Chưa biết kết quả phiên tòa ở
Malaysia sẽ thế nào nhưng có một cô gái VN bị đẩy đến tình cảnh này phải là nỗi
trăn trở của những kẻ đang ngồi trên chiếc ghế quyền lực. Vì sao “đất nước yên
lành nhưng Bác phải ra đi” và vì sao sau đúng 100 năm đất nước “rách nát” để
Hương lại phải ra đi và lâm tình cảnh mắc kẹt giữa sống và chết? Hình như giờ
đây, câu nói của nhà văn Pháp Marcel Aymé: “Một lời nói dối trót lọt còn hơn là
sự thật tàn nhẫn” (Un mensonge bien fait vaut mieux qu'une méchante vérité)
đang lơ lửng trong tâm trí không chỉ của một vài người Việt.
Bauxite Việt Nam
Trong phiên tòa xét xử vụ án Kim
Jong Nam vào tuần trước, cảnh sát Mã Lai xác nhận là ngoài Đoàn Thị Hương và
Siti Aisyah đang bị truy tố còn có 4 nghi phạm khác là Chang, James, Y và Hanamori.
Trước đó, cảnh sát cho biết là họ đã yêu cầu Interpol truy nã 4 nghi phạm người
Bắc Hàn là Ri Ji Hyon (33 tuổi), Hong Song Hac (34 tuổi), O Jong Gil (55 tuổi)
và Ri Jae Nam (57 tuổi). Cả 4 người này
đã rời Mã Lai chỉ vài giờ sau khi Kim Jong Nam bị ám sát qua Dubai, Vladivostok
rồi tới Bình Nhưỡng. Có lẽ Chang, James, Y và Hanamori là "tên cúng
cơm" của 4 người mà cảnh sát yêu cầu Interpol truy nã.
Theo lời khai của Cảnh sát trưởng
điều tra vụ án Wan Aziz thì máy quay phim tại hiện trường cho thấy ông Y đội mũ
và đeo túi đen, đi bộ tới sân bay cùng một người phụ nữ nhìn giống nghi phạm
Đoàn Thị Hương. Ông Aziz cũng cho biết là ông Y đã bôi một chất lỏng vào tay của
Hương. Còn ông Chang là người liên lạc và bôi chất lỏng vào tay Siti để thực hiện
vụ tấn công ám sát Kim Jong Nam tại phi trường Kuala Lumpur vào ngày 13/2/2017.
Cả hai bị cáo là Hương và Siti đều khai là họ bị lừa tham gia vào một trò chơi
truyền hình thực tế. Sau khi bôi chất lỏng vào mặt một đối tượng theo chỉ định
thì được trả tiền. Nhưng cảnh sát cáo buộc là cả hai biết là tay họ có tẩm chất
độc. Sau khi bôi vào mặt Kim Jong Nam, họ đã vội vã chạy vào nhà vệ sinh để rửa
tay rồi mới thong thả rời khỏi hiện trường. Một nhân chứng chuyên gia vũ khí
hóa học đã khai với tòa là ông tìm thấy dấu vết của chất độc VX trên áo của
Hương và Siti cũng như trên mặt, quần áo, máu và nước tiểu của nạn nhân Kim
Jong Nam.
Vào tháng 3, báo Yonhap của Hàn Quốc
loan tin Ri Ji Hyon là con trai của cựu Đại sứ Bắc Hàn tại Việt Nam Ri Hong. Ri
đã sống tại Việt Nam hơn 10 năm và rành tiếng Việt, từng làm một nhà ngoại giao
tập sự và thông dịch viên. Cũng theo Yonhap thì Ri đã dụ Hương tham gia vào vụ
ám sát Kim Jong Nam.
Đoàn Thị Hương sinh năm 1988 tại
một vùng quê ở Nam Định cách Hà Nội 150 km. Bố của Hương, ông Đoàn Văn Thạnh,
63 tuổi, là một thương binh. Ông tham gia mặt trận Quảng Trị vào năm 1972 và cụt
mất một chân. Ông lãnh tiền trợ cấp và làm thêm để kiếm sống, hàng ngày quét dọn,
trông coi chợ xã Nghĩa Bình. Ông Thạnh có 5 đứa con và Hương là đứa con út,
chưa có gia đình. Mẹ của Hương qua đời vào năm 2015 và ông Thạnh bước tiếp cưới
bà Nguyễn Thị Vy.
Vào năm 2007 khi mới 19 tuổi,
Hương quyết định ''thoát ly'' gia đình và lên Hà Nội sinh sống. Đoàn Văn Bình,
người anh lớn cho biết là Hương lên Hà Nội học trung cấp Dược, nhưng cũng có
nguồn tin là Hương làm việc cho các quán bar. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC,
Kenny Bùi, người từng quản lý quán bar Seventeen ở Hà Nội cho biết Hương đã làm
việc tại đây vào năm 2014 và nhận xét Hương là "một người hiền lành và tốt
tính". Cũng như các cô làm quán bar khác, Hương quen nhiều bạn trai người
nước ngoài. Một người hàng xóm, bà Maria Nguyễn, cũng nói rằng Hương là
"cô gái nổi bật trong một cái làng nhỏ chỉ có hơn chục hộ dân, nhuộm tóc,
ăn mặc đồ mốt và Tết nào cũng về nhà với một người đàn ông ngoại quốc". Lần
cuối Hương về quê ăn Tết là vào tháng Giêng. Hương chỉ ở nhà vài hôm và không
có một đồng xu dính túi. Bà Vy cho biết là bà phải cho tiền Hương mua vé xe
buýt quay về Hà Nội.
Hương cũng từng ôm mộng làm ca sĩ
hoặc diễn viên. Vào tháng 6 năm 2016, Hương tham gia chương trình Vietnam Idol
dưới tên thí sinh Đinh Thị Khuyên nhưng bị loại ngay từ vòng đầu. Một viên chức
Hàn Quốc giấu tên cho biết là Hương đã đến du lịch đảo Jeju và ở đó hết 4 ngày
vào tháng 11 năm ngoái. Trang facebook của Hương để tên là Ruby Ruby liệt kê 65
người bạn mà trong đó có 56 người là nam và 27 mang tên Hàn.
Theo Asahi Shimbun, các nghi phạm
trong vụ sát hại ông Kim đã diễn tập tấn công nhiều lần, trong đó có ba lần diễn
tập bôi mặt rồi chạy trốn tại Campuchia vào tháng Giêng. Máy quay phim tại phi
trường cũng thu được hình ảnh diễn tập của Hương với một người trước đó khi
Hương từ phía sau bôi lên mặt một người đàn ông nhẹ nhàng rồi chắp tay và cúi đầu
xin lỗi. Nhưng với Kim Jong Nam thì Hương có cử chỉ hung bạo hơn, sấn tới và ra
tay một cách nhanh chóng rồi vội vã chạy vào phòng vệ sinh rửa tay trước khi
thong thả bước chân ra khỏi phi trường. Hương bị cảnh sát Mã Lai bắt vào ngày
15/2 tại một khách sạn rẻ tiền gần phi trường. Cảnh sát cho biết Hương khai là
làm việc cho một ''trung tâm giải trí" (entertainment outlet) nhưng báo
Daily Mail thì tường thuật Hương khai với cảnh sát là cô làm gái bao kiếm được
rất nhiều tiền để giúp gia đình nghèo ở Việt Nam.
Nữ bị cáo thứ hai là Siti Aisyah
bị bắt vào ngày 16/2 lúc 2 giờ sáng tại khách sạn Flamingo Kuala Lumpur sau khi
mới vừa phục vụ xong một người đàn ông Mã Lai. Trên giấy tờ, Siti là nhân viên
đấm bóp của khách sạn Flamingo nhưng khi Doug Clark ghé tới điều tra thì liền
được hỏi là "ông muốn ngủ với gái Thái hay Nam Dương?" Doug Clark là
một ký giả từng sống và làm việc tại Nam Dương khoảng 3 năm. Ông nói thông thạo
tiếng Bahasa là ngôn ngữ của người Nam Dương và Mã Lai. Ông quyết định điều tra
về lý lịch của Siti và viết lại bài "Câu chuyện chưa kể trong cuộc ám sát
Kim Jong Nam" (The Untold Story of Kim Jong Nam's Assassination).
Theo Doug Clark, Siti sinh năm
1992 tại Sanca Sumua là một ngôi làng nhỏ có truyền thống bảo thủ. Lớn lên
trong khu làng khoảng 500 người, đời sống của Siti gồm có đốn củi trong khu rừng
bên cạnh và tắm suối. Hàng xóm nhớ Siti là một cô bé ít nói và sùng đạo. Hàng
ngày Siti đều tới mosque cầu nguyện. Khi lên 9, Siti quấn khăn trùm đầu cắp
sách đến trường. Tới lớp 6 thì thôi học và ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nghề nông.
Mơ ước của Siti cũng như bao cô gái thôn quê khác là có cơ hội thoát khỏi làng
nghèo và lên thành phố để lập nghiệp.
Lúc Siti tới 14 tuổi, một người
thân giúp đưa Siti lên Jakarta làm thợ may. Mỗi ngày Siti ngồi may 13 tiếng để
lãnh 50 đô một tháng. Hai năm sau, Siti lấy chồng là Gunawan Hasyim con trai của
người chủ hãng may. Không lâu sau thì Siti sinh ra một đứa con trai. Tới năm
2011 thì hãng may xuống dốc. Gunawan và Siti dọn qua Mã Lai. Kuala Lumpur có
chung ngôn ngữ và văn hóa với Jakarta nhưng phồn thịnh hơn nhiều. Ước lượng có
hơn 400,000 người Nam Dương tới Mã Lai hàng năm một cách hợp pháp và hơn
600,000 đi sang bất hợp pháp.
Hai vợ chồng ly dị vào năm 2012.
Siti bế con về Jakarta nhưng sau đó trao lại cho bố mẹ chồng nuôi để tìm việc
làm kiếm sống. Đầu năm 2015, Siti trở lại Mã Lai và làm việc cho khách sạn
Grand Continental. Vài tháng sau, Siti chuyển qua khách sạn Flamingo với số
lương khá hơn. Cuối cùng thì cái gì đến phải đến và Siti trở thành một cô gái
bao, quảng cáo trên mạng dưới tên "Kelly" với nụ cười khoe hàm răng bọc
sứ cùng với giá phục vụ qua đêm không quá 40 đô la.
Vào đầu tháng Giêng năm 2017,
trong một đêm vắng khách, Siti được giới thiệu tới một người đàn ông người Nhật
tên James tìm mướn người bôi dầu lên mặt người lạ. Lúc đầu Siti cảm thấy có gì
bất thường nhưng khi James hứa trả 100 đô cho công việc này thì cô không còn thắc
mắc nữa. Mỗi lần tiếp khách cô chỉ kiếm được 15 đô. Phần còn lại thuộc về nhà
chứa. Mơ ước của Siti là kiếm thật nhiều tiền để cất căn nhà lớn nhất trong
ngôi làng cho bố mẹ.
James giải thích rằng ông đang
quay lén một bộ phim hài sẽ đuợc trình chiếu trên youtube ở Nhật và Trung Quốc.
Sau đó, James kêu Siti thực tập bôi dầu lên mặt những người lạ rôi ríu rít xin
lỗi họ. Cứ mỗi lần thực tập như vậy là Siti được trả tiền. Chẳng những thế, những
đọan phim thực tập này là cơ hội cho Siti sử dụng để xin làm diễn viên trong
tương lai. Đó cũng là giấc mơ mà cô gái quê hằng ấp ủ.
Vào ngày 21 tháng Giêng, James
đưa Siti sang Phnom Penh và giới thiệu cô với Chang là người nói rành tiếng
Bahasa sẽ thay thế James hoàn tất đoạn phim còn lại. Vào ngày 3, 4 và 7 tháng
hai, Chang đạo diễn cho Siti thực tập bôi mặt tại phi trường Kuala Lumpur và
tăng tiền lương lên gấp đôi.
Sau khi bị bắt, nhân viên ngoại
giao Nam Dương vào tù thăm Siti nhưng cô tưởng rằng vào tù là một màn của cuốn
phim mà đạo diễn soạn ra và các nhân viên cũng đều là diễn viên nằm trong kịch
bản. Tới lần thứ tư khi họ cho coi tờ báo đăng hình tử thi của Kim Jong Nam thì
cô mới nhận ra là mình đã can án giết người rồi òa khóc.
Liệu phiên tòa có được xét xử
công bằng với hai nữ bị cáo hay không? Mã Lai từng là thuộc địa của Anh quốc.
Theo thông luật của Anh thì công tố viên phải chứng minh đủ hai yếu tố là hành
động và ý chí sát nhân để cấu thành tội phạm. Nhưng các thủ phạm chủ mưu đã cao
bay xa chạy về Bắc Hàn. Lập luận của cảnh sát và công tố viên rằng hai bị cáo
biết là họ bôi thuốc độc vào mặt nạn nhân dường như nghe không hợp lý. Tại sao
họ phải liều mạng bôi thuốc kịch độc lên tay chỉ vì một vài trăm đô? Nếu như họ
đã nhiều tập dượt trước đó bằng dầu thiệt thì làm sao họ ngờ được lần này là dầu
giả? Dĩ nhiên là sau khi bị bôi VX lên tay để bôi vào mặt Kim Jong Nam mà họ cảm
thấy khó chịu và chạy nhanh vào phòng vệ sinh để rửa tay thì đó cũng là một việc
bình thường. Không có nghĩa là họ biết đó là VX và đồng ý cho điệp viên Bắc Hàn
bôi chất độc lên tay để giết người. Chính quyền Mã lai đã tiến hành ''trao đổi''
tù binh và trả tử thi Kim Jong Nam cùng với 4 nghi phạm cho Bắc Hàn để nhân
viên ngoại giao của họ được trở về nước. Đây là một quyết định dễ hiểu vì quốc
gia nào cũng có trách nhiệm bảo vệ an nguy cho công dân của họ, nhưng tước đi
cơ hội cho bị cáo chất vấn nhân chứng để chứng minh bị cáo không cố ý giết người.
Mặt khác, Mã Lai dường như đang muốn tìm vật tế thần bằng mọi giá để khóa lại hồ
sơ và lảng tránh câu hỏi là tại sao họ vẫn ung dung làm ăn khắng khít với Bắc
Hàn trước bao nhiêu nghị quyết cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Xem ra vở tuồng ''Nửa đời hương
phấn'' của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng vào năm 1960 vẫn còn mang tính thời
sự chớ không cải lương chút nào. Cả hai cô gái trẻ Hương và Siti đều xuất thân
từ miền quê mộc mạc rồi trở thành những cô gái phong trần vì không cưỡng lại được
cám dỗ của chốn phồn hoa đô hội. Nhưng họ là những người con hết mực hiếu thảo.
Mơ ước đơn giản của họ là cất một căn nhà khang trang để cha mẹ được nở mặt với
bạn bè, hàng xóm. Có điều là cô The hoặc 'Hương' trong tuồng chỉ là một nhân vật
hư cấu kết cuộc đã chọn chốn Thiền môn hầu quên đi phận bạc. Còn Đoàn Thị Hương
và Siti Aisyah là hai con người bằng xương, bằng thịt, và cái giá phải trả nếu
bị buộc tội sẽ là bản án tử hình bằng sợi dây thòng lọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét