Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

4154 - So sánh tình bạn của những người Cộng sản với tình bạn của những người đấu tranh cho nhân quyền


Trong lịch sử của đảng Cộng sản từ khi thành lập đến giờ (1930 – 2018) dường như chưa bao giờ có đảng viên nào của họ dám dũng cảm đứng ra bảo vệ cái đúng của bất kỳ đồng đội nào trước tổ chức. Khi biết đồng đội, bạn chiến hữu của họ bị tổ chức qui cho một cái tội nào đó, mặc dù biết rằng đồng đội, bạn của mình vô tội, thậm chí là người có quan điểm, nhận xét đúng nhưng họ không bao giờ dám lên tiếng bảo vệ.

Họ im lặng và quay lưng lại với người bạn của mình và tìm cách lảng tránh. Thậm chí không ít người trong số họ tìm cách nói xấu hoặc vu cáo bạn mình. Họ làm tất cả những điều này không phải vì tổ chức lại càng không phải vì đất nước. Lý do duy nhất để biến thành những kẻ phản bạn chỉ nhằm bảo tồn cuộc sống cá nhân của họ, bảo tồn cái vị trí đầy quyền lực mà họ đang ngồi, mặc dù trong thâm tâm họ thừa biết rằng người bạn của mình không có tội.
Thực tế sau này đã chứng minh rằng tất cả những quan chức cao cấp của chế độ Cộng sản bị tống giam trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bị đày đọa đến chết, hoặc sau khi ra tù hoàn toàn bị cách ly với xã hội bên ngoài chỉ vì cái lý do khốn nạn là “chống đảng”, đều là những con người chính trực, muốn đất nước Việt Nam phát triển theo con đường đúng đắn. Phần lớn trong số họ vẫn không được yên thân ngay trong tang lễ của mình.
Không những cuộc đời chính trị mà cả cuộc sống riêng tư của những người này đã bị cái tà đảng Cộng sản khốn nạn, độc ác, bóp chết kể từ khi bị chụp lên đầu hai chữ “CHỐNG ĐẢNG”. Dù mãn hạn tù nhưng mãi mãi đến cuối đời cái tà đảng đó không cho phép họ được làm người. Chúng vẫn tìm cách đày đọa họ cho đến chết. Những người bạn “chén chú, chén anh” trước đây đã xóa tên tuổi của họ trong danh sách bạn bè và luôn sợ hãi khi phải tiếp xúc với họ. Họ không muốn biết và cũng chẳng cần quan tâm đến cuộc sống bị đọa đày của những người mà trước đây đã từng là bạn.
Hồ Chí Minh đã hoàn toàn lặng thinh, không một lời bảo vệ cho cụ Vũ Đình Huỳnh, người cộng sự gần gũi nhất của ông ta khi bị nhóm quyền lợi trong đảng chụp cho cái mũ phản động. Có những người đã sẵn sàng thóa mạ cha mẹ mình trong thời kỳ cải cách ruộng đất, … Không hề có bất kỳ điều gì có thể gọi là “tình bạn cao cả” giữa họ, bởi vì họ sống với quan niệm sống “Xin lỗi nhé. Mày dính thì kệ mẹ mày. Tao phải lo cho cái thân tao”. Đảng Cộng sản luôn tuyên truyền câu khẩu hiệu “Mình vì mọi người” nhưng thật sự thì họ luôn chỉ vì cuộc sống bản thân họ.
Ngày nay, khi phong trào đấu tranh cho quyền làm người ở trong nước ngày càng lên cao, cái tà đảng đó đàn áp, bắt bớ với đối với những ai dũng cảm đứng lên, công khai nói tiếng nói của mình. Cái tà đảng này đã chụp lên đầu nhiều người cái tội “tìm cách lật đổ chính quyền” để có thể giam giữ họ.
Nhờ những sự kiện này mới thấy tình bạn giữa những người đấu tranh cho dân chủ, đấu tranh cho quyền làm người, thiêng liêng, cao cả và trong sáng đến mức nào. Họ sẵn sàng cùng nhau tụ tập trước đồn công an đấu tranh đòi trả tự do cho bạn bè bị giam giữ và họ chân tình đón những người bạn đó, chăm sóc, giúp đỡ họ.
Không quản đường xá xa xôi, họ đã tổ chức những chuyến đi thăm hỏi bạn bè bị giam trái phép trong các trại giam, vận động giúp đỡ về kinh tế, tinh thần cho gia đình của những ai đang bị giam giữ.
Họ đón chào những người bạn mãn hạn tù trong vòng tay thương yêu của mình. Họ cùng nhau đi thăm hỏi và tìm cách trợ giúp những người bạn đó sau khi ra tù, bất chấp mọi thủ đoạn khốn nạn ngăn cản của tà đảng Cộng sản. Tại sao những người đấu tranh cho dân chủ, cho quyền làm người không sợ những sự đàn áp đó??? Vì họ có chính nghĩa và họ tin vào công cuộc đấu tranh của mình.
Lũ quan chức của cái tà đảng này không bao giờ có thể có được tình bạn thiêng liêng như vậy ngoài cái tình bạn thiêng liêng của những người lính trên chiến trường, phần lớn không phải là đảng viên của cái đảng đó.
Chỉ cần đưa ra so sánh như vậy để thấy cái bản chất hèn hạ, cá nhân ích kỷ của các quan chức Cộng sản.
Viết những dòng này tôi lại càng cảm phục bố tôi, ông đã hai lần công khai từ chối lời yêu cầu của Bộ Quốc phòng trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi họ yêu cầu bố tôi phải khước từ anh ruột của mình là nhà văn, nhà thơ, nhà dịch giả Đoàn Phú Tứ, là người đã tố cáo cuộc sống sa hoa, trụy lạc của tay Trần Dụ Châu. Bố tôi đã đứng dậy ra về với một câu ngắn gọn “Tôi không bao giờ từ bỏ anh tôi. Anh tôi không có tội”. Vì lý do đó mà từ đó bố tôi đã bị trù oán cả một thời gian dài.
Bố tôi không hề buồn vì cụ biết mình đã làm một việc đúng với lương tâm của mình. Con nhớ bố, người đã giúp con ngay từ những năm 1975 nhìn nhận ra sự thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét