Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

4160 - Một thời xuôi ngược xe Lam Sài Gòn




Một chiếc xe Lam còn sót lại ở miền Nam Việt Nam. Hình chụp năm 2006. (Hình: Wikipedia)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) –  Trong một dịp đi cùng người bạn Việt kiều Mỹ qua khu Lộ Đá Đỏ, quận 8, lúc nhìn cái xe Lam đi lấy rác từng nhà, từ sau xe gắn máy, anh bạn vỗ vai tôi hỏi: “Ê cái xe đó có phải là xe Lam không?”
Khi xác định cho anh đó là chiếc xe Lam chở khách từng xuôi ngược khắp các đường phố Sài Gòn-Gia Định trước 1975, anh kêu lên: “Trời ơi, sau bây giờ nó thảm quá!” Thật vậy, chiếc xe Lam trước mắt chúng tôi đã được “sáng kiến cải tiến” để trở thành chiếc xe chở rác, và đó là công dụng duy nhất của “đời” một loại xe vận tải công cộng vốn đã cùng với xe xích lô, xe xích lô máy, taxi… làm nên hình ảnh giao thông Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông.
Tôi nói với anh bạn Việt kiều, “nó gặp may với nghề đổ rác, nhờ vậy mà thoát khỏi mắt cảnh sát giao thông, chớ chế độ cấm nó sống như đã cấm xích lô, ba gác.”
Thật ra dù ngày nay xe Lam mang phận xe lấy rác, nhưng nếu nhìn lại để so bì thì đúng là không dòng xe vận tải công cộng nào ở Sài Gòn có nguồn gốc quí tộc Ý Đại Lợi như xe Lam.
Tên gọi chính thức của loại xe chở khách ba bánh này là Lambretta và sau đó là Lambro. Khoảng những năm 1966-1967 của thế kỷ trước, lúc các xe thổ mộ do ngựa kéo vẫn còn thịnh hành đưa đón khách thì chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho phép nhập xe Lam vào để thay thế.
Kết quả hình ảnh cho xe lam 1975
Giá một chiếc xe Lam vào thời đó tại Sài Gòn khoản 30 cây vàng, nhưng với chương trình mang tên “Hữu sản hóa” nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những lao động cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống giới thợ thuyền, người nghèo và phát triển hạ tầng cơ sở vận tải, trong đó có việc cho vay vốn và được trả góp để mua taxi và xe Lam hành nghề đem lại nhiều lợi nhuận cho người chủ xe.
Những người lớn tuổi sống ở Sài Gòn vẫn nhớ cái cảm giác đứng bên đường đưa tay ngoắc xe Lam bởi loại xe này đón khách không cần có trạm. Riêng người trẻ, cảnh ngồi trên yên kê hai bên thùng xe mỗi lúc xe chật, hành khách dù là nữ hay nam, trẻ hay già đều không tránh được cảm giác tìm thấy hơi ấm của phần thân thể người đồng hành do chạm vào nhau.
Nhưng thú vị hơn hết là ngồi băng ghế bên này ngắm ngó các hành khách ngồi băng ghế bên kia, vì là loại xe ba bánh nên lúc lạng lách, tránh né xe Lam cũng ẻo lả hơn loại xe khác, thành ra có khi hành khách phải khom người theo xe, “được” xe đưa đẩy chồm về phía trước xém chạm mặt người đối diện.
Khách của xe Lam thường là giới lao động, tiểu thương, sinh viên, học sinh. Nhưng người Sài Gòn xưa với cốt cách văn minh vốn có nên dù đi xe Lam vẫn có cách nhường ghế ngồi; khi nhường ghế cho người già hay phụ nữ có thai, họ tuột xuống thùng xe ngồi chồm hổm hay ngồi bẹp là chuyện thường thấy. Tuy nhiên đi xe Lam gặp ngày xui, không cẩn thận cũng dễ bị rạch giỏ xách hay bị móc túi, thời nào cũng có người xấu mà.
Ngày nay ở đô thị lớn nhất Việt Nam nhưng bị mất tên, người thị dân cũng không còn thói quen đặt tên theo nghề nghiệp của nhau nữa. Những anh Sáu xe Lam, ông Ba xích lô. chú Mười taxi, cách gọi thân thương đó có khi người sống cùng một phố, một hẻm cứ nhè vậy mà gọi đến mức không còn ai nhớ tên thật.
Chúng tôi đến ngã tư An Sương để hỏi chuyện một người từng chạy xe Lam tuyến Hóc Môn-Chợ Lớn. Điều không ngờ là sau mấy chục năm bỏ nghề vậy mà lúc hỏi thăm, một bà bán xôi ở đầu hẻm vẫn còn nhớ, “Hỏi nhà ông Tiếp xe Lam hả, nhà đằng đó, sáng nào ổng cũng ngồi trước cửa ngó ra đường, tới giớ cơm trưa mới vô nhà.”
Ông Tiếp xe Lam khoảng tuổi tám mươi, nói: “Phải mấy chú đến sớm mấy chục năm thì cái xe Lam của tui còn đậu ở góc sân, đậu đó cho con nít nó leo trèo chơi chớ làm ăn được gì nữa. Từ hồi mấy ổng vô, không có xăng, chạy bằng dầu hôi được mấy năm là banh cái xe.”
Rồi ông nói như tâm sự: “Tui nói mấy chú không tin chớ có thời tui chạy một ngày ăn cả tháng, nhờ nó mà nuôi được gia đình con cái ăn học đàng hoàng.”
Để chia sẻ với ông, chúng tôi kể chuyện, có người bạn Việt kiều Mỹ muốn mua lại chiếc xe Lam còn coi được để tân trang làm xe cổ chạy lấy le chơi mỗi khi về Việt Nam, vì ba người bạn này trước đây cũng là dân chạy xe Lam.
Nếu người ta biết, số lượng xe Lam riêng tại Sài Gòn là 2,300 chiếc xe vào đầu thập niên 1960, sang thập niên 1970 thì tăng lên 4,000 chiếc, toàn miền Nam Việt Nam có hơn 30,000 chiếc và biết thêm rằng dòng xe này không chỉ được nhập cảng từ quê hương của chuyện tình tuyệt đẹp được dựng thành phim Romeo & Juliet mà còn được các nhà thơ, thi sĩ Sài Gòn trước đây đưa vào sáng tác của mình.
Ngày nay nhìn thầy chiếc xe Lam vang bóng một thời lê lết tả tơi với nghề hốt rác khiến người ta nhớ lại bao kỷ niệm êm đềm cùng với tiếng pô xe, mùi xăng pha nhớt thơm, màu sắc trang trí thùng xe bắt mắt… trong những chuyến đi về sáng, chiều tạo nên nhịp sống cộng đồng người Sài Gòn tử tế, văn minh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét