Ngọc Hà
Viêc mở dự khai thác bauxite trên đất Tây Nguyên nước ta cách đây đã hơn hai chục năm. Ngay từ thời đó, sự việc đã gây ra bất đồng lớn trong dư luận, nảy sinh nhiều ý kiến phản bác, nói rõ nhiều tác hại đối với chủ quyền đất nước, với môi trường, với quân sự - quốc phòng và còn tác hại cả về kinh tế… Nhưng vì dự án là một “chủ trương lớn của Đảng” (như lời TBT Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định) nên nó vẫn được triển khai một cách quyết liệt. Còn bao nhiêu ý kiến phản biện, và kiến nghị gửi các cấp có thâm quyền thì đều bị bỏ ngoài ta, không ai đếm xỉa. Vì vậy các ý kiến, kiến nghị - kể cả của các bậc công thần khai quốc- cũng không hề được đăng trên báo chí chính thống. Đến nay, qua thời gian khá dài hoạt động, dự án bauxite Tây Nguyên đã bục ra nhiều vấn đề nghiêm trọng không thể làn ngơ được nữa, thì mới bắt gặp được một loạt bài báo của “quốc doanh” nhắc đến những bất cập của hai dự án “ đầu tư thí điểm” Tân Rai và Nhân Cơ. Các báo cũng đã đăng công khai một số phản hồi của bạn đọc. Có người đã bày tỏ rằng: Nhôm thời hiện tại không phải mặt hàng đắt đỏ hiếm hoi gì trên thị trường toàn cầu, quặng nhôm thì giá còn bèo nữa. Trong khi đó việc khai thác lại có quá nhiều vấn đề, cho nên cái “Chủ trương lớn” giờ nên chấm dứt đi, càng theo càng chết dở. Lấp đất lại, làm việc khác, nhôm để đấy cho hậu thế quyết định…
Theo thông tin trên báo chí, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng ''trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra''.
Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, TS. Nguyễn Văn Ban nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (cũ) cho rằng, lời cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường là điều không phải bàn cãi. Từ trước tới nay, những dự án này luôn tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
''Không phải đến bây giờ mới xuất hiện nguy cơ ấy. Riêng về hồ bùn đỏ, trước đó đích thân những vị lãnh đạo cấp cao đã căn dặn phải luôn lưu tâm.
Nguyên lý cơ bản thì ai cũng có thể nói được, nhưng quan trọng hơn đi vào cụ thể để đưa ra lời cảnh báo rõ ràng. Từ đó cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề, tránh các nguy cơ có thể xảy ra.
Đối với 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, phải xem xét rất kỹ tình hình vận hành bấy lâu nay, kiểm tra lại thiết kế. Có những vấn đề cố hữu và có cả những vấn đề mới nảy sinh.
Phải nắm rõ được hết những vấn đề đó thì mới có thể đánh giá sát được nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra tại các dự án này'', ông Ban nêu quan điểm.
Tổ hợp bauxite Tân Rai tại Tây Nguyên
Theo TS. Nguyễn Văn Ban, nguy cơ tiềm ẩn rõ ràng nhất là ở hồ chứa bùn đỏ. Bùn đỏ khác bùn thải, bùn đỏ được thải ra trong quá trình xử lý Alumin, có hàm lượng kiềm cao. Còn bùn thải được thải ra trong quá trình khai thác quặng cũng có màu đỏ. Tính chất và mức độ nguy hại của 2 loại bùn này cũng khác nhau.
Ở Hungary đã từng xảy ra sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ và nó trở thành một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử của nước này. Do đó, ông Ban cho rằng, cần phải tiến hành khảo sát cụ thể các đập hồ chứa bùn đỏ tại 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, từ đó đưa ra đánh giá và các giải pháp cụ thể.
''Tiềm ẩn thì rõ ràng là tiềm ẩn rồi, nhưng cái tiềm ẩn ấy có hiện hữu và đe dọa đến môi trường hay không, đe dọa ở khu vực nào, đe dọa như thế nào? Đó mới là điều cần phải bàn tới một cách cụ thể về mặt kỹ thuật'', vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường có yêu cầu các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ xem xét, hướng dẫn chủ dự án xử lý khối lượng lớn bùn đỏ, tro xỉ thải để tái sử dụng các loại chất thải này nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho dự án.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Ban cho biết, trước đây đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về xử lý bùn đỏ. Phải thừa nhận rằng ý tưởng này rất hữu ích nhưng tính hiện thực của nó là không có..
''Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu về phương án xử lý bùn đỏ nhưng không thành công. Không thành công không phải là về mặt khoa học - kỹ thuật mà là về mặt kinh tế.
Với một loại nguyên liệu chứa chỉ khoảng 30% sắt thì đứng về mặt sản xuất gang thép thì nó là nguyên liệu thứ cấp. Ngay cả quặng có hàm lượng sắt cao hơn, khi sản xuất cũng còn gặp khó khăn nếu xét về mặt kinh tế.
Các chuyên gia đã nhìn nhận được vấn đề này từ rất lâu rồi, nhất là những người sản xuất gang, thép. Họ phải công nhận rằng, việc tận dụng bùn đỏ là không có hiệu quả kinh tế, không làm được'', ông Ban phân tích.
N. H. https://baomoi.com/loi-thang-ve-2-du-an-bauxite-noi-lo-su-co/c/24998204.epi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét