Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Năm mươi bảy trường hợp lạm phát ngoài tầm kiểm soát đã được ghi nhận. Chúng có cùng những khuôn mẫu chung.
Ở một quốc gia nơi tỷ lệ lạm phát hàng năm là bốn con số, tháng trước đó có thể giống như một thời kỳ vàng son. Đồng tiền của Venezuela, đồng bolívar, đã mất 99,9% giá trị trong một thời gian ngắn. Thật khó hiểu làm thế nào mà một chính phủ có thể đưa ra chính sách kinh tế sai lầm đến vậy khi tác động của siêu lạm phát là quá nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân của nó là gì?
Hãy bắt đầu với một định nghĩa. Năm 1956, Phillip Cagan, một nhà kinh tế làm việc tại Phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, đã xuất bản một nghiên cứu chuyên đề về siêu lạm phát, theo đó ông định nghĩa đó là thời kỳ mà giá cả tăng hơn 50% một tháng. Hiện tượng này rất hiếm.
Steve Hanke, thuộc Đại học Johns Hopkins, và các cộng sự đã ghi nhận 57 trường hợp, trong đó Venezuela là trường hợp gần đây nhất. Thường thì bối cảnh là cách mạng, chiến tranh hay sự quá độ chính trị. Trường hợp đầu tiên được ghi nhận xảy ra từ năm 1795 đến 1796, trong cuộc Cách mạng Pháp. Có một loạt các đợt siêu lạm phát ở châu Âu sau Thế chiến I, đáng ghi nhận nhất là ở Đức, và vào đầu những năm 1990 ở các nước bị ảnh hưởng bởi sự tan rã của Liên Xô. Tuy nhiên, chiến tranh và cách mạng không phải lúc nào cũng là bối cảnh, như những trường hợp gần đây của Venezuela và Zimbabwe cho thấy.
Mặc dù mỗi đợt siêu lạm phát đều có nguyên nhân khốn khổ riêng, chúng có cùng những khuôn mẫu phổ biến. Thường thì nền kinh tế bị ảnh hưởng đã có một điểm yếu cố hữu. Thông thường đó là một vấn đề tài khóa cơ bản. Có thể có áp lực đối với ngân sách từ, ví dụ như, chi phí để theo đuổi một cuộc chiến, hoặc từ chi tiêu phúc lợi, hoặc từ sự vơ vét của các quan chức. Doanh thu thuế có thể phụ thuộc rất nhiều vào một nguồn duy nhất. Cũng có thể đồng tiền trong nước được cố định ở mức giá quá cao, khiến lạm phát bị ẩn đi một thời gian, khiến cho nó xuất hiện càng thêm đột ngột.
Các vấn đề bắt đầu với một “cú sốc” đối với nền kinh tế. Đó có thể là một sự sụt giảm giá dầu, như trong trường hợp của Venezuela, hoặc một sự sụt giảm trong sản lượng nông nghiệp, như trong trường hợp của Zimbabwe. Cú sốc gây ra một chuỗi các sự kiện. Doanh thu thuế bốc hơi, để lại một lỗ trong nền tài chính công. Chính phủ lấp đầy lỗ hổng đó bằng cách in tiền. Sự gia tăng cung tiền đẩy lạm phát lên cao.
Điều đó vốn đã đủ tệ. Nhưng điều làm tăng tốc quá trình này, tạo thành một cú nhảy siêu lạm phát, là tác động của lạm phát lên thu ngân sách của chính phủ. Bởi vì thuế thu nhập hoặc thuế bán hàng thường được trả sau khi phát sinh một thời gian, một khoảng thời gian lạm phát cao dẫn đến sự sụt giảm giá trị thực của các khoản thuế này. Vì vậy, chính phủ một lần nữa lại phải viện đến cách in thêm tiền để tài trợ thâm hụt ngân sách của mình. Điều đó tạo ra lạm phát lớn hơn, thu nhập từ thuế thậm chí ít hơn, và thêm nhiều đợt in tiền mới nữa. Đến một thời điểm nào đó, tỷ giá hối đoái sụp đổ. Lạm phát nhanh chóng trở nên bùng nổ, đặc biệt là ở những nước mà sự gia tăng tiền lương và giá cả được tính, đẩy lạm phát lên cao.
Các giai đoạn siêu lạm phát không kéo dài. Chúng kết thúc theo một trong hai cách. Theo cách đầu tiên, tiền giấy trở nên hoàn toàn vô giá trị đến mức nó được thay thế bởi một đồng ngoại tệ mạnh. Đây là điều đã xảy ra ở Zimbabwe vào cuối năm 2008, khi đồng đô la Mỹ được đưa vào thay thế trên thực tế. Giá cả sẽ ổn định, nhưng các vấn đề khác xuất hiện. Đất nước mất quyền kiểm soát hệ thống ngân hàng và ngành công nghiệp có thể mất khả năng cạnh tranh.
Với cách thứ hai, siêu lạm phát kết thúc thông qua một chương trình cải cách. Điều này thường bao gồm một cam kết kiểm soát ngân sách, phát hành tiền mới và ổn định tỷ giá hối đoái – trong trường hợp lý tưởng thì tất cả điều này được hậu thuẫn bởi các khoản vay nước ngoài giúp tạo niềm tin vào nền kinh tế. Nếu không có một cuộc cải cách như vậy, các nhà lãnh đạo Venezuela, mặc dù khinh miệt nước Mỹ, có thể nhận ra người dân nước mình rốt cuộc sẽ phải sử dụng đồng đô la Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét