Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

4168 - Vì sao Trương Minh Tuấn vẫn nguyên chức Phó Ban Tuyên giáo TW?


Dù rằng ngay từ ban đầu, khi Đại Án Mobifone mua AVG sau một thời gian dài không bưng bít nổi, buộc phải đưa ra ánh sáng. Khi đó các nhà bình luận chính trị trong nước và quốc tế đều có một nhận định chung khi cho rằng, những thất thoát trong tài sản nhà nước trong vụ án Đinh La Thăng và đồng bọn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trước đây, nếu so với việc cố ý làm trái trong vụ án Mobifone mua AVG đã gây thất thoát đến hơn 7.000 tỷ của nhóm tội phạm này thì có thể thấy một con muỗi đặt cạnh một con Voi. Nghiêm trọng hơn, người giữ vai trò đầu vụ tham nhũng như đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” lại là Phó Ban Tuyên giáo TW - Bộ trưởng Bộ TT & TT Trương Minh Tuấn. Và chắc chắn Tổng Bí thư Trọng muốn bỏ qua cũng không được.
Tuy nhiên, đến ngày 12/7/2018, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét hình thức thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn. Theo đó đa số tập thể Bộ Chính trị đã thống nhất kỷ luật ông Tuấn bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2016 - 2021, với lý do đã có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước liên quan vụ MobiFone mua 95% cổ phần Công ty Cổ Phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG). Và ngày 16/7, Bộ Chính trị đã có quyết định về việc bố trí cán bộ đối với Uỷ viên Trung ương Đảng Trương Minh Tuấn bằng hình thức, thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông để giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Trên cơ sở đó, hàng loạt các quyết định kỷ luật đối với ông Trương Minh Tuấn mang tính hình thức đã được triển khai. Cụ thể, ngày 18/7/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Tuấn và tiếp đó ngày 23/7, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, ký quyết định đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền Thông nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Tuấn.
Dư luận xã hội đánh giá cho rằng, diều này đã hoàn toàn không giống như quy trình xử lý rốt ráo cựu Ủy viên Bộ Chính trị -  kiêm Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng trước đây. Khi đó, sau khi có Kết luận chính thức của Ủy Ban Kiểm tra TW tới khi ông Đinh La Thăng bị bắt rồi đưa ra xét xử hết sức nhanh chỉ vỏn vẹn vài ba tháng.
Cũng cần phải nhắc lại, trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), với giá cao ngất ngưởng tới 8.889,815 tỉ đồng, chênh lệc với giá trị thực có của AVG chỉ đáng giá vài trăm tỷ (hay không quá 1.000 tỷ) đã gây thiệt hại cho nhà nước ít nhất là hơn 7.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, người ta không thể bỏ qua một thông tin từ báo chí nhà nước cho biết, "Vụ Mobifone mua cổ phần AVG: 6 người nhận hơn 8.051 tỷ" (bit.ly/2mN9d0p). Theo đó, trong thương vụ Mobifone mua lại cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG), các cá nhân nhận đa số (khoảng 8.051 tỷ đồng) trong tổng giá trị của thương vụ là 8.889,8 tỷ đồng.
Theo nhà báo Nguyễn Quốc Phong - Nguyên Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên đã tiết lộ trên FB cá nhân của mình rằng, "... khi lãnh đạo Mobifone cử 1 trưởng phòng chuyên môn thẩm định giá và cho biết quan điểm của mình. Anh này đã mạnh dạn khuyến cáo rằng không nên mua. Còn nếu buộc phải mua vì ai đó thì theo anh, cũng không nên mua quá cái giá 100 triệu đô la. Không hiểu sao sau cái nhận xét trung thực đó, anh ấy không còn được ở cương vị lãnh đạo phòng này nữa mà phải chuyển sang nơi khác . Và sau đó nó được người ta thổi lên gấp 4 lần, giá 390 triệu đô la thì kinh khủng quá !"
Trong cuộc họp của Ban Bí thư ngày 8/3/2018 để xem xét việc công ty MobiFone mua 95% cổ phần của AGV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đánh giá rằng “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm” và đồng thời đã có công văn số 6106-CV/VPTW ngày 8/3/2018 về việc chỉ đạo việc xử lý vụ “Mobifone mua 95% AVG”. Theo đó đã Tổng Bí thư đã chỉ đạo các cơ quan liên quan “khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát”.
Cũng như, trong phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng chiều ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, "Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật'" (bit.ly/2yKXbO6). Phát biểu nói trên của Tổng Bí thư Trọng đã làm cho nhiều người còn nhớ rằng, chỉ trước đây ít tháng, cũng tại cuộc tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, ông Tổng Bí thư đã từng khẳng định rằng “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy“.
Vậy tại sao thanh "củi gộc" Trương Minh Tuấn cho đến nay vẫn chưa được ông Tổng Bí thư Trọng ưu ái tống vào lò, cho dù Kết luận của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã đánh giá đó là những sai phạm rất nghiêm trọng?
Trở lại với những thông tin của nhà báo Nguyễn Quốc Phong cho rằng:
  1. "...Trương Minh Tuấn đâu có phụ trách mảng doanh nghiệp viễn thông,tại sao anh ấy lại phải ký chuyện này." 
  2. Và "...cái kịch bản mua 95 % cổ phần của AVG của Mobifone do bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo có lớp lang,bài bản và khá hoàn hảo và buộc bộ phải làm thật nhanh, trước Đại hội Đảng 12 nếu không muốn nhận thất bại.". 
  3. Cộng với thông tin "Vì muốn bưng bít thông tin cũng như muốn dập tắt các ý kiến phản biện của thương vụ đầy khuất tất này, Bộ TT và TT đã đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Dẫu rằng họ thừa biết rằng vấn đề này là nằm ngoài phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Công an nhưng họ vẫn cứ tiến hành, để sau đó 2 Bộ Công An và Bộ TT & TT đã lập tức xếp thương vụ này vào loại “Mật”. "
Đây sẽ là vấn đề mấu chốt nhất, nếu chúng ta biết rằng Thứ trưởng Công An Tô Lâm và Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trước Đại hội 12 đảng CSVN đều nhăm nhe chiếc ghế Bộ trưởng hai bộ vừa kể. Song Quan trọng là, để đạt được mục đích đó thì 2 ứng viên này phải chạy vào Ban Chấp Hành Trung ương bằng được đối với tướng Tô Lâm để lọt vào Bộ Chính trị, cũng như chạy Ban Tổ chức Trung ương để trúng Ủy Viên Trung ương bằng mọi giá đối với Trương Minh Tuấn. Mà nói đến việc chạy vào các vị trí đó thì phải cần rất nhiều tiền, như triết lý " Cái gì không mua được bằng tiền, thì phải mua bằng rất nhiều tiền" của ông trùm mafia Năm Cam. Động cơ đó chính là nguồn cơn của phi vụ MobiFone mà AVG, chắc chắn số tiền chạy chọt đó đã nằm gọn trong túi các quan chức cỡ lớn trong đảng. Vì thế, nếu việc xử lý vụ việc mua AVG đến nơi đến chốn như Đinh la Thăng thì lấy gì đảm bảo rằng các bí mật đó không bị Trương Minh Tuấn bật mí?
Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà sau khi ông Trương Minh Tuấn nhậm chức Bộ trưởng Bộ TT&TT ít lâu, lập tức lai được Tổng Bí thư Trọng ưu ái cho chiếc ghế Phó Ban Tuyên giáo TW. Như thế thì lấy gì đảm bảo ông Nguyễn Phú Trọng không dính dáng gì đến cuộc "mua quan, bán chức" vừa kể trước và trong đại hội 12? Điều đó phần nào cho thấy, vì sao ông Trọng lại từ chối kiến nghị công khai tài sản cá nhân, một điều mà lẽ ra trong cương vị người đứng đầu đảng kiên quyết chống tham nhũng hết sức cần thiết phải làm?
Trong bài viết "Vì sao Nguyễn Phú Trọng là một thảm họa lâu dài của đất nước?" đăng trên trang blog của RFA cách đây chưa lâu (bit.ly/2tx2Ult) tôi đã khẳng định, "Từ trước đến nay, mọi quyết định hay hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ với mục đích phục vụ cho quyền lợi của cá nhân và phe nhóm của mình, mà không hề quan tâm đến vận mệnh, lợi ích quốc gia của dân tộc Việt Nam. Một kẻ lãnh đạo trục lợi như thế, cộng với thứ tư duy nô lệ "cõng Rắn cắn Gà nhà", nhất cử nhất động dựa vào Trung Quốc một quốc gia vốn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ là một thảm họa lâu dài của đất nước.".
Các bạn Dư luận viên và những người vẫn tin vào quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lâu nay có ý kiến gì không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét