Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

13490 - Thoát Trung hay tách Trung?





Quan điểm “thoát trung” ngày một lớn

Khi tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thách thức giá trị pháp lý và lịch sử mà Việt Nam có được đã đặt ra câu hỏi: thoát trung! Facebooker Trần Đình Thu, một người cổ vũ cho xoay trục về Mỹ cũng nhiều lần nhấn mạnh yếu tố thoát trung.

“Có thể thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa Việt Nam thoát khỏi Trung quốc, thân thiết với Mỹ hơn để có thể cải tổ theo hướng dân chủ văn minh.”, Facebooker Trần Đình Thu.

VOA trong một bài viết ngày 28.8, cũng dẫn lời ông Thayer, theo đó, đánh giá chuyến đi sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10 sắp tới “báo hiệu một hành động chính trị dẫn đến đổi hướng cho Việt Nam, đặc biệt trong chính sách đối với Trung Quốc.”

Nhiều quan điểm kỳ vọng vào sứ mệnh của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc buộc mình rời khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Thậm chí, trong một bài viết gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ cũng đề cập đến sự kiện “bãi Tư Chính” và đánh giá về cơ hội thoát Trung.

“Cơ hội thoát Trung tạo ra niềm hy vọng lớn hơn về tầm nhìn và sự thay đổi mô hình phát triển tự cường”, PGS. TS. Phạm Quý Thọ cho biết.

Thế nhưng, dù đánh giá tích cực và lạc quan đến mấy, và cũng trên cơ sở đồng thuận quan điểm “tinh thần 'thoát Trung' của người dân là không thay đổi”, thế nhưng người viết cũng phải thừa nhận rằng, rất khó để thoát Trung, khi vị trí địa lý lại đặt hai nước sát nhau về mặt đường biên giới.

Không phải thoát, mà là tách?

Lý tưởng có thể không tương thông, vận mệnh có thể không tương quan, nhưng văn hóa Việt – Trung vẫn có mức độ tương đồng nhất định. Và nằm trong chuỗi dài của lịch sử, dù có “tự cường, độc lập, tự chủ” mức độ cao nhất như thế nào, thì yếu tế “thoát Trung” là không hề có, thay vào đó là tinh thần “cách Trung”.


Người viết đồng thuận với cách sử dụng từ ngữ của tác giả Nguyễn Khắc Mai trong một bài viết gần đây, khi ông sử dụng cụm từ “Cách Trung, gần Tây, thân Dân, cứu Nước”. Bởi “cách Trung” cho thấy tinh thần tự tôn dân tộc, nhưng không quá rơi vào trạng thái dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi đến mức viễn tưởng. Đòi “thoát Trung” chính là cắt đứt nguồn mạch lịch sử nếu xét về mặt văn hóa, và gây khủng hoảng về mặt kinh tế, khi mà Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại lớn.


Do đó, “cách Trung” là ngôn từ phù hợp và thể hiện tiến trình lâu dài, đi từ sự độc lập – tự chủ trong xây dựng nền kinh tế giảm phụ thuộc, cho đến thiết lập nền văn hóa mới và tiên tiến. Từ đó, có cơ sở để tách Trung ra khỏi lĩnh vực chế độ chính trị.


Có thể nghiên cứu chính sách “cách trung” thời nhà Trần, với bối cảnh đánh tan đội quân xâm lược Mông – Nguyên. Theo đó, nhà Trần về mặt đối ngoại đã thi hành chính sách cứng rắn và mềm dẻo, khi liên tục từ chối các yêu sách của nhà Nguyên lúc bấy giờ, từ bắt lạy nhận chiếu thư, và đến những hạch sách về cột đồng Mã Viện dựng lên khi xưa, thậm chí là giả bệnh để từ chối sang chầu. Về mặt quân sự, nhà Trần thiết lập liên minh chống quân (Nguyên) xâm lược với Champa từ năm 1280-1306, thông qua trợ giúp quân sự, viếng thăm lẫn nhau, và cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân với vua Chế Mân. 



Về mặt nội trị, nhà Trần thiết lập ba trụ cột chính trong đó xây dựng nhà nước giàu tính pháp quyền, khoan dung và dân chủ, theo đó, không tập trung quyền lực vào tay một người hay một bộ phận mà phân tán xuống các cơ quan chức năng; chú trọng thanh tra và giám sát; giairi quyết nạn oan sai trong xã hội; nghiêm minh xử lý giới hoàng tộc vi phạm triều luật đến mức vua Trần Nhân Tông từng phạt vua Trần Anh Tông về tội say rượu; tổ chức các hội nghị lấy ý kiến người dân như Hội nghị Bình Than (1284); khoan sức dân và thực hiện chính sách ưu tiên khuyến học.


Quay trở lại vấn đề, nếu nhà nước Việt Nam áp dụng các chính sách “cách Trung” thời nhà Trần, thì không những giá trị văn hóa lịch sử không bị đứt đoạn, mà cơ hội tự cường và xây dựng một thể chế dân chủ sẽ ngày càng tiệm cận. Một trong số đó bao gồm cả liên minh với một quốc gia để tự vệ chắc chắn trước chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc; tạo cơ sở nhà nước pháp quyền, khoan dung, và dân chủ trong lắng nghe giới bất đồng chính kiến và thả người bị giam vì tiếng nói bất đồng. Để từ đó, mới có thể thiết lập được hội nghị Diên Hồng, hay hội nghị Bình Than như cách mà ông cha đã từng tiến hành.

Nói như PGS. TS. Phạm Quý Thọ, thì khi thực hiện các thao tác “độc lập và tự chủ” nêu trên, không còn gắn “vận mệnh quốc gia” tương thông với vận mệnh Trung Quốc, thì sẽ hình thành nên một mô hình phát triển tự cường. Trở thành một quốc gia thực sự “độc lập và tự chủ” về mặt thực tế, tầm nhìn và sự thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét