Người ủng hộ Đảng Nhân Dân Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen trên đường phố Phnom Penh. Reuters
Bốn chủ đề xuất hiện nhiều trên các trang báo Paris ngày 27/07/2018 gồm : "Mỹ -Liên Hiệp Châu Âu đình chiến trên mặt trận thương mại"; Facebook mất 125 tỷ đô la trong một ngày trên sàn chứng khoán ; Bầu cử Pakistan, Imran Khan "trước ngưỡng quyền lực" tại một quốc gia đầy khó khăn ; Cam Bốt trước thềm một cuộc tuyển cử, nơi ông Hun Sen đã "chôn vùi nền dân chủ".
Hai ngày trước bầu cử Quốc Hội tại xứ Chùa Tháp, Le Monde phỏng vấn lãnh đạo Đảng Cứu Nguy Dân Tộc, Sam Rainsy, đang sống lưu vong tại Pháp. Bị chính quyền Phnom Penh giải tán từ năm ngoái, đảng này kêu gọi tẩy chay bầu cử ngày 29/07/2018. Ông Sam Rainsy ghi nhận : Cam Bốt đi từ một chế độ chuyên chế này sang một chế độ chuyên chế khác, do vậy phe đối lập kêu gọi tẩy chay bầu cử, vì biết rằng, thủ tướng Hun Sen tái đắc cử nhưng với tỷ lệ thấp, uy tín của người đã liên tục cầm quyền tại đất nước này càng suy yếu trong mắt cộng động quốc tế và kể cả với công luận Cam Bốt.
Chính sách đàn áp đối lập ngày càng cứng rắn của Phnom Pênh là dấu hiệu cho thấy Hun Sen sợ mất quyền lực và kế tiếp là sẽ phải trả lời trước công lý, trước muôn dân về "quá khứ của ông trong hàng ngũ Khơme Đỏ, về những cáo buộc cưỡng bức lao động, các vụ sát hại đối lập không thông qua xét xử ... về những tội ác chống nhân loại kéo dài trong 5 năm".
Một "Chế độ chuyên quyền, tại một đất nước ruỗng nát vì tham nhũng" là hình ảnh về xứ Chùa Tháp mà Arnaud Valerin đưa ra trên báo Libération qua một bài viết dài về ông Hun Sen, người đang "chôn vùi nền dân chủ Cam Bốt". Một phần tư thế kỷ sau cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Cam Bốt, 15 triệu dân tại quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị trao cho ông Hun Sen thêm một nhiệm kỳ. Trên thực tế, theo tác giả bài báo, "Hun Sen dự trù tối thiểu sẽ phải giữ chiếc ghế thủ tướng thêm 10 năm. Đó là thời gian cần thiết để dọn đường cho Hun Manet, con trai ông lên kế vị" ?
Cam Bốt giờ đây là một đất nước mà mọi tiếng nói đối lập đều trong tầm ngắm của giới lãnh đạo. Trong số ấy có những người vĩnh viễn gục ngã, như trường hợp của ông Kem Ley, một bình luận viên chính trị có uy tín, bị ám sát hồi năm 2016 trong một quán cà phê. Vài ngày trước khi lãnh hai viên đạn sau lưng, ông này đã trình bày về báo cáo của Global Witness, một tổ chức phi chính phủ chống tham nhũng, chống lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Báo cáo này chỉ ra rằng, đại gia đình của thủ tướng Cam Bốt ngự trị trên 100 doanh nghiệp quốc gia, kiểm soát một số tiền hơn 180 triệu euro !
Imran Khan, một Donald Trump của Pakistan
Quốc gia châu Á thứ nhì được báo chí Paris nhắc tới nhiều hôm nay là Pakistan : Islamabad chưa chính thức thông báo kết quả bầu cử, nhưng đảng PTI của cựu cầu thủ criket Imran Khan đã cầm chắc phần thắng, chiếm 114 trên tổng số 270 ghế ở Quốc Hội.
Libération không còn nghi ngờ gì nữa khi nhận định : "Pakistan với 207 triệu dân, giờ đây có một vị thủ tướng từng một thời nổi tiếng ăn chơi và là một nhân vật trong số play boy của thế giới". Imran thời còn trẻ từng cùng với danh ca Mick Jagger của ban nhạc Rolling Stones lui tới những hộp đêm "nóng nhất", ông từng kết hôn với một cô gái người Anh, con nhà giàu, gốc Do Thái và họ đã trở thành tâm điểm của những tờ báo lá cải khai thác đời sống riêng tư của những ngôi sao để làm giàu … Nhưng đã xa rồi những năm tháng ăn chơi ấy.
Trong bài viết "Trước ngưỡng quyền lực" ,Le Monde phác họa chân dung thủ tướng tương lai của Pakistan, người mà tác giả bài viết mệnh danh là một Donald Trump của quốc gia nam Á này.
Thứ nhất, Imran giao thiệp nhiều với tầng lớp giàu có nhất, danh tiếng nhất không chỉ của Pakistan, mà toàn thế giới, nhưng ông lại có lập trường "bài những thành phần ăn trên ngồi trước", khai thác tài tình tâm lý của tầng lớp trung lưu, chán ngán với những "con nòi cháu giống" của những dòng tộc nổi tiếng thay nhau nắm quyền ở Pakistan.
Bên cạnh đó, trước khi tham gia chính trị, Imran từng là một ngôi sao criket, đem về niềm tự hào cho dân tộc, khi giành được Cúp vô địch thế giới năm 1992. Là một người từng có cuộc sống khá phóng khoáng, tiếp cận nếp sống của phương Tây, nhưng rồi Imran Khan đã trở về với cội nguồn, với những giá trị truyền thống nhất của Pakistan, của đạo Hồi. Hơn thế nữa, ông đã trông thấy ở các phong trào Hồi giáo có khuynh hướng bảo thủ nhất cả một mảnh đất thuận lợi để đặt nền móng cho sự nghiệp chính trị.
Cũng tương tự như nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump ở Washington, trước khi tham gia chính trị, Imran Khan từng có những quan hệ mật thiết với giới cầm quyền ở Islamabad từ gần 40 năm nay, từ thời tổng thống Mohammad Zia Ul Haq, cho tới Pervez Musharraf hay Nawaz Sharif. Lãnh đạo của ngành tình báo hay quân đội Pakistan là những mối quen biết của thủ tướng tân cử Khan.
Le Figaro nhấn mạnh đến những thác thức chờ đợi thủ tướng tương lai Pakistan. Tờ báo không loại trừ kịch bản một cuộc "khủng hoảng chính trị" nổ ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang phải chạy đua với thời gian, tránh lâm vào cảnh mất khả năng thanh toán, dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Hồ sơ cấp bách thứ nhì là an ninh của Pakistan và ổn định khu vực, đặc biệt là trong bang giao với Afghanistan, cũng như với nước láng giềng lớn sát cạnh là Ấn Độ.
Thương mại : Nghi vấn chung quanh "hiệp định đình chiến" Mỹ-Âu
Trong phần trang kinh tế, các báo phân tích nhiều về sự kiện Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu dịu dọng trên hồ sơ thương mại. Sau cuộc họp ngắn gọn với tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng hôm 25/07/2018, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean –Claud Juncker đạt được một thỏa thuận "bất ngờ": Washington hứa sẽ rút lại quyết định đánh thuế nhôm và thép của châu Âu, xét lại các biện pháp bảo hộ với các đối tác trong Liên Âu, tạm ngưng thủ tục đòi đánh thuế xe hơi châu Âu bán sang Hoa Kỳ.
La Croix nói tới "lệnh hưu chiến bất ngờ" giữa hai bờ Đại Tây Dương, cho dù cả lãnh đạo Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu đều mới "tuyên bố về ý định","thực chất xung đột thương mại" giữa hai khối Âu-Mỹ vẫn "nguyên vẹn". Trong bài xã luận, tờ báo cho rằng "không có gì đơn giản khi nói chuyện với Donald Trump. Ngày hôm trước thì ông xuất hiện trong tư thế của một vị tướng đằng đằng sát khí, để rồi chỉ một ngày sau đấu dịu để đàm phán. Nhưng đố ai biết được nước cờ kế tiếp của tổng thống Hoa Kỳ là gì".
Le Monde đưa ra cùng quan điểm qua nhận định : "Liệu Mỹ có đối xử với Liên Hiệp Châu Âu như đã từng làm với Trung Quốc hay không ? Bởi Nhà Trắng đã từng thông báo một lệnh hưu chiến với Bắc Kinh để rồi chỉ vài tuần lễ sau đó, dồn dập tấn công đối phương".
Nhật báo Les Echos cũng không mấy tin tưởng vào tuyên bố của châu Âu cho rằng với Hoa Kỳ, Bruxelles đã đạt được một thỏa thuận "có lợi cho cả đôi bên" vì nhiều lý do : thứ nhất, ngay trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu có nhiều bất đồng. Trước khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean –Claude Juncker từ Mỹ trở lại Bruxelles, Paris đã lên tiếng "chỉ trích" thỏa thuận được thông báo ở Washington.
"Paris thận trọng : Berlin hài lòng, bộ trưởng Kinh Tế Pháp, lo ngại" trước một số nhượng bộ của châu Âu như ghi nhận của Le Figaro. Tờ báo giải thích : thỏa thuận này có lợi cho ngành công nghiệp xe hơi châu Âu, đó là điểm mạnh của Đức, ngược lại trên tất cả những vế khác trong cuộc đọ sức thương mại giữa Mỹ và Liên Âu, còn là cả một "vùng đầy sương mù". Nhật báo Libération không vòng vo chỉ trích chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đặt quyền lợi của Đức lên trên hết.
Facebook, 125 tỷ đô la bốc hơi
Các tờ báo Les Echos, Le Monde hay Le Figaro đều chú ý đến sự kiện cổ phiếu của Facebook tuột giá, mất 19 % trong một phiên giao dịch. "125 tỷ đô la trị giá chứng khoán của mạng xã hội với 2,5 tỷ người sử dụng này tan thành mây khói".
"Đòn phạt nặng" theo đánh giá của Les Echos. Với Le Figaro, đây là hậu quả của 18 tháng "chệch choạc" trong đường lối quản trị của tập đoàn do Mark Zuckerberg lập ra. Căn cứ vào trị giá cổ phiếu, tài sản của nhà sáng lập viên này bị bào mỏng mất 16 tỷ đô la nội trong ngày hôm qua 26/07/2018.
Tất cả bắt nguồn từ chỗ ngày 25/07/2018 Facebook thông báo kết quả hoạt động và cho thấy trong quý 2/2018 công ty lãi 8,5 tỷ đô la. Để so sánh, cùng thời kỳ năm ngoái, tiền lãi chỉ đạt 3,5 tỷ. Vậy nghịch lý ở đây là Facebook vẫn làm ăn có lời, một mức lãi đủ lớn để nhiều tập đoàn của thế giới mong sánh kịp, nhưng như phân tích của Le Monde, Facebook không còn "lớn như thổi" và chỉ ngần ấy cũng đủ để làm các nhà đầu tư nản lòng.
Nhìn xa hơn, các nhà đầu tư có những lý do để lo ngại : thu nhập quảng cáo trên mạng xã hội này có khuynh hướng chựng lại. Số người mở tài khoản trên Facebook trong quý 2 giảm phân nửa so với ba tháng trước đó. Tại Mỹ, Facebook không có thêm người sử dụng. Còn tại châu Âu, trong ba tháng qua, đã có tới hơn 3 triệu người chia tay với tập đoàn của Mark Zuckerberg.
Nguyệt thực dài nhất thế kỷ
Ở Pháp, đêm 27 rạng sáng ngày 28/07/2018 là thời điểm nguyệt thực toàn phần. Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời cùng nằm trên một trục. Trên một đường thẳng Trái Đất chen vào giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, để phủ bóng chị Hằng trong vòng 1 giờ, 42 phút và 59 giây.
Hiện tượng "Nguyệt Thực dài nhất thế kỷ", tựa của Le Figaro. Libération trả lời câu hỏi : tại Pháp, "ở đâu và lúc nào" ta có thể chiêm ngưỡng thời khắc đặc biệt này ? Vào đúng lúc 7 giờ 14 phút chiều tối nay, Mặt Trăng mờ dần, ngả sang màu xám. Cho đến 8 giờ 24 phút, thì ông Trăng núp bóng Hành Tinh Xanh, để sẽ hoàn toàn bị phủ bóng vào quãng 10 giờ 22 phút. Để rồi thoát khỏi bóng của Trái đất vào lúc 1 giờ 28 phút sáng mai.
Trên thế giới, phía Đông Châu Phi, và khu vực Bắc Âu là những điểm tốt nhất để xem nguyệt thực đêm nay. Riêng người Pháp sẽ không được chứng kiến cảnh nguyệt thực toàn phần dù vậy dân cư trên đảo Corse hay ở vùng Côte d'Azur miền nam nước Pháp có tầm quan sát tối ưu.
Le Figaro lưu ý trong suốt thời gian nguyệt thực ta vẫn trông thấy Mặt Trăng nhưng ánh trăng sẽ không vàng mà ngả sang màu nâu đỏ… Đây sẽ là một màn "trình diễn rất đẹp mắt" mà chỉ thi thoảng chị Hằng mới tặng cho chúng ta !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét