Một người bạn FB hỏi: “Dám hỏi lão ca tại sao CSVN suy mà vẫn chưa chịu sụp?”
Câu hỏi đó có thể phải trả lời bằng một cuốn sách. Nhưng nghĩ lại, cũng nên trả lời dù sẽ rất vắn tắt. Người viết dùng câu chuyện cây thông già sau vườn để dẫn chứng.
Sau nhà có một cây thông già nằm giữa hàng rào chung với nhà láng giềng. Cây thông trơ trụi, sần sùi, những cành lớn đã mục nát và rơi xuống đất, nhưng cây thì chưa chết. Nhựa vẫn còn và giữ cho cây sống. Mướn thợ tới chặt thì ngại tốn tiền không đáng, chỉ mong một cơn gió mạnh để làm cho cây ngã nhưng mấy năm rồi cây vẫn còn đứng đó. Mỗi mùa gió lớn đi qua cây cong xuống một chút nhưng rồi lại thẳng lên sau cơn gió.
Lý do dễ hiểu vì chưa có một cơn gió nào đủ mạnh để làm cây, dù mục lắm rồi, ngã xuống.
Chế độ CSVN cũng vậy. Những năm ngay sau 1975, bao bọc chung quanh chế độ là những cành lá sum sê như “liên hiệp”, “mặt trận”, “hội đoàn”, “thành phần thứ ba”, “kháng chiến Nam Bộ” v.v…
Thời gian đi qua. Những “thành phần thứ ba” đã sáng mắt, những “kháng chiến Nam Bộ” lần lượt qua đời, những “liên minh”, “hội đoàn” chìm dần vào bóng tối lãng quên. Đảng CS như cây thông già cằn cỗi, trơ trụi, đứng được nhờ vào “thành phần phên giậu” làm phân bón.
Điều đó cho thấy, cây yếu nhưng tiếc thay gió chưa đủ mạnh.
Nhiều lúc, các phong trào xã hội như vụ chống Formosa, vụ chống Đặc Khu, bùng nổ, chúng ta có cảm tưởng lần này sẽ thành công. Tuy nhiên, phong trào chìm xuống cũng nhanh như khi phong trào bùng nổ. Lý do? Cuộc vận động dân chủ cho Việt Nam chưa có một đầu tàu đủ mạnh.
Sau cách mạng CS Nga 1917, người dân Nga chỉ cần ba năm để sáng bừng đôi mắt. Sự căm hận lan rộng khắp nơi. Tiếng ta thán vang lên khắp nước. Từ 1918 đến 1920, Nga gần như khánh kiệt. Các cuộc nổi dậy chống Cộng bùng nổ tại nhiều nơi và bị đàn áp đẫm máu. Dù sao, Lenin tại hội nghị đảng CS Nga tháng 2, 1921, cũng buộc phải lùi bước và áp dụng chính sách kinh tế gọi là “kinh tế mới” qua đó chấp nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế.
Dù chỉ ba năm đã sáng bừng đôi mắt, cuộc đấu tranh của nhân dân Nga cũng như của các dân tộc khác trong khối CS Liên Sô, đã phải cần thêm 70 năm nữa để thay đổi chế độ.
Yếu tố chính giúp cho cuộc vận động dân chủ tại Nga thành công là sự thống nhất quan điểm và mục đích đấu tranh trong các thành phần chống CS thời đó.
Năm 1989, trước một phiên họp của “Nhóm dân biểu liên vùng” quy tụ các thành phần ưu tú của Nga trong đó có B. Yeltsin, nhà vật lý nguyên tử Andrei Sakharov đề nghị tập trung mọi nỗ lực vào một mục đích và chỉ một mà thôi trong giai đoạn đó: “Xóa bỏ điều 6 hiến pháp”, tức điều 4 trong hiến pháp của CSVN. Tất cả đồng ý và cùng dùng đó như mục tiêu để thúc đẩy cuộc cách mạng dân chủ tại Nga thành công, dẫn đến sự sụp đổ của CS toàn Liên Sô. (Nguyễn Minh Cần, Đảng CSVN qua những biến động trong phòng trào CSQT, nxb Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2016)
Điều người viết muốn lập lại ở đây, chỉ khi nào các thành phần chống CSVN, bất mãn với đảng CSVN, có quyền lợi mâu thuẫn với đảng CSVN, không đồng ý với đảng CSVN, thoát ly khỏi đảng CSVN, cùng chấp nhận vượt qua mọi tiêu cực để dứt khoát tập trung một mục đích duy nhất là chấm dứt quyền cai trị độc đảng của đảng CSVN, cách mạng dân chủ tại Việt Nam mới có thể thành công.
Điều đó cũng có nghĩa, ngày nào chuyến tàu cách mạng dân chủ vừa yếu ớt, vừa còn phải kéo theo mấy chục toa chất đầy mâu thuẫn, tiêu cực, phe phái, hiềm khích tôn giáo, quan điểm hẹp hòi, nhận thức khác nhau, mục đích khác nhau thì điểm hẹn một ngày phục hưng dân tộc vẫn còn xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét