Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

13515 - Cảnh sát điều tra viết thêm vào biên bản hỏi cung: nguồn cơn án oan?


Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005. Ảnh minh họa.
Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005. Ảnh minh họa. Ảnh Reuters

Khởi tố cảnh sát điều tra

Trong bản tin loan đi ngày 29/08/19, Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trung tá Nguyễn Việt Cường, 43 tuổi, cựu điều tra viên thuộc Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên theo khoản 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trung tá Nguyễn Việt Cường bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, do tự ý viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung một vụ án hình sự liên quan vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy hồi tháng 7 năm 2012.
Tại thời điểm đó, Trung tá Nguyễn Việt Cường, được giao trách nhiệm thụ lý điều tra vụ án trong vai trò là Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy Công an thành phố Tuy Hòa.
Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rõ rằng vụ án vừa nêu được đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 3 năm 2014 và phúc thẩm vào tháng 9 cùng năm.
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên hủy bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh, một trong các bị cáo của vụ án để điều tra lại. Và trong quá trình điều tra lại vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đã phát hiện Trung tá Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm nhiều nội dung vào các bản cung có tính chất buộc tội đối với bị can, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đề nghị giám định các biên bản hỏi cung này.
Kết quả, cảnh sát điều tra Nguyễn Việt Cường bị đình chỉ chức Trưởng Công an phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa và bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra trước khi nhận được quyết định khởi tố của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Không phải là trường hợp cá biệt

Vào tối ngày 29 tháng 8, Luật sư Phạm Công Út lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì trường hợp Trung tá Cảnh sát Điều tra Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm vào bản cung không phải là trường hợp cá biệt:
“Theo kinh nghiệm, tôi thấy hiện tượng đó là nhiều. Thậm chí là rất nhiều. Việc (cảnh sát điều tra) viết thêm, điền thêm diễn ra rất nhiều bởi vì khi lấy lời khai của bị can hoặc của người bị tình nghi thì các bản cung không có khóa cái đuôi, tức là phần cuối cùng của bản cung thường để trống và cảnh sát điều tra kêu bị can, người bị tình nghi hay người bị tố giác ký tên vào. Những người bị điều tra thường lâm vào tình trạng mệt mỏi do làm việc mấy tiếng đồng hồ liên tục, mà đa số họ không để ý phần cuối cùng để trống còn lại là phải gạch chéo, phải khóa đuôi do đó sau khi ký tên rồi thì phía điều tra viên có thể thêm, bớt. Thậm chí có những bản cung không có chữ mà bị can vẫn phải ký tên vô vì người ta sợ hãi mà ký vào. Chúng tôi chứng kiến một số vụ án khi ra tòa, bị cáo nói là phần này họ không khai nhưng chữ ký thì đúng là chữ ký của bị cáo. Phần viết thêm đó gọi là là phần bất lợi nhất trong toàn bộ bản cung, dựa vào phần cuối của bản cung để kết tội.”
Cựu tù nhân lương tâm, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải cũng xác nhận tình trạng này với RFA:
“Ở Việt Nam, việc bức cung, dùng nhục hình và làm sai lệch hồ sơ điều tra thì xảy ra rất nhiều. Trong thời gian đi tù và nghe bạn tù nói về nhiều việc như bị tra tấn, bị bức cung nhục hình và bị bắt ký vào những tờ biên bản để trống. Gần đây nhất là trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa bị lập biên bản và bị bắt ký vào những biên bản vẫn còn khoảng trống. Hóa đã không chịu ký thì bị đánh.”
Trung tá Cảnh sát Nguyễn Việt Cường ở tỉnh Phú Yên bị khởi tố theo khoảng 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trung tá Cảnh sát Nguyễn Việt Cường ở tỉnh Phú Yên bị khởi tố theo khoảng 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015. Courtesy: Ảnh chụp màn hình plo.vn
Qua trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, chúng tôi được biết tình trạng cảnh sát điều tra tại Việt Nam thường tự ý viết vào bản cung là do phía nhân viên điều tra bị áp lực về thời hạn tố tụng, tức là thời gian điều tra bị giới hạn và họ phải nhanh chóng hoàn tất hồ sơ điều tra để đạt thành tích thi đua. Bên cạnh đó cũng không thể không bỏ sót vì mục đích tư lợi của nhân viên điều tra mà họ thay đổi thêm, bớt nội dung trong bản hỏi cung.
Một số luật sư còn nhấn mạnh với RFA rằng mặc dù tại các phiên tòa, bị cáo nói rằng họ không cung khai theo như trong bản cung và dù luật sư và hội đồng xét xử có thể nghi ngờ, thế nhưng hội đồng xét xử phó mặc số phận của bị cáo mà họ chỉ tuyên theo hồ sơ điều tra và do đó hậu quả là có rất nhiều oán oan tại Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề với Luật sư Phạm Công Út, rằng có phải trường hợp hiếm hoi của Trung tá Nguyễn Việt Cường bị phát hiện và bị khởi tố bởi vì hồ sơ vụ án được yêu cầu điều tra lại hay không, và được ông trả lời:
“Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì theo Luật Tố tụng quy định là điều tra viên không bị thay đổi trong trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc án bị hủy; vẫn là điều tra viên đó. Cho dù đầu tiên do điều tra viên làm sau đó đưa ra xử sơ thẩm, rồi xong việc. Sau đó đưa ra xử phúc thẩm, xử xong rồi hủy và quay lại thì không thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên. Hai chủ thế đó không bị thay đổi. Chỉ có chủ thể hội đồng xét xử bị thay đổi, tức là đã tham gia xét xử rồi thì không được xét xử nữa. Tức là đã tiến hành tố tụng rồi thì không được tiến hành tố tụng nữa. Còn riêng điều tra viên, kiểm sát viên thì không bị rơi vào ‘vùng cấm’ đó do đó họ vẫn tiếp tục điều tra và họ phải bảo vệ cái sai trước đó của họ.”

Kêu gọi minh bạch trong tư pháp

Đài RFA ghi nhận có thể nói vụ việc Trung tá Cảnh sát Điều tra Nguyễn Việt Cường là trường hợp lần đầu tiên được truyền thông nhà nước loan tin kể từ sau khi Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam cần thực hiện theo Công ước Chống tra tấn, sau phiên họp định kỳ lần thứ 65 của Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc diễn ra hồi trung tuần tháng 11 năm 2018 cũng như các tổ chức nhân quyền và chính phủ trên thế giới kêu gọi Việt Nam cải tổ hệ thống tư pháp minh bạch hơn.
Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải lưu ý mặc dù quy định pháp luật của Việt Nam ghi rõ phải có sự tham gia của luật sư trong quá trình điều tra, tuy nhiên trên thực tế hầu hết các cuộc điều tra của cảnh sát điều tra đều không có mặt của luật sư cũng như không có sự giám sát nào để bảo vệ cho người bị điều tra. Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải khẳng định rằng ở Việt Nam, công an luôn bắt người trước rồi mới điều tra sau với động cơ để buộc tội, chứ không phải điều tra để chứng minh người bị bắt vô tội. Và, theo nhận định của Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải thì giới luật sư và người dân phải vận dụng quy định của pháp luật cũng như có sự vào cuộc của truyền thông thì những vụ việc như của nhân viên điều tra-Trung tá Nguyễn Việt Cường mới bị phơi bày và mang ra ánh sáng.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng trường hợp Trung tá Cảnh sát Điều tra ở tỉnh Phú Yên bị phát hiện và bị khởi tố là vì đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của địa phương và do Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thụ lý. Luật sư Phạm Công Út lý giải ngày càng nhiều người dân được giới luật sư hỗ trợ về kiến thức pháp luật nên những trường hợp như thế bị phanh phui và tố cáo trực tiếp lên cấp Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để giải quyết.
Luật sư Phạm Công Út và một số luật sư mà Đài RFA tiếp xúc mong muốn truyền thông nhà nước tích cực hơn nữa trong việc phổ biến kiến thức pháp luật rộng rãi đến dân chúng để họ nhận biết thế nào là nhóm tội “xâm phạm hoạt động tư pháp”, như trường hợp nhân viên điều tra tự ý viết thêm vào bản cung, để người dân có thể chủ động tố cáo theo đúng thủ tục và trình tự pháp lý đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhằm góp phần hạn chế những bản án oan sai tại Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét