Thuyết chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa được phác thảo trên
đảo Ternate, Indonesia-Ali Trisno Pranoto/Getty
Hòn đảo Ternate của Indonesia, cũng giống như đảo Tidore kế
cận, gần như toàn là núi lửa. Nó nhô lên ở giữa biển và có hình dáng gần giống
như một quả thông ngoại trừ việc nó bị cắt cụt ở đỉnh. Những đám mây hơi nước
phủ quanh hòn đảo. Xung quanh là rìa đất hẹp và bằng phẳng và những bãi biển
nơi có một sân bay, một thành phố và một con đường chạy quanh đảo.
Xa xôi hẻo lánh
Ngay cả khi sắp diễn ra một sự kiện lớn thu hút khách du lịch
tầm thiên niên kỷ - nhật thực toàn phần hồi tháng Ba năm 2016 - thì Ternate vẫn
là một nơi hẻo lánh: đó là một nơi mà du khách khó lòng đi vài mét mà không bị
gọi nhờ chụp hình selfie giúp cho một nhóm du khách và những đứa trẻ nhỏ vẫy
tay chào bạn hô lớn "Hello Mister!"
Đó là một địa điểm chúng ta khó mà hình dung là nơi diễn ra
một trong những khoảnh khắc khám phá khoa học vĩ đại khi mà một nhà khoa học thời
Nữ hoàng Victoria đặt bút viết lên giấy để ghi lại những nét sơ khởi về thuyết
tiến hóa thông qua chọn lọc tự nhiên.
Khi Alfred Russel Wallace, lúc đó 35 tuổi, đến Ternate vào
tháng 1/1858, ông đang trong hành trình khám phá một chuỗi các hòn đảo rộng lớn
trải dài mà ông gọi là Quần đảo Malay đã được gần bốn năm. Vượt hàng ngàn dặm
đường bằng tàu hơi nước, thuyền buồm và tàu của người bản địa cũng như cưỡi ngựa
và đi bộ, ông và những phụ tá của ông đã giết, lột da và ghim lại hàng chục
ngàn mẫu vật từ đười ươi, chim chóc cho đến loài động vật có túi có hình dáng
giống như con lười, đó là chưa kể tới hàng ngàn các loại bọ khác nhau nữa.
Xứ sở đinh hương
Vào lúc đó, những ngày huy hoàng của Ternate đã qua khi vùng
đất này trở thành thuộc địa. Trong suốt gần một ngàn năm, cây đinh hương
(clove) chỉ mọc trên đảo Ternate, Tidore và một vài hòn đảo lân cận, rồi trong
hơn 3.000 năm chúng đã được đưa qua các lục địa thông qua một mạng lưới trao đổi
và thương mại phức tạp và mỗi lần sang tay như vậy nó lại càng tăng giá trị.
Trong suốt hàng ngàn năm, đinh hương chỉ có
trên đảo Ternate và vài đảo lân cận-Bruce Dale/Getty
Nhờ vào giao thương mặt hàng quý giá này, các sultan của
Ternate đã tuyên bố làm chủ một đế quốc trải rộng đến tận Philippines và Papua
và do đó trở thành thù địch với các sultans của hòn đảo Tidore vốn cũng có kích
thước nhỏ tương tự.
Ngày nay, mùi hương của đinh hương sấy khô lan ra khắp đảo khi
đến mùa thu hoạch và những cây đinh hương phủ đầy trên sườn thấp của ngọn núi lửa.
Những bé trai mặc quần short đá bóng đứng đợi bên đường để dẫn bạn tới một cái
cây cao vút mà chúng nói là cây cao tuổi nhất trên thế giới.
Đầu tiên là người Hà Lan rồi sau đó tới lượt người Anh đã
phá thế độc quyền đinh hương của các sultan. Cho đến năm 1858, đảo Ternate mà
nhà hàng hải kiêm cướp biển Francis Drake và nhà thám hiểm Ferdinand Magellan từng
ghé thăm vẫn là một vùng xa xôi hẻo lánh.
Dưỡng bệnh và suy ngẫm
Wallace đến ở tại một căn nhà tồi tàn, bao quanh là những
cây ăn quả. Nó nằm cách khu chợ ở ngoại ô của nơi giờ đây là thành phố Ternate
chỉ năm phút đi bộ. Mặc dù các hướng dẫn địa phương thường giới thiệu cho du
khách một số ngôi nhà khác nhau, được coi là nơi Wallace từng ở, nhưng thật ra
những căn nhà của ông đã không còn nữa từ lâu.
"Có hai con đường có thể cùng tồn tại vào thời điểm đó,
nếu dựa trên những thông tin mà ta biết," John Van Wyhe từ Đại học Quốc
gia Singapore, một chuyên gia nghiên cứu về Wallace nói. "Nhưng hiện nay
không có ngôi nhà nào có tuổi đời bằng phân nửa thời gian mà chúng được coi là
đã tồn tại."
Wallace gần như không chuyển vào trong căn nhà dưới bóng mát
với giếng nước ngọt mát lạnh khi ông ngã bệnh mà nhiều khả năng là sốt rét.
Hết đổ mồ hôi lạnh rồi đến sốt và Wallace có lúc phải nằm một
chỗ trong nhiều giờ liền. Lúc đó ông không thể làm được gì ngoài suy nghĩ.
Trong cảnh xa nhà, bị rét buốt rồi nóng hầm hập dưới chân núi lửa và cảm thấy
lo lắng cho sinh mạng của mình, tâm trí Wallace đã nghĩ đến Thomas Malthus, vị
học giả sống trong thời Vua George, người đã lập luận rằng thế giới tự nhiên
làm giảm dân số nhân loại bằng dịch bệnh, nạn đói, chiến tranh và tai nạn.
Wallace nhận ra rằng điều tương tự cũng có thể đúng với các loài động vật.
Wallace đã tận mắt nhìn và nghiên cứu nhiều
loài động vật khác nhau, điều đã tạo cảm hứng để ông phát triển thuyết chọn lọc
tự nhiên- De Agostini/Biblioteca
Ambrosiana/Getty
Trong hành trình của ông qua những vùng đất mà ngày nay là
Indonesia, Wallace đã nhìn thấy hàng ngàn những sinh vật khiến ông phải suy
nghĩ. Ông đã thấy ếch bay - bằng chứng chứng tỏ các ngón chân vốn đã được tiến
hóa để giúp động vật có thể bơi và leo trèo nay có thể được dùng để bay lên
không trung như thế nào. Ông đã thấy những con đười ươi mà có lẽ có tổ tiên
riêng của chúng cũng giống như tinh tinh và khỉ đột. Wallace đã chăm sóc cho một
con non như vật nuôi của ông. Bệnh tật và có lẽ với dự cảm rằng mình sắp không
qua khỏi đã chiếm trọn tâm trí ông.
"Suy nghĩ mơ hồ về sự tàn phá lớn lao và liên tục của
cái chết, một câu hỏi đột nhiên xuất hiện trong đầu tôi: tại sao một số loài chết
còn một số loài lại sống?" ông ghi lại sau đó. "Và câu trả lời rất rõ
ràng rằng nhìn chung những loài thích nghi tốt nhất sẽ tồn tại." Chọn lọc
tự nhiên là cơ chế các loài tiến hóa để trở thành như hiện nay, Wallace nhận ra
trong một khoảnh khắc suy nghĩ.
Sự trùng hợp
Cảm thấy hứng khởi với suy nghĩ này, Wallace đã hồi hộp đợi
cho đến khi khỏi bệnh và sau đó ông đã nhanh chóng ghi lại đề cương. Trong vòng
một vài buổi tối sau đó, ông đã phát triển lý thuyết của mình và gửi cho
Charles Darwin vốn lúc đó đã là một nhà khoa học rất được ngưỡng mộ.
Khi lá thư về đến Anh vào ngày 18/6/1858, nó đã khiến Darwin
hốt hoảng.
Các học thuyết của Wallace và Charles Darwin về
chọn lọc tự nhiên đã được trình bày cùng nhau vào năm 1858-Peter MacDiarmid/Getty
Lúc đó ông đã nghiên cứu thuyết tiến hóa qua con đường chọn
lọc tự nhiên đã gần 20 năm và chỉ còn một năm nữa là hoàn tất một bộ sách ba
quyển đồ sộ về chủ đề này. Tuy nhiên, ông đã làm điều đúng đắn: các đồng nghiệp
của hai ông đã trình bày cả hai ý tưởng về chọn lọc tự nhiên vào hai tuần lễ
sau đó.
"Lúc đó mọi người nói: Chúa ơi, điều này thật sự rất
hay, các ngài có thể giải thích cho chúng tôi nghe về lý thuyết này được không?
Chúng tôi không thể đợi cho đến khi cuốn sách được viết xong," Wyhe kể lại.
"Cuốn sách đó có tựa đề 'Về Nguồn gốc các Loài'. Nếu
không phải là do Wallace vô tình cắt ngang Darwin thì ông đã tiếp tục công việc
và viết tiếp công trình đồ sộ này." Darwin đã xuất bản công trình của ông
vào tháng 11/1859. Nó đã làm rung chuyển thế giới tôn giáo và định hình thế giới
khoa học.
Còn Wallace thì sao? Ông đã tiếp tục cuộc hành trình. Vào
năm 1859, ông để lại dấu ấn trong ngành địa lý sinh học. Ông đã xác định được một
đường phân giới giữa hệ động vật Đông Nam Á và hệ động vật Úc châu vốn được gọi
là đường Wallace. Vào năm 1862, ông quay trở lại Anh sau khi đã thu thập được
không dưới 125.660 mẫu vật lịch sử tự nhiên, trong đó có hơn 83.000 con bọ.
Vào năm 1868, ông đã xuất bản hồi ký đáng để đọc về cuộc
hành trình này có tựa đề 'Quần đảo Malay'. Ông đã sống đến 90 tuổi và viết sách
ủng hộ phong trào nữ quyền và thuyết duy linh.
Ông không bao giờ quên dành cho người đồng nghiệp Darwin của
ông sự kính trọng mà Darwin đáng được nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét