Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

6333 - Họ cứu nền tài chánh thế giới, nhưng làm người ta thù ghét họ




Bộ Trưởng Tài Chính Tim Geithner (phải) phát biểu sau khi Tổng Thống Barack Obama tuyên bố lựa chọn ông Jacob Lew làm bộ trưởng Tài Chính kế tiếp, tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 10 Tháng Giêng, 2013, tại Washington, DC. (Hình: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)



Khó có thể nói mạnh hơn sự giận dữ mà quần chúng các nước phương Tây, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, tỏ ra đối với phản ứng của chính phủ họ trong cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008. Nó đã giúp uốn nắn thập niên vừa qua của chính trị Mỹ, nuôi dưỡng sự nghi ngờ của quần chúng đối với các định chế chính trị, tạo ra một sự phân hóa trong lập trường chính trị bỏ khu trung tâm đi sang hai thái cực tả và hữu về ý thức hệ.
Khi các nhà ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chánh thế giới nhảy vào cứu các công ty tài chánh toàn cầu trong cuộc khủng hoảng năm 2008 thì không có bao nhiêu tranh cãi trong việc phải làm những hành động gì.
Các ông như Henry Paulson – bộ trưởng Tài Chánh của Tổng Thống George W. Bush, Tim Geithner – bộ trưởng Tài Chánh đầu tiên của Tổng Thống Barack Obama, và Ben Bernanke – thống đốc hệ thống Federal Reserve, trên một phương diện nào đó đều là những người bảo thủ theo ý nghĩa đẹp nhất của nó. Họ là những người tìm cách bảo vệ một hệ thống mà họ thừa hưởng.
Thành ra chiến lược của họ là hàn gắn một cách mau nhất hệ thống. Mục tiêu không phải là tạo ra một Wall Street mới mà là làm sao để cho tư bản tiếp tục lưu thông qua nền kinh tế toàn cầu trong lúc giảm thiểu đến mức tối đa mức độ và thời gian của cuộc suy thoái kinh tế mà cuộc khủng hoảng tạo ra.
Ðến nay hầu hết mọi người đều công nhận rằng các chính sách mà họ đưa ra – bỏ tiền cứu cho các ngân hàng không bị phá sản, liên tục in tiền mua trái phiếu các công ty và một loạt các chương trình kích thích kinh tế qua ngân sách – là những chính sách đúng đắn. Tuy rằng các nước phương Tây phải chịu một tình trạng trì trệ kinh tế với lương bổng công nhân không tăng bao nhiêu trong suốt 10 năm qua, họ đã không phải chịu bao nhiêu hậu quả của một cuộc suy thoái kinh tế thật sự.
Mặc dầu vậy, 10 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chánh bắt đầu (tính từ lúc Ngân Hàng Lehman Brothers phá sản) ta hãy thử xét lại cái giá phi kinh tế mà các chính sách tạo ra cho các chính thể phương Tây, nhất là khi có nhiều tiếng chuông báo động về một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai gần.
Cách đối kháng rõ rệt nhất đối với chính sách được các nhà ngân hàng trung ương đưa ra là chính sách chấp nhận một cuộc suy thoái kinh tế sâu đậm nhưng có thể là không kéo dài. Chính sách này có nhiều triển vọng sẽ dẫn đến một sự xuống giá mạnh mẽ các tích sản tài chánh (cổ phiếu, trái phiếu…) nhưng cũng có triển vọng kích thích một cuộc phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Ðó chính là chính sách ủng hộ của một số nhà kinh tế thuộc trường phái tự do.
Tuy nhiên chính sách này cũng có có quá nhiều hệ quả xã hội khốc liệt tỷ như phá sản hàng loạt các công ty và thất nghiệp lên đến một mức mà xã hội khó có thể chấp thuận được. Thành ra không có gì lạ nếu các nhà làm chính sách lúc đó không lựa chọn giải pháp này.
Mặc dầu vậy, các ngân hàng trung ương còn có thể có nhiều cách khác để cứu vãn nền kinh tế thay vì cứu các ngân hàng và in tiền. Chúng ta không thể nào biết được cái gì là tốt nhất. Chẳng hạn thay vì bỏ tiền để cứu các ngân hàng, nếu ông Geithner quốc hữu hóa các ngân hàng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhân và quả trong kinh tế quá phức tạp để ta có thể biết.
Tuy nhiên điều chúng ta có thể làm được là nhìn vào các hệ quả phụ của các chính sách này và đặt câu hỏi rằng những giá phải trả có quá đắt hay không.
Chính sách tiền tệ siêu cởi mở, QE và lãi suất hầu như bằng không được hệ thống Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ Federal Reserve và Ngân Hàng Anh Quốc giải thích không phải chỉ ngăn chặn việc phá sản của các công ty hoặc cá nhân mà còn đẩy giá các tích sản tài chánh lên thành ra hệ quả giàu sang (wealth effect) – khái niệm rằng nếu bạn cảm thấy có tiền bạn sẽ tiêu nhiều hơn – sẽ kích thích tiêu thụ và qua đó làm kinh tế phục hồi.
Cả hai điều mà các ngân hàng tiên đoán đều đúng. Nhưng nó cũng mang lại những hậu quả tai hại. Không nói đến những hậu quả cá biệt, tỉ như liệu một nhà thầu xây cất nợ như chúa chổm có thể thoát qua được việc phân phối lại tài nguyên của một cuộc suy thoái kinh tế thật sự và sau đó thành công lớn trong chính trị hay không; nhưng hậu quả ròng của chính sách này cũng là một sự phân phối tài nguyên khổng lồ theo chiều ngược lại.
Những người giàu có, và những người ở trong vị thế có thể đi vay và chấp nhận rủi ro trở nên giàu có hơn. Lấy một thí dụ đơn giản, ta có thể tưởng tượng một người, đàn ông hoặc đàn bà, trong tuổi trung niên ở Luân Ðôn hay một trong những thành phố như Los Angeles, San Francisco hoặc New York với một món nợ cầm cố nhà lớn và một “port folio” tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán vào năm 2008. Nếu anh hay chị ta không bị mất việc, anh/ chị ta có một thập niên huy hoàng. Chi phí trả nợ nhà đi xuống, thu nhập sau thuế và trả nợ tăng và tài sản tăng gấp đôi. Ngoài ra nếu anh/chị ta làm việc trong ngành tài chánh thì tình trạng kinh tế lại càng tốt hơn nữa.
Mặt khác ta có những người phải chịu 10 năm bị trừng phạt vì tin tưởng vào tiết kiệm. Họ là những người gởi tiền tiết kiệm ở ngân hàng mà với lãi suất gần bằng không, trong lúc lạm phát trên 2% thấy số tiền vốn của mình mỗi ngày một giảm sút tính theo sức mua. Họ là những người già sống nhờ tiền hưu mà mức độ thu nhập càng ngày càng đi xuống.
Cách đây 10 năm, một số tiền vốn hưu bổng $200,000 có thể đủ để cho một lợi tức $10,000 một năm. Ngày nay phải cần đến $500,000. Và cố nhiên với giá nhà tại nhiều nơi lên vùn vụt nhiều người trẻ không còn có thể nào tính đến chuyện làm chủ căn nhà mình ở. Cộng thêm với việc cắt giảm các dịch vụ công ích của các chính quyền tiểu bang và địa phương, cùng với lương bổng trì trệ thì ta có thể thấy tầm mức của vấn đề.
Các nhà tâm lý đã chứng minh rằng người ta có một tình cảm tự nhiên sâu đậm đối với những bất công. Thành ra với thời gian càng ngày càng kéo dài, một tập thể cử tri càng ngày càng đông trở nên giận dữ đủ để quyết tâm bỏ phiếu lấy lại những món tiền từ tay những kẻ mà họ cho là làm giầu một cách không công bằng. Ðó là vì sao các câu chuyện chính trị nay tập trung không phải là vào tạo ra của cải mà làm sao phân chia lại của cải.
Các nhà làm chính sách đã cứu hệ thống tài chánh quốc tế khỏi sụp đổ, nhưng dân chúng vì vậy không tha thứ cho họ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét