Trong cuộc tranh luận nhằm tìm kiếm một mô hình chính quyền
phù hợp nhất cho nước Mỹ, các nhà lập quốc đã khảo sát hầu hết các kiểu thể chế
từng tồn tại trong lịch sử. Có thể thấy những nỗ lực dày công ấy được trình bày
trong cuốn sách A Defence of the Constitutions of Government of the United
States of America của Phó Tổng thống John Adams (cũng là vị tổng thống thứ hai
của Mỹ).
Hai mô hình chính
Hai mô hình được quan tâm nhất chính là kiểu dân chủ trực tiếp
của Athens và nền cộng hòa La Mã. Sở dĩ như vậy là vì chúng chứa đựng những ý
tưởng xuất chúng của tiền nhân: chủ quyền nhân dân, cai trị theo pháp luật, và
tự do dân sự. Đó cũng chính là điều mà các nhà lập quốc mong muốn ở nước Mỹ
tương lai.
Kiểu thể chế của Athens tuy thấm đẫm tinh thần dân chủ nhưng
lại khó áp dụng cho một nước Mỹ rộng lớn. Có vẻ như nó chỉ phù hợp với các nhà
nước nhỏ có quy mô thành bang như Athens. Không những vậy, hầu hết các nhà lập
quốc Mỹ đều coi nền dân chủ trực tiếp của Athens – nơi mà mọi công dân cùng cai
trị quốc gia thông qua việc bỏ phiếu trong các hội đồng toàn dân – là một hình
thức cai trị không ổn định và chứa đựng nhiều hiểm họa. Ngay cả James Madison,
người được coi là cha đẻ của Hiến pháp Mỹ, cũng nói rằng “dẫu mỗi công dân
Athens đều là một Socrates, thì mọi hội đồng của Athens vẫn chỉ là một đám
đông”. [1]
Tranh “Declaration of Independence” của John Trumpull
(1817), minh họa buổi trình bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập lên Quốc hội Mỹ vào
năm 1776. Người đứng bên trái ngoài cùng trong nhóm năm người trình bản dự thảo
là John Adams.
Nhìn chung, các nhà lập quốc Mỹ ưa thích mô hình của Cộng
hòa La Mã hơn – thứ mà sử gia Polybius đã gọi là “mô hình hoàn hảo nhất từng tồn
tại”. [2] Khó mà phủ nhận sức hấp dẫn của một nền cộng hòa ổn định đã tồn tại bền
vững gần 500 năm, lại có nhiều nét tương đồng với Mỹ buổi đầu lập quốc.
Theo sử gia Carl J. Richard, các nhà lập quốc Mỹ chia sẻ với
những mối bận tâm chung với kiến trúc sư của nền cộng hòa La Mã. Ấy là nỗi e dè
về một chính quyền tập trung bởi họ đã trải qua thời kỳ của những kẻ cai trị
chuyên chế, thái độ ngần ngại về một xã hội mở với dân cư từ khắp các miền các
xứ đổ về, và lo lắng về tình trạng cát cứ hay chia rẽ bởi quốc gia có diện tích
rộng lớn.
Trong kỳ đầu của loạt bài này, chúng ta đã thấy rằng La Mã sở
hữu một chính quyền mang nhiều ưu điểm, nhất là cơ chế phân chia quyền lực cho
ba bộ phận là Quan chấp chính, Viện Nguyên lão, và các hội đồng nhân dân. Ba bộ
phận này hợp tác và kiểm soát lẫn nhau giúp cho quyền lực được sử dụng một cách
khôn ngoan.
Tuy La Mã đã tạo ra một chính quyền hoàn hảo so với các mô
hình đương thời, song cuối cùng nó cũng không tránh khỏi cảnh suy tàn và sụp đổ.
Vấn đề đặt ra cho các nhà lập quốc Mỹ là: làm thế nào để có thể sao chép mô
hình nhà nước của Cộng hòa La Mã mà không phải chịu chung số phận với nó.
Phân chia quyền lực theo chức năng
Học hỏi từ Cộng hòa La Mã, các nhà lập quốc Mỹ hiểu rằng cần
phải thiết kế một cơ chế phân chia và kiểm soát quyền lực cho nước Mỹ để giữ
cho chính quyền ổn định, hiệu quả, và tránh cảnh lạm quyền. Tuy nhiên, khuyết
điểm của La Mã là nó chưa phân chia quyền lực một cách hoàn toàn triệt để.
Chính vì Viện Nguyên lão không có quyền phủ quyết các dự luật
khi các hội đồng đã thông qua, nên những kẻ mị dân mới có thể thao túng các hội
đồng để đạt được mục đích chính trị của mình. Tình trạng này làm suy yếu quyền
lực của Viện Nguyên lão – một trong ba trụ cột của nền Cộng hòa La Mã – qua đó
làm mất đi thế cân bằng quyền lực.
Do đó, cần phải có một cơ chế triệt để hơn. Để như vậy, cần
phải phân chia quyền lực theo chức năng thay vì phân chia theo các lực lượng xã
hội như Cộng hòa La Mã (nơi mà mỗi cơ quan đại diện cho một tầng lớp trong xã hội
để kiểm soát lẫn nhau).
Theo đó, chính quyền Mỹ được phân chia thành ba nhánh là
hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Đồng thời, ba nhánh này độc lập với nhau và có
quyền phủ quyết lẫn nhau, giúp cho thế cân bằng trở nên vững vàng hơn.
Bảng tóm lược mô hình chính quyền dưới đây cho thấy các nhà
lập quốc Mỹ đã học hỏi và cải biến từ Cộng hòa La Mã như thế nào:
Lập pháp thông qua hội đồng đại diện
Cơ quan làm luật chính của La Mã là các hội đồng, tại đó người
dân trực tiếp tham gia bỏ phiếu đối với các vấn đề lập pháp và bầu chọn quan chức,
chứ không thông qua người đại diện.
Sự tham gia đông đảo của người dân khiến cho chất lượng lập
pháp thấp, vì họ khó mà cùng thảo luận và thống nhất các vấn đề. Đồng thời đám
đông dễ bị những kẻ mị dân như anh em nhà Gracchus (quan hộ dân Tiberius và
Gaius) thao túng để phục vụ cho các tham vọng chính trị.
Để khắc phục nhược điểm này, người Mỹ đã áp dụng hệ thống đại
diện, tại đó người dân thay vì trực tiếp tham gia vào việc lập pháp thì họ bầu
ra người đại diện vào trong Hạ viện (một cơ quan có vai trò tương tự các hội đồng
của La Mã) để thay họ quyết định các vấn đề quốc gia. Nhờ đó, việc lập pháp trở
nên trôi chảy và hiệu quả hơn, đồng thời tránh được các vấn đề mà Cộng hòa La
Mã đã mắc phải.
Thượng viện như một cơ quan khôn ngoan và đầy kinh nghiệm
Các nhà lập quốc Mỹ hiểu rất rõ về nguy cơ của việc lập pháp
đơn nhất. John Adams cũng chỉ ra rằng: “Một cơ quan lập pháp đơn nhất dễ đi tới
chỗ suy đồi”. [3] Do đó, họ quyết định phân chia nhánh lập pháp thành hai cơ
quan là Thượng viện và Hạ viện.
Hình ảnh mô phỏng cơ chế đại diện của Thượng viện và Hạ viện
Mỹ. Mỗi bang bất kể lớn nhỏ đều có hai nghị sĩ trong Thượng viện, trong khi đó
số Hạ nghị sĩ phụ thuộc vào dân số của bang.
Người Mỹ mô phỏng Thượng viện (Senate) của mình tương tự như
Viện Nguyên lão (Senatus) của La Mã. Họ cũng trao cho nó các quyền tương tự
trong các vấn đề về ngoại giao, luận tội phản quốc, và chấp thuận bổ nhiệm các
quan chức trong nhánh hành pháp và tư pháp.
Cũng giống như Viện Nguyên lão, Thượng viện được coi như một
cơ quan “khôn ngoan và đầy kinh nghiệm” để cân bằng với một Hạ viện gần như
hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của cử tri (tương tự như các hội đồng).
Tuy nhiên, bởi Viện Nguyên lão của La Mã không có quyền phủ
quyết các quyết định của các hội đồng nên giữa các Nguyên lão và các quan Hộ
dân liên tục nổ ra xung đột bạo lực. Rút kinh nghiệm từ đó, người Mỹ đã trao
cho Thượng viện quyền phủ quyết Hạ viện.
Phi chính trị hóa quân đội
Khi Viện Nguyên lão từ chối trợ cấp cho quân đội, vô tình họ
đã đẩy lòng trung thành của binh lính sang cho những tướng lãnh giàu có và đầy
tham vọng như Marius, Sulla, Caesar. Họ dùng tài sản để thao túng binh lính, rồi
sử dụng chính lực lượng này để theo đuổi quyền lực cá nhân.
Các nhà lập quốc Mỹ đã tránh vết xe đổ này bằng cách đặt ra
nguyên tắc phi chính trị hóa quân sự, đồng thời đặt lực lượng quân sự nằm dưới
quyền kiểm soát của dân sự.
Theo đó, quân đội Mỹ có trách nhiệm bảo vệ đất nước, bảo vệ
các quyền tự do của nhân dân, và phải trung thành với nền cộng hòa. Quân đội
cũng không được đại diện hay ủng hộ bất cứ quan điểm chính trị nào hay bất cứ tổ
chức nào.
Tuy người Mỹ rất coi trọng vai trò chuyên môn của giới quân
sự, song chỉ có các lãnh đạo dân sự (do người dân bầu lên) mới có quyền đưa ra
những quyết sách cuối cùng về phòng thủ quốc gia. Những điều này được thể hiện
trong chính lời thề của giới quân đội khi gia nhập vào Lực lượng Vũ trang:
“Tôi, __, trịnh trọng tuyên thệ [hoặc khẳng định] rằng tôi sẽ phục vụ và bảo vệ
Hiến pháp Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ chống lại mọi kẻ thù ngoại nhân hay nội quốc;
rằng tôi nguyện tin tưởng và trung thành với Hiến pháp ấy; và rằng tôi sẽ tuân
theo mệnh lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ và mệnh lệnh của các vị chỉ huy cấp trên,
theo các quy định và Bộ luật Thống nhất về Tư pháp Quân đội. Xin Thượng Đế phù
trợ.” [4]
Duy trì một tầng lớp trung lưu đủ lớn
Mức độ bất bình đẳng xã hội ở La Mã rất cao, khi mà hầu hết
tài sản tập trung vào tay giới quý tộc. Tình trạng này là nguyên nhân chính gây
ra vô số cuộc xung đột chính trị giữa phe quý tộc và phe bình dân, để rồi dẫn tới
các cải cách vi hiến làm suy giảm nền tảng truyền thống cộng hòa (điển hình là
cuộc cải cách quân sự của Marius và cải cách đất đai của Gracchus).
Rút kinh nghiệm từ đây, người Mỹ luôn coi việc giảm thiểu bất
bình đẳng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của họ. Để làm được điều đó, họ
đã nỗ lực duy trì một tầng lớp trung lưu đủ lớn nhằm làm giảm phân hóa chính trị
và tăng khả năng đồng thuận chính sách. Đây chính là cơ sở giúp cho nền cộng
hòa vận hành ổn định.
—
Người ta có thể bắt gặp những dấu ấn của Cộng hòa La Mã ở khắp
nơi trong nền chính trị Mỹ: từ biểu tượng đại bàng cho tới khuôn mặt người La
Mã khắc trên các đồng xu cũ, từ veto cho tới sine die, từ cơ chế phân chia kiểm
soát quyền lực cho tới cả thiết chế cộng hòa.
Người Mỹ cũng đã cố gắng khắc phục những vấn đề đã dẫn nền cộng
hòa La Mã tới chỗ suy tàn. Nhưng điều ấy không có nghĩa là mọi chuyện đã ổn. Nước
Mỹ giờ đây có vẻ như đang bị cuốn vào vũng lầy mà La Mã đã kinh qua trong những
năm cuối cùng của một nền cộng hòa vĩ đại. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu câu chuyện
này ở kỳ tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét