Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong kỳ họp Quốc Hội, ngày 20/03/2018.REUTERS/Damir Sagolj
Tình hình thế giới căng thẳng với « chiến tranh thương mại và chiến tranh… lạnh » được phản ánh trên các tuần báo Pháp : Nga hoàng Putin và hoàng đế Trung Quốc Tập Cận Bình, là hai mối de dọa mà Tây phương buộc phải chung sống. Trong khi đó, Le Point dự báo tổng thống Pháp sắp tung ra kế hoạch 2, thì L’Obs quảng cáo xe bay và thị trường bất động sản « hấp dẫn » của Paris .
Trước hết là Trung Quốc của Tập Cận Bình. Quan điểm lo sợ Trung Quốc rõ nét nhất trong tuần không phải là của báo chí Âu - Mỹ mà xuất phát từ châu Á : Tây phương nuôi ong tay áo, quan điểm của báo Apple Daily của Hồng Kông hay là « một chính quyền chuyên chế, đàn áp bên trong, thống trị bên ngoài », nhận định của Manila Times mà Courrier International chuyển đến độc giả Pháp.
Dưới bức hí họa chủ tịch Trung Quốc cưỡi phi thuyền, báo Apple Daily nhận định : Tây phương hãy tự trách mình đã không biết nhìn xa, đã lầm tưởng rằng giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tự do sẽ đưa đến một chế độ dân chủ. Nào ngờ Bắc Kinh luôn luôn tìm cách thay đổi nguyên trạng trên bàn cờ thế giới để làm lại dựa trên những cơ sở mới.
Từ khi Tập Cận Bình tuyên bố ý định sửa đổi Hiến Pháp để có thể trở thành hoàng đế, người dân Trung Hoa tức giận nhưng không dám phản đối công khai. Trong khi đó, báo chí Tây phương không tiếc lời chỉ trích. Một cách khéo léo, Apple Daily mượn lời tuần báo The Economist : « Trong 10 năm gần đây, Tây phương nỗ lực giúp Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, hội nhập vào thế giới. Nhưng trên thực tế, chế độ Trung Quốc không ngừng gia tăng chính sách kềm kẹp dân chúng, đả phá một số giá trị văn minhTây phương như là tự do kinh tế, tôn trọng nhân quyền ».
Apple Times của Hồng Kông viết tiếp : Xã luận của tuần báo Anh không nói thẳng « Tây phương nuôi chó sói trong nhà » nhưng rõ ràng là gần như thế. Ngay từ khởi đầu, Đặng Tiểu Bình sang tận Hoa Kỳ để nhờ Mỹ giúp Trung Quốc hội nhập hệ thống kinh tế thế giới. Mục đích là để được chuyển giao công nghệ, nguồn vốn đầu tư - hai thứ mà Trung Quốc hoàn toàn thiếu thốn.
Tây phương thì muốn lợi dụng Trung Quốc để đối trọng với Liên Xô. Khi Liên Xô tan rã, Tây phương, đứng đầu là Hoa Kỳ, kỳ vọng vào sự xuất hiện của một tầng lớn trung lưu mới sẽ giúp xã hội cởi mở hơn và Trung Quốc từ từ dân chủ hóa. Do vậy, Trung Quốc được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, tiếp cận với thị trường quốc tế và nhờ động lực này, kinh tế Trung Quốc mới hưng thịnh như ngày nay.
Thế nhưng sau thời gian « dò đá qua sông », giả vờ làm « học trò ngoan » để không bị cản đường vào WTO, bây giờ Trung Quốc đủ mạnh nên đưa ra yêu sách muốn một vị trí trong trật tự chính trị, kinh tế toà cầu : muốn thêm quyền quyết định trong Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và bổ nhiệm nhân sự điều hành. Đến khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2012, thì Bắc Kinh không còn bằng lòng với luật chơi hiện hành, mà đòi thay đổi nguyên trạng, xóa bài lập ván mới, trên cơ sở mới.
Nhật báo độc lập của Hồng Kông cảnh báo : WTO chỉ là món khai vị. Con đường tơ lụa « một vành đai, một con đường » phủ khắp địa cầu mới là món ăn chính.
Trung Quốc dẹp qua một bên lời hứa mở cửa thị trường, tăng thêm gọng kềm kiểm soát, doanh nghiệp nước ngoài phải tuân theo ý của thiên triều nếu không muốn bị trừng phạt nặng nề. Bàn tay của đảng Cộng Sản ngày càng thô bạo.
Về chính trị, không còn hiện tượng dung thứ một số trào lưu tư tưởng thế giới du nhập vào Trung Quốc, không còn khả năng thảo luận tự do trong các câu lạc bộ văn học, đại học. Trong 5 năm của Tập Cận Bình, giới dân chủ bị đàn áp thê thảm. Trong nội bộ đảng, xu hướng cải cách bị « bóp miệng ». Giá trị phổ quát của nhân quyền, tự do dân chủ trở thành « cấm kỵ ».
Trong nhiều thập niên qua, Tây phương nuôi một con hổ hung dữ, và giờ đây con hổ này đang nhe nanh vươn móng sắt. Vì sao nên nỗi ? Tây phương hãy tự than thân đã nuôi một con thú dữ. Nếu vẫn còn tiếp tục hy vọng Trung Quốc tự do hóa kinh tế và chính trị thì đúng là ảo tưởng.
Tờ Manila Times của Philippines tỏ ra dè dặt trước quyết định « sốc » của đảng Cộng Sản Trung Quốc mở đường cho Tập Cận Bình cai trị mãn đời, có thời gian để thực hiện ba « đại công trình » : chống tham nhũng, con đường tơ lụa mới và tăng cường quân sự, thực hiện chính sách thống trị Biển Đông, thay đổi nguyên trạng, bằng sức mạnh.
Manila Times cảnh báo chính quyền Philippines là phải biết cách bảo vệ quyền lợi, đừng để cho Bắc Kinh dồn vào chân tường, phủ nhận chủ quyền của Philippines trong vùng biển của đất nước mình.
Hoa Kỳ thức tỉnh ?
Một trong những chiến lược của Bắc kinh áp đảo kinh tế thế giới là chiếm đoạt sở hữu trí tuệ, phát minh của các doanh nghiệp quốc tế bằng biện pháp bắt chẹt các xí nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Mưu đồ thành lập một « Silicon Valley » tại Hoa lục, bị tổng thống Mỹ Donald Trump thọc gậy bánh xe.
Courier International trích đọan một bài báo của Los Angeles Times : ngày 12/03/2018, Donald Trump ký sắc lệnh, nhân danh « nhu cầu an ninh quốc gia », không cho công ty điện tử Singapore Broadcom mua lại, với giá 117 tỷ đôla, hãng chế tạo « chip » điện tử Qualcomm của Mỹ. Trước đây 5 năm, một hợp đồng khổng lồ như thế có lẽ đã được chấp thuận dễ dàng.
Chính quyền Mỹ lo ngại một khi Qualcomm lọt vào tay Singapore, ngành bán dẫn và công nghệ G5 sẽ bị Trung Quốc chiếm đoạt. Trong tương lai, Ủy ban xem xét đầu tư của Mỹ, dưới tên gọi CFIUS, nếu được Quốc Hội cho thêm thẩm quyền như dự trù, sẽ có thể « cấm » các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Chính vì những chuyển nhượng này mà Bắc Kinh kiểm soát được đời tư của công dân, xâm nhập tài khoản trên mạng xã hội của các nhà họat động nhân quyền, dân chủ.
Quyết định của Nhà Trắng có thể gây xáo trộn trong quan hệ giữa giới doanh nghiệp Mỹ với Bắc Kinh và có thể bị Trung Quốc trả đũa. Tuy nhiên, theo Los Angeles Times, biện pháp bảo hộ công nghệ điện tử, tiếp theo quyết định tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép, có thể suy đoán Washington sẽ ấn định lại quan hệ với Trung Quốc trong lãnh vực công nghệ cao cấp.
Với cơ sở hiện nay tại Hoa lục, năm 2015, Qualcomm từng bị Bắc Kinh trừng phạt một khoản tiền lớn gần 1 tỷ đô la với cáo buộc cạnh tranh bất chính. Hai năm nay, Qualcomm giúp cho đối tác Trung Quốc chế tạo máy bay tự hành, siêu vi tính, đầu tư vào một công ty chế tạo camera nhận diện đang được cảnh sát khai thác để theo dõi.
Trong giới chuyên gia Mỹ có hai nhận định khác nhau. Người thì cho rằng mục đích của Bắc Kinh là tiến đến khả năng độc lập về công nghệ mới. Chia sẻ phát minh cho Trung Quốc là cách hay nhất để sớm bị đá ra khỏi thị phần. Người khác thì lạc quan hơn : Doanh nghiệp Mỹ đề kháng rất khéo, không phải đầu hàng sau mỗi cái búng tay. Người ta nghĩ rằng đầu tư tại Trung Quốc sẽ gây thiệt hại cho tương lai xí nghiệp nhưng nghĩ thế không chắc là đúng. Chỉ có tương lai mới biết ai đúng ai sai ?
Putin nên cám ơn đối lập Nga
Courier International cũng dành một trang để điểm một số báo Nga sau « chiến thắng khải hoàn » của tổng thống Putin : khi Tây phương nổi giận, Putin chiến thắng.
Áp lực bên ngoài, nhất là của Anh Quốc sau vụ mưu sát gián điệp, đã huy động cử trị Nga bầu cho Putin. Bài xã luận của báo Thanh niên Cộng sản Matxcơva cho là « chưa bao giờ một cuộc bầu cử tổng thống trong lịch sử hiện đại của Nga lại diễn ra trong bầu không khí đối đầu cực kỳ thô bạo với Tây phương như thế ». Một nhà bình luận khác thì cho rằng « Tây phương càng gây sức ép với Nga thì cơ may cho đối lập chiến thắng càng thấp ». Nếu muốn « thắng người Nga thì hãy yêu thương họ ». Vấn đề, theo nhà bình luận Piotr Romanov, « ai có can đảm ôm Nga trong vòng tay? »
Báo thương mại Kommersant tỏ ra chua chát hơn : Tôi không biết ai giúp cho Putin thắng lớn. Thực tế là trong 18 năm qua, đối lập chính trị không ngồi lại được với nhau. Chính vì vậy mà họ tự đánh mất uy tín và làm tiêu tan hy vọng là có một lực lượng đối lập thực sự tại Nga để thay thế Putin. « Nếu tôi là Putin, tôi sẽ mời các lĩnh tụ đối lập vào Điện Kremlin, cám ơn mỗi người bằng một tấm huy chương ».
Thuốc độc chia rẽ của Putin
Không đi vào tranh luận thắng thua, bài xã luận của Courrier International, nhấn mạnh đến « chất độc chia rẽ », mượn vụ nghi án Nga đầu độc điệp viên cũ làm tựa.
Trước hết là phe Tây phương, trước một nhà độc tài sử dụng phương pháp của thời Liên Xô cũ, Anh Quốc rất cần thái độ đoàn kết, ủng hộ của các nước bạn trong Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh nước Anh cô đơn vì Brexit.
Còn đối với Nga, sách lược toàn diện của tổng thống Putin một lần nữa được thực tế chứng minh là chính xác, như sử gia Mỹ Timothy Snyder phân tích : Vladimir Putin là một trong những nhà lãnh đạo « tạo ra khủng hoảng và khai thác hệ quả biến động tâm lý ». Khi dùng công nghệ thông tin loan truyền tin thất thiệt trong nước cũng như ngoài nước, « các nhà lãnh đạo này phủ nhận sự thật và thu hẹp đời sống vào một vở kịch và xúc cảm ».
Từ vụ sáp nhập bán đảo Crimée vào năm 2014 đến nay, Vladimir Putin viết lại lịch sử với sự trợ lực của các cơ quan truyền thông thân cận với chế độ, tự cho mình là người hùng chống đế quốc. Tác giả bài bình luận của Courrier International cảnh báo : Liên Hiệp Châu Âu đừng để chuyện dàn dựng của Putin làm dao động bởi vì ông ta tìm cách bơm từng giọt chất độc gây chia rẽ. Thử thách lớn của châu Âu là hành động mỗi ngày mỗi cứng rắn hơn. Bởi vì chính sách trừng phạt có giới hạn của nó. Ngày mà thủ tướng Anh lên án Nga là thủ phạm, tập đoàn Gazprom của Nga thu được 700 triệu bảng Anh qua việc bán công trái phiếu tại Luân Đôn.
Xe bay
Xe hơi sắp cất cánh. Về mặt kyx thuật, taxi bay đã được hoàn chỉnh. Tập đoàn Airbus của châu Âu phát triển ba xe mẫu. Các công ty lớn nhỏ khác cũng sẵn sàng. Chỉ còn thiếu một yếu tố cốt lõi : sự an toàn.
Xe bay tương lai có thể cất cánh và hạ cánh theo đường thẳng đứng, tầm hoạt động 300 cây số giúp giải quyết cùng lúc nhiều vấn nạn của cuộc sống hiện đại : nhà xa chỗ làm và kẹt xe.
Nói dễ nhưng thực hiện không dễ. Thứ nhất là giá cả : từ 150 ngàn đến 200 ngàn euro trong khi thu nhập trung bình của người Pháp là 2000 euro mỗi tháng. Thứ hai, lưu thông trên thành phố đông dân đặt ra hai vấn đề : an toàn cho người dưới đất và… trật tự trên không. Các cơ quan an toàn hàng không của Pháp và châu Âu thẩm định phải cần ít nhất 3 năm để nghiên cứu.
Trong khi chờ đợi xa bay rợp trời như trong phim khoa học giả tưởng, L’Obs giới thiệu với độc giả những nét hấp dẫn của thị trường địa ốc Paris : Thành phố ước mơ nhưng đắt đỏ : giá mỗi mét vuông từ 10.000 đến 12.000 euro và còn tiếp tục tăng.
L’Express tuần này, trong bối cảnh cuộc đọ sức giữa công đoàn đường sắt và chính phủ, dành nhiều trang báo cho tiếng nói của khách hàng, những người ở ngoại ô sử dụng chuyên chở công cộng để đi làm, những người dân ở làng mạc xa xôi lo ngại đường giao thông tiện dụng nhất, rẻ nhất bị hủy bỏ theo kế hoạch tái cấu trúc SNCF để cạnh tranh.
Cũng trong chiều hướng này, Le Point xem SNCF là « pháo đài cuối cùng » của phong trào phản kháng, cho dù công luận có ủng hộ hay không, giới công đoàn quyết định gây áp lực với chính phủ với một chiến thuật đình công dài hạn, hai ngày trên năm, trong vòng hai tháng.
Điện Elysée xem báo địa phương
Về phần chính phủ Pháp, cho dù có nhiều xung đột trong xã hội bảo vệ thụ đắc xã hội hay cải thiện công ăn việc làm, tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị « giai đoạn then chốt thứ hai của nhiệm kỳ », theo thông báo của Le Point. Để nắm bắt mối ưu tư của đa số thầm lặng, điện Elysée tham khảo báo chí địa phương, từng ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét