Dù nhận nhiều hỗ trợ bảo tồn gấu của quốc tế, Việt Nam dường như vẫn chưa kiểm soát được tình trạng gấu bị lấy mật, đói khát hoặc bị giết dần mòn trong các trại nuôi.
Hiện có khoảng 1.300 con gấu đang được nuôi nhốt phục vụ mục đích lấy mật tại các trang trại khắp Việt Nam, theo National Geographic.
Gấu nuôi lấy mật tại Việt Nam đang đói khát và bị giết dần mòn, bởi nuôi chúng rất tốn kém mà thị trường mật gấu đã qua thời hoàng kim, theo tổ chức vận động giải phóng gấu, 'Free The Bears'.
Bỏ đói hoặc giết gấu
Việt Nam cấm khai thác mật gấu từ năm 2005, nhưng chính phủ vẫn cho các chủ trang trại giữ gấu. Lý do là các trung tâm cứu hộ thời điểm bấy giờ đều đã quá tải.
Tuy nhiên, đây được cho là lỗ hổng pháp lý khi gấu vẫn tiếp tục bị hút mật còn chính quyền dường như không kiểm soát được việc này.
Đáng lo ngại hơn là từ 4.000 con gấu năm 2006 vẫn được giữ trong các trại nuôi, vào năm 2015 bỗng sụt xuống chỉ còn ít hơn 1.300, theo nghiên cứu mới đây của Free The Bears.
Để tìm hiểu số gấu còn lại đi đâu và vì sao, Brian Crudge, quản lý chương trình Việt Nam của Free The Bears, đã phỏng vấn nhiều chủ nuôi gấu trong suốt năm 2016.
Trong số 66 người được hỏi, đại đa số nói nuôi gấu lấy mật không còn lãi như xưa. Một nửa trong số này khẳng định họ đã đóng cửa trang trại trong hơn hai thập kỷ qua.
Cũng một nửa trong số này khẳng định đã giết gấu, hoặc giảm tới 90% lượng thức ăn cho gấu vì mật chúng không còn giúp họ kiếm lời.
"Tôi không ngạc nhiên khi họ nói không thấy giá trị gì trong việc đầu tư thức ăn nuôi gấu và họ chỉ có thể giết chúng, bán lấy tiền", Crudge nói.
Việc giết gấu mang lại rất nhiều lợi nhuận cho những người nuôi đang gặp khó khăn.
Các bộ phận của gấu như răng, móng vuốt, chân, túi mật đều có thể bán giá với giá cao ở chợ đen. Chân gấu được dùng để phục vụ món súp, được cho là đặc sản, hoặc dùng ngâm rượu; răng và móng làm đồ trang sức; và túi mật dùng làm thuốc đông y.
Các trang trại gấu vốn tai tiếng vì sự vô nhân đạo. Gấu được mang tới khi còn nhỏ, nuôi nhốt trong lồng chật hẹp tới mức chúng khó để cử động. Mật gấu được lấy hàng ngày qua ống thông, gây đau đớn, theo Crudge.
Ảm đạm thị trường mật gấu
Nhu cầu mua mật từ gấu nuôi nhốt giảm, trong khi nguồn cung lại dư thừa, dẫn đến lợi nhuận giảm, nghiên cứu mới đây của Free The Bears cho hay.
Giá mật gấu được cho là đã rớt thê thảm từ năm 2010.
Trước đây, người bán than thở rằng mật gấu tự nhiên giá trị gấp 12 lần mật gấu nuôi nhốt. Họ tin là do mật gấu tự nhiên chất lượng hơn.
Tuy nhiên, cả mật gấu tự nhiên và nuôi nhốt đều giảm 13 lần trong những năm gần đây.
Mật gấu, vốn được Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, quảng cáo là chữa được bách bệnh, từ say rượu đến ung thư.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng mật gấu có thể điều trị hiệu quả một số vấn đề về gan, nhưng đấy là khi hoạt chất trong mật gấu đã được tổng hợp.
Ông Douglas MacMillan, Viện Bảo tồn Sinh thái Durrell thuộc Đại học Kent, cho rằng người tiêu dùng trẻ ở châu Á không thích thuốc cổ truyền như cha ông họ. Điều này giúp giải thích vì sao thị trường mật gấu đi xuống.
Các nhà bảo tồn lo ngại rằng trong bối cảnh đó, gấu sẽ bị giết hàng loạt tại các trại nuôi ở Việt Nam.
Cứu gấu cách nào?
Ông Tuấn Bendixsen, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Tổ chức Animal Asia cho rằng khảo sát của Free The Bears cho thấy Việt Nam không thể "kiểm soát việc chăn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp đang diễn ra trắng trợn và phổ biến".
Ông Tuấn cũng cho rằng khi Việt Nam vẫn để tồn tại các trại nuôi gấu thì số phận loài gấu ngựa vẫn nguy cấp.
"Cách duy nhất là đóng cửa toàn bộ các trang trại gấu tại Việt Nam càng nhanh càng tốt. Và xây dựng các khu bảo tồn thích hợp cho việc chăm sóc gấu [từng bị nuôi nhốt] suốt đời, và giảm nhu cầu tiêu thụ mật gấu thông qua nâng cao nhận thức", ông Tuấn phát biểu trên website của Animal Asia.
Bà Đỗ Thị Hồng Thanh, cán bộ Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) thì cho BBC hay có rất nhiều khó khăn trong bảo tồn gấu nói riêng và động vật hoang dã nói chung ở Việt Nam.
"Có một số nguyên nhân chính như sự chồng chéo về chức năng của các cơ quan; tệ nạn hối lộ; nạn bao che, bảo kê."
"Ngoài ra, các cơ quan chức năng tại Việt Nam không ưu tiên, chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này", bà Thanh nói với BBC từ Hà Nội.
Về khả năng chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam, bà Thanh nói "đó chỉ là vấn đề thời gian".
Năm 2017, Việt Nam cam kết chấm dứt nuôi gấu lấy mật bằng việc hứa chuyển tất cả số gấu còn lại sang các trung tâm cứu hộ. Những con gấu thường quá bị tổn thương để trở về tự nhiên, theo nghiên cứu của Free The Bears.
Với khoảng 900 con gấu vẫn còn bị giam cầm trên khắp Việt Nam, việc tìm kiếm đủ chỗ cho chúng sẽ là một thách thức.
Free The Bears, Animals Asia đều có trung tâm cứu hộ gấu tại Việt Nam. Được biết, hiện Free The Bears đang xây thêm trung tâm cứu hộ nữa để có đủ chỗ cho số gấu trên.
Đời gấu và lòng nhà chức trách
Mỹ Hằng, BBC Vietnamese
Với việc không kiểm soát được việc gấu tiếp tục bị lấy mật, thậm chí bị giết để bán cho chợ đen, chính quyền Việt Nam đang cho thấy sự thất bại trong quản lý, thực thi luật pháp, cũng như đảm bảo cam kết quốc tế.
Cách đây hơn chục năm, giới chức Việt Nam từng nghĩ ra cách cho phép chủ trại giữ lại gấu, với các điều kiện như không được hút mật chúng, không được nuôi thêm gấu mới, không giết gấu cũ.
Hà Nội thậm chí đã bỏ số tiền lớn để gắn chip toàn bộ 4.000 gấu được giữ lại các trại nuôi để tiện bề quản lý.
Nhưng hiện nay thực tế chứng minh các biện pháp này không mang lại hiệu quả gì.
Tận mắt xem cảnh gấu bị hút mật rên xiết khi chủ nuôi cắm phập mũi tiêm vào ngực chúng, hay nhìn những con gấu thảm hại, buồn bã lê lết trong những lồng giam chật chội, bẩn thỉu, mới thấy vì sao cần chấm dứt ngành công nghiệp lấy mật gấu vô nhân tính.
Đó là chưa nói tới số lượng gấu ngựa trong tự nhiên đang ngày càng suy giảm do bị săn bắn vô tội vạ.
Quốc tế đã trợ giúp Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực bảo tồn loài gấu ngựa quý hiếm. Từ mở trung tâm cứu hộ, khám chữa cho gấu bị thương tật do bị lấy mật hàng chục năm, cung cấp chip để chính quyền giám sát gấu nuôi, đến đào tạo cán bộ bảo tồn.
Đến Trung tâm Cứu hộ gấu tại Ba Vì, Hà Nội do Tổ chức Animal Asia thành lập và vận hành mới thấy đời gấu đã thay đổi thế nào. Mỗi con gấu ở đây đều có tên riêng, là tên của 'cha mẹ nuôi', những người tài trợ để cứu chúng.
Nhiều con bị mất tay, chân, răng, thậm chí phải phẫu thuật bỏ túi mật do bị hoại tử sau nhiều năm bị lấy mật. Nhưng con nào cũng vui tươi, mắt sáng, lông mượt, tung tăng chơi trong không gian xanh tươi và tự do.
Liệu số gấu còn lại, hiện đang đói khát trong các lồng giam chật hẹp tại nhiều địa phương, có chờ được 'đổi đời' như thế cho tới khi các trung tâm cứu hộ động vật mới được xây xong? Hay sẽ chết dần chết mòn?
Chỉ có nhà chức trách Việt Nam mới trả lời được câu hỏi này. Mọi hỗ trợ có thể, quốc tế đã cung ứng cho họ rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét