Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

6385 - Trung Quốc lên đến đỉnh - rồi xuống


Trung Quốc không thể rao bán tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình
Trung Quốc không thể rao bán tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình-AFP


Hàng năm, cứ đến đầu Tháng 10 là Bắc Kinh lại chào mừng ngày Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời tại Quảng trường Thiên An Môn vào mùng một Tháng 10 năm 1949. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh đang mơ chân trời mới vào năm 2049, khi Trung Quốc lên tới ngôi vị siêu cường 100 năm sau khi nền cộng hòa cộng sản này. Nhưng phải chăng đấy chỉ là giấc mơ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó trong bối cảnh của cuộc thương chiến với Hoa Kỳ.

Những mâu thuẫn của Bắc Kinh

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, bước vào Tháng 10, khi lãnh đạo Bắc Kinh làm lễ Quốc Khánh chào mừng việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời ngày mùng một Tháng 10 năm 1949 tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh thì chúng ta nên nghĩ gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bản thân tôi thì nghĩ đến… Mao Trạch Đông và tư tưởng của ông ta về các mâu thuẫn trong tiểu luận gọi là “Mâu Thuẫn Luận”. Gần đây, tại Đại Hội Đảng Khóa 19, Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng nói đến các mâu thuẫn cơ bản của kỷ nguyên mới. Vì vậy, chúng ta nên kiểm lại các mâu thuẫn của họ….
- Có ý thức lịch sử rất sâu đậm, lãnh đạo Bắc Kinh lại đang lúng túng với lịch sử. Tháng 10 năm 2011, họ cho tổ chức rầm rộ các sinh hoạt kỷ niệm trăm năm của cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 và còn dựng chân dung vĩ đại của Tôn Trung Sơn tại Quảng trường Thiên An Môn. Họ cho thần dân ăn mừng biến cố cách mạng là sự kết thúc của chế độ quân chủ, khởi đi từ Tần Thủy Hoàng, thần tượng của Mao Trạch Đông. Thế rồi năm đó Bắc Kinh bỗng nghĩ lại!
- Vở nhạc kịch ngợi ca cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Trung Sơn, vị Tổng thống đầu tiên của Trung Quốc, bỗng dưng bị hủy. Lý cớ được thông báo là vì hậu cần, tiếp vận. Ly kỳ hơn vậy, một cuộc hội thảo do các học giả Nhật Bản chuẩn bị từ nhiều tháng trước về Cách mạng Tân Hợi cũng bị cấm, mà không cho biết lý cớ. Lý do thì chúng ta có thể rất dễ đoán ra, nếu chịu khó nhìn vào trăm năm lịch sử đó vì trăm năm qua, Trung Quốc thật ra có hai "Cách Mạng Tháng Mười".
Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có lẽ đã quen với cách dẫn chuyện hay nêu vấn đề của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Nhưng thưa ông, Nguyên Lam vì sao lại có hai "Cách Mạng Tháng Mười"?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Một là Cách mạng Cộng hoà vào năm 1911 và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc. Hai là Cách mạng Cộng sản và sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày một Tháng 10 năm 1949. Cả hai cuộc cách mạng đều không là điểm son của dân chủ!
- Ban đầu, nhà cách mạng Tôn Trung Sơn (nguyên danh là Tôn Văn hay Tôn Dật Tiên, v.v...) chưa muốn lập Quốc hội và chỉ làm Tổng thống vài tháng là bị cướp mất quyền hành, xứ sở lâm nội loạn triền miên với vai trò của các lãnh chúa. Trong cảnh hỗn loạn ấy, duy nhất có một yếu tố xứng danh cách mạng là trào lưu tự do tư tưởng và khuynh hướng lập hội lập đảng để canh tân xã hội. Khi nói đến sự nghiệp cách mạng Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh ngày nay giải thích và giải quyết thế nào về trào lưu tự do tư tưởng đó của xã hội cách đây một thế kỷ? Giải thích thế nào về chế độ kiểm duyệt thông tin và đàn áp dân chủ hiện vẫn áp dụng? Khi nói đến nỗ lực quốc tế vận của Tôn Trung Sơn, Bắc Kinh còn kẹt hơn và Tập Cận Bình ngày nay cũng cảm thấy như vậy khi đề ra sáng kiến về “Con Đường Tơ Lụa Mới” hay “Nhất Đới Nhất Lộ” đúng năm năm về trước.
Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng chúng ta cần trở lại lịch sử Trung Hoa cận đại thì mới hiểu ra những mâu thuẫn ngày nay của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng thế, bác sĩ Tôn Trung Sơn là một thí thức, theo Công giáo, có hậu cứ vận động từ hải ngoại là Hoa Kỳ, đã nhiều lần tìm nguồn yểm trợ tại Nhật Bản, một quốc gia phú cường, tiến bộ và tự do hơn Trung Quốc gấp bội. Nhật còn đại thắng trong cuộc chiến Hoa-Nhật năm 1894-1895, góp phần đáng kể cho sự sụp đổ của nhà Đại Thanh. Chính vì vậy mà Tháng 10 năm 2011, các học giả Nhật mới sốt sắng tổ chức cuộc hội thảo về Cách mạng Tân Hợi và bị Bắc Kinh kịp thời hạ màn vì nhắc đến Tôn Trung Sơn là lòi ra vai trò yểm trợ cách mạng hoặc “diễn biến thiếu hoà bình” của Hoa Kỳ và Nhật Bản, là hai đối thủ hiện tại của Trung Quốc....
Nguyên Lam: Bây giờ, Nguyên Lam đã hiểu vì sao ông dẫn vào các mâu thuẫn của Mao Trạch Đông! Xin đề nghị ông trình bày tiếp cho giớu trẻ của chúng ra.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sự sụp đổ của nhà Mãn Thanh là niềm tự hào chính đáng của Hán tộc. Khi Mãn tộc tiêu diệt nhà Đại Minh năm 1644 thì đấy là nỗi nhục khó rửa cho người Hán. Vì vậy "Phản Thanh - Phục Minh" là khẩu hiệu huy động nhiều thế hệ ái quốc. Và một chủ trương cách mạng của Tôn Trung Sơn là tinh thần dân tộc, để đánh đuổi nhà Mãn Thanh.
Nhưng cũng là dị tộc Mãn Thanh xấu xa ấy đã bành trướng lãnh thổ, cho phép Bắc Kinh ngày nay viện lẽ chính danh từ đời Thanh mà đòi thống trị Tân Cương và Tây Tạng, hai khu vực tự trị có vấn đề với dân Hồi giáo và Tây Tạng! Chẳng lẽ chế độ Cộng sản Trung Quốc ưu việt mà lại kế thừa di sản Đế quốc của ngoại tộc Mãn Thanh sao? Huống hồ, kẻ kế thừa di sản Tôn Trung Sơn lại là Tưởng Trung Chính, tức là Tưởng Giới Thạch!
- Sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc được Mao thành lập ở Hoa lục năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Trung Sơn được Tưởng Giới Thạch đem qua Đài Loan. Đảo quốc mang tiếng là lãnh thổ ngàn đời của Trung Hoa lại gợi nhớ đến tranh chấp về chủ quyền từ đời Thanh. Mà hậu thân của cái gọi là ngụy quyền Trung Hoa Dân Quốc lại xây dựng được một nền kinh tế tiên tiến với một chế độ chính trị thật sự dân chủ. Công lao chuyển hoá Đài Loan thuộc về Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch. Và lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Trung Hoa trực tiếp đi bầu ra lãnh đạo thật - một Tổng thống – là tại Đài Loan vào Tháng Ba năm 1996, bất chấp hỏa tiễn của Trung Quốc bay qua đầu! Và "tam dân chủ nghĩa" của Tôn Trung Sơn, là “dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc” vẫn là khát vọng chưa vẹn toàn của người dân Trung Quốc ngày nay dưới sự lãnh đạo quá sức tập quyền của Tập Cận Bình.

Lượng và phẩm

Nguyên Lam: Nhưng mà ngày nay, Trung Quốc đã có sản lượng kinh tế đứng hạng thứ nhì thế giới và theo các chuyên gia quốc tế thì sẽ bắt kịp hoặc vượt qua sản lượng của Hoa Kỳ vào năm 2025 hay 2030 này. Ông giải thích thế nào về chuyện đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta có hai chuyện ở đây, là lượng và phẩm. Sản lượng của một quốc gia có gần một tỷ 400 triệu dân dĩ nhiên là phải lớn. Nhưng nói về phẩm thì sản lượng của một người dân, nôm na là sản lượng bình quân của một người hay năng suất lao động, mới là những tiêu chuẩn so sánh. Theo các tiêu chuẩn đó thì Trung Quốc còn mất hơn 30 năm mới hy vọng đuổi kịp Hoa Kỳ. Còn về năng suất lao động thì ngày nay chưa bằng 10% của Mỹ. Đấy là ta chưa nói đến hai mâu thuẫn khác của Trung Quốc, là “người dân chưa giàu mà đã già” và “nhà nước chưa hùng mà đã hung”, khiến các quốc gia đều chú ý và báo động!
- Chưa giàu mà đã già vì dân số bị lão hóa và ưu thế nhân công rẻ đang chấm dứt. Bắc Kinh có thể nghĩ đến bước nhảy vọt vào trình độ sản xuất cao hơn nhờ công nghệ tiên tiến thì thứ nhất chưa thể bằng Nhật Bản hay Nam Hàn chứ chưa nói gì đến Hoa Kỳ, và thứ hai đang bị Hoa Kỳ cùng các nước tố cáo tội ăn cắp và ăn cướp quyền sở hữu trí tuệ, một đầu mới của trận thương chiến ngày nay với Mỹ.
- Chưa hùng mà đã hung là khi Bắc Kinh vừa rời vùng biển cận duyên để mon men ra biển viễn duyên thì đã đòi quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa với Trường Sa và vùng biển Đông Nam Á nên gây phản ứng ngược với các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Hoa Kỳ lẫn các nước Âu Châu.

Pax Sinica lên ngôi bá chủ?

Nguyên Lam: Ông còn thấy những mâu thuẫn gì khác của Trung Quốc?
Đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc.
Đồng Nhân Dân tệ của Trung Quốc. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến một nhân vật vừa gây sôi nổi trong dư luận Trung Quốc là giáo sư Hồ An Cương mà tôi cứ gọi là Hồ Yên Cương cho dễ nhớ tới con ngựa chứng! Ông là giám đốc một lò trí tuệ của đảng là “Quốc Tình Nghiên Cứu Viện” hay viện Nghiên cứu Tình hình Quốc gia thuộc Đại Học Thanh Hoa tại Bắc Kinh. Cách đây hơn hai chục năm, Hồ Yên Cương cùng một trí thức khác, hình như là Vương Thiệu Quang, có bài tiểu luận về lẽ hợp tan của Trung Hoa. Đó là khi triều đình thâu tóm quyền lực về trung ương thì chính trị ổn định nhưng các địa phương không có phát triển và xứ sở tụt hậu. Ngược lại, khi trung ương tản quyền thì các địa phương lại phát triển mạnh nhưng có thể dẫn đến hỗn loạn và tan rã. Giữa các mâu thuẫn đó, Hồ Yên Cương đề cao giải pháp dân chủ pháp trị. Bây giờ hình như là ông đảo ngược lập trường và đề cao giải pháp tập quyền của Tập Cận Bình tới độ sùng bái cá nhân và còn tiên báo việc Trung Quốc sẽ sớm vượt Hoa Kỳ.
- Mâu thuẫn ở đây không là hiện tượng đảo điên của một trí thức trong đảng tôi gọi là hiện tượng điền đô hay… đồ điên. Mâu thuẫn ở đây là nhiều chuyên gia khoa học kỹ thuật của Bắc Kinh lại phản bác cái thuyết “vượt Mỹ” và nói về nền khoa học kỹ thuật còn rất kém của Trung Quốc về cả kinh tế, dân sự lẫn quân sự.
Nguyên Lam: Câu chuyện này thật ra ly kỳ hấp dẫn, nhưng vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam phải đề nghị ông đưa ra một nhận định tổng kết.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ bốn thế kỷ, các nước Tây phương cứ bị mê hoặc về Trung Quốc mà không nhìn ra một đặc tính văn hóa chính trị Trung Hoa là kềm hãm khả năng sáng tạo trong khi lại chinh chiến liên miên. Ngày nay, người ta vẫn phạm sai lầm cũ mà cho rằng sau khi Đế quốc Anh khống chế thế giới vào Thế kỷ 19, thì Hoa Kỳ lập ra thật tự Mỹ hay Pax Americana vào Thế kỷ 20. Qua Thế kỷ 21, thiên hạ sẽ thấy Trung Quốc lên ngôi bá chủ, một thứ Pax Sinica.
- Bản thân tôi thì không nghĩ như vậy! Dù có là thiểu số tuyệt đối, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc chưa giải quyết được những mâu thuẫn căn bản của họ. Làm sao có thể rao bán Khổng Tử cùng Tư tưởng Mao Trạch Đông hay phiên bản mới của Tập Cận Bình? Làm sao dung hòa được chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa cộng sản mà không dẫn tới chế độ tư bản thân tộc đầy bất công và phản thị trường của các đảng viên cán bộ dùng quyền lực chính trị để thâu tóm quyền lợi kinh tế? Làm sao tái xây dựng một Đế quốc xưa kia chỉ là cường quốc lục địa nay phải vươn ra biển vì quá lệ thuộc vào thị trường bên ngoài? Sau cùng là mâu thuẫn giữa việc tập quyền để có ổn định, khi thị trường lại chuyển dịch và phản ứng nhanh trong một nền khoa học kỹ thuật đang thu hẹp thời gian quyết định. Kết luận của tôi là Trung Quốc vừa lên tới đỉnh, mà đỉnh cao thì cũng là bước lật!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích những mâu thuẫn của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét