Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

4169 - Dân oan ký sự: Tiến sĩ quần vợ…t!

Dân oan (VNTB) 


Ngồi nhâm nhi ly cà phê ở quán cóc, anh Tư dân thể thao kể câu chuyện hồi cuối thập niên 90 của thế kỷ trước kéo qua vài năm đầu thế kỷ này, tức những năm từ năm 2000 trở đi. 

Chuyện rằng, hồi đó ở Trung Quốc thịnh hành môn đá cầu trong các trường học và ở công viên, thay vì tập thể dục thì người ta chơi loại này nó vui vẻ và vận động hơn. Cầu làm bằng lông vịt chứ không phải cầu mây. Nhà nước ta chủ trương xích lại gần Trung Quốc từ những năm cuối thập kỷ 80. Từ đó trở đi thì gần như rập khuôn theo họ. Cho nên, Trung Quốc chơi đá cầu, lãnh đạo ta cũng đẩy phong trào chơi theo. Đá cầu thuở đó ở nước ta thành thử cũng rầm rộ lắm lắm, “người người cùng chơi, thầy trò cùng chơi”. 

Vào năm 2003, mặc dù nhiều nước phản đối, nhưng nhờ ra sức vận động, nên đá cầu được đưa vào thi đấu ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á, tức SEA Games lần thứ 22 mà Việt Nam là nước chủ nhà. Thậm chí, Việt Nam còn đưa chuyên gia sang vận động, tổ chức huấn luyện cho Lào, Campuchia, và tài trợ cho họ nữa.

Ông Trần Trọng Anh Tú – người ôm hoa đứng giữa. Ảnh: NLĐO
Anh Tư nhớ đại khái, môn đá cầu phân ra các nội dung: Đá cầu biểu diễn; Đá cầu đối khán; Đá cầu đơn, và đồng đội… khoảng chừng 7 nội dung. Trong các nội dung đều có 3 đội tham gia. Thái Lan hình như có tham gia một hai nội dung, còn lại là Lào và Campuchia là phần nhiều, dĩ nhiên Việt Nam tham gia đầy đủ. Vì vậy, có một điều “độc đáo” là ở bộ môn này, nước nào tham gia thì đều có huy chương, tệ lắm là huy chương đồng. Việt Nam ẳm hết toàn bộ huy chương vàng. 

“Thắng trận vang dội”, trẻ em Việt Nam hô vang: “Việt Nam vô địch đá cầu lông vịt”, thật là vui. Có đứa không phát âm rõ chữ “địch” được, mà là “địt” nghe càng tếu táo.

Mấy kỳ SEA Games sau thì người ta loại môn đá cầu. Việt Nam tiếc ngẩn ngơ. Cho đến kỳ tổ chức ở Lào, lần thứ 25 vào năm 2009, nó được đưa vô trở lại. Ai cũng biết Lào là “đàn em” của nước ta mà. 

Nhưng, lúc này phong trào nguội dần, nên môn đá cầu không còn được quan tâm lắm, không còn cảnh hô vang “vô địch, vô địt”, dù chắc là có huy chương vàng. Sau lần này, đá cầu lại tiếp tục bị loại ở những kỳ Đại hội tiếp theo. Và phong trào đá cầu cũng lụi tàn dần. 

“Ủa, đã lâu lắm rồi, cắc cớ gì anh nhắc lại?” - Tôi hỏi anh Tư.

Anh trả lời:

“Có cớ đó chứ. Sau chừng ấy năm, bây giờ có một sự kiện tôi mới tìm ra nguyên nhân nó lụi tàn.”

Anh nói sắp tới đây Việt Nam ta sẽ có những cây vợt tennis tầm cỡ Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic, chị em nhà Williams, Angelique Kerber, Maria Sharapova… Môn Judo cũng vậy, sẽ có vận động viên tầm cỡ thế giới. 

Vì sao ư? Đơn giản thôi, vì người ta vừa cho "ra lò" một ông tiến sĩ khoa học đầu tiên về ngành Quần vợt - ông Trần Trọng Anh Tú, trưởng bộ môn quần vợt Trường Đại học TDTT TP HCM, phó ban chuyên môn của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Trước một chút thì có ông Lý Đại Nghĩa, bảo vệ thành công tiến sĩ ngành Judo. Hai ông này chắc chắn sẽ đem "trí tuệ" của mình "cống hiến" hết sức, thì làm sao mà không đem lại "vinh quang". 

Thì ra là vậy. Thì ra ý anh Tư là do thiếu tiến sĩ ngành đá cầu nên nó tàn lụi, không lan tỏa và thống lĩnh thế giới như mong muốn của lãnh đạo nước nhà. 

Ôi! đã biết là anh Tư châm biếm. Nhưng giả sử cứ nghĩ như thế thì nước ta đã là nước mạnh, nước giàu sụ rồi, dân chúng đâu có nghèo thê thảm. Bởi có hàng mấy chục ngàn giáo sư tiến sĩ. 

Nhưng hỡi ôi! những “cái lò ấp” ra toàn giáo sư tiến sĩ giấy, không nghiên cứu chế tạo nổi được con ốc vít cho đàng hoàng. Có những ông giáo sư tiến sĩ người ta nói rằng không đủ khả năng đuổi gà cho vợ. 

Nay mai người ta lại gọi thêm “tiến sĩ quần vợ…t” thì chẳng có gì lạ. Cũng như quần vợt, Judo mãi lẹt đẹt ở vùng trũng cũng chẳng lạ gì !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét