Tập Cận Bình đã được nâng lên gần
ngang hàng với Mao Trạch Đông trên bảng phong thần những lãnh tụ Cộng Sản Trung
Quốc. Trước khi kết thúc, đại hội đảng lần thứ 19 đã biểu quyết ghi “Tư tưởng Tập
Cận Bình” vào cương lĩnh đảng. Trong gần 100 năm lịch sử, Cộng Sản Trung Quốc
chỉ ghi tên hai người với vai trò lý thuyết gia là Mao và Đặng. “Tư tưởng Mao
Trạch Đông” được coi là chủ đạo từ năm 1945. “Lý luận Đặng Tiểu Bình,” khi ông
ta xóa bỏ chính sách tập thể hóa của họ Mao, bắt đầu đổi mới kinh tế theo lối
tư bản, được ghi vào cương lĩnh từ năm 1997, sau khi họ Đặng qua đời. Tập Cận
Bình có thể coi đã đạt địa vị cao hơn Đặng Tiểu Bình; vì giờ này Tập vẫn còn sống.
Hơn nữa, “Tư tưởng” chắc chắn được coi trọng hơn “Lý luận.”
Nhưng Tư tưởng Tập Cận Bình là
cái gì?
Bản Cương lĩnh của Trung Cộng viết
đầy đủ 16 chữ “Tư tưởng Tập Cận Bình (về) Chủ nghĩa Xã hội (với) Đặc sắc Trung
Quốc (trong) Thời đại mới” (习近平新时代中国特色社会主义思想). Điều được nhấn mạnh ở đây là “Tư tưởng Tập Cận
Bình” vẫn được coi là một thứ “chủ nghĩa xã hội.” Bốn chữ này đã được dùng hơn
hai trăm năm nay, ý nghĩa đã hao mòn, rỉ sét, khó biết được nội dung chứa những
gì. Mao Trạch Đông có thể coi là người có sáng kiến biến đổi chủ nghĩa
Marx-Lenin áp dụng vào nước Tàu: Cho nông dân đóng vai chính thay cho công nhân
trong giấc mộng hoang đường của Karl Marx. Cuộc cách mạng vô sản toàn thế giới
Mao muốn thực hiện sẽ “lấy nông thôn bao vây thành thị,” dùng các nước Châu Á,
Châu Phi bao vây các nước tư bản Âu Mỹ.
Tư tưởng Mao Trạch Đông đã đưa nước
Tàu xuống vực thẳm: các cuộc thí nghiệm kinh tế của họ Mao làm ba chục triệu
người đói, chết; Cuốn sách Đỏ của Mao gây bạo loạn chết chóc hàng triệu người
khác. Giấc mộng cách mạng thế giới của Mao Trạch Đông đã tan ra khói trước khi
Liên Xô sụp đổ, nhưng ít nhất ông ta có suy nghĩ các vấn đề sâu xa, đáng gọi là
có tư tưởng.
Đặng Tiểu Bình không có chiều sâu
như họ Mao, chỉ nổi bật về tính toán thực dụng: Mèo trắng hay mèo đen không
quan trọng, miễn mèo bắt chuột là được! Cộng Sản Trung Quốc đã đề cao “Lý luận
Đặng Tiểu Bình” (邓小平理论)
sau gần 20 năm theo ý ông ta thay đổi cơ chế kinh tế và đã thấy kết quả tốt đẹp:
Con mèo “thị trường” bắt được con chuột to!
Nhưng còn cái gọi là Tư tưởng Tập
Cận Bình, nó là cái gì?
Trong mấy năm qua, chánh văn
phòng của Tập là Lật Chiến Thư đã đề ra từ ngữ Tư tưởng Tập Cận Bình. Lật Chiến
Thư gom các bài diễn văn của ông chủ in thành sách, bắt quân đội và học sinh phải
học tập. Nội dung những diễn văn đó gồm các khẩu hiệu và chính sách đối phó với
các vấn đề thực tế, đã được Tập Cận Bình
nói trong năm năm qua. Nếu gọi đó là “Chính sách Tập Cận Bình” thì đúng nghĩa
hơn là “Tư tưởng!” Nhưng ngay các chính sách đó cũng chỉ được họ Tập nêu ra như
là những mục tiêu muốn đạt tới, chứ chưa được áp dụng và thi hành! Nên gọi đó
là những “mơ ước” đúng hơn là chương trình hay đường lối. Tập Cận Bình đã tóm tắt
trong ba chữ “Trung Quốc Mộng.”
Thí dụ, một cột trụ trong chính
sách kinh tế của Tập Cận Bình là muốn từ bỏ lối bỏ tiền của nhà nước ra kích
thích kinh tế như hai đời lãnh đạo trước. Tập Cận Bình muốn đặt trọng tâm vào
phần “Cung” và thay đổi phần Cung, tức là cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để họ
theo đúng các nguyên tắc thị trường hơn. Nhưng năm năm sau khi công bố chủ
trương “gia tăng vai trò của thị trường” trong sinh hoạt kinh tế, Trung Cộng đã
làm ngược lại. Trong năm 2016, họ nỗ lực củng cố các doanh nghiệp nhà nước, gây
khó dễ cho các xí nghiệp tư nhân, nhất là người ngoại quốc. Tại sao họ lại quay
ngược chiều như vậy? Lý do rất thực tế: Bỏ rơi hệ thống các doanh nghiệp nhà nước
thì thiếu chỗ để nuôi dưỡng, ban thưởng, chia chác cho cấp dưới, bảo vệ lòng
trung thành của gần 90 triệu các đảng viên Cộng Sản.
Một điều được nhấn mạnh trong Tư
tưởng Tập Cận Bình là đề cao vai trò của quân đội. Ngay sau khi lên, Tập Cận
Bình đã nắm lấy chức chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, mà những người tiền nhiệm thường
không làm được. Đặng Tiểu Bình nắm Quân Ủy khi Giang Trạch Dân đã lên làm tổng
bí thư, và Giang vẫn tiếp tục giữ chức đó cả năm trời sau khi Hồ Cẩm Đào lên
thay mình. Tập Cận Bình đã củng cố địa vị trong quân lực bằng cách thay thế
hàng trăm tướng lãnh, trong chiến dịch chống tham nhũng. Tập còn lập ra thêm cơ
quan Hợp Đồng Tác Chiến, mà chính ông ta đóng vai chủ tịch. Để chinh phục lòng
trung thành của giới quân nhân, Tập Cận Bình phải tăng ngân sách quốc phòng, và
hứa hẹn trong 30 năm nữa quân Trung Cộng sẽ hùng mạnh nhất thế giới! Trong việc
suy tôn Tập Cận Bình thành “Lãnh Đạo Hạt Nhân” và sử dụng chữ “Lãnh Tụ” để gọi
ông ta, các tướng lãnh đi tiên phong! Hai danh hiệu đó không hề được sử dụng kể
từ sau thời Mao Trạch Đông!
Nhưng tất cả những dự tính đó có
đáng gọi là “Tư tưởng” hay không? Thực ra, bất cứ một lãnh tụ Trung Quốc nào,
giống như tất cả các hoàng đế Trung Hoa đời trước, khi đã nuôi tham vọng bành
trướng, cũng sẽ củng cố quân lực, không khác gì Tập Cận Bình! Phải gọi đúng
tên, đó là Tư tưởng Hán Vũ Đế, hay Tư tưởng Minh Thành Tổ, Tư tưởng Càn Long!
Đối với người dân Trung Hoa trong
lục địa, có lẽ phần hấp dẫn nhất trong Tư tưởng Tập Cận Bình là chính sách ngoại
giao của ông ta. Đầu năm nay, đài truyền hình của đảng Cộng Sản đã chiếu một
chương trình dài về những thành tích ngoại giao của Tập Cận Bình. Ý tưởng chính
được đề cao là: Nước Trung Hoa đang được cả thế giới kính nể!
Tập Cận Bình tấn công đúng một
nhược điểm trong tâm lý người dân nước Tàu: Họ vẫn xấu hổ và còn uất hận khi nhớ
đến hơn một thế kỷ bị thế giới khinh khi. Tập Cận Bình hứa hẹn một tương lai
huy hoàng, người Trung Hoa đi tới đâu cũng được kính trọng, qua hình ảnh chính
ông ta khi gặp nữ hoàng Anh hoặc tổng thống Mỹ. Nhưng tham vọng của Tập Cận
Bình cao hơn việc gây ảnh hưởng bằng tiền hoặc bắt ép buộc bằng súng đạn. Trong
chương trình dài hạn, ông ta còn muốn cả thế giới phải ngưỡng mộ và học hỏi
“văn minh Trung Quốc.” Đó gọi là “chiến lược sức mạnh mềm.”
Nhưng sự thật là hiện nay trên thế
giới người ta không thấy một thứ gì của Trung Quốc đáng làm gương cho mọi người
bắt chước. Không có một nhãn hiệu hàng tiêu thụ nào của Trung Quốc được người
ta giành mua, như xe hơi Nhật Bản hay điện thoại cầm tay của Mỹ. Trung Cộng
cũng không sản xuất được một sản phẩm văn hóa nào thu hút người ngoại quốc, nhất
là giới trẻ, như phim ảnh, sách báo, ca nhạc. Hy vọng của Tập Cận Bình là Trung
Quốc sẽ “làm gương” cho cả loài người một”mô hình” làm mẫu về cách tổ chức xã hội,
kinh tế, chính trị để mang lại hạnh phúc cho con người, có thể so sánh với những
mô hình xã hội tự do, dân chủ của Tây phương.
Đó quả là một “giấc mộng lớn.” Vì
cho tới nay, chưa thấy có dấu hiệu nào điều Tập Cận Bình mơ ước có thể thành sự
thực. Kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, càng chậm cải tổ càng nguy hiểm. Chế độ
độc tài toàn trị của Trung Cộng chắc chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng và ông Duterte
muốn bắt chước.
Chính cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận
Bình” cũng chỉ là một cái thùng rỗng. Theo một giáo sư Đại Học Bắc Kinh nhận
xét, mặc dù Tập Cận Bình đã thâu tóm được rất nhiều quyền lực, nhưng suốt năm
năm qua không thấy một chính sách nào của ông ta được thi hành để cải tổ hệ thống
kinh tế, nâng cao mức sống của nông dân, và giảm bớt bất công xã hội. Đó là những
điều ông ta vẫn hô hào. Một lý do gây ra tình trạng này là, cả hệ thống hành
chánh của đảng cũng như của nhà nước đang trở nên ù lì, có thể gọi là bị tê liệt,
vì sợ bị tố cáo tham nhũng. Vị giáo sư này so sánh: Mao và Đặng nói, lời họ nói
đưa tới những hành động cụ thể, gây kết quả rõ ràng. Họ đúng là “Hạch Tâm Lãnh
Đạo” (lãnh đạo hạt nhân) Còn Tập Cận Bình cũng nói, mà không thấy điều nào được
thực hiện cả. Đó là một hạt nhân trống rỗng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét