Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

13517 - Vụ học sinh chết ở Gateway: Bà Quy bị bắt vì nhà trường?





Vụ học sinh sáu tuổi chết trong ngày tới lớp 1 Tokyo của trường khi đó còn tự nhận là quốc tế Gateway ở Hà Nội đã có cái kết đầu tiên. Đó là người đưa đón trẻ Nguyễn Bích Quy, 54 tuổi, bị khởi tố bị can và bắt tạm giam ba tháng. Bà Quy bị buộc tội “vô ý làm chết người”.
Tài xế Doãn Quý Phiến, 53 tuổi, cũng bị cho là “vô ý tự tin và cẩu thả” như bà Quy nhưng hiện giờ ông cũng như chính nhà trường chưa nhận được kết luận gì của cơ quan điều tra. Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Viện kiểm sát nhân dân quận Cầu Giấy nói trách nhiệm của trường Gateway sẽ được xét tới trong quá trình điều tra tiếp theo.
Các lãnh đạo và cổ đông của trường Gateway, trong đó có nguồn tin nói rằng bao gồm cả con cái của lãnh đạo cao cấp, đã tự thừa nhận quy trình của họ có vấn đề. Cho tới thời điểm bé Lê Hoàng Long tử vong, nơi đáng ra phải đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ em lại trở thành tổ chức vô ý sát nhân.
Cả ngày 6/8 vừa rồi và trong nhiều năm vừa qua chỉ có duy nhất một em chết vì bị bỏ quên trên xe ở Hà Nội. Điều rõ ràng là nếu bố mẹ em Long không chọn Gateway thì em bé bây giờ hàng ngày vẫn đang đến lớp. Vậy có thể khẳng định trường đã góp phần gây ra cái chết của em bé sáu tuổi.
Trong những lời khai đầu tiên của mình, bà Quy nói do bận chăm hai em bé khóc mếu lúc xuống xe nên bà không kiểm tra xe trước khi đóng cửa. Sau này bà thay đổi lời khai và nói bà đã kiểm tra. Nếu bà không kiểm tra như lời khai ban đầu, việc tuyển dụng, đào tạo và hỗ trợ nhân viên của Gateway có vấn đề. Chuyện tài xế không tham gia kiểm tra xe trước khi lái đi cũng là vấn đề nữa của quy trình đón đưa. Tại Anh cả hai con đầu của tôi khi còn nhỏ cũng học trường mang tên Gateway tại vùng Kent. Hầu hết các bậc phụ huynh của trường Gateway nơi tôi sống tự đưa con tới trường hoặc nhờ người đưa tới. Trường không có dịch vụ đưa đón. Có các cơ sở tư nhân đưa đón và tôi thấy chỉ có một lái xe đưa chừng 10 cháu tới các trường khác nhau trong đó có cả Gateway. Trong trường hợp của trường Gateway ở Hà Nội, hai người mang danh của một tổ chức “quốc tế” mà đưa 13 cháu cũng không xong.
Ngoài chuyện tuyển nhân viên được cho là chưa có đồng lao động và chưa qua đào tạo bài bản, Gateway cũng không có sự trợ giúp cần thiết với những người đưa đón chưa có kinh nghiệm như bà Quy. Chỉ sau khi cháu Long qua đời họ mới tăng cường người ra đón các cháu xuống xe. Bà Quy nói trước đó bà tự đưa các cháu vào phòng ăn và lúc ký sổ ghi bao nhiêu cháu đến ngày 6/8 cũng không có giáo viên nào tiếp nhận.
Như vậy hệ thống ghi tên và điểm danh các cháu tới trường mỗi ngày của Gateway cũng có vấn đề. Một là họ không ghi chính xác có bao nhiêu cháu đến trường. Nếu họ có ghi, họ cũng không điểm danh buổi sáng dựa trên danh sách đó vì nếu có người ta đã phát hiện ra bé Long vắng mặt và gọi cho người đưa đón hoặc gọi cho bố mẹ em.
Trường Gateway mà hai con tôi học trước đây ghi rõ họ điểm danh “chính xác” vào 9:00 sáng và 1:15 chiều mỗi ngày các em tới trường. Những ngày tôi đưa các cháu đến trường, các cô giáo chia nhau đón các cháu ở cổng trước và cổng sau. Tôi thường xuyên thấy cô hiệu trưởng tươi cười chào các cháu mỗi sáng. Nếu trường Gateway ở Hà Nội quên điểm danh sáng mà có điểm danh đầu giờ chiều thì có lẽ em Long vẫn có thể được cứu sống.
Cơ quan điều tra còn đang tiếp tục công việc của họ nhưng những lỗ hổng của trường Gateway mà giờ đã tự bỏ hai chữ “quốc tế” trong tên trường bằng tiếng Việt thì không cần phải có nghiệp vụ điều tra mới biết. Chỉ là những lỗ hổng đó do đâu mà có và ai phải chịu trách nhiệm mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét