Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

4155 - Ngày 28/07/1945: Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiến chương Liên Hiệp Quốc

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng



Vào ngày này năm 1945, trong một tuyên bố quan trọng cho thấy sự biệt lập trước Thế chiến II của Mỹ đã thực sự chấm dứt, Thượng viện nước này chính thức phê chuẩn Hiến chương thành lập Liên Hiệp Quốc. Trong những năm tiếp theo, Liên Hiệp Quốc sẽ là nơi diễn ra một vài trong số những cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh đáng nhớ nhất giữa Mỹ và Liên Xô.
Năm 1919, sau khi Thế chiến I kết thúc, Tổng thống Woodrow Wilson đã kêu gọi Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc gia nhập Hội Quốc Liên. Tuy nhiên, chủ nghĩa biệt lập thời hậu chiến và chính trị đảng phái đã “giết chết” việc Mỹ tham gia Hội Quốc Liên.
Tháng 07/1945, Thế chiến II dần đi vào hồi kết, Thượng viện cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thái độ của Mỹ đối với sự tham gia vào các vấn đề thế giới bằng cách phê chuẩn Hiến chương Liên Hiệp Quốc với tỉ lệ phiếu là 89:2. Tổng thống Harry S. Truman đã rất vui mừng với kết quả bỏ phiếu và tuyên bố, “Hành động của Thượng viện đã thúc đẩy hòa bình thế giới tiến xa hơn.” Quyền Ngoại trưởng Joseph Grew cũng hoan nghênh hành động của Thượng viện, lưu ý rằng “Hàng triệu người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã chết bởi vì các quốc gia chọn dùng vũ khí thay vì bàn đàm phán để dàn xếp những khác biệt giữa họ.”
Hiến chương Liên Hiệp Quốc sẽ cung cấp “nền tảng vững chắc để tổ chức quốc tế nhằm gìn giữ hòa bình này sẽ được xây dựng.” Sau khi Hiến chương được phê chuẩn bởi đa số trong 50 quốc gia đã soạn thảo Hiến chương vào tháng 06/1945, Thượng viện đã chính thức phê chuẩn việc Mỹ tham gia vào Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/1945.
Liệu Liên Hiệp Quốc có thực sự trở thành “nền tảng vững chắc” của hòa bình thế giới trong những năm tiếp theo hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi, nhưng tổ chức này chắc chắn là nơi chứng kiến một số cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh đáng chú ý giữa Mỹ và Liên Xô. Năm 1950, khi đại diện Liên Xô vắng mặt tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Mỹ đã thông qua một nghị quyết cung cấp hỗ trợ quân sự từ Liên Hiệp Quốc cho Nam Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên. Và trong một khoảnh khắc đáng nhớ khác, trong một bài phát biểu lên án chủ nghĩa đế quốc phương Tây vào năm 1960, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã tháo một chiếc giày của mình và đập nó lên bàn để nhấn mạnh quan điểm của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét