Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Triều Tiên sở hữu hạt nhân: Ai là kẻ thắng người thua?

 Hoàng Lan (gt)


Trong mọi kịch bản xảy ra, Trung Quốc là bên thua cuộc. Bên thắng cuộc có thể phán đoán là Triều Tiên, nhưng một nhân tố chắc chắn được xác định đang là bên thắng cuộc, hưởng lợi từ tình thế hiện nay,  đó chính là Nga.

Gần đây, Triều Tiên một lần nữa phóng tên lửa liên lục địa và đã thành công, tên lửa này có tầm bắn 6.000 km, đủ để bắn đến lãnh thổ Mỹ và dễ dàng bao phủ phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, trong đó có các thành phố phát triển nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Vũ Hán, Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô, Trùng Khánh, sức mạnh răn đe chiến lược của nước này đã được hình thành, mối đe dọa tiềm tàng mà tên lửa Triều Tiên tạo thành đối với Trung Quốc và tất cả các nước Đông Á là khó có thể dự đoán.



Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên tiến hành liên tiếp thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa liên lục địa, Liên hợp quốc đến nay ngoài hình thành một vài thỏa thuận trừng phạt, không có bất kỳ biện pháp có hiệu quả thực tế nào. Nguồn gốc gây ra tình trạng này nằm ở lập trường của ba nước lớn Trung Quốc, Nga và Mỹ đối với việc giải quyết vấn đề Triều Tiên là khác nhau. Mỹ chủ trương trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa Triều Tiên, nhất là yêu cầu các nước liên quan ngừng cung cấp dầu mỏ cho Triều Tiên, nếu biện pháp trừng phạt về kinh tế vẫn không hiệu quả, không loại trừ khả năng dùng vũ lực để cuối cùng xóa sạch cơ sở hạt nhân và năng lực hạt nhân của Triều Tiên. Còn lập trường của Trung Quốc và Nga lại giống nhau, vào ngày 5/7 ngoại trưởng hai nước cùng ký tuyên bố chung về vấn đề bán đảo Triều Tiên, tuyên bố xem xét lại phương án “tạm ngừng kép” do Trung Quốc đề xuất, đó là Triều Tiên tạm ngừng hoạt động tên lửa hạt nhân, Mỹ và Hàn Quốc tạm ngừng tập trận chung quy mô lớn, để thực hiện đường lối kép – phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và xây dựng cơ chế hòa bình trên bán đảo. Nga còn cho rằng giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên phải thực hiện từng bước. Dựa trên lập trường chung, Trung Quốc và Nga chủ trương dùng phương thức đối thoại hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhấn mạnh biện pháp quân sự không nên trở thành lựa chọn để giải quyết vấn đề, tiếp đến phản đối Mỹ bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), cho rằng hệ thống này làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích an ninh chiến lược của các nước trong khu vực trong đó có cả Trung Quốc và Nga, không có lợi cho mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như hòa bình, ổn định của khu vực.
Bất đồng rất lớn giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên rất khó hàn gắn trong tình hình hiện nay, vì từng có tiền lệ. Trước kia, cơ chế Đàm phán 6 bên được hình thành để giải quyết vấn đề Triều Tiên, từng do Trung Quốc chủ đạo, 5 nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên cùng tham gia, khi đó cũng giữ nguyên tắc giải quyết hòa bình vấn đề, có đường lối cơ bản giống với “tạm ngừng kép” và “thực hiện đường lối kép”, tức là bên cạnh việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, còn phải giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh của Triều Tiên. Nhưng như mọi người đều biết, trong thời gian diễn ra Đàm phán 6 bên, mượn cớ Mỹ không đưa ra cam kết rõ ràng đối với vấn đề an ninh của nước mình nên Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần bom hạt nhân và tên lửa liên lục địa. Cuối cùng cũng là do Triều Tiên đề xuất rút khỏi cơ chế Đàm phán 6 bên trước, khiến cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên trở nên ngày càng mờ mịt. Hiện nay, Trung Quốc và Nga lại đưa ra phương án giải quyết “tạm ngừng kép” và “thực hiện đường lối kép”, liệu có thể làm cho Mỹ và Triều Tiên chấp nhận hay không vẫn phải đặt dấu hỏi rất lớn.
Đối với Mỹ, xét thấy các hành vi của Triều Tiên, muốn Mỹ ngừng tập trận chung Mỹ-Hàn trước là chuyện dường như là không thể. Còn đối với Triều Tiên, do trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã được viết vào hiến pháp của nước này, nên việc khiến nước này chủ động từ bỏ hạt nhân, dường như cũng là chuyện không thể. Cả Mỹ và Triều Tiên đều không thể chủ động ngừng tập trận và ngừng thử nghiệm hạt nhân, Trung Quốc và Nga muốn biến từ không thể thành có thể, phải chăng đây chỉ là nguyện vọng chủ quan?
Có một thực tế là cho dù Trung Quốc và Nga có cố gắng dùng phương thức hòa bình như thế nào để giải quyết vấn đề sở hữu hạt nhân của Triều Tiên, thì trong gần 10 năm qua vấn đề này không những không hòa dịu, mà còn ngày càng nghiêm trọng. Quyết tâm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên ngày càng lớn, tốc độ nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng nhanh, kỹ thuật cũng ngày càng hoàn thiện. Năm 2012, Triều Tiên phóng tên lửa Kwangmyongsong thất bại, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên căn bản không có năng lực nghiên cứu và phát triển tên lửa liên lục địa, thậm chí cho rằng những tên lửa tầm xa mà Triều Tiên trưng bày trong lễ duyệt binh chỉ là mô hình được làm bằng giấy, còn việc Triều Tiên thực sự có bom nguyên tử hay không cũng có rất nhiều chuyên gia hoài nghi. Lần Triều Tiên phóng thành công tên lửa liên lục địa này, có thể nói là đã làm cho những chuyên gia này rất bất ngờ. Còn việc Nga nói tên lửa mà Triều Tiên phóng lần này là tên lửa tầm trung, đúng là “lòng người khó đoán”, thực chất là muốn đạt được mục đích mà nước này không thể nói cho mọi người biết.
Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đã trở thành sự thực, tầm bắn của nó đã đến mức hoàn thiện, và cục diện ngày càng không thể kiểm soát này đang diễn ra trong sự kêu gọi liên tiếp của Trung Quốc và Nga luôn mong đợi lấy phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Từ khi khởi động cơ chế Đàm phán 6 bên năm 2003 đến nay, Triều Tiên không giành được gì, chỉ giành được thời gian quý giá. Hơn 10 năm là thời kỳ then chốt đối với Triều Tiên, công nghệ vũ khí hạt nhân của nước này lớn mạnh vượt bậc, hình thành năng lực thực chiến. Nếu 10 năm trước, thậm chí là 5 năm hoặc 3 năm trước, lực lượng bên ngoài – cho dù là Mỹ hay Trung Quốc, thực hiện tấn công nhằm vào các mục tiêu cụ thể đối với cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, giống trước kia Israel tấn công căn cứ thử nghiệm hạt nhân của Iraq, hoàn toàn sẽ không gây ra hậu quả mang tính tai họa như ô nhiễm hạt nhân…; còn hiện nay phát động tấn công bên ngoài đối với Triều Tiên để tiêu diệt hoàn toàn sức mạnh hạt nhân của nước này, các nước xung quanh bán đảo Triều Tiên – bao gồm cả Trung Quốc, rất có thể phải trả cái giá rất lớn, thậm chí có thể là mang tính thảm họa.
Đến nay, cần phải thừa nhận rằng 5 nước Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc không những không thể làm cho Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, mà còn trở thành 5 con rối trong tay Triều Tiên, dưới sự kiểm soát của Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ oán hận lẫn nhau, Trung Quốc và Nhật Bản sứt mẻ tình cảm, quan hệ Trung-Hàn rạn nứt, Trung Quốc và Nga lợi dụng lẫn nhau, sự cân bằng chiến lược của Đông Á được hình thành sau chiến tranh và cục diện hòa bình hữu nghị Đông Á mà Trung Quốc xác lập từ cải cách mở cửa đến nay, có thể hủy hoại trong chốc lát.
Nay đã đến lúc phải tính món nợ này, cho dù 6 nước là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều có tính toán của riêng mình như thế nào, đều phải tính toán đến cục diện phức tạp nghiêm trọng do Triều Tiên tạo ra, rốt cuộc ai là bên thắng và bên thua lớn nhất trong cuộc đọ sức này.
1. Triều Tiên được coi là kẻ cầm đầu của vấn đề Triều Tiên, vừa có thể là bên thắng lớn nhất, vừa có thể là bên thua lớn nhất trong cuộc đọ sức quốc tế sở hữu hạt nhân này.
Từ phương diện thắng, Triều Tiên bất chấp rủi ro đất nước bị diệt vong để phát triển hạt nhân, hiện nay đã chiếm vị trí rất chủ động, năng lực thực chiến hạt nhân mà nước này sở hữu khiến cho tất cả các lực lượng tấn công đến từ bên ngoài đều không dám xem thường. Đe dọa bằng hạt nhân quả thực là biện pháp tốt nhất để nước nhỏ đối đầu với nước lớn, làm cho nước lớn không dám hành động thiếu suy nghĩ đối với nước nhỏ. Về điểm này, mục tiêu chiến lược của Triều Tiên đã cơ bản đạt được. Sau này, Triều Tiên có thể tiếp tục tăng cường và hoàn thiện năng lực tấn công hạt nhân của nước này, hoặc có thể vào thời khắc cuối cùng lấy việc từ bỏ hạt nhân làm con bài lớn nhất để tiến hành mặc cả với các nước khác, để đổi lấy bảo đảm an ninh mà nước này luôn mong muốn giành được.
Từ phương diện thua, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng có thể thua toàn diện, đó là gặp phải sự tấn công quân sự của liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu. Hiện nay, chỉ Mỹ mới có sức mạnh quân sự từ bên ngoài hủy diệt hoàn toàn cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, một khi Mỹ thực sự nhận thức được Triều Tiên có năng lực tấn công hạt nhân đến lãnh thổ nước này, Mỹ sẽ lựa chọn phương thức tấn công quân sự để giải quyết hoàn toàn vấn đề sở hữu hạt nhân của Triều Tiên. Lần Triều Tiên phóng thành công tên lửa liên lục địa này đã phá vỡ điểm tới hạn mà Mỹ có thể chịu đựng, nếu Triều Tiên một lần nữa tiến hành thử nghiệm hạt nhân, làm gia tăng hơn nữa rủi ro bị Mỹ tấn công quân sự. Nếu Mỹ tái khởi động chiến tranh với Triều Tiên, Chính quyền Kim Jong-un chắc chắn sẽ sụp đổ.
Triều Tiên là bên thua hay bên thắng? Từ tình hình hiện nay, phần thua vẫn nhiều hơn, để tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ, Triều Tiên có thể sử dụng chiêu bài sở hữu hạt nhân vào thời khắc cuối cùng, vào trước ngày xảy ra chiến tranh tuyên bố từ bỏ vũ khí hạt nhân, sau đó tìm kiếm con bài an ninh mới trước sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga.
2. Từ tình hình hiện nay cho thấy Trung Quốc là bên thua lớn nhất từ khi Triều Tiên sở hữu hạt nhân đến nay, vừa mất đi sức ràng buộc đối với Triều Tiên, vừa mất đi mối quan hệ tốt đẹp từng xây dựng với Hàn Quốc.
Trật tự chính trị mà Trung Quốc muốn chủ đạo ở Đông Á đã mất đi sự kiểm soát có hiệu quả đối với bán đảo Triều Tiên, sẽ không có một chút lợi ích nào, trái lại còn tăng cường hơn nữa liên minh Nhật-Hàn, và tạo cớ nhiều hơn cho Mỹ quay trở lại Đông Á. Sự mất kiểm soát của Trung Quốc đối với Triều Tiên có nghĩa là sự thất bại của ngoại giao toàn Đông Á của Trung Quốc.
Việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân có hai mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc: Một là trực tiếp đe dọa hệ thống an ninh của Trung Quốc, cơ sở hạt nhân của Triều Tiên cho dù là bị tấn công từ bên ngoài hay xảy ra sự cố nghiêm trọng, đều sẽ gây ra hậu quả mang tính tai họa đối với khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Điều nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đang đối diện với nguy hiểm rất lớn có thể bị Triều Tiên tấn công hạt nhân, khi sự bất mãn của Triều Tiên đối với Trung Quốc đạt đến đỉnh điểm, hoặc khi chính sách bên miệng hố chiến tranh của nước này phá sản, Kim Jong-un hoàn toàn có thể dốc toàn lực phóng tên lửa hạt nhân sang Trung Quốc, cùng đi đến chỗ chết với Trung Quốc. Đây là một tư duy cố hữu của những kẻ thích chiến tranh, không thể thiếu cảnh giác đối với kiểu tư duy này.
Một mối đe dọa trực tiếp khác của việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân đối với Trung Quốc là làm gay gắt hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang của Đông Á. Việc Hàn Quốc bị ép buộc phải đưa Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào nước này chỉ là bước đầu tiên của cuộc chạy đua vũ trang, nếu Triều Tiên tiếp tục mở rộng phạm vi thử nghiệm hạt nhân, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang của Đông Á, Đông Á sẽ trở thành khu vực hạt nhân nóng của thế giới, các nước Đông Á sẽ không bao giờ được an ninh.
Hiện nay, nếu Trung Quốc muốn thoát khỏi cục diện bị động trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên, thì chỉ có một lựa chọn, đó là phá vỡ khuôn khổ ngoại giao lấy ý thức hệ làm ranh giới, thoát khỏi tư duy mang tính ảo tưởng liên kết với Nga để đối đầu với Mỹ, hướng tới hợp tác Đông-Tây thực sự, tức là vừa hợp tác với Nga, vừa hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, duy trì sức ép lớn nhất với Triều Tiên. Chỉ cần Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, “gỡ bỏ quả bom hẹn giờ” trên đầu Trung Quốc này, Trung Quốc sẽ có cơ hội điều hòa và chủ đạo tình hình bán đảo Triều tiên, ít nhất vẫn có thể kiểm soát Triều Tiên. Nếu làm được điều này, Trung Quốc sẽ trở thành bên thắng lớn nhất. Trái lại, nếu Trung Quốc không phải là hợp tác với Mỹ mà là áp dụng lập trường đối đầu với Mỹ, rất có thể Trung Quốc sẽ đối diện với 2 tình hình sau: Hoặc là vì Mỹ bỏ mặc và thừa nhận thực tế Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân, nên Triều Tiên trở thành mối đe dọa lớn nhất của hòa bình Đông Á; hoặc là vì Mỹ thực hiện tấn công quân sự mà làm cho bán đảo Triều Tiên xảy ra thảm họa hạt nhân, Triều Tiên rơi vào chiến tranh đổ nát và gây tai họa cho Trung Quốc. Cho dù là xuất hiện tình hình nào, Trung Quốc đều là bên thua.
3. Trong cuộc đọ sức 6 nước được triển khai xoay quanh việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân hiện nay, nếu nói hiện nay đã có một bên thắng được xác định, thì đó chắc chắn là Nga, vì sự hiện diện của vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà Nga đã giành được cơ hội rất lớn để thực hiện chiến lược Viễn Đông.
Nga luôn tuyên bố nước này là quốc gia có liên quan ít nhất đến Triều Tiên trong 6 nước, lợi ích liên quan cũng là nhỏ nhất so với 5 nước khác, vì vậy luôn rêu rao mình có thể giữ lập trường công bằng và khách quan nhất trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhưng những người hiểu biết đều nhận thấy Nga ủng hộ Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hạt nhân trực tiếp hơn so với Trung Quốc, có những điều Trung Quốc không tiện nói, nhưng Nga thì dám nói. Ví dụ như lần này Triều Tiên cũng tự thừa nhận phóng thành công tên lửa liên lục địa, Nga lại cố ý nói tên lửa phóng lần này là tên lửa tầm trung, tìm cách hạ thấp tính nguy hại của vụ phóng tên lửa lần này. Vì sao Nga phải làm như vậy? Hơn nữa khi có tranh cãi quyết liệt với Mỹ cũng muốn làm như vậy? Là vì sự tồn tại của vũ khí hạt nhân Triều Tiên phù hợp với lợi ích chiến lược Viễn Đông của Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga rơi xuống thế giới thứ ba, GDP không bằng tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, không có đủ thực lực để tranh giành bá quyền toàn cầu với Mỹ, nước này chỉ có thể tìm kiếm cơ hội xây dựng địa vị bá quyền khu vực. Nếu không có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thì Nga căn bản không có vị trí ở Đông Á, lợi ích Viễn Đông của nước này cũng sẽ dần dần bị nền kinh tế to lớn của Trung Quốc hấp thụ. Triều Tiên thực hiện chính sách vũ khí hạt nhân, phá rối cục diện hòa bình, phá vỡ sự cân bằng chính trị của Đông Á, đem đến cơ hội quan trọng cho Nga quay trở lại khu vực này.
Một là do Trung Quốc và Triều Tiên đều có sự theo đuổi với Nga, nhân cơ hội này Nga tăng cường hợp tác về kinh tế và quân sự với Trung Quốc nên đã giành được lợi ích to lớn, đồng thời lợi dụng quan hệ với Triều Tiên để kiềm chế Trung Quốc. Hai là vì vấn đề Triều Tiên nên Nhật Bản và Hàn Quốc đều buộc phải lựa ý hùa theo ý đồ của Nga, phiếu phủ quyết mà Nga có ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc làm cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên nếu không có Nga căn bản không có cách nào giải quyết, Nga có thể dựa vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên để thao túng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Ba là vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên nên Nga có con bài mặc cả với Mỹ, và cũng vì đã nắm được con bài này nên lại có thể dùng để mặc cả với Trung Quốc.
Điều đáng đề cập là Nga có lợi ích quốc gia rất lớn xoay quanh việc giải quyết vấn đề hạt nhân, nhưng Nga dường như không có bất kỳ rủi ro nào, cho dù Triều Tiên xuất hiện tình hình xấu nhất – xuất hiện chiến tranh hạt nhân hoặc sự cố hạt nhân, ảnh hưởng đối với Nga cũng là nhỏ nhất. Cho nên, gặp cơ hội tốt như vậy, Nga làm sao có thể bỏ qua, duy trì cục diện căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và hiện trạng hạt nhân Triều Tiên, có thể làm cho Nga “tọa sơn quan hổ đấu” rồi thừa cơ trục lợi. Việc Trung Quốc thúc đẩy sự hợp tác có chiều sâu với Nga trong vấn đề Triều Tiên, thực chất là mong muốn của cả hai bên. Chiến tranh Triều Tiên lần trước, Trung Quốc đã làm việc cho Stalin, nếu lần này bùng nổ chiến tranh Triều Tiên mới, lẽ nào Trung Quốc lại muốn làm việc cho Putin?
4. Mỹ là bên then chốt cuối cùng có thể giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nếu Mỹ không ra tay, việc Triều Tiên sở hữu hạt nhân chắc chắn sẽ trở thành hiện thực, mà còn ngày càng mạnh mẽ.
Nếu Mỹ thực hiện hành động quân sự, thì vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ được giải quyết hoàn toàn trong một tuần, Chính quyền Kim Jong-un sụp đổ. Vấn đề nằm ở chỗ kiểm soát chi phí, nếu chi phí quá lớn - tai họa hạt nhân, sẽ có hàng trăm nghìn người trên bán đảo Triều Tiên thiệt mạng, Mỹ buộc phải cân nhắc hậu quả của chiến tranh.
Đối với Triều Tiên, do Mỹ là quốc gia mà nước này sợ nhất, nên luôn phản ứng một cách quá khích với Mỹ, coi Mỹ là kẻ thù số một của nước này. Một mặt là sự cần thiết để động viên chiến tranh trong nước; mặt khác cũng là diễn trò cho Trung Quốc xem, để giành lấy lý do lớn nhất nhằm thử nghiệm hạt nhân. Thực chất, từ quan hệ Triều Tiên-Mỹ, hai nước không có xung đột về lãnh thổ và lợi ích, xung đột nằm ở chế độ và quan niệm giá trị khác nhau. Nếu Triều Tiên không thực hiện các hành động quá khích, không phát triển vũ khí hạt nhân, thì Mỹ mới không chú ý đến nước này.
Nếu tấn công Triều Tiên, Mỹ có lợi ích gì? Dường như không có lợi ích gì. Trước kia Mỹ tấn công Iraq, chuyên gia Trung Quốc nói rằng Mỹ tấn công Iraq để giành lấy dầu mỏ của Iraq, kết quả sau khi Mỹ tiêu diệt Saddam Hussein, dầu mỏ của Iraq chủ yếu cung cấp cho Trung Quốc chứ không phải là Mỹ. Nếu tiêu diệt Chính quyền Kim Jong-un, Mỹ cũng sẽ không tiếp nhận Triều Tiên, mà là để cho Trung Quốc hoặc Liên hợp quốc dọn dẹp cục diện hỗn loạn, thậm chí bàn giao lại cho Trung Quốc, Trung Quốc nâng đỡ một chính quyền bù nhìn tiếp tục thống trị người dân Triều Tiên. Cho nên Mỹ sẽ không phải là bên thắng thực sự, điều mà Mỹ luôn làm là đảm nhận trách nhiệm của người bảo vệ trật tự quốc tế và chính nghĩa quốc tế, đảm nhận trách nhiệm lãnh tụ thế giới.
Thách thức đối với Mỹ hiện nay nằm ở trong tình hình Trung Quốc và Nga công khai chủ trương không giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng quân sự, liệu Mỹ có phát động tấn công Triều Tiên hay không? Tổng thống Trump luôn tính toán về lợi ích, sẽ vì giá trị chung mà phát động tấn công Triều Tiên hay không? Chiến tranh hay không chiến tranh là quyết định khó cả đôi đường đối với Mỹ, quyền quyết định nằm trong tay Mỹ, nhưng vẫn phải xem thái độ của Nhật Bản và Hàn Quốc.
5. Lập trường của Nhật Bản và Hàn Quốc hoàn toàn giống với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hai nước này đều có hiệp định quân sự với Mỹ, về quân sự chắc chắc phải làm theo chiến lược Viễn Đông của Mỹ. Nhưng Mỹ thực sự muốn tấn công Triều Tiên, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn phải đánh giá hậu quả và cái giá phải trả của chiến tranh, đây là nhân tố chủ yếu kiềm chế Mỹ sử dụng vũ lực hiện nay.
Đối với Nhật Bản, chiến tranh là ký ức đau khổ của người dân nước này, từ bài học kinh nghiệm trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hiến pháp Nhật Bản quy định không bao giờ tham chiến. Vì vậy, sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Nhật Bản có sức lực nhưng không có quyết tâm. Điều này cũng có nghĩa là nếu Nhật Bản tiến vào thể chế chiến tranh, thì nước này có đủ năng lực chiến tranh, cho dù lấy thực lực hải quân và không quân hiện nay để đối phó với Triều Tiên, cũng dư thừa, càng không nói sau khi năng lực chiến tranh được huy động một cách đầy đủ. Vấn đề của Nhật Bản là được coi là quốc gia duy nhất trên thế giới từng bị ném bom nguyên tử, người dân không có tâm lý tác chiến, càng không thể tưởng tượng lại phải trải qua một lần tấn công hạt nhân. Tác giả tin rằng Nhật Bản căn bản chưa chuẩn bị sẵn sàng.
Đối với Hàn Quốc, nước này càng không chịu nổi so với Nhật Bản, Nhật Bản có sức lực nhưng không có quyết tâm đối với chiến tranh, còn Hàn Quốc không có sức lực nhưng cũng không có quyết tâm đối với chiến tranh, điều này cũng có nghĩa là vừa không có năng lực chiến tranh vừa không có quyết tâm chiến tranh. Nếu Hàn Quốc không có sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, phải một mình đối đầu với Triều Tiên, điều có thể khẳng định là dường như không thể giành phần thắng. Hàn Quốc luôn thực hiện chính sách dụ dỗ đối với Triều Tiên trong thời gian dài, dùng tiền để mua sự bình an, chính là vì sợ xảy ra chiến tranh. Không nên nói hiện nay Tổng thống Moon Jae-in sợ xảy ra chiến tranh với Triều Tiên, trước kia Tổng thống Lee Myung-bak thuộc phe bảo thủ, khi xảy ra vụ tàu quân sự Cheonan bị Triều Tiên đánh chìm và trận pháo kích ở đảo Yeonpyeong, nhiều nhất cũng có những biểu hiện phô trương thanh thế, nhưng tấn công thực sự thì lại không dám. Sở dĩ sau khi lên cầm quyền, Moon Jae-in nhiều lần nhấn mạnh dùng phương thức hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vì ông luôn sợ Triều Tiên, hiện nay Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân lại càng sợ hơn.
Ai sẽ là người thua và kẻ thắng trong cuộc đọ sức 6 nước, về cơ bản có thể đưa ra phán đoán sau: Nếu Triều Tiên trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân, Triều Tiên chính là bên thắng lớn nhất, 5 nước còn phải lựa ý hùa theo nước khác, chính nghĩa quốc tế bị phá hoại, hòa bình Đông Á không còn nữa. Một quốc gia nhỏ như Triều Tiên lại có thể làm cho 5 nước có tổng lượng GDP chiếm trên 50% của thế giới rơi vào cảnh ngộ đấu tranh không ngừng với nhau, từ đó làm cho mình được phát triển một cách thuận lợi vũ khí hạt nhân có thể hủy hoại nhân loại, đây là điều tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.
Tác giả là nhà bình luận độc lập của Trung Quốc. Bài viết được đăng trên Báo Liên hợp Buổi sáng (Singapore).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét