Trực thăng quân sự
Pháp trên boong tàu LHD Dixmude, khi tàu chiến này ghé thăm căn cứ hải quân
Changi ở Singapore hồi cuối tháng Tư năm 2015. Hình ảnh ROSLAN
RAHMAN/Getty
Pháp có nhiều lý do để quan tâm tới
Biển Đông và cuộc xung đột, tranh chấp ở vùng biển này, trong khi 'biết rõ' về
Hoàng Sa và Trường Sa, theo một chuyên gia về lịch sử quốc phòng và hải quân
đang làm việc ở Bộ Quốc Phòng nước này.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề
một Hội thảo về Biển Đông, xung đột và tiếp cận mới hồi hạ tuần tháng 10/2017 ở
một Đại học tại Oxford, sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix nêu quan điểm: "Về mặt lịch sử, Pháp có
liên quan, bởi vì trên thực tế, Pháp đã có lúc, tôi phải nói, là đã sở hữu các
đảo từ những năm 1930, như quí vị biết, trước cuộc chiếm đóng của Nhật Bản vào
năm 1939"
"Và kế tiếp đó, sau Thế chiến
II, vẫn với tư cách của một cường quốc thuộc địa, Pháp đã chiếm đóng các quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
"Và Pháp thậm chí đã cố gắng
giữ Trường Sa sau khi đã công nhận nền độc lập của Việt Nam, cho đến năm 1955,
1956.
"Nhưng sau đó, tôi muốn nói
là trong tình hình hiện nay, rõ ràng Pháp quan tâm tới sự ổn định ở khu vực, do
đó, về mặt ổn định và tránh xung đột là điều mà Pháp quan tâm nhiều hơn."
Trước câu hỏi đâu là giải pháp khả
thi cho cuộc xung đột ở Biển Đông hiện nay, nơi đã và đang diễn ra tranh chấp
chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ông
Sheldon-Dulplaix đáp:
"Tôi thực sự tin tưởng vào một
cuộc đối thoại giữa các bên để xây dựng niềm tin.
"Vấn đề là các bên vẫn có
chiều hướng giữ nguyên lập trường của mình và từ chối những nhượng bộ."
Vấn đề sâu xa từ xung đột Biển Đông
Trình bày về khía cạnh, tiếp cận
và mặt quan tâm nhất của Pháp trong theo dõi vấn đề xung đột và tranh chấp tại
Biển Đông, nhà sử học về quốc phòng và hải quân của Pháp cho biết quan điểm cá
nhân:
"Khi nhìn vào cuộc xung đột
này, quí vị có thể thấy nhiều hơn là tuyên bố chủ quyền của những bên tuyên bố.
"Rõ ràng với Trung Quốc đó
là những vấn đề rất 'nội bộ', bởi vì vấn đề này đã được đưa ra truyền thông và
đây là một vấn đề hết sức quan trọng, chính phủ Trung Quốc phải rất cẩn thận để
tỏ ra là có năng lực, có thể bảo vệ được lợi ích của đất nước họ.
"Và nếu quí vị nhìn vào Hoa
Kỳ, Hoa Kỳ sợ mất một số đồng minh hoặc đối tác trong khu vực, nếu Hoa Kỳ không
chứng tỏ được sự sẵn lòng hoặc sự hiện diện của mình, vì đây là tính chính danh
cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
"Nhưng đáp lại, quí vị thấy
Trung Quốc đang xem sự hiện diện này [của Hoa Kỳ] ở cách xa bờ biển của họ như
ý chí của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc.
"Do đó, nó đi xa hơn chỉ là
vấn đề của Biển Đông."
Trả lời câu hỏi đâu sẽ là đóng
góp của Pháp cho các vấn đề, xung đột, tranh chấp ở vùng biển này, sử gia từ Bộ
Quốc phòng của Pháp đáp:
"Pháp chắc chắn là ủng hộ
thượng tôn pháp luật, tôi nói là luật quốc tế, pháp quyền sẽ là những vấn đề
quan trọng đối với Pháp, cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu
(EU), để đảm bảo rằng Trung Quốc tuân theo thượng tôn pháp luật.
"Do đó, tôi nghĩ là đây phải
là điều quan trọng nhất và rõ ràng là, như tôi đã nói, bất cứ một dạng xung đột
nào cũng sẽ tạo ra những hệ quả, tác động không mong đợi về kinh tế của EU, mà mặc
dù ở xa, thì đây vẫn là một quan ngại," nhà nghiên cứu nói trên quan điểm
riêng của ông.
***
Sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix
là Giám đốc Nghiên cứu tại Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên về lịch sử quốc phòng, hải
quân và hải dương.
Ông là tác giả của một số biên khảo,
sách tham khảo, trong đó có "Lịch sử hàng không mẫu hạm - từ nguồn gốc tới
ngày nay" (2006), "Trốn và tìm: Lịch sử chưa từng kể về tình báo trên
biển thời Chiến tranh lạnh" (2009) v.v...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét