Ông Kavanaugh điều trần tại Thượng Viện.
Cho dù cả Tổng thống Mỹ lẫn các chính khách của Đảng Cộng hòa hết sức sốt ruột nhưng họ vẫn chưa thể đưa Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện… Đem chuyện chính trường Mỹ so với hiện tình chính trường Việt Nam ắt sẽ thấy “Đảng ta vĩ đại thật”!
Tối cao Pháp viện Mỹ là một Hội đồng với chín thẩm phán và là định chế đứng đầu hệ thống tư pháp của Mỹ. Mỗi thẩm phán trong số chín thẩm phán này được Tổng thống Mỹ lựa chọn – giới thiệu với Thượng viện. Thượng viện sẽ xem xét – bỏ phiếu chấp nhận hay từ chối.
Nếu được Thượng viện phê chuẩn, người được đề cử sẽ trở thành Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, cùng với tám thẩm phán còn lại có quyền giải thích Hiến pháp, xác định các đạo luật liên bang hay tiểu bang, hành động của chính phủ liên bang hoặc chính quyền các tiểu bang là hợp hiến hay vi hiến. Chưa kể Hội đồng Thẩm phán của Tối cao Pháp viện còn có quyền phân định đủ loại tranh chấp, bất đồng là đúng – sai, phải – trái. Phán quyết của Tối cao Pháp viện là chung thẩm, không xét lại nữa.
Đó cũng là lý do tổ chức chính trị nào tại Mỹ cũng muốn các thẩm phán ủng hộ - chia sẻ quan điểm của mình chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện. Đạt được mục tiêu đó, Tối cao Pháp viện sẽ là nơi giúp tổ chức chính trị giải quyết những vấn đề hóc búa, chẳng hạn như cho phép phá thai hay cấm mà vì nhiều lý do, lập pháp thúc thủ, hành pháp bó tay bởi không thể dung hòa những khác biệt nhận thức, lợi ích cả trong hệ thống lập pháp, hành pháp lẫn dân chúng.
Từ đầu tháng 8 tới nay, sau khi Thẩm phán Anthony Kennedy từ chức vì tuổi cao, sức yếu, Tối cao Pháp viện Mỹ thiếu một người. Tám thẩm phán đương nhiệm trong Tối cao Pháp viện có bốn do các Tổng thống là người của Đảng Cộng hòa đề cử, bốn còn lại do các Tổng thống là người của Đảng Dân chủ đề cử.
Tổng thống Donald Trump đã chọn – giới thiệu Thẩm phán Brett Kavanaugh, một người nhiệt thành ủng hộ các quan điểm của Đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện. Thượng viện Hoa Kỳ với 100 ghế, các thành viên Đảng Cộng hòa đang giữ tới 51 phiếu thành ra chuyện đưa thêm một thẩm phán ủng hộ Đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện tưởng như sẽ là tất nhiên...
Không ai dè việc thực hiện “chủ trương lớn” của Đảng Cộng hòa gặp trục trặc. Bà Christine Ford – một giảng viên đại học, đột nhiên tố cáo, cách nay 34 năm, Thẩm phán Kavanaugh toan cưỡng bức bà khi cả hai đang học trung học... Lúc đầu, cả Tổng thống Trump lẫn giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa cùng cho rằng, tố cáo của bà Ford là chuyện… tầm ruồng, không thể xác minh, kết luận phải – trái, đúng – sai vì đã xảy ra cách nay ba thập niên, thậm chí lên án tố cáo ấy là âm mưu của Đảng Dân chủ - “thế lực thù địch, phản động” nhưng phản ứng của công chúng đã buộc họ phải nhượng bộ...
Ngày 27 tháng 9, Ủy ban Tư pháp của Thượng viện phải tổ chức một buổi điều trần, nghe cả bà Ford lẫn Thẩm phán Kavanaugh. Buổi điều trần được nhiều người xem là “đầy kịch tính”: Một Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa bị các nạn nhân của những vụ tấn công tình dục bao vây, chất vấn (1). Hai nữ Thượng nghị sĩ cũng của Đảng Cộng hòa cho rằng, điều trần chưa đủ. Cho đến giờ này vẫn chưa thể xác định bà Ford tố thật hay tố điêu nhưng Tổng thống Trump rồi các thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp của Thượng viện cùng lui thêm một bước: Yêu cầu FBI điều tra – như bà Ford và nhiều người khác đã từng đề nghị.
Chỉ vài giờ sau cuộc điều trần, tạp chí America của Jesuit (người Việt quen gọi là Dòng Tên) tuyên bố rút lại sự ủng hộ Thẩm phán Kavanaugh tham gia Tối cao Pháp viện. Cần nhớ Thẩm phán Kavanaugh là một tín đồ Công giáo và đã vài lần dẫn yếu tố từng là học sinh một tư thục danh tiếng của Dòng Tên, cũng như tuân thủ giáo lý Công giáo một cách nghiêm cẩn nhằm khẳng định ông không vô đạo đức như tố cáo của bà Ford. Trong Thư ngỏ gửi cho công chúng, America nhấn mạnh, ai tôn trọng quyền được sống của các thai nhi cũng ủng hộ Thẩm phán Kavanaugh trở thành thành viên Hội đồng Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, song mặt khác, không thể không quan tâm đến cách thức quốc gia đối xử với nữ giới khi họ tố cáo bị quấy rối, bị tấn công và những tố cáo ấy có thể làm tiêu tan sự nghiệp của những nhân vật quyền lực. Một thành viên trong Hội đồng chủ biên của tạp chí vừa kể bảo với báo giới, sự quan tâm của America không chỉ giới hạn trong những vấn đề liên quan đến Hiến pháp mà còn bao gồm cả việc phải xem xét để quấy rối, lạm dụng tình dục được chú tâm xủ lý đúng mức vì đó cũng là đạo đức Công giáo (2).
***
Thời nào, ở đâu, các tổ chức chính trị cũng có tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Đảng Cộng hòa ở Mỹ cũng vậy nhưng “chủ trương lớn” (đưa Thẩm phán Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện để gia tăng khả năng kiểm soát, chi phối cả ba nhánh quyền lực của Mỹ) là một chuyện, thực hiện được hay không là chuyện khác. Chuyện khác đó phụ thuộc vào nhận thức của dân chúng. Xem mong muốn của dân chúng như rác, không lắng nghe, cưỡng cầu – thực hiện cho bằng được các “chủ trương lớn” thì toàn Đảng sẽ đi chỗ khác chơi vì ở những kỳ bầu cử sau đó, dân chúng sẽ chọn người khác của đảng khác.
Đâu phải tự nhiên mà hết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi tới Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem việc bàn luận, vận động cho “đa nguyên, đa Đảng” là… phản quốc. Với hiện tình chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội quốc gia như lúc này, đa số người Việt chỉ bàn luận sôi nổi về “nhất thể hóa” cá nhân đứng đầu tổ chức chính trị duy nhất với nguyên thủ quốc gia, không bận tâm thân phận, tương lai của chính mình, của con cháu mình là vàng hay rác thì rõ ràng “Đảng ta” còn vĩ đại lâu, còn rất nhiều du địa để soạn thảo – ban hành – thực thi vô số “chủ trương lớn” nữa. Năm 1962, ở Lễ Kỷ niệm 32 năm ngày thành lập Đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh rất thản nhiên tuyên bố như thế này: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại!”. Giờ, liệu có thể nói thêm thế này: Sau tất cả những gì đã và đang xảy ra, có thể khẳng định, ‘Đảng ta’ thật là vĩ đại vì dân ta thật là… vô tư?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét