Việc thu hồi ký ức, như khi chúng ta nhớ hay kể lại câu chuyện, thì bộ óc của chúng ta tìm cách sắp xếp các mảnh rời lại với nhau một cách nhanh chóng.
Từ ngàn xưa, đối diện với hiểm họa sống còn, từ các loài thú dữ cho đến thiên nhiên hiểm nghèo, và cũng từ chính giữa con người, như gia đình hay bộ lạc với nhau, con người tồn tại và phát triển được cho đến ngày nay phần chính là nhờ khả năng phát hiện được sớm các hiểm nguy từng phút từng giây của mình để đối phó.
Không chỉ từng giây, và không chỉ về mối nguy thôi. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Evian Gordon, nhà nghiên cứu nổi tiếng về khoa học thần kinh, bộ óc của chúng ta dò xét môi trường để nhận diện mối nguy và phần thưởng năm lần trong một giây. Nguyên tắc tổ chức chính của bộ não con người là giảm thiểu mối nguy và tối đa phần thưởng, và điều này xảy ra một cách tiềm thức và cực nhanh [1].
Khi con người bị chấn thương nặng, như rối loạn thần kinh/PTSD, chẳng hạn, gây nên bởi thiên tai hay nhân tai, hai vùng chính của bộ óc con người bị rối loạn chức năng, bao gồm: Amygdala và Prefrontal Cortex (PFC) [2]. Theo tiến sĩ Melanie Greenberg thì Amygdala bình thường có chức năng phát hiện mối nguy trong môi trường và kích hoạt phản ứng “chiến đấu” hay “bỏ chạy” (có khi không quyết định dứt khoát, nó cũng kích hoạt phản ứng đông cứng; tóm lại là fight, flight or freeze). Nó điều khiển cả hệ thống thần kinh giao cảm giúp cho chúng ta chống chọi với mối đe dọa. Và nó cũng giúp cho chúng ta lưu trữ các ký ức tình cảm hay liên hệ đến mối đe dọa mới. Còn PFC thì được thiết kế để điều chỉnh sự chú ý và ý thức, quyết định phản ứng nào tốt nhất thích hợp nhất cho hoàn cảnh, đề xuất hành vi ý thức tự nguyện, điều nghiên ý nghĩa và tầm quan trọng của cảm xúc đối với các sự kiện, điều chỉnh các cảm xúc, và ngăn cấm hay chỉnh đốn các phản ứng rối loạn. Tóm lại, PFC là phần lý trí, suy nghĩ của bộ óc, biết cân nhắc và lý giải trước khi quyết định chứ không làm theo quán tính.
Khi phát hiện mối nguy, amygdala đề xuất một phản ứng phòng thủ rất nhanh và rất tự động, trong khi đó trung phần của PFC nhận xét mối nguy một cách rõ ràng để tăng cường hay để trấn tỉnh phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy.
Đối với những người từng bị chấn thương nặng như dạng PTSD, theo tiến sĩ Melanie Greenberg, các nghiên cứu cho biết amygdala của họ phản ứng quá mạnh đối với mối đe dọa có thể có (hyper-reactive/hyperactive to potential threat) trong khi đó trung phần của PFC thì bị suy yếu về khả năng điều chỉnh phản ứng đối với mối nguy, và có khó khăn trong việc giảm bớt lo âu và tức giận.
Trong sự kiện thẩm phán Brett Kavanaugh và tiến sĩ Blasey Ford, bà rõ ràng không bị PTSD, nhưng biến cố như bị tấn công tình dục, và tưởng chừng bị giết chết, như bà kể chi tiết trong bài tường trình của mình, nếu có xảy ra, thì khó thể nào quên được, dù cách đây 35 năm. Bà cho biết có bốn nhân vật có mặt ở đó: Brett Kavanaugh, Mark Judge, một nam nhi tên P.J., và một nam nhi khác bà không nhớ tên. Bà nhớ có bạn bà tên Leland cũng tham dự. Tuy nhiên theo Kavanaugh thì cả bốn người được cáo buộc là có mặt ở đó đều cho rằng chuyện đó không xảy ra [3]. Theo tờ New York Times thì chỉ có Kavanaugh là phủ nhận chuyện đó không xảy ra, còn ba người Mark Judge, Leland Keyser và Patrick J. Smith, qua các lời công khai của họ, chỉ nói rằng họ không có nhớ về chuyện này.
Không nhớ không có nghĩa là không xảy ra.
Theo tiến sĩ Ira Hyman, có vài điều cần biết về ký ức (memory) của con người [4]. Thứ nhất, các ký ức đau buồn không thể xóa nhòa được. Chấn thương có những hậu quả quan trọng đối với ký ức. Khi bị kích động cảm xúc mạnh mẽ, người ta trở nên tập trung hạn hẹp, giúp cho họ nhớ những nét chính của sự kiện, ngược lại họ không chú ý bao nhiêu đến các chi tiết ngoài biên. Cho nên theo Hyman thì bà Blasey Ford có thể không nhớ về các khía cạnh khác của sự kiện, như là buổi tiệc diễn ra ở đâu, thời gian và những người tham dự là ai, nhất là khi nó đã mấy chục năm về trước, nhưng bà vẫn sẽ nhớ sự kiện này và thủ phạm là ai. Thứ hai, sự nhận diện sai và ký ức sai khó xảy ra trong trường hợp này. Nghiên cứu cho biết các vụ nhận diện sai thường liên quan đến người lạ, trong khi ký ức sai đòi hỏi sự trình bày các thông tin hoặc đề nghị có tính cách lường gạt, gây hiểu lầm. Tuy nhiên, bà Blasey Ford cho hay bà biết Kavanaugh và Judge trước buổi tiệc đó, nên bà có thể nhận diện họ dễ dàng ở buổi tiệc, sau tiệc, và trong suốt biến cố đó. Thứ ba, bà Blasey Ford có thể có mâu thuẫn trong ký ức, bởi không có ký ức nào hoàn hảo cả, và bộ nhớ của con người không phải là máy quay phim. Thứ tư, chúng ta không thể mong đợi những người khác tại buổi tiệc này nhớ về sự kiện này. Đối với họ, nếu không có biến cố đáng kể nào để họ nhớ về buổi tiệc thì sau năm tháng, nhất là sau 35 năm, nó sẽ đi vào quên lãng, không có gì đáng nhớ cả.
Kavanaugh phủ nhận hành động này. Hyman biện luận rằng có thể nó không xảy ra, có thể ông Kavanaugh thành thật, và cũng có thể ông không còn nhớ sự kiện này trong lúc đã uống quá say, tuy không phải là lý do để biện minh.
Tiến sĩ Jim Hopper, một chuyên gia về chấn thương tâm lý, kể cả các vụ tấn công tình dục và ký ức đau thương, phân tích chi tiết cách bộ óc con người ghi nhớ các sự kiện như thế nào. Hopper đã dành 25 năm nghiên cứu về lĩnh vực này [5]. Ông đã từng huấn luyện các sĩ quan cảnh sát quân sự và dân sự, các công tố viên và các chuyên gia khác, bao gồm cả các cấp chỉ huy tại Fort Leavenworth và Lầu Năm Góc, và dạy cho các bác sĩ tâm thần đang thực tập tại Trường Y Harvard. Theo Hopper thì những người lính và cảnh sát biết rằng các ký ức đau thương thường có nhiều gián đoạn lớn. Họ cũng biết thật là khó khăn hoặc bất khả để hồi tưởng thứ tự của sự việc xảy ra. Đây là sự thật, chứ không phải lý thuyết hay giả thuyết, đối với những người bảo vệ quốc gia này và hàng triệu nạn nhân sống sót sau các vụ xâm phạm tình dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét