Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

1597 - Vốn con người’ có vai trò quan trọng như thế nào?

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan




Khi chủ đề đầu tư xuất hiện trong kinh tế, người ta thường nghĩ tới những tài sản vật chất. Các công ty thảo luận về đầu tư vào các nhà máy, các chính phủ nói về cơ sở hạ tầng, và người dân nói về bất động sản, nhà cửa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, có một trọng tâm đầu tư mềm, ít hữu hình hơn, đó là kiến ​​thức và kỹ năng. Các công ty cố gắng đào tạo những kỹ năng này cho lực lượng lao động, các chính phủ cho cộng đồng của họ, và người dân cho chính họ. Các nhà kinh tế học sử dụng khái niệm “vốn con người” (human capital) để mô tả dạng đầu tư này. Tư duy này cho rằng cũng giống như chi tiêu cho các tòa nhà hay đường sá tạo ra nguồn vốn vật chất, quá trình đầu tư vào tri thức cũng tạo ra vốn con người. Một số nhà phê bình không thích việc coi giáo dục chỉ là nhằm theo đuổi vốn (con người), nhưng nó là một khái niệm có giá trị cho phân tích và chính sách. Kinh tế học có thể dạy cho chúng ta như thế nào về điều này?
Lý thuyết về vốn con người đã được phát triển cách đây nửa thế kỷ. Mặc dù kinh tế học cổ điển đã lưu ý rằng khả năng của con người, chứ không phải đất đai và máy móc thiết bị, là yếu tố quyết định cho quá trình sản xuất, nhưng người ta ít nghĩ đến điều đó thực sự có ý nghĩa như thế nào. Trong những năm 1950, Gary Becker, một nhà kinh tế học người Mỹ, đã nhận ra điểm mù này khi nghiên cứu mối liên hệ giữa giáo dục và thu nhập. Trước đây, các nhà kinh tế cho rằng sẽ có sự thiếu hụt lao động đã qua đào tạo, bởi vì các công ty ngán ngại việc dạy kỹ năng cho nhân viên chỉ để họ chuyển qua công ty khác. Nhưng giả định này không khớp với thực tế. Trình độ học vấn tăng đều đặn. Tại Mỹ điều này phần nào là kết quả của Dự luật quân nhân giải ngũ (GI Bill), vốn giúp hàng triệu người hoàn thành chương trình trung học và đại học sau Thế chiến II. Và các công ty trên thực tế đã chi nhiều tiền cho việc đào tạo kỹ năng cho người lao động, dù là để chế tạo ô tô, làm thép hoặc làm công việc văn phòng.
Để giải thích những gì đang xảy ra, Becker phân biệt giữa vốn con người cụ thể với vốn con người tổng quát. Vốn con người cụ thể phát sinh khi người lao động đạt được kiến ​​thức gắn liền với công ty của họ, chẳng hạn như làm thế nào để sử dụng một phần mềm độc quyền. Các công ty sẵn sàng chi trả cho việc này vì kỹ năng đó không thể được chuyển sang công ty khác. Nhưng họ ít sẵn sàng trả tiền cho vốn con người tổng quát vì nó có thể được áp dụng cho nhiều công việc khác nhau. Thay vào đó, các cá nhân phải tự mình đầu tư vào vốn con người tổng quát, một cách trực tiếp thông qua chi trả học phí hoặc gián tiếp thông qua việc chấp nhận mức lương thấp hơn khi bắt đầu sự nghiệp. Những chính phủ nào coi nguồn nhân lực là một lợi ích cho xã hội nói chung có thể giúp tài trợ cho việc thu nạp các kỹ năng này của người lao động thông qua các hệ thống giáo dục công lập. Điều này nghe có vẻ khá hiển nhiên ngày nay, nhưng đó là một bước đột phá vào thời điểm đó, đưa việc thu nạp kiến ​​thức vào trung tâm phân tích kinh tế.
Lý thuyết của Becker đã mang lại một loạt các hiểu biết sâu sắc. Nó làm sáng tỏ sự co lại của các gia đình ở các nước giàu: nếu vốn con người mang lại giá trị gia tăng cao, cha mẹ phải đầu tư nhiều hơn cho mỗi đứa trẻ, làm cho các gia đình đông con trở nên tốn kém. Nó cũng cho thấy những người trẻ tuổi, thường thiếu tầm nhìn dài hạn, có nguy cơ đầu tư vào các loại vốn con người sai, thu nạp những kỹ năng không giúp ích gì cho công việc. Nó cho thấy không có số lượng cố định những việc làm tốt, mà số lượng công việc được trả lương cao sẽ gia tăng khi các nước đào tạo ra nhiều sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng sáng tạo, đổi mới hơn. Becker đã chỉ ra các nước Châu Á từ Hàn Quốc đến Trung Quốc như là những ví dụ về những nền kinh tế đã sử dụng giáo dục để thúc đẩy tăng trưởng. Mặc dù có rất ít tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ đã phát triển nguồn nhân lực của mình và gặt hái những phần thưởng xứng đáng. Đối với những quốc gia khác muốn làm theo tấm gương của họ, thông điệp vẫn là rất đơn giản nhưng sống còn: hãy đầu tư vào con người.


Nguồn: “How people became the central focus of economics”, The Economist, 19/09/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét