Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

13475 - Người Việt thế hệ hai vẫn không được chính phủ Campuchia coi là công dân


"Đã là người Việt thì sẽ không được ưa ở Campuchia," Hiền khẳng định
"Đã là người Việt thì sẽ không được ưa ở Campuchia," Hiền khẳng định


Trong khi đi tìm kiếm nhân vật cho loạt phóng sự về cộng đồng người Việt ở Campuchia, chúng tôi gặp những người trẻ tuổi 'vô chính phủ' khác không phải ở Biển Hồ, mà ngay trong lòng Phnom Penh sầm uất. Một trong số đó là Huỳnh Thanh Hiền, 30 tuổi, có bố mẹ đều là người Việt, sinh ra ở Campuchia, hiện là thợ làm móng ở thủ đô Phnom Penh.
Thuộc thế hệ trẻ hiện đại, giao tiếp tốt, quen công nghệ, nói thành thạo tiếng Khmer và tiếng Việt, Hiền dường như đã có thể trở thành lớp người gốc Việt mới thành đạt tại Campuchia này.
Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Truyền thông viết ít nhiều về cộng đồng gốc Việt nghèo, không được thừa nhận ở vùng Biển Hồ, nhưng thanh niên có điều kiện hội nhập hơn như Huỳnh Thanh Hiền cũng vẫn sống bên lề xã hội Campuchia.

'Không được chấp nhận'



Huỳnh Thanh Hiền sinh ra ở Campuchia, nhưng cô nói 'chưa bao giờ được hoàn toàn chấp nhận' ở đây
Image captionHuỳnh Thanh Hiền sinh ra ở Campuchia, nhưng cô nói 'chưa bao giờ được hoàn toàn chấp nhận' ở đây

"Đã là người Việt thì sẽ không được ưa ở Campuchia," Hiền khẳng định.
"Khi còn bé, tôi không hiểu vì sao người Campuchia không thích tôi và người Việt Nam nói chung. Về sau khi lớn lên, tôi hiểu được một số lý do trong quá khứ, từ thời chiến tranh, người Campuchia luôn nghĩ rằng người Việt Nam có quyền lực, và vì thế luôn sợ mất đất về tay người Việt," Hiền vừa nói vừa lướt điện thoại trong một quán cà phê hiện đại ở Phnom Penh, nơi cô hay lui tới.
"Con gái Campuchia mà có bạn trai là người Việt Nam thì gia đình sẽ không cho cưới. Đi thuê nhà, người Việt Nam thì họ không cho thuê nhưng nếu nói là người Trung Quốc thì cho thuê. Nhìn chung người Campuchia họ không thích mình nhưng không làm gì mình cả. Tôi vẫn có bạn Campuchia và vẫn chơi với họ bình thường. Chỉ khi nào cãi nhau thì họ sẽ nói mình là 'jun' - từ lóng, kiểu nói miệt thị ở Campuchia."
"Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi coi đây là đất nước của mình. Nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình được hoàn toàn chấp nhận ở đây. Tôi không biết mình thực ra là người nước nào," Hiền nói.
Hiền và bốn người em đều sinh ra ở Phnom Penh nhưng không ai có giấy tờ hộ tịch Campuchia.
Các em Hiền thậm chí không có giấy khai sinh vì đã bị chính quyền tịch thu trong đợt xét cấp lại giấy tờ cho 'người nước ngoài' năm 2017.
Do không phải công dân Campuchia, theo luật nước này, cả năm chị em Hiền đều không được đi học các trường tiếng Khmer của chính phủ. Nhờ hoạt bát, giao tiếp tốt, Hiền có thể nói thông thạo tiếng Khmer nhưng không biết đọc và viết. Hiền chỉ học đến lớp Ba trường tư của người Việt, biết mặt chữ và làm các phép tính đơn giản, đủ để sống sót khi ra đời.
Nhóm bạn của Hiền ở Phnom Penh phần lớn cũng là người gốc Việt và có chung câu chuyện không hộ tịch Campuchia, không bằng cấp.
Họ chủ yếu đi làm thuê hoặc mở các dịch vụ cắt tóc, làm móng để sinh sống. Chưa từng có ai đặt được chân vào cơ quan nhà nước. Trở thành một nhân viên chính phủ là điều hoang tưởng.

Không hộ tịch, không quyền căn bản



Huỳnh Thanh Hiền nói không có dự định gì cụ thể trong tương lai
Image captionHuỳnh Thanh Hiền nói không có dự định gì cụ thể trong tương lai ngoài mong có giấy tờ Campuchia

Khi chúng tôi liên hệ với Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh để nhờ ông giới thiệu một tấm gương người gốc Việt trẻ tuổi thành đạt tại Campuchia.
Thông tin phản hồi của Đại sứ mà chúng tôi nhận được là: "Đến nay chưa có ai!"
Vì sao cộng đồng gốc Việt tại Campuchia, với dân số ước tính lên tới hơn 180.000 người cho tới thời điểm hiện tại, không có ai thực sự vươn lên thành đạt? Vì sao hàng ngàn người, như Hiền, không được thừa nhận là dân Campuchia. Vì sao họ 'bị ghét'?
Câu chuyện của chúng tôi với những người gốc Việt tại Campuchia quanh đi quẩn lại luôn quay về chuyện 'không được chấp nhận' và không hộ tịch.
Trong chuyến thăm trường tiểu học Khmer Việt Nam tại tỉnh Preyveng, cách Phnom Penh 60 km, chúng tôi gặp ông Phann Sarin, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam của tỉnh. Ông Phann Sarin thừa nhận rằng "sâu thẳm, người Campuchia không thích người Việt.
"Tình hình căng thẳng nhất là vào đợt tranh cử năm 2003, các đảng phái tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu người Việt để lôi kéo thêm phe cánh ủng hộ. Họ nói người Việt Nam xâm lược Campuchia, chặt đầu người Campuchia... Một bộ phận người Campuchia do hiểu biết thấp đã tin theo những điều này. Họ tìm cách hãm hại người Việt, thậm chí tìm cách giết. Có hai cha con đi đặt bẫy chuột đã bị họ phục kích bắt trói, đánh đập, rồi bỏ vào ghe để thả xuống một khúc sông vắng. May họ tỉnh dậy, tự mở trói được. Nhưng quá hoảng sợ, nhà đó đã bỏ chạy về Việt Nam. Bà con người Việt hoang mang dữ lắm."
"Bây giờ đỡ nhiều rồi. Quan hệ giữa người Việt và người Khmer đã tốt hơn. Người Khmer giờ đã hiểu hơn, họ nhìn lại thực tế đã bị các đảng phái lừa gạt... Quanh đây người Việt sống lẫn với người Khmer hòa thuận, không có chuyện gì xẩy ra. Những người hiểu biết thì họ rất thương mến người Việt. Nhưng vẫn có một phần tử nhỏ vẫn tuyên truyền nói xấu... Và trong sâu thẳm thì có nhiều người Khmer không thích mình dù họ vẫn chung sống hòa bình với mình."

Dân thành phố cũng có hơn?

Việc không được hoàn toàn chấp nhận trong xã hội Campuchia đã để lại hậu quả nặng nề cho cộng đồng gốc Việt tại Campuchia.
Trong trường hợp của Hiền, dù là dân thành phố nhưng cô cũng không có cơ hội vươn lên như hàng ngàn dân gốc Việt thất học khác ở các làng chài trên Biển Hồ.
Do không có hộ tịch, cô không được hưởng một nền giáo dục đầy đủ, không có bằng cấp, không được đi khám các dịch vụ y tế của nhà nước, không được cấp hộ chiếu, không được đặt phòng khách sạn, không mở được tài khoản ngân hàng, không được đi bầu cử.
Tóm lại, Hiền không được hưởng các quyền công dân Campuchia cơ bản mà cô cũng không phải công dân Việt Nam.
Chuyện bị phân biệt đối xử dường như ảnh hưởng tới cả công dân Việt Nam làm việc tại Campuchia.
Anh Nguyễn Văn Hào, quốc tịch Việt Nam, Hiệu trưởng kiêm giáo viên đứng lớp trường tiểu học Khmer Việt Nam ở Preyveng nói nguyện vọng của anh chỉ là được trả lương công bằng như các đồng nghiệp Campuchia.
"Hiện nay lương của tôi là 150 đô la một tháng, trong khi tôi có bằng sư phạm. Các đồng nghiệp người Campuchia thì được gấp đôi, 300 đô la một tháng. Vì sao lại như thế?" Thầy Hào đặt câu hỏi.

Thấy giáo Nguyễn Văn Hào hưởng mức lương bằng một nửa đồng nghiệp Campuchia
Image captionThấy giáo Nguyễn Văn Hào hưởng mức lương bằng một nửa đồng nghiệp Campuchia

Mâu thuẫn vì đâu?

Một số nghiên cứu hiếm hoi mà chúng tôi tìm thấy chỉ ra rằng mâu thuẫn giữa người gốc Việt và người Khmer tại Campuchia đã có từ lâu đời, chí ít từ thời Pháp đô hộ Đông Dương (1863-1953), khi các làng chài của người Việt bắt đầu hình thành trên sông Mekong gần biên giới Campuchia.
Sau đó vào những năm 1960, dưới thời ông hoàng Sihanouk, ông này cho phân chia lại các nhóm sắc tộc và đưa ra những chính sách mới về quốc tịch, trong đó người gốc Việt Nam vẫn là 'người nước ngoài'.
Luật do vua Sihanouk ban hành năm 1954 quy định người sống ở Campuchia 5 năm sẽ được cấp quốc tịch Campuchia, với yêu cầu phải 'thuần thục' tiếng Khmer và phải 'đồng hóa đủ' về đời sống, văn hóa Khmer, theo nghiên cứu mang tên "A Boat Without Anchors" của Tiến sỹ Christoph Sperfeldt.
Thế nhưng chính sách này vấp phải sự phản đối về mặt chính trị. Năm 1963, Quốc hội Campuchia tuyên bố không cấp quốc tịch cho toàn bộ người Việt tại đây do họ 'không thể đồng hóa nổi'. Đồng thời thành lập một ủy ban để tước quốc tịch của bất cứ ai 'không tôn trọng văn hóa của chúng ta'.
Chính sách phân biệt đối xử này chủ yếu nhắm vào cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với người Việt và chiến tranh Việt Nam đang tràn vào lãnh thổ Campuchia.
Tiếp đó, là sự kiện năm 1979 khi làn sóng gần 200.000 người gốc Việt - những người chạy về Việt Nam để tránh nạn diệt chủng Khmer Đỏ (1975-1979) - quay lại Campuchia khi Khmer đỏ bị lật đổ.
Theo nhà nghiên cứu Ramses Amer, trong số những người này, có người từng là lính chiến tranh Việt Nam, có người tới Campuchia tìm kiếm các cơ hội kinh tế, và có những người từng sinh sống tại Campuchia trước nạn diệt chủng.
Nhưng dù họ là ai thì tất cả đều bị xem là một phần chiến lược của Việt Nam nhằm gây ảnh hưởng, thậm chí đô hộ Campuchia; và là đề tài chính trị chính của các nhóm đối lập tại Campuchia vốn lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của Việt Nam.
Từ đó cho tới nay, số phận người Việt tại Campuchia chưa bao giờ hết khó khăn.
Họ bị tàn sát năm 1996, 1998, bị di dời từ nước lên bờ năm 1999, và hơn hết, luôn bị đối xử 'như người nước ngoài'.

Vòng 'luân hồi' 'vô chính phủ'

Luật Hộ tịch 1996 của Campuchia - là luật hiện hành - quy định định trẻ nào sinh sau 1996 và có bố mẹ là người nước ngoài sinh ra và sống hợp pháp ở Campuchia thì tự động được cấp hộ tịch Campuchia. Nhưng cho đến nay chưa có đứa trẻ gốc Việt nào sinh sau 1996 được cấp hộ tịch.
Trong nghiên cứu mang tên "A Boat Without Anchors", Tiến sỹ Christoph Sperfeldt chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp rất khó có được giấy tờ chứng minh cha mẹ của họ sinh ra ở Campuchia do thất lạc trong quá trình chạy nạn diệt chủng, hoặc do bị chính quyền tịch thu từ lâu.
Thêm nữa, yêu cầu 'phải thông thạo tiếng Khmer' coi như 'viễn tưởng' bởi người Việt ở Campuchia chưa từng được đến một trường Khmer chính quy nào. Ngoài ra, cũng khó chứng minh được rằng thế nào thì người Việt được cho là 'chung sống hòa bình với cộng đồng Khmer và có thể quen với tập tục, văn hóa Khmer' hay có 'thái độ và hành xử đúng mực' như luật định.
Không được cấp hộ tịch, dẫn đến không được đi học, dẫn đến mù chữ Khmer, dẫn đến không có nghề nghiệp ổn định, dẫn đến không vượt qua được điều kiện 'không trở thành gánh nặng cho chính phủ Campuchia' theo luật định, dẫn đến không được cấp hộ tịch…. là vòng quay bất tận nhiều đời nay của cộng đồng người Việt tại Campuchia.
Ngày 1/7/2019, chính phủ Campuchia ban hành văn bản mới, hướng dẫn cấp lại giấy khai sinh cho cho người nước ngoài có thẻ thường trú khi 'họ có đề nghị xin'. Nhưng những người gốc Việt mà chúng tôi được tiếp cận cho rằng văn bản này cũng không giúp gì cho họ trong việc được cấp hộ tịch Campuchia.
Hiện, hi vọng lớn nhất mà cộng đồng người gốc Việt đang bấu víu vào, là kế hoạch 'thẻ xanh' của chính phủ Campuchia. Theo đó, người nước ngoài cư trú hợp pháp ở Campuchia sẽ được lần lượt cấp thẻ xanh, vàng, hồng, trong vòng 7 năm.
Và cứ mỗi hai năm một lần trong vòng 7 năm này phải đóng một khoản thuế thế thân. Sau 7 năm, người được cấp thẻ có thể làm thủ tục xin nhập quốc tịch Campuchia.
Thế nhưng với Huỳnh Thanh Hiền, cô nói quy định này gieo hi vọng mong manh.
"Tôi đã đóng thuế được hai năm rồi, nếu tôi có được cấp hộ tịch thì cũng phải thêm 5 năm nữa mà tôi đã 30 tuổi rồi. Cho tới khi đó tôi sẽ vuột mất thêm bao nhiêu cơ hội học hành, việc làm, đi lại. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở đây, lẽ ra cần được xem xét cấp hộ tịch ngay.
Vì sao phải đợi thêm 7 năm nữa mới xem xét? Và sau 7 năm chính quyền mới 'xem xét' thôi chứ tôi có được xác định là đủ tiêu chuẩn để được cấp quốc tịch hay không thì không chắc. Với những người đã sống gần hết cả đời ở đây thì sao, họ có đợi nổi không?"
Tôi đem băn khoăn của Hiền hỏi ông Nguyễn Văn Huệ, 65 tuổi, Phó Chủ tịch Tỉnh hội Người Campuchia gốc Việt Nam tại Preyveng. Ông Huệ sinh ra ở Campuchia và đã chờ được cấp hộ tịch Campuchia gần cả đời người rồi. Ông Huệ trầm ngâm không trả lời.
Trong nghiên cứu của mình, Tiến sỹ Christoph Sperfeldt nhấn mạnh rằng việc cấp hộ tịch được xem là 'đặc ân của Vương quốc Campuchia'.
"Trong bối cảnh xã hội và chính trị của một nước mà cả chính quyền và người bản địa đều không xem cộng đồng gốc Việt là một phần của xã hội Campuchia thì các thủ tục liên quan có vẻ không đáng tin. Có nghĩa là, kể cả khi người gốc Việt đáp ứng đủ các yêu cầu theo luật, họ cũng chưa chắc được chính quyền Campuchia cấp hộ tịch. Cấp hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào người ra quyết định, vào kẻ nắm quyền, chứ không phải luật pháp. Và lịch sử quan hệ giữa hai cộng đồng người không cho thấy có ánh sáng lạc quan."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét