu tình phong tỏa. Trong khi đó, tại sân bay quốc tế Hong Kong, hơn 200 chuyến bay không cất cánh được, vì một phần ba nhân viên kiểm soát không lưu tham gia phong trào đình công.
An eye for an eye
Cảnh sát tiếp tục bắn hơi cay trong các cuộc đụng độ khắp thành phố. Giữa hỗn loạn tại Tsim Sha Tsui, Kowloon vào 12/8, cuộc biểu tình 2 tháng qua bắt đầu có một gương mặt đại diện.
Một người được cho là tình nguyện viên y tế bị thương. Hình ảnh ghi lại cho thấy một người phụ nữ nằm trên đất với máu chảy ra từ mắt phải. Trước mặt cô là một cặp kính bảo hộ bị đạn cao su (bean bag round) bắn vào.


Hoá trang phản đối cảnh sát tấn công người biểu tình. Hashtag “An eye for an eye” (mắt đổi mắt) lan rộng. Ảnh: Quartz.
Trên tấm vải che mắt là dòng chữ: HK Police Murders HK Citizen – Cảnh sát HK sát hại công dân HK. Ảnh: Quartz.

Ngày 12/8, người biểu tình quay lại sân bay trong màu áo đen và mắt phải băng bó. Họ chặn các cửa khởi hành. Hàng trăm chuyến bay bị hoãn, huỷ tại một trong những nhà ga nhộn nhịp nhất thế giới khiến nhiều người bất bình. Ngày 14/8, chính phủ ra lệnh cấm biểu tình tại sân bay vì lý do an ninh.


Sân bay Hong Kong bị bao vây. Video: The Guardian.
Người biểu tình tại sân bay Hong Kong. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times



Người biểu tình xin lỗi tại sân bay vào ngày 14/8. Sân bay hoạt động bình thường sau ngày này. Ảnh: Reuters.
Sau đó là hai tuần lễ biểu tình ôn hoà, nhưng căng thẳng ở sân bay đã khiến Trung Quốc tức giận. Họ cảnh cáo người biểu tình Hong Kong “đừng đùa với lửa”.
Ngày 16/8, Trung Quốc tập trận tại Thâm Quyến (Shenzen), tỉnh nằm sát Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các bên bình tĩnh.


Xe có trang bị vũ khí của Trung Quốc tại Shenzen Bay Sports Center ngày 16/8. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times.

Phần còn lại của tháng Tám là những “tác phẩm chính trị” đầy ấn tượng của người biểu tình. Trong đó, có cuộc diễu hành tại công viên Victoria và khung cảnh hàng trăm nghìn người nắm tay nhau thắp sáng cả ngọn núi Lion Rock.
Đến Chủ Nhật, 25/8, đụng độ vẫn xảy ra. Không có dấu hiệu nào cho thấy các dòng chảy biểu tình “như nước” (like water) này sẽ dừng lại, trừ chuyện mùa hè sắp qua. Phần lớn người tham gia vốn là học sinh, sinh viên sẽ sớm phải quay lại trường cho năm học mới.


Hàng trăm nghìn người hay hàng triệu? Những tính toán của cảnh sát và giới tổ chức luôn chênh lệch nhau. Ảnh: Quartz.



Hong Kong Way thắp sáng cả thành phố tối 23/8. Ảnh: Philip Fong/AFP/Getty Images.
Người trẻ là nòng cốt của mọi cuộc biểu tình. Cuộc tập trung ngày 22/8 ở khu Central gồm rất nhiều học sinh cấp 2. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times.
Một em bé tham gia cuộc tuần hành ngày 18/8. Ảnh: Quartz.
Cảnh sát bắn đạn hơi cay vào người biểu tình tại Sham Shui Po ngày 14/8. Ảnh: Quartz.
Một người biểu tình xông lên ngăn cảnh sát bắn đạn thật vào đoàn biểu tình, ngày 25/8/2019. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times.
Một người biểu tình sử dụng vợt tennis để xua đi hơi cay và khói từ phía cảnh sát trên đường phố  Yeung Ukm, Hồng Kông vào ngày 25 tháng 8 năm 2019. Ảnh: Sam Tsang/SCMP. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét