Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vừa xảy ra có tác động, ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới. Việt Nam vừa có nền kinh tế tương đồng mô hình kinh tế Trung Quốc, lại vừa có giao thương kinh tế mật thiết, cũng là nước xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nên đương nhiên chịu sự tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trước khi tìm hiểu về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại tới nền kinh tế Việt Nam, chúng ta cần phải hiểu được bản chất và thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời cần tìm hiểu căn nguyên của cuộc chiến thương mại, cũng như những hệ quả chung của nó tới các quốc gia tham gia cuộc chiến và các quốc gia có liên quan.
I/ Thực chất và thực trạng của nền kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam từ khi đổi mới tới nay đã áp dụng một số các nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế thị trường. Nhưng sự áp dụng nửa vời, đi sâu tìm hiểu thực chất đã vi phạm nghiêm trọng hầu như tất cả các nguyên tắc của kinh tế thị trường.
- Vi phạm nghiêm trọng hai nguyên lý quan trọng của nền kinh tế thị trường. Thứ nhất, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó quan trọng nhất là sở hữu tư nhân về đất đai. Đất đai là nền tảng của sản xuất nông nghiệp, là cơ sở của các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nhà xưởng, văn phòng…) nhưng lại thuộc sở hữu toàn dân. Không có tư hữu về đất đai dẫn tới không hình thành được thị trường đất đai theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường. Chính vì vậy mà đất đai không được cung, cầu và thị trường quyết định tất yếu làm méo mó giá cả của một yếu tố đầu vào quan trọng của tất cả các quá trình sản xuất kinh doanh. Thứ hai, nguyên lý về lượng tiền phát hành trong lưu thông có tương quan mật thiết với lượng hàng hóa sản xuất và thị trường ngoại hối. Lượng tiền nhà nước in, phát hành hiện nay (từ trước tới nay) không hề được công bố chính xác và luôn in tiền vượt số lượng cần phát hành nhiều lần, dẫn tới tình trạng lạm phát trung bình hàng năm của Việt Nam luôn ở mức cao 20 - 50%/năm (trong khi các nước khác chỉ là 5 - 7%/năm). Lạm phát luôn ở mức cao, tức đồng tiền mất giá dẫn tới hệ lụy làm biến dạng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
- Vi phạm nghiêm trọng cơ chế kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa được hình thành do quan hệ cung, cầu quyết định. Như chúng ta đều biết, các yếu tố của quá trình sản xuất, nhất là những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng, dầu… thậm chí vàng, đô la cũng do nhà nước quyết định giá cả. Những mặt hàng thiết yếu này đều cấu thành nên các sản phẩm mà nền kinh tế sản xuất ra. Vì vậy, giá cả các sản phẩm được sản xuất ra đã bị bóp méo và biến dạng do không được thị trường quyết định giá cả các yếu tố đầu vào.
- Cấu trúc của nền kinh tế sai lệch, bất hợp lý. Chúng ta đều biết rằng, trong tất cả các nền kinh tế thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp của nền kinh tế. Đó là những lĩnh vực đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm và các doanh nghiệp tư nhân không muốn kinh doanh. Đồng thời, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước luôn là dấu hỏi do cơ chế trách nhiệm nên không quốc gia nào duy trì nhiều doanh nghiệp nhà nước. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước chiếm từ 60 - 70% lượng vốn xã hội, nhưng lại làm ra 30 - 40% tổng giá trị nền kinh tế. Với cấu trúc mang nặng tính bao cấp, kế hoạch như vậy, nền kinh tế không thể phát huy được hiệu quả.
- Không tạo lập được môi trường thể chế lành mạnh để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Yếu tố đầu tiên, thông tin trung thực, công khai và minh bạch là yêu cầu số một trong nền kinh tế thị trường. Nhưng ở Việt Nam đã không bảo đảm được yêu cầu này. Tính trung thực trong thông tin ở Việt Nam là điều xa xỉ. Sự không trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Luật pháp minh bạch, rõ ràng và công khai cũng không có, các văn bản hướng dẫn thi hành luật luôn tạo ra sự bất ổn làm người kinh doanh vô cùng bối rối, khó khắn. Yếu tố thứ hai, không tạo lập được sân chơi công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước luôn được ưu đãi mọi mặt, trong khi các doanh nghiệp tư nhân khó khăn trăm bề, từ vay vốn, đến các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh…. Cuối cùng, môi trường trong sạch, không tham nhũng chỉ là ước mơ trong nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đã chịu đựng mọi hình thức và cấp độ của việc tham nhũng trong hệ thống quản lý ở Việt Nam…
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét