Cố chủ tịch Cuba Fidel Castro. AFP
Quốc hội Cuba cuối tuần qua đã thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong đó không có Chủ nghĩa Cộng sản mà chỉ khẳng định “tập trung vào chủ nghĩa xã hội.”
Dư luận trong nước những ngày qua có sự so sánh sự kiện này với thể chế chính trị của Việt Nam và đặt câu hỏi “tương lai Cuba sẽ ra sao?” Các chuyên gia kinh tế - chính trị và những người am hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia có thể chế cộng sản trên thế giới ghi nhận thế nào về sự kiện này?
Không thay đổi hệ thống
Câu chuyện Cuba thay đổi đang được cả thế giới quan tâm. Vì sao?
Vì sự thay đổi này không đến từ bất kỳ cuộc biểu tình đòi dân chủ hay từ cuộc bạo động nào.
Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba bỏ một điều khoản trong Hiến pháp cũ từ năm 1976 về mục tiêu “xây dựng một xã hội cộng sản”, thay vào đó chỉ đơn giản là tập trung vào chủ nghĩa xã hội.
Thế nhưng, vấn đề được tranh luận nhiều nhất không phải là sự thay đổi Hiến pháp mới của Cuba, mà chính là bộ máy thể chế chính trị của Cuba vẫn là độc Đảng.
Chính Chủ tịch Quốc Hội Esteban Lazo được trích lời trên truyền hình nhà nước xác nhận: "Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang từ bỏ lý tưởng của mình".
PGS, TS Kinh tế Vũ Trọng Khải, cựu Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý (cơ sở phía Nam) của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, người từng được mời sang Cuba, tư vấn cho Bộ Nông nghiệp Cuba về chính sách phát triển lúa gạo, chia sẻ với RFA rằng theo ông, cách nói “từ bỏ chủ nghĩa cộng sản có lẽ chưa chuẩn bởi vì họ vẫn thừa nhận họ là đất nước xã hội chủ nghĩa.”
“Tôi không nghĩ người ta suy nghĩ sâu sắc như thế nào nhưng có lẽ cái chữ Chủ nghĩa cộng sản nó xa vời quá cho nên mục tiêu trước mắt hiện nay là cứ xây dựng Chủ nghĩa xã hội đi đã. Tất cả các nước kể cả Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên hay Cuba bây giờ đều không nói đến Chủ nghĩa Cộng sản vì nó xa vời quá.”
Truyền thông thế giới nhắc đến nhiều và cả dư luận Việt Nam cũng hướng sự quan tâm đến sự kiện này, nhưng ông Lê Minh Nguyên, một người theo dõi và am hiểu tình hình chính trị Việt Nam qua nhiều thời kỳ cho rằng đây chưa thể xem là một sự kiện lịch sử lớn có tính cách thay đổi chế độ chính trị hoặc cả một hệ thống.
“Vì sự thay đổi có 3 cách thay đổi. Cách thứ nhất là thay đổi hệ thống bên trong đang có.
Cách thứ 2, Việt Nam thường gọi là diễn biến hoà bình. Nghĩa là sự thay đổi từ từ, đầu tiên có tự do ngôn luận, sau đó có tự do lập hội, đa đảng, có bầu cử tất cả người dân tham dự. Sau 1 thời gian chế độ độc tài độc Đảng đó trở thành chế độ dân chủ đa đảng.
Cái thứ ba là 1 thay đổi chớp nhoáng nghĩa là phá bỏ hệ thống đang có để xây dựng hệ thống mới, gọi là Cách mạng.Thì sự thay đổi Hiến pháp lần này của Cuba nằm trong sự thay đổi thứ 1, bên trong hệ thống chứ không phải thay đổi hệ thống.”
Điều này đúng với câu trả lời của Chủ tịch Quốc Hội Esteban Lazo nói “Cuba đơn giản bước sang một thời đại khác sau sự sụp đổ của Liên Xô.”
Bình mới rượu cũ
Theo tờ Britannica, quyền kiểm soát Cuba được chuyển từ Tây Ban Nha sang Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 1 năm 1899, là kết quả của cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ. Cuba thuộc sự điều hành bởi chính quyền quân sự của Hoa Kỳ cho đến ngày 20 tháng 5 năm 1902. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ quyền can thiệp Cuba đến năm 1934.
Tài liệu từ WikiMedia cho biết, năm 1952, Fulgencio Batista, người giành chính quyền trong một cuộc đảo chính, với sự hậu thuẫn của Mỹ nắm quyền điều hành Cuba. Tháng 7/1953, Fidel Castro lãnh đạo một cuộc tấn công vào Pháo đài Moncada, tại Santiago de Cuba nhưng bất thành. Ba năm sau, Fidel Castro phát động chiến tranh du kích và giành chính quyền vào năm 1959.
Đảng Cộng sản từ đó đến nay là chính đảng duy nhất được công nhận tại Cuba. Đảng hoạt động theo chủ nghĩa Marxist-Leninist.
Hiến pháp hiện nay của Cuba quy định vai trò của đảng này là "lực lượng lãnh đạo xã hội và nhà nước".
Năm 1960, Fidel Castro quốc hữu hóa các doanh nghiệp của Mỹ khiến mối quan hệ hai bên trở nên căng thẳng. Mỹ áp đặt lệnh cấm vận với Cuba cho đến tháng 12 năm 2014, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế với Cuba. Quyết định này được đưa ra sau các cuộc đàm phán bí mật trong vòng hơn một năm tổ chức tại Canada và Vatican, được cho là có sự tham dự trực tiếp của Giáo hoàng Francis.
Theo những người quan sát chính trị, thì đây mới thật sự là một sự kiện lịch sử của đất nước và dân tộc Cuba.
Trở lại quyết định bỏ chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi dự thảo Hiến pháp mới, ông Lê Minh Nguyên nhận xét rằng cho đến giờ này họ mới điều chỉnh thì có thể nói họ đi sau Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, Hiến pháp mới công nhận sở hữu tư nhân, là điều ông ghi nhận là chi tiết đáng quan tâm:
“Thay đổi có tính cách chính yếu là về kinh tế, tức là tư nhân được quyền sở hữu tài sản, tức là nó không phải chính sách tập trung tài sản tất cả là của nhà nước.”
Thế nhưng, như Chủ tịch Quốc hội Cuba Esterban Lazo nói “Chúng tôi không từ bỏ lý tưởng của mình.”
Lý tưởng đó là gì? Đó chính là Chủ nghĩa Mac – Le, với bản chất không chấp nhận cho có tổ chức và không chấp nhận cho đối lập.
Theo chủ nghĩa Mac – Le, hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc. Hiến pháp mới của Cuba đã chấp nhận sở hữu tư nhân, điều vốn bị Đảng Cộng sản Cuba cho là tàn tích của chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng, thượng tầng kiến trúc của Cuba vẫn là độc Đảng Cộng sản.
Điều này liệu có mâu thuẫn với đường lối phát triển chủ nghĩa xã hội? PGS, TS Vũ Trọng Khải trả lời câu hỏi này bằng cách viện dẫn thực trạng Việt Nam hiện nay.
“Nó cũng như Việt Nam hiện nay, là nền kinh tế thị trường rất nhiều thành phần, đặc biệt vai trò kinh tế tư nhân rất quan trọng, được khẳng định là động lực phát triển mà. Kinh tế tư nhân trong nước cộng với công ty tư nhân nước ngoài FDA chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tư nhân. Nhưng người ta vẫn nói là theo định hướng XHCN là vì nói đến mục tiêu của nó. Làm kinh tế thị trường thì phải có kinh tế tư nhân, nhưng mà vẫn không bỏ kinh tế nhà nước.”
Do đó, ông đề nghị cần phải có 1 chính sách để làm cho tất cả thành phần kinh tế đều phát huy được nội lực của mình nhằm phát triển nền kinh tế thị trường bền vững theo định hướng XHCN của nhà nước đã vạch ra.
Lời đề nghị này, ông dành cho cả Cuba và Việt Nam.
Còn về phía công luận Việt Nam thì đón nhận sự kiện của Cuba với một tâm lý khá phấn khởi. Nhiều câu hỏi được đưa lên mạng xã hội như “Khi nào Việt Nam bỏ chế độ Cộng sản?” hoặc mang tính hài hước hơn là “Việt Nam mất Cuba về tay Mỹ rồi sao?”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét