Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

1590 - Bản tính thứ nhì

Nguyễn Vũ Bình


     Trong quá trình tham gia tương tác trên mạng xã hội facebook, ngoài những điều tích cực như nhận thức của người dân được nâng lên, số người mở rộng tầm nhìn, hiểu biết ngày càng tăng, thì có những hiện tượng chúng ta không thể không chú ý. Điều đầu tiên là những bạn bè của những người có sự phản biện xã hội dần rời xa họ, hủy kết bạn thậm chí block. Đây là tình trạng phổ biến của những người mới thức tỉnh và tham gia phản biện, trao đổi những vấn đề thuộc về mặt trái của xã hội và chế độ. Vấn đề tiếp theo, với những thông tin nhiều chiều, vừa lý luận vừa thực tiễn, đôi khi là những vấn đề rõ ràng, dễ hiểu nhưng chúng ta vẫn chưa (không) thuyết phục được những người tham gia tương tác trên mạng xã hội thay đổi cách nghĩ một chiều, và tất nhiên là sai lầm về chế độ. Thú vị và khó hiểu hơn cả, đó là có rất nhiều người tham gia phản biện xã hội nhưng lại có những phản ứng hoặc nhận thức rất kỳ lạ, mâu thuẫn với  những quan điểm, bài viết của mình trước đó. Điển hình nhất là có một nhà thơ, có rất nhiều bài thơ phê phán, phản biện xã hội và chế độ được mọi người yêu thích. Nhưng thỉnh thoảng nhà thơ này lại có những bài thơ, hoặc bài viết ca ngợi cá nhân quan chức cộng sản, hoặc bảo vệ cho một sự việc của chế độ. Điều này làm sững sờ rất nhiều người  vì họ không hiểu nổi tại sao lại có sự mâu thuẫn, sự khác lạ đến bất ngờ như vậy. Nói về nhà thơ này, người viết chỉ đưa ra ví dụ có tính điển hình để đi vào lý giải nguyên nhân, chứ không phải nhắm vào việc phê phán nhà thơ đó. Bởi vì, có rất nhiều người đang tham gia phản biện xã hội, thậm chí đấu tranh dân chủ cũng có những điều rất giống với nhà thơ nói trên, đó có thể gọi là hiện tượng tương đối phổ biến.

     Việc đưa ra các quan điểm, nhận thức ngược lại với những gì mình đang nói, đang viết, bất chấp cả logic hình thức, và việc này không chỉ một lần mà thỉnh thoảng lặp lại chứng tỏ trong nhận thức của những người đó ẩn chứa một sức mạnh, một niềm tin và một bản tính nào đó mà chính chủ thể cũng không nhận ra. Tương tự như vậy, nếu những điều thuộc về sự thật, chân lý rõ ràng không khó về mặt nhận thức mà nhiều người vẫn không tiếp thu, không hấp thụ được chứng tỏ trong con người họ cũng có những sức mạnh vô hình không cho tiếp nhận những sự thật hiển nhiên như vậy. Hiện tượng bạn bè rời xa người phản biện xã hội, cá nhân đấu tranh hơi khó xác định hơn. Nhưng những người từ bỏ bạn bè cũng thường là những người dần rời xa mạng xã hội facebook, và để rời xa mạng xã hội thú vị và hữu ích như vậy, bên trong con người họ cũng phải có những lực đẩy mạnh mẽ. Nói tóm lại, những hiện tượng nêu trên không đơn thuần là ý thức, nhận thức nhất thời của cá nhân, mà tiềm ẩn bên trong là một bản tính được định hình nhưng chủ thể có thể không nhận thức được. Có thể tạm gọi đó là bản tính thứ nhì của họ, những người sống trong chế độ cộng sản. Bản tính thứ nhì này được hình thành do một nền giáo dục áp đặt kết hợp tuyên truyền, và nỗi sợ hãi của con người trước hoàn cảnh xã hội mà họ đã và đang sống. Đã có nhiều người nói về việc người dân, nhất là quan chức và công chức, sống trong xã hội cộng sản là những con người nhị nhân cách. Tuy nhiên, điều này là đúng và dễ hiểu đối với tầng lớp cán bộ nói chung, vì gắn chặt quyền lợi vào guồng máy. Nhưng còn người dân thường, và những người không còn nhiều mối liên hệ lợi ích với chế độ, trong hoàn cảnh xã hội ít nhiều cởi mở như hiện nay thì vấn đề không rõ ràng như vậy. Chỉ có thể gọi là bản tính thứ nhì (và tiềm ẩn) chứ chưa thể gọi là nhân cách thứ hai được.

     I/ Bản tính thứ nhì

     Muốn tìm hiểu bản tính thứ nhì, chúng ta cần hiểu bản tính thứ nhất của con người. Bản tính thứ nhất là những lẽ thông thường của con người, đó là yêu chuông chân lý, tôn trọng sự thật khách quan, đứng về phía lẽ phải, bảo vệ công lý. Bản tính thứ nhì hình thành chủ yếu do một nỗi sợ hãi nào đó, có thể là sự an toàn cho bản thân, có thể nỗi sợ mất quyền lợi… vì vậy, bản tính thứ nhì là sự đồng tình với hệ thống cai trị, là sự bảo vệ tính chính danh của chế độ bất chấp chân lý, sự thật khách quan. Bản tính thứ nhì không chỉ dẫn tới thái độ sai lầm mà còn ngăn cản chủ thể không đi tới tận cùng của sự nhận thức. Điều đặc biệt nhất, đó là chủ thể hầu như không nhận ra điều này, tức là bản tính thứ nhì chỉ tiềm ẩn, phảng phất và có tác động tới chủ thể một cách rất khó để nhận biết…



     (còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét