Nhà văn Lê Xuyên tác giả “Chú Tư Cầu.”
I- Chim ưng lại sư tử lên
Viết một bài cho báo Đất Mới số xuân Bính Thìn (1976), nhận lời anh Vũ Đức Vinh rồi tâm trí tôi vẫn chưa có một chút gì để sẵn sàng viết. Đây sẽ là Tết đầu tiên ở xứ người cho dân tị nạn Việt Nam ở Hoa Kỳ ra đi từ Tháng Tư 1975. Tất cả còn quá mới, tất cả như chưa xong, tất cả như đang diễn tiến…
Viết? Xúc cảm không có, hay như chưa có, làm sao để viết? Khi còn sống trong nước tôi luôn luôn mong có dịp xuất ngoại, ra khỏi Việt Nam đi đâu đó, từng nói với bạn bè một cách bạc bẽo rằng dù là qua Lào qua Miên qua Xiêm La Miến Điện gì cũng được, chứ sống mãi trên mảnh đất này thì nản quá, giờ này mới thấy mong ước ấy là sai lầm. Mong ước ấy không biện minh được dù trên phương diện vật chất, càng sai về mặt tinh thần; người ta sống quả không phải chỉ cần có cơm có bánh, đời sống cần cả ánh sáng lẫn bóng tối. Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta, qua thời gian ngắn ngủi có mặt trên lục địa này (bài này đang được viết trong tháng 12.1975), cũng đã nhận ra thế mới biết ở Sài Gòn là sướng. Khi nói ra được ý nghĩ đó thì mọi sự đã muộn rồi.
Sài Gòn hôm nay không còn là Sài Gòn cũ nữa. Không phải chúng ta đã mất Sài Gòn, những người bạn chúng ta đang ở Sài Gòn cũng đã mất Sài Gòn. Trong một bài báo trên tờ Le Point, Jean Larteguy chấm dứt bài viết của ông về thủ đô miền Nam bằng hai chữ “Adieu Saigon.” Vĩnh biệt Sài Gòn. Ngay cả một người ngoại quốc yêu Sài Gòn, trong hai chục năm qua thiên về Hà Nội, nay cũng đã thấy Sài Gòn không còn nữa. Ông ta, tác giả “Le Mal Jaune,” đã ngậm ngùi một cách khác thường, nỗi ngậm ngùi của một nhân chứng giác ngộ, bơ vơ, nguồn thương yêu sa sảy kia đã không thể nào còn níu lại được, có chăng là vớt vát một vài rơi rớt, tàn phai.
Có kẻ đã chết lặng khi cảm thấy cây cối đường xá Sài Gòn chênh vênh trong một tầm nhìn soi ngược hiện tại là nhìn vào lòng mình, tâm trí mình, quá khứ mình. Đó là cái nhìn hấp hối tử sinh, đó là cái nhìn tâm linh bên trong và cả bên ngoài xương thịt, dưới chân tóc, trong làn da, cắt đứt cuộc sống thân thuộc. “Người ta chỉ sống với một số hình ảnh,” Thanh Tâm Tuyền đã viết thế. Qủa thật người ta không thể sống như cũ với những hình ảnh mới khác.
Tưởng tượng người Sài Gòn không nhớ Sài Gòn?
Tưởng tượng người Việt Nam không nhớ Việt Nam?
Chúng ta sẽ chẳng cần gặp nhau làm gì. Chúng ta sẽ chẳng cần viết cho nhau làm gì nữa. Nếu còn gặp nhau khi buổi chiều rực rỡ ánh nắng, nếu còn gặp nhau khi buổi sang sầm sập mưa rơi, vì chúng ta còn có Sài Gòn là của chung, chúng ta còn có những khắc khoải hai mùa mưa nắng chúng ta còn có đen nhánh mái tóc bên vai chúng ta còn có phơ phất những tà áo dài đôi khi lam lũ nhưng thân thiết làm sao, chúng ta còn nghiêng những vành nón trên đầu, mưa hay nắng, những của chung muôn đời ấy của chúng ta, đời đời kiếp kiếp..
II- Tháng Ba nhớ Lê Xuyên
Trong văn học cận đại nước ta có một số ít tác giả đã bị nhân vật của mình một sớm một chiều chiếm đoạt mất tên mình, chẳng hạn nhà văn Vũ Trọng Phụng bị (hay được) độc giả gọi là Xuân Tóc Đỏ, sau 1954 nhà văn Lê Xuyên thành Chú Tư Cầu, tên nhân vật và cũng là nhan đề tác phẩm nổi tiếng của ông.
Ai đó, thường là bạn văn, thấy Lê Xuyên đi đến, nói: Kìa, Chú Tư Cầu. “chú Tư” chỉ cười. Văn chương Việt Nam kể từ thời tiền chiến đến nay (có thể dùng thời điểm 1922 là năm Tản Đà cho xuất bản truyện “Thề Non Nước,” trong có bài thơ cùng tên Thề Non Nước, số nhân vật “sống” cùng với tác giả, và sống sau khi tác giả đã qua đời, rất hiếm. Chí Phèo sống mãi dù tác giả Nam Cao đoản mệnh (1917-1951), Anh Vọi còn như tượng đồng trên bãi biển dù tác giả Khái Hưng (1896-1947) đã bị dìm chết trên Châu Giang, Phủ Lý (một lúc nào đó có dịp tôi sẽ viết về sông Châu ở Phủ Lý, nơi năm 1955, 56 tôi học Quốc Văn với ông thầy Chu Thiên tác giả “Bút Nghiên” tại lớp Hè Trung Học Phủ Lý). Tương tự, người ta gọi Nhất Linh là Dũng, coi Phi Lạc là Hồ Hữu Tường, gọi Vũ Khắc Khoan là thần Tháp Rùa hay một cách khác, Trần Đức Lai là Cậu Chó của văn chương nhật báo Sài Gòn. Nhân vật dính liền với tác giả, mặc dù trong nhiều trường hợp, nhân vật không giống tác giả, nhân vật chỉ sống thôi, linh động thôi, hay, một cách nào đó, người thưởng ngoạn muốn dán cái danh tính kia lên trán của kẻ tạo ra nó, như một lời chế diễu, hay như một cách tán dương, rằng ông đó là người đã tạo ra nhân vật đó, dù tác giả có cãi lại rằng “nhân vật đó là… nhân vật, nhân vất đó không phải là tôi!”
Chú Tư Cầu là nhan đề một truyện dài đăng báo từng kỳ, và cũng là nhân vật đáng yêu của Lê Xuyên. Tình ái chan hòa đấy, nhưng nhân vật ấy lại là một chàng trai ôm sung nằm ngoài ruộng phụ kích Pháp quân. Có đọc kỹ tiểu sử của tác giả Chú Tư Cầu, tác phẩm đầu tay của Lê Xuyên, 1965, mới thấy ông đã tham dự những việc nhân vật của ông từng tham dự: cầm sung đi kháng chiến nơi đồng quê miền Nam, nơi có những Rặm (Trâm Bầu), Kinh (Cầu Muống), Nguyệt (Đồng Xoài), ít ai biết Lê Xuyên (Lê Bỉnh Tăng) là tay tham gia đảng Đại Việt cùng lớp với Phạm Thái, Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa, ở cùng một lều, và rất ít nói. Theo bạn đồng chí thời chống Pháp là Hoài Sơn thuật lại hồi đầu Tháng Ba, 2004, ít ngày sau khi bạn ông từ trần, thì ông có hai người bạn cùng lều, được các bạn khác đặt cho hai cái hỗn danh trái ngược: Phạm Thái là “máy nói,” còn Lê Xuyên là “máy câm.”
Người viết bài này đã nhiều lần phỏng vấn Lê Xuyên, những câu trả lời của anh đã đăng trên Khởi Hành trước 1975 tại miền Nam, và cũng được anh mời viết truyện dài đăng trên nhật báo Quật Cường, khi anh làm tổng thư ký tòa soạn nhật báo này (cả 3 chưa có dịp in thành sách).
Trong hồ sơ Lê Xuyên tới nay còn giữ được, tôi đã 3 lần phỏng vấn anh, một về thành phố chúng tôi đang sống (Sài Gòn), một về phụ nữ Việt Nam, một về nhà văn và tác phẩm đầu tay (Chú Tư Cầu). Bài này đã đăng trên Tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội (chủ nhiệm nhạc sĩ đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng), số ra ngày 3 Tháng Chín năm 1970. (Viên Linh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét