VNTB - Nhân quyền: chuyện những người dừng lại |
Để bắt đầu chủ đề câu chuyện này, tôi nhắc lại một cái tên: Bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn là một nhà trí thức, người tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội,
người đã dịch bài viết về Dân chủ trên website ĐSQ Hoa Kỳ tại Việt Nam
sau đó gửi cho Ban Chấp hành T.Ư ĐCSVN và phổ biến trên một số website,
mở đầu cho việc gửi tiếp một số bài viết cho các cơ quan truyền thông
nhà nước, và kể cả là ông TBT Nông Đức Mạnh. Ông bị bắt vào tháng
3/2002.
Tôi tin không có nhiều người sẽ làm được như ông vào năm 2002 cũng như không có nhiều người biết về tên vị bác sĩ nhân quyền này.
Tôi cũng tin rằng, 2002 là thời điểm giao thời mạnh nhất giữa cái mới và
cái cũ, giữa sự chênh vênh trong tìm một giá trị dân chủ cho Việt Nam
và hun đúc nó.
2002 là năm mà Bác sĩ Phạm Hồng Sơn còn rất cô đơn, khái niệm “nhân
quyền” còn rất mơ hồ, Điều 258 hay Điều 88 BLHS 1999 còn là điều xa lạ
với hầu hết mọi người dân Việt Nam, và kinh khủng đối với những ai bị áp
tội trạng.
Nhưng giờ đây, nhân quyền quen thuộc hơn, đồng hành với nó là khái niệm
“xã hội dân sự”. Nhiều nhà hoạt động trẻ ra đời, xuất phát từ những vị
trí khác nhau, tiến hành những công việc khác nhau, nhưng mục đích cuối
cùng là: đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam được cải thiện.
Cuộc đấu tranh này bản thân nó là một sự hy sinh đúng nghĩa với nhiều
nhà hoạt động, tất nhiên nó cũng là cơ hội cho những cá nhân trữ sẵn
trong mình chủ nghĩa cơ hội. Dù thế, trong mắt tôi – những nhà đấu tranh
nhân quyền là những cá nhân thiệt thòi nhất, hoàn cảnh nhất và can
trường nhất.
Ls Võ An Đôn là một nhà hoạt động nhân quyền về luật, và có gì thân
thương hơn khi anh bắt đầu bài viết bằng cụm từ: Đừng thấy nẫu nghèo mà
khinh!
“Nghèo” – cuộc sống của những nhà đấu tranh thực tâm chừng nào thì bấp
bênh chừng đó. Bị đe dọa từ tính mạng cho đến kế sinh nhai, lẫn bị sỉ
nhục phẩm giá, danh dự cá nhân. Chính vì thế, con đường đấu tranh nhân
quyền và trở thành nhà hoạt động chưa bao giờ là một con đường trải dài
hoa hồng cả.
Một nhà hoạt động miền Bắc chia sẻ: hãy san sẻ với những khó khăn và cả
nỗi đau của những nhà hoạt động. Những yếu kém của họ là quá nhỏ so với
những sự hy sinh mà họ đã bỏ ra cho 4 từ “nhân quyền Việt Nam, dù rằng,
hoạt động nhân quyền giờ đây đã bớt cô đơn hơn so với trước, với những
tổ chức mới ra đời”.
Tôi tin đó cũng là một tâm trạng của nhiều người.
Vừa qua, Blogger Hoàng Dũng “chia tay” hoạt động, để bắt đầu chăm lo cho
cuộc sống riêng của mình. Nhiều người như thế, nhưng chia tay trong sự
im lặng…
Sự “chia tay” của ông Hoàng Dũng là sự trân trọng của ông đối với những
bè bạn, và tất nhiên – hồi đáp lại là những lời chúc tốt đẹp dành cho
ông.
Blogger Phạm Đoan Trang chia sẻ rằng, cô không phán xét hay khuyên nhủ
ai, cũng không đánh giá quyết định cá nhân của họ. Trong đó, nếu đã trót
tham gia hoạt động dân chủ - nhân quyền, thì sẽ không quên được cuộc
sống của một người hoạt động.
“Nếu đã trót tham gia hoạt động dân chủ-nhân quyền với một mong muốn
mãnh liệt rằng Việt Nam phải thay đổi, bạn sẽ không quên được cuộc sống
của một người hoạt động. Đó là một cuộc sống với đầy đủ trải nghiệm về
mọi cảm xúc – yêu thương, thù hận, vui, buồn, sợ hãi, cô đơn, hạnh phúc,
đau khổ… Tất cả các cảm xúc đều được đẩy đến tận cùng.
Cảm xúc đẩy tới tận cùng – khiến cho nhà hoạt động có lúc bị hóa “điên”,
hoặc đẩy vượt quá cả một giới hạn mà trước đó bản thân họ nghĩ sẽ không
chịu đựng được. Giới hạn đó khiến họ trở nên “lì đòn” hơn, trở nên “can
trường” hơn. Họ có thể “căm thù Cộng sản” hơn, nhưng cũng có thể họ trở
nên “bao dung” hơn, sẵn sàng đối đáp hòa nhã với những phản hồi thiếu
tích cực, thậm chí nhục mạ họ.
Suy cho cùng, đó cũng là cái giá mà họ phải nhận được khi bước vào con đường này.
Gần 100 triệu dân với hàng trăm nhà hoạt động là con số quá nhỏ!!! Và
thực sự “danh lợi”– cái thứ mà những “Dư luận viên” trên mạng hay bêu
rếu những nhà họat động không phải là thứ đáng so bì bên cạnh tuổi xuân,
sức khỏe, và hạnh phúc cá nhân của họ.
Do đó, một người dừng lại, hay rẽ nhánh sang con đường khác cũng là một
quyết định cần được tôn trọng. Và ở sự chia tay đó, lời chúc tốt đẹp vẫn
là một ngôn ngữ đáng được đưa ra.
Cuộc sống này không dừng lại, nhân quyền và sự đấu tranh sẽ không dừng
lại. Blogger Hoàng Dũng dừng lại, rồi sẽ có còn nhiều blogger trẻ tuổi
khác sẽ thay chỗ anh ấy, cũng như sẽ có nhiều cá nhân khác tham gia vào
tiến trình đấu tranh, và họ sẽ không dừng lại. Bởi những lỗ hổng nhà
nước xuất hiện ngày một nhiều, sự tha hóa ngày càng cao, và sự nhũng
nhiễu – vô trách nhiệm của nhà nước ngày càng lớn.
Và như cách Blogger Đoan Trang chia sẻ: Chúng ta đã đi quá xa để có thể từ bỏ tất cả.
Như sau Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, là sự nở rộ của nhiều tổ chức XHDS và nhiều cá nhân hoạt động nhân quyền vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét