Tai nạn vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào đầu tuần trước thể hiện mối hiểm họa lớn lao về an ninh của dân chúng sống trong lưu vực 800,000 km2 sông của Mekong, nơi đã có hàng chục đập thủy điện được xây dựng và hơn 100 dự án khác còn đang nghiên cứu triển khai.
Tạp chí National Geographic trong một bài viết về các đập thủy điện trên sông Mekong, thuật chuyện của Pumee Boontom, xã trưởng một ngôi làng nhỏ ở miền Bắc Thái Lan.
Ông này luôn luôn phải theo dõi tin thời tiết trên truyền hình Trung Quốc, vì khi có một trận mưa giông lớn bất ngờ, các đập nước trên thượng nguồn sông Mekong ở tỉnh Vân Nam phải xả bớt một khối nước khổng lồ để bảo đảm an toàn và những khu vực hạ lưu như làng ông sẽ không tránh khỏi ngập lụt. Trên nguyên tắc nhà chức trách Trung Quốc phải đưa ra cảnh báo, nhưng trong kinh nghiệm của ông xã trưởng, báo động ấy thường quá trễ hoặc hoàn toàn không có.
Theo lời ông Boontom, hai mươi năm trước chưa có các đập, nước sông lên xuống điều hòa theo mùa, còn bây giờ mực nước thay đổi đột ngột có thể gây ra lũ quét hay ngập lụt trong nhiều ngày. Dân làng vẫn sống bằng nghề đánh cá nhưng từ khi Trung Quốc xây dựng các đập làm môi trường sông thay đổi, số cá giảm đi và ngày nay nhiều ngư dân phải chuyển sang nghề nông, trồng bắp, đậu, thuốc lá,…
Mekong là con sông quốc tế dài 2,700 dặm chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam, mang các tên gọi khác nhau ở mỗi nước. Từ nguồn trên cao nguyên Tây Tạng đến cửa sông Cửu Long bên bờ Biển Đông ở Việt Nam, chiều dài của sông Mekong là 2,703 dặm, trong đó đoạn thượng lưu thuộc lãnh thổ tỉnh Vân Nam Trung Quốc dài 1,300 dặm có tên gọi là Lancang.
Vào thập niên 1960, cơ quan Phát Triển Quốc Tế (USAID) của Mỹ đã cổ vũ việc khai thác thủy điện ở hạ lưu vực sông Mekong để phát triển kinh tế cho các nước trong khu vực và hy vọng chống lại sự bành trướng của Cộng Sản.
Ở thời kỳ ấy, con người chưa có kiến thức đầy đủ về môi trường nên vẫn tưởng rằng xây các đập nước là giải pháp tuyệt hảo cho nông nghiệp cũng như sản xuất điện mà không tốn năng lượng. Nhưng chiến tranh trên bán đảo Đông Dương cản trở tiến hành mọi dự tính và đến khi có hòa bình thì người ta đã nhận ra là chưa chắc nên thực hiện các dự án đó.
Trong khi các quốc gia ở hạ lưu vực sông Mekong chưa làm được gì hơn thì từ cuối thế kỷ 20 Trung Quốc đã khởi đầu xây dựng một loạt những đập ở thượng nguồn thuộc tỉnh Vân Nam.
Bảy đập thủy điện đã hoàn thành hay còn đang xây dựng trên sông Lancang mỗi đập có công suất phát điện trên dưới 1,500 MW (MW=1 triệu watt). Đập thủy điện lớn nhất, Xiaowan (Tiểu Loan) có công suất thiết kế 4,200 MW, xây dựng từ 2002 đến 2010 với phí tổn $4 tỷ. Xiaowan là đập bê-tông hình cung cao 292 mét, thứ nhì thế giới (Hoover Dam, chiếc đập nổi tiếng ở gần Las Vegas cao 221 mét).
Giới môi trường cho là những đập thủy điện trên sông Lancang ở Vân Nam tác hại nặng nề đến đời sống người dân Đông Nam Á. Ngư phủ Cambodia sẽ bắt được ít cá hơn và nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải dùng phân hóa học nhiều hơn vì phù sa bị chặn lại bởi các đập nước trong khi cư dân hữu ngạn sông Mekong ở Thái Lan có rủi ro về hạn hán và xâm thực.
Mặc dầu bị phản đối vì gây ra những hậu quả nguy hại ấy, Trung Quốc không thay đổi kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên sông Lancang ở Vân Nam, đồng thời Lào và Cambodia cũng xúc tiến thực hiện các dự án thủy điện trên sông Mekong và các phụ lưu của sông này. Lào là nước ít tài nguyên thiên nhiên, kiên quyết với kế hoạch khai thác nguồn thủy điện để bán điện cho các nước láng giềng trong đó 90% bán cho Thái Lan.
Lào có dự án xây dựng 9 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong và 7 đập thủy điện lớn ở các phụ lưu. Cambodia có 2 dự án đập thủy điện trên sông Mekong và 4 đập lớn ở các phụ lưu.
Thái Lan và Việt Nam cũng có những đập thủy điện trên các sông chảy vào sông Mekong, Thái Lan có 6 và Việt Nam có tới 10 đập thủy điện lớn nhỏ trên các sông Se San và Sre Pok, hai con sông trên vùng Tây Nguyên chảy vào sông Mekong. Đâp thủy điện thác Yali trên sông Sesan ở Tây Nguyên là nhà máy thủy điện lớn nhất mền Nam Việt Nam, với tổng công suất 720 MW (Đa Nhim 160 MW, Trị An 400 MW). Giống như nhiều dự án thủy điện khác, thủy điện Yali xây dựng cuối thập niên 1990, bị phê phán là thiếu nghiên cứu môi trường, đã gây ra lũ lụt và làm thiệt hại nguồn thủy sản Cambodia.
Cho đến bây giờ trên dòng chính của sông Mekong chưa có đập thủy điện nào được xây dựng hoàn thành. Lào mới chỉ có những nhà máy thủy điện hoạt động trên các phụ lưu của sông Mekong. Đập đầu tiên là trên sông Nam Ngum trong tỉnh Vientiane do Nhật trợ giúp xây dựng hoàn thành năm 1971. Theo số liệu của Bộ Năng Lượng và Hầm Mỏ, Lào hiện có 51 nhà máy thủy điện với tổng công suất phát điện lắp đặt là 7,000 MW.
Giữa năm 2006, Ủy Hội Phát Triển Hạ Lưu Vực Sông Mekong chấp thuận cho nghiên cứu dự án khả thi của kế hoạch xây 11 đập trên dòng chính của sông Mekong trong đó 7 trên lãnh thổ Lào 2 gần biên giới Lào-Thái Lan và 2 ở Cambodia.
Sau nhiều phản đối của Cambodia và Việt Nam cùng ý kiến từ các giới bảo vệ môi trường, mặc dầu mọi vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, chính phủ Lào vẫn tự ý cho khởi công dự án đập Xayaburi vào cuối năm 2012. Ngân sách của dự án là $3.8 tỷ giao cho công ty Thái Lan CH Karnchang thực hiện.
Đập Xayaburi ở Thượng Lào là đập đầu tiên trên hạ lưu sông Mekong tiếp theo bậc thang 7 chiếc đập thủy điện ở Vân Nam. Đập Xayaburi dự trù có thể hoạt động từ 2020 với công suất thiết kế 1,280 MW.
Bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Châu Á gió mùa, có mưa nhiều nên rất thích hợp cho việc khai thác thủy điện. Tổng cộng gần 200 dự án thủy điện đã xây dựng hay được trù liệu ở hạ lưu vực sông Cửu Long. Riêng tại Việt Nam hiện đang có 285 đập thủy điện lớn nhỏ, công suất từ hàng ngàn KW tới hàng trăm MW, đa số các công trình thủy điện nhỏ và vừa không có hồ chứa.
Tổng cộng các hồ chứa, thủy lợi và thủy điện, là 7,000 quy mô từ hàng ngàn đến nhiều tỉ mét khối nước. An toàn của các đập và hồ chứa nước ở Việt Nam là vấn đề rất đáng lo lắng do từ phẩm chất về xây dựng, quy trình vận hành và nhất là thực tế diễn biến của thời tiết không thể lường hết. Vụ vỡ đập vừa xảy ra ở Lào cho thấy cần có những biện pháp đề phòng chặt chẽ và đối phó mau chóng để tránh thảm họa.
Tai nạn vỡ đập tại Lào là vụ lớn nhất cho đến nay trong lưu vực sông Mekong, dù chưa phải ngay ở dòng chính sông Mekong mà chỉ là trên các phụ lưu. Dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy trên cao nguyên Bolaven gồm một hệ thống 7 đập và hồ chứa chính phụ, cách dòng chính sông Mekong khoảng 200 km và cách biên giới Việt Nam khoảng 650 km. Công trình 1.2 tỷ đô la này do một liên doanh Nam Hàn-Thái Lan thực hiện đã hoàn thành được 90% và tới giai đoạn bắt đầu tích nước để chuẩn bị họat động từ 2019.
Liên doanh xây dựng giải thích rằng mưa lớn bất thường vượt quá khả năng chứa của các hồ là nguyên nhân của thảm họa. Vào khoảng 20 giờ ngày 23 Tháng Bảy, 2018, một đập phụ có tên là “Saddle dam D” đã bị vỡ đổ ra 5 tỷ mét khối nước, gây lũ lụt cao tới 11 mét quét sạch nhà cửa ở 7 ngôi làng, làm ít nhất 27 người chết, hàng trăm mất tích và 6,500 người không nơi cư trú.
Ngày hôm sau nước lụt tràn xuống phía Nam qua biên giới sang tỉnh Stung Treng ở Cambodia và 25,000 dân Khmer phải bỏ nhà lánh nạn lên vùng đất cao.
Nhật báo Vientiane Times cho biết trong những ngày qua, tại Lào nhiều nơi vẫn đang xảy ra mưa lớn làm cho mực nước trên các sông nhánh và cả dòng chính Mekong tăng lên nhanh chóng. Nhiều đập thủy điện phải ngưng hoạt động để xả nước bảo đảm an ninh.
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam nói rằng nước sẽ lên cao nhưng đồng bằng Cửu Long không bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dự đoán đến ngày 31 Tháng Bảy, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3.2m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2.6m.
Cho dù tai nạn vỡ đập như ở tỉnh Champassk và Attapeu tại Lào vừa qua chỉ là tai họa rất ít khi xảy ra nhưng việc hình thành các đập thủy điện trên hệ thống sông Mekong vẫn là tác hại lâu dài đối với sinh kế của hàng triệu người. Mekong cho đến nay vẫn là con sông cung cấp một số lượng cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Cá tôm ít, mưu sinh sẽ khốn khó cho những người dân sống dọc theo sông Mekong từ Lào xuống đến Việt Nam.
Do nằm cuối dòng Mekong, lượng cá ở đồng bằng Cửu Long phụ thuộc vào lượng cá sông Tonle Sap và Biển Hồ tại Cambodia. Trong những năm gần đây lượng cá ở Biển Hồ cũng sút giảm nghiêm trọng, ít đi khoảng phân nửa so với trước kia. Khoảng 70% dân chúng trong lưu vực Mekong là dân nông thôn, sinh kế chủ yếu dựa vào thủy sản nội địa. Vì thế, việc hình thành các đập thủy điện trong lưu vực con sông này sẽ là mối đe dọa đối với sinh kế của hàng triệu người và gây mất an ninh lương thực.
Nếu tất cả 11 đập thủy điện trên dòng chính ở hạ lưu Mekong được xây dựng thì đến năm 2030, tài nguyên cá bị tổn thất vào khoảng 550,000-880,000 tấn, nghĩa là giảm 26%-42% so với năm 2000.
Ngoài lượng cá sụt giảm, đất trồng trọt ven sông Mekong có thể mất đến 54% để nhường diện tích cho các hồ chứa cùng với hệ thống truyền tải điện. Phù sa cũng sẽ tiếp tục giảm, tới lúc đó chỉ còn khoảng 42 triệu tấn/năm, nghĩa là bằng 25% so với hiện nay. Phù sa lơ lửng trong nước sông vô cùng quan trọng đối với việc vận chuyển dinh dưỡng, phân bón tự nhiên cho hệ sinh thái Tonle Sap cùng khoảng 23,000-28,000 km2 đồng bằng ngập lũ ở Cambodia và Việt Nam. Việc giảm phù sa thiên nhiên sẽ đòi hỏi phải bù đắp bằng phân bón tương đương $24 triệu/năm để duy trì năng suất nông nghiệp của các đồng bằng…
Về mặt kinh tế, ngoài lợi tức về điện lực, có thể thêm khả năng du lịch với các hồ thủy điện trở thành nơi giải trí cho du khách, tuy nhiên thu nhập sẽ chỉ có giới hạn. Nói chung, khó có thể phủ nhận lợi ích của thủy điện, tuy nhiên cũng như bất cứ vấn đề gì khác, sự quá đáng chắc chắn là có hại. Với nhiều điều kiện thuận lợi trong lưu vực sông Mekong, sự khai thác thủy điện tại đây sẽ khó có thể được giới hạn ở mức hợp lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét