Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

Nhóm ‘cá mập’ nào âm mưu ‘nuốt’ Vạn Thịnh Phát và cựu bí thư Lê Thanh Hải?

Cali Today

 
Ngày 27/10/2017, một số tờ báo nhà nước bất chợt đăng tin lạ: “Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam”.
Theo tin trên, vào giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 người trong gia đình bà là Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. Những cá nhân này đã được trả hồ sơ vào tháng 6/2015, nhưng đều không nêu lý do khi nộp đơn xin rút hồ sơ.
Rất đáng chú ý, bản tin trên lại kèm theo một nội dung được trích từ văn bản pháp quy dưới đây mà chỉ áp dụng đối với những trường hợp bị xem là phạm tội:

“Khoản 2 Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định: Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Đang nợ thuế đối với Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Đang chấp hành bản án, quyết định của Toà án Việt Nam;
d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án;
đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng.
Khoản 3 Điều này quy định: Người xin thôi quốc tịch Việt Nam không được thôi quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam”.
Một chi tiết đáng mổ xẻ khác là mặc dù cơ quan chức năng (có thể là Bộ Tư pháp) đã trả hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam cho bà Trương Mỹ Lan và 9 người trong gia đình bà từ tháng 6/2015, nhưng đến tận bây giờ báo chí nhà nước mới đưa tin, để ngay lập tức tin tức này trở thành “hot”.
Trong thực tế, Vạn Thịnh Phát được xếp vào hàng những công ty gia đình lớn và bí ẩn nhất Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Trương Mỹ Lan. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12.800 tỷ đồng, cao hơn cả Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (9.300 tỷ đồng) và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là 7.200 tỷ đồng.
Chỉ riêng tại 2 công ty Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã sở hữu lượng cổ phần trị giá tới hơn 6.700 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lan có thể coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, tương đương với ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam hay bà Lê Thị Thúy Ngà – chủ tịch tập đoàn Nam Cường.
Nhưng cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan lại khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Cái tên Vạn Thịnh Phát thực sự được chú ý khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ “đặc biệt” giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy TP.HCM từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự “bảo kê” của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này
Rất có thể không bao lâu nữa, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó sẽ hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó hất cẳng cả cựu bí thư Lê Thanh Hải theo cách “của thiên trả địa”.
Sau đại hội 12, ông Lê Thanh Hải bị loại khỏi Bộ chính trị, không còn giữ chức bí thư thành ủy TP.HCM và coi như “hạ cánh”. Ông Hải cũng bị một số dư luận đồn đoán là “một trong những người tham nhũng và giàu nhất Việt Nam”.
Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề “Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì?”, cho rằng “Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để “trùm mền”, động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc TP.HCM đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm”, với những thông tin như:
“Khởi đầu là việc thâu tóm Trung tâm thương mại Vincom A (nay được đổi tên thành Union Square) hồi tháng 6.2013, Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD – đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại dự án trên… Nhưng 2 năm qua toàn bộ tầng trệt và các tầng hầm đều bị “phong tỏa” với biển thông báo đang sửa chữa và sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất…

Dự án khác là Thuận Kiều Plaza sắp khai trương sau gần 20 năm “chết đứng”. Tòa nhà này đã được Công ty CP đầu tư An Đông – thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại vào năm 2015. Khi đó, có thông tin Vạn Thịnh Phát chỉ lấy đất, đập lại xây mới nhưng đến nay chủ đầu tư mới chỉ sơn phết lại 3 tòa tháp từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới và đổi tên dự án từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Mall…”.

     Ảnh: Soha
Khó mà nghi ngờ rằng bản tin “Bà Trương Mỹ Lan và 9 người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam” không có “mùi”. Đó là một thứ mùi rất đặc trưng của thời đại: sau đại hội 12, những nhóm quyền lực và lợi ích mới nổi lên để thay thế và tìm cách “nuốt” những nhóm quyền lực và lợi ích cũ, đặc biệt từ giữa năm 2016 khi chiến dịch “chống tham nhũng” được Tổng bí thư Trọng tung ra đã bị không ít kẻ lợi dụng như một bình phong để bắt những kẻ khác phải “ói” ra
Từ cuối năm 2015 và trước đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách “bị thịt”.
Ngày càng hiện rõ triển vọng trong thời gian không bao lâu nữa, một thế lực chính trị và tài phiệt nào đó sẽ hất cẳng Vạn Thịnh Phát, và do đó hất cẳng cả cựu bí thư Lê Thanh Hải theo cách “của thiên trả địa”.
Đó cũng là cách mà những con cá mập ở Việt Nam vẫn hàng ngày đớp nuốt lẫn nhau, sau khi đã thỏa thuê dạ dày xương thịt của dân chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét