Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

13512 - Tập Cận Bình đã thống trị Trung Quốc như thế nào? (P2)

Biên tập Lê Hồng Hiệp


Nỗi ám ảnh dai dẳng

Sự biến hóa của ông Tập đến từ nhiều yếu tố. Đà thăng tiến của hai đối thủ của ông, Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, và Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã gióng hồi chuông báo động các lãnh đạo Đảng. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, họ tỏ ra thận trọng trên nhiều mặt. Nay, với sự ủng hộ của ông Tập, các lãnh đạo quyết tâm loại bỏ Bạc và Chu. Hai ông này bị lật đổ sau một chuỗi dài các cuộc điều tra, phần lớn là về tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Sự sụp đổ của họ tạo nên một cơn địa chấn chính trị ở Trung Quốc.
Ông Bạc là người con trai đầy cuốn hút của một anh hùng cách mạng (Bạc Nhất Ba), và là người chạy đua công khai cho một ghế lãnh đạo cấp cao ở trung ương. Còn ông Chu, một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị cho đến cuối năm 2012, tập trung được quyền lực to lớn từ các chức vụ của ông trong lực lượng an ninh mật và ngành năng lượng (ông từng là Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên). Vụ bắt giữ hai ông này vào năm 2012 và 2013 đã công khai các tội danh và đời sống tình dục trụy lạc của họ. Sau đó, truyền thông nhà nước, dẫn lời các quan chức cấp cao, cho biết cặp đôi này đã âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính nội bộ nhằm ngăn ông Tập bước lên nắm quyền. Trong nội bộ Đảng, những hành động chính trị sai trái như vậy còn tệ hơn cả tham nhũng đơn thuần.
Ông Tập cũng chú ý đến sự suy thoái ý thức hệ của Đảng, đặc trưng bởi tình trạng hối lộ tràn lan và sự trỗi dậy của các “lãnh địa” cá nhân của các nhà lãnh đạo ở cả các công ty nhà nước và tư nhân. Ở nước ngoài, ông theo dõi các cuộc “cách mạng màu” ở châu Âu và biểu tình đường phố ở Trung Đông lật đổ các chính quyền tưởng chừng không thể bị đánh bại. Song ông Tập xem báo động lớn nhất là từ sự sụp đổ của Liên Xô, ông bị khiếp sợ bởi cách mà Đảng Cộng sản Liên Xô gần như bốc hơi chỉ trong vòng một đêm. “Một đảng lớn đã biến mất, chỉ như vậy đấy”, ông nói trong một bài phát biểu hồi năm 2012. “Nói về quy mô, Đảng Cộng sản Liên Xô còn có nhiều đảng viên hơn chúng ta, song không có người nào đủ cứng rắn để đứng lên và chống chọi”. Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ sự sụp đổ của Liên Xô ngay sau khi sự kiện này xảy ra. Gần một phần tư thế kỷ sau, ông Tập có đủ lo lắng về tình trạng của Đảng mình để buộc mọi người từ các lãnh đạo cao cấp cho đến các công chức bình thường quay lại lớp học và học bài học của Liên Xô, thêm một lần nữa. “Chối bỏ lịch sử của Liên Xô, chối bỏ Lenin và Stalin, và chối bỏ mọi điều khác chính là đoạn tuyệt lịch sử”, ông nói trong một bài phát biểu khác vào năm 2012. “Điều này xáo trộn tư tưởng của chúng ta và làm suy yếu tổ chức Đảng ở mọi cấp bậc”
Cạnh tranh quyền lãnh đạo và thoái trào ý thức hệ đưa ông Tập vào một chuỗi các hành động quyết liệt. Trong vòng 200 ngày tại nhiệm đầu tiên, ông bao quát một phạm vi ấn tượng các vấn đề chính sách khác nhau và đưa ra các điều chỉnh ở một tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ vài tuần, ông đã gắn một thương hiệu – “Giấc mộng Trung Hoa – cho chính quyền của mình, ban hành các luật lệ mới khắt khe hơn nhằm giám sát hành vi của các quan chức, quyết định những tư tưởng nào được và không được thảo luận, đàn áp một tờ báo tự do ở miền nam vì những lời kêu gọi cho “chủ nghĩa lập hiến”, một khái niệm “bẩn thỉu” trong một nhà nước độc đảng. Ông cũng bắt đầu tống giam những người chỉ trích Đảng. Các luật sư vận động nhân quyền, những người đã thành công trong việc tạo ra một không gian nhỏ bảo vệ quyền công dân, lần lượt bị bắt giữ bởi cơ quan an ninh quốc gia. Các quan chức thẩm vấn hoặc bỏ tù khoảng 250 người trong số các luật sư này, trong một chiến dịch bài bản. Những người bị buộc tội phải ngồi trong trại giam mà không hề được xét xử công bằng, đôi khi trong nhiều năm. Người gần đây nhất trong số các luật sư nổi bật nhất, ông Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), đã không chính thức bị kết án cho đến tận tháng Một năm nay, sau 4 năm tạm giam.
Ông Tập giữ vững tốc độ ấn tượng này trong suốt năm 2013. Tháng 9 năm ấy, ông công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một sáng kiến sẽ cụ thể hóa kế hoạch của Bắc Kinh nhằm xây dựng và kiểm soát những con đường cả trên bộ và trên biển nối liền lục địa Á-Âu với Ấn Độ Dương tới tận châu Âu, từ đó đưa Trung Quốc trở thành một trung tâm kinh doanh và công nghệ. Ông Tập thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) bất chấp sự phản đối của Mỹ. Ông đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ xóa nghèo thành công ở Trung Quốc, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ. Ông làm nóng vấn đề Đài Loan, gọi hòn đảo này là “một vấn đề chính trị không thể trì hoãn suốt nhiều thế hệ”. Ngay sau đó, Trung Quốc thực hiện một kế hoạch đã có từ lâu nhằm xây dựng các căn cứ quân sự lớn ở Biển Đông.
Quan trọng hơn hết, ông Tập đã khởi động cuộc chiến chống tham nhũng, lãnh đạo bởi ông Vương Kỳ Sơn, một trong những người cứng rắn và có năng lực nhất trong số các lãnh đạo của thế hệ ông. Quy mô của cuộc thanh trừng sau đó là khó có thể tưởng tượng: từ cuối 2012, khi chiến dịch bắt đầu, các cơ quan chức năng đã điều tra hơn 2,7 triệu quan chức và trừng phạt hơn 1,5 triệu người trong số này. Họ bao gồm 7 thành viên Bộ Chính Trị và Chính phủ, và khoảng 24 tướng lĩnh cấp cao. Hai quan chức cao cấp đã bị tuyên án tử hình. ĐCSTQ có hơn 90 triệu Đảng viên, nếu trừ nông dân, người già, và người về hưu, phần lớn trong số họ không bị chiến dịch nhắm tới, thì cuộc thanh trừng này đã xóa sạch cả một thế hệ. Quy mô này đã bác bỏ luận điểm cho rằng chiến dịch chỉ đơn thuần là một cuộc thanh trừng chính trị dưới một vỏ bọc khác. Dĩ nhiên, chiến dịch có nhắm đến một số đối thủ của ông Tập, nhưng nó đã vượt xa ra ngoài danh sách kẻ thù của ông.
Để minh họa cho tính chất không khoan nhượng của chiến dịch chống tham nhũng, hãy xem xét trường hợp của Trương Dương (Zhang Yang), một trong những tướng lĩnh kì cựu nhất và là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo sự trung thành ý thức hệ của quân đội. Trong mắt công chúng, ông Trương là một công chức không có gì đặc sắc, được nhận biết trong các bức hình công vụ chỉ nhờ vào bộ quân phục của ông, khuôn mặt đầy đặn, cùng mái tóc đen bóng vuốt keo. Thế nhưng, ở trong hệ thống, ông là một người vô cùng quyền lực. Năm 2017, người ta tìm thấy ông Trương treo cổ trên trần ngôi biệt thự của ông ở Quảng Châu, bên kia biên giới với Hồng Kông. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy vụ tự tử của ông có liên quan tới tham nhũng đến từ các bài báo đăng ngay sau cái chết của ông. Mặc cho hàng thập niên cống hiến và chức vụ cao cấp của mình, Trương Dương cũng không nhận được một bài cáo phó đàng hoàng. Tờ báo ngôn luận của quân đội gọi ông là kẻ “vô đạo đức” và gọi cái chết của ông là “một cách đầy hổ thẹn để kết thúc cuộc đời” và là “một quyết định xấu nhằm tránh bị trừng phạt”. Cuộc điều tra của Đảng nhằm vào Trương không dừng lại sau khi ông này được chôn cất. Chỉ gần một năm sau, vào cuối năm 2018, ông bị khai trừ khỏi Đảng – biện pháp quen thuộc của Đảng nhằm kết luận một quan chức có tội.
Nỗ lực của ông Tập nhằm tập trung quyền lực lên đến đỉnh điểm vào cuối nhiệm kì đầu, năm 2017. Theo truyền thống của chính trị cấp cao Trung Quốc, đây phải là lúc ông Tập công bố người sẽ kế vị mình vào năm 2022. Thay vào đó, ông lại bãi bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm Chủ tịch nước, trên thực tế biến ông trở thành một lãnh đạo trọn đời.
Không có gì tồn tại mãi mãi
Ông Tập đã lựa chọn điều hành Trung Quốc như một nhà quản trị khủng hoảng. Điều này có thể giúp ông trong quan hệ đối địch tức thời với Mỹ. Song, kẻ thù của ông ở Trung Quốc và hải ngoại ngày một đông. Hàng ngàn gia đình Trung Quốc giàu có và các tay chân thân tín của họ, những người phải chứng kiến cuộc sống giàu sang và nhiều đặc quyền của mình bị phá hủy hoàn toàn bởi cuộc chiến chống tham nhũng, sẽ căm giận ông Tập trong nhiều thế hệ. Giới kỹ trị tinh hoa cảm thấy bị phản bội vì ông Tập thâu tóm quyền lực, chặn đứng cuộc cải cách tư pháp đang lên, và nâng đỡ cho kinh tế nhà nước. Cho đến gần đây, ông Tập ít khi nào lên tiếng về thành phần kinh tế tư nhân, khu vực đem lại khoảng 70% GDP của đất nước và một tỉ lệ thậm chí lớn hơn về việc làm. Sự thay đổi luận điệu của ông hồi cuối năm ngoái, khi ông mời một nhóm các doanh nhân đến buổi họp khích lệ tinh thần tại Đại Lễ đường Nhân Dân, là một dấu hiệu hiếm có cho thấy sự điều chỉnh. Trong ngắn hạn, ông Tập được thúc đẩy bởi bầu không khí “cùng đoàn kết quanh cờ tổ quốc” từ tác động của thương chiến Mỹ-Trung và luận điệu thù địch thất thường của Tổng thống Donald Trump. Song không có một vấn đề nào mà ông Tập đang đối mặt sẽ sớm biến mất.
Ở hải ngoại, đà phản ứng chống lại Trung Quốc đang lên cao. Hoa Kỳ đang đối đầu với Trung Quốc trên gần như mọi lĩnh vực từ thương mại cho đến xây dựng quân đội. Đức, ngược lại, không tập trung vào sức mạnh quân sự mà cạnh tranh về kỹ thuật công nghiệp. Australia, giống như nhiều nước khác ở châu Á, sợ phải tự bảo vệ mình trong một khu vực không còn được Mỹ bảo đảm an ninh. Nhật Bản lo lắng rằng Trung Quốc không chỉ muốn thống trị vùng biển quanh mình mà còn giải quyết cả những bất đồng lịch sử. Đài Loan, hòn đảo tự trị trong nhiều thập niên qua, lo sợ bị nuốt chửng bởi đại lục. Các nước Đông Nam Á thì lo sợ bị chèn ép. Đối với Canada, tiếng chuông báo động đến vào cuối tháng 12 năm ngoái, khi cảnh sát Vancouver bắt giữ một quản lý cấp cao của gã khổng lồ công nghệ Huawei để dẫn độ theo yêu cầu của Mỹ, để rồi chứng kiến Trung Quốc bắt hai công dân Canada và giữ họ làm “con tin ảo”. Trong khi đó ở Hồng Kông, hàng triệu người cùng tuần hành hồi tháng 6 nhằm chống lại một dự luật sẽ cho phép dẫn độ tội phạm đến đại lục, “kiểm tra” sự kiên quyết của ông Tập và sự sẵn sàng cũng như khả năng thỏa hiệp của ông.
Ngay cả Mao còn có đối thủ chính trị. Ông Tập cho đến nay đã đảm bảo ông không có đối thủ nào. Có những lý do thuyết phục để các quan chức và học giả Trung Quốc tin rằng sự dàn trải quá mức của ông Tập sẽ gây khó cho ông trước Đại hội Đảng cuối năm 2022, đặc biệt nếu kinh tế Trung Quốc bất ổn. Cho tới lúc đó, các đối thủ tiềm năng có thể sẽ sẵn sàng đánh liều công khai tham vọng của họ. Ông Tập có thể tiếp tục con đường mà ông đã đi một cách hiệu quả và loại bỏ các đối thủ. Ông có thể tận dụng những điểm yếu ở trong nước và các cuộc tranh đấu của Trung Quốc ở nước ngoài để biện minh cho sự tiếp tục cầm quyền của ông. Hoặc, có thể cuối cùng ông sẽ phải thừa nhận rằng ông, cũng như mọi người, không bất tử và sẽ đề ra một lộ trình cụ thể để bước xuống.
Tập Cận Bình đã thể hiện sự táo bạo và khéo léo đáng kể trong việc uốn nắn hệ thống khổng lồ của Đảng nhằm phục vụ cho ý chí của mình. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, như lịch sử gần đây của Trung Quốc cho thấy, hệ thống sẽ đuổi kịp ông. Câu hỏi chỉ là khi nào mà thôi./.
Nguồn: Richard McGregor, “Party Man: Xi Jinping’s Quest to Dominate China”, Foreign Affairs, September/October 2019.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét