Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

6361 - Nhất thể hóa: Cơ hội nào cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Kami

Việc lựa chọn một người thay thế Chủ tịch Nước Trần Đại Quang vừa qua đời, đã làm vấn đề nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước nóng trở lại.
Trước ngày khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 - Khóa XII (Hội nghị Trung ương 8), dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 02/10/1018, chiều 30/9/2016, Bộ Chính trị đảng CSVN đã họp thống nhất các phương án về nhân sự Chủ tịch Nước để trình Hội nghị Trung ương 8, lấy biểu quyết của các Ủy viên Trung ương đảng. Một trong những phương án hàng đầu được chú ý, là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được giới thiệu kiêm nhiệm luôn cả chức Chủ tịch Nước. Nghĩa là việc nhất thể hóa hai chức danh đảng và chính quyền sẽ được gần 200 Ủy viên Trung ương đảng khóa 12 quyết định.
Thực ra vấn đề nhất thể hóa các chức danh Bí thư và Chủ tịch không có gì là mới, mà nó chỉ là sự sao chép của mô hình đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng từ nhiều năm nay. Vấn đề này, ngay vào các năm 2012 - 2013, đã từng được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khi đó đang chiếm thế thượng phong, ủng hộ và nhiều lần đề nghi Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét và quyết định. Song đề nghị này khi đó, luôn bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên quyết bác bỏ. Với lý do, một người giữ quá nhiều quyền hạn như thế thì không thể kiểm soát nổi sẽ dẫn tới độc tài. Khi ấy đã có không ít người thắc mắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một người được cho là thân Trung Quốc, song tại sao lại phản bác mô hình của Trung Quốc mà ông Nguyễn Tấn Dũng định áp dụng như vậy? Điều đó đến nay được xới lại, đã cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một kẻ tiền hậu bất nhất, nếu không nói là thủ đoạn trong chính trị.
Ở các quốc gia có nền chính trị dân chủ tiến bộ trên thế giới, người dân chỉ biết duy nhất một chức danh Tổng thống hay Thủ tướng... do họ bầu ra. Còn chức danh người đứng đầu của các đảng chính trị, thì là chuyện nội bộ của các đảng và người dân ít người quan tâm. Cho dù người đứng đầu các đảng chính trị đó thường vẫn giữ các trọng trách cao nhất như vừa nêu.
Trên thực tế mọi cấp chính quyền ở Việt Nam hiện nay tồn tại song trùng 2 bộ máy điều hành, là bộ máy đảng và bộ máy của chính quyền. Ở cấp trung ương, hay cấp tỉnh thậm chí là cấp huyện, bên chính quyền có bao nhiêu Bộ, ngành thì bên đảng cũng có tương tự bấy nhiêu ban, để chỉ đạo một vấn đề, một công việc. Trong cơ chế đảng lãnh đạo thì trưởng các bộ, ban, ngành chỉ đóng vai cấp phó và chịu sự lãnh đạo của những người không có kiến thức và trình độ. Sự tồn tại này không chỉ gây lãng phí về vấn đề ngân sách, hay các chủ trương chính sách không phù hợp, thiết thực. Cũng như, sự điều hành theo cơ chế này mang tính chồng chéo, trùng lặp đã dẫn tới thiếu hiệu quả và không có ai chịu trách nhiệm.
Vì thế, việc nhất thể hóa là một điều hết sức cần thiết tạo điều kiện tinh giản bộ máy đang quá song trùng giữa các cơ quan đảng và chính phủ. Nó sẽ là bước khởi đầu cho việc xóa bỏ cơ chế lãnh đạo (vua) tập thể như hiện nay. Trong phạm vi cục bộ ở thượng tầng, thì sự hợp nhất các chức danh này là sự tinh giản cần thiết cho một bộ máy nhà nước gọn nhẹ hơn và sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Như đã nêu, việc nhất thể hóa hai chức danh đảng và chính quyền sẽ thuộc về ý chí của gần 200 Ủy viên Trung ương đảng quyết định và bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ là  một trên gần 200 phiếu biểu quyết. Song chuyến thăm của nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Triệu Lạc Tế - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Trưởng ban Kiểm tra kỷ luật TW Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày này, giữa lúc ban lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc chọn phương án thay thế Chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời. Là cơ sở để khẳng định, việc thống nhất nhất thể hóa hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước có khả năng hết sức cao.
Trước đây, khi bàn đến vấn đề nhất thể hóa và so sánh đặc thù của chính trị của Việt Nam và Trung quốc, người ta cho rằng đặc thù của chính trị Trung quốc là tập quyền, điều đó khác với sự tản quyền - vua tập thể của chính trị Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kéo bè, kéo cánh để triệt hạ lẫn nhau, nhằm mục đích tranh giành quyền lực trong hệ thống chính trị Việt Nam. Việc hàng loạt các ứng viên cho chức Tổng Bí thư lần lượt mắc những căn bệnh hiểm nghèo, phải rời bỏ chính trường trong thời gian gần đây đã cho thấy điều đó.
Tuy vậy, một nhân sự có đầy đủ năng lực để có thể đảm nhiệm một trọng trách kiêm nhiệm cả hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước trong ban lãnh đạo đảng CSVN trong 2 năm trước mắt, cũng như sau Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 vào năm 2021 thì chưa thấy một khuôn mặt nào khả dĩ.
Chính vì thế, kể cả nếu có kết quả biểu quyết của Hội nghị Trung ương 8, lựa chọn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm thêm chức Chủ tịch Nước cũng chỉ là một lựa chọn khiên cưỡng. Với các lý do:
Thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng trước ánh mắt "mang hình viên đạn" của vợ con ông Trần Đại Quang cũng như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Lễ Quốc tang của Chủ tịch Nước, đã cho thấy uy tín trong đảng của ông Tổng Bí thư đã và đang có vấn đề. Trong lúc người ta cho rằng, cái chết của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang phần nào ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm.
Khi cổ vũ cho việc nhất thể hóa chức danh, có ý kiến cho rằng, "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ.". Nếu đối chiếu với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 28/09/2013 khi cho rằng, "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng" đã cho thấy điều đó.
Nhân sự kiêm nhiệm cả 2 chức danh trong vấn đề nhất thể hóa phải đòi hỏi có khả năng điều hành cả chính phủ. Nghĩa là trong trường hợp ông Tổng Bí thư hiện nay được bầu chọn để kiêm nhiệm, thì ông Trọng phả có khả năng điều hành cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đang ngấp nghé ghế Tổng Bí thư Đại hội 13. Đó là điều khó, nhất là khi ông Trọng vẫn đeo đẳng thứ tư duy Chủ Nghĩa Xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhất là khi Tổng thông Hoa Kỳ Donald Trump vừa kêu gọi các nước "chống lại chủ nghĩa xã hội" trong bài phát biểu hôm 25/9/2018 tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York.
Điều quan trọng hơn, là kết quả thất bại bước đầu của ông Tập Cận Bình trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung quốc, đang diễn ra là một cảnh báo sự sai lầm của việc dùng ý chí chủ quan của một cá nhân đứng đầu quốc gia độc đảng (cầm quyền) như ở Trung Quốc. Cho dù việc đào tạo một người có đầy đủ năng lực cũng như phẩm chất của ông Tập thì hơn hẳn cách chuẩn bị nhân sự cho thế hệ lãnh đạo mang tính tạm bợ và chắp vá như ở Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh phương án thứ nhất Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn cả chức Chủ tịch Nước đến cuối nhiệm kỳ vào năm 2021, thì còn phương án thứ 2 là ông Trần Quốc Vượng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư sẽ thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kiêm chức Chủ tịch Nước. Và ông Trọng sẽ đảm trách vai trò cố vấn đến năm 2021. Đáng chú ý là thời gian gần đây, ông Vượng có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh hơn hẳn ông Trọng, chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 19-23/8/2018 của ông Trần Quốc Vượng đã cho thấy điều đó.
Không ít người hy vọng, vấn đề nhất thể hóa chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực cho các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Song vẫn với các khuôn mặt ban lãnh đạo Việt Nam cũ kỹ, già nua và bảo thủ như hiện nay thì những suy nghĩ đó cũng sẽ trở nên vô vọng. 
Vì cái gốc của vấn đề, không đơn giản chỉ là việc cần có một chức danh đứng đầu nhà nước có quyền lực thực sự. Mà nó nằm ở sự đòi hỏi có được một thể chế chính trị tiến bộ, chấp nhận sự cạnh tranh chính trị. Đó mới là cái cốt lõi của vấn đề. Nếu không thì tất cả cũng chỉ là chuyện thay bình mới mà rượu vẫn cũ.

http://www.rfavietnam.com/node/4726

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét