Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

6387 - Viết cho em, Trần Thị Nga

Phạm Minh Hoàng 
Tôi nghe đến em (vẫn thường được gọi là) Thúy Nga khi còn đang trong tình trạng quản chế, tuy nhiên lần đầu tiên tôi gặp em là dịp tang lễ thầy Đinh Đăng Định. Hình ảnh của em ngày hôm ấy đúng là hình ảnh quen thuộc trên mạng. Hình ảnh bà mẹ tay xách nách mang hai đứa con nhỏ với quần áo xốc xếch và nhăn nhúm đồng hành cùng dân oan và đi đòi công lý. Hôm ấy tôi có cơ hội gặp được nhiều người, nhưng vui nhất là hai chị em Nga và Thảo Têrêsa. Tấm hình chụp chung ba anh em dưới đây là kỷ niệm hiếm hoi với em. Tôi còn nhớ hôm ấy sau khi xem hình, Nga giẫy nẩy lên với phó nhòm rằng “Sao mày chụp tao xấu thế? Đưa nguyên cái bụng ra ngoài”. Đúng là phụ nữ, cho dù có khác thường đến đâu đi nữa cũng biết chăm chú vào vẻ đẹp của mình.

Từ trái sáng phải: Chị Thảo Têrêsa, Thầy Phạm Minh Hoàng và chị Thúy Nga tại tang lễ Thầy Đinh Đăng Định ngày 6/4/2014.

Không đầy 10 ngày sau khi chụp hình, mọi người đã vô cùng thương cảm khi Nga và hai cháu nhỏ bị côn đồ hành hung vào ngày 25/5/2014. Hôm ấy ngay trong địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội, 5 tên côn đồ ép xe đánh hội đồng. Chúng đạp vào đầu xe khiến chị Nga cùng 2 con ngã lăn ra giữa đường rồi lao vào đánh rất dã man. Chị bỏ chạy nhưng chúng truy đuổi và đánh tiếp hai lần nữa. Lần chót, bọn chúng dùng tuýp sắt phang thẳng vào lưng và đầu gối phải của chị. Phải đến khi xe cứu thương đến thì chúng mới ngưng đánh và bỏ đi. Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết chị Nga bị gãy xương cổ tay trái, vỡ xương chân phải và chấn thương phần mềm.
Nỗi cơ hàn đến với Thúy Nga không chỉ có thế. Đến ngày 28/8/2015, sau khi đến thăm em Trần Minh Nhật, cựu tù nhân lương tâm vừa mãn án, tại địa huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, một lần nữa Nga lại bị hành hung tàn bạo. Hôm ấy mọi người đón xe buýt từ Lâm Hà về Đà Lạt, “côn đồ” đã ngang nhiên chận xe trong một khúc đường vắng, chúng lên xe và đánh Nga, em Chu Mạnh Sơn và Trương Minh Tam. Có mặt trên xe và ngồi ngay trước hàng ghế của Nga, tôi còn nhớ y nhưng ngày hôm qua, nhớ hình ảnh đã đành, nhưng cái ghi đậm trong tôi là âm thanh của ngày hôm ấy. Chúng thóa mạ là “giựt nợ, giựt chồng” và tát vào mặt Nga. Họ đánh mạnh đến nỗi tôi tưởng như đầu Nga sắp vỡ tung ra. Chúng lôi cả ba người xuống đường và tiếp tục hành hung. Trong lúc này anh em còn lại trong xe hoang mang, lo sợ không biết phải phản ứng thế nào trước một số lượng côn đồ đông đảo và hung bạo như thế.
Tôi còn nhớ những tên leo lên xe to lớn và rất khỏe mạnh, những đứa ở dưới thì phong tỏa và xua đuổi người đi đường. Chúng đạp Nga lăn xưống đường, em cố đứng dậy bám vào xe thì bị họ liên tục đánh vào cánh tay đề em phải buông ra. Ngoài kia Tam bị chúng đè xuống bãi ruộng nhưng em vùng dậy và chạy trốn vào thửa ruộng bên cạnh. Mọi việc chỉ chấm dứt sau khi chúng đánh chán rồi bỏ đi. Anh em chúng tôi chạy xuống dìu Nga và Sơn lên. Điện thoại Sơn bị bể nát, sách vở bị xé tứ tung, máu chảy đỏ cả vùng gáy. Tam thì mất tăm, mọi người tứ tán đổ ra đi tìm và phải đến 15 phút sau mới thấy em lò mò từ trong bụi chui ra.

Phái đoàn trên xe đò sau khi bị tấn công nhân chuyến thăm tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật ra tù (28/8/2015).

Cảm nhận của tôi hôm ấy quả thực là chua xót. Trên xe không một ai có phản ứng gì ngoài một phụ nữ trung niên có vẻ như một bà sơ. Tôi lên tiếng trình bày cho mọi người về nhân thân của chúng tôi cũng như minh oan cho những anh chị em bị đánh, tôi có cảm tưởng như nói với gỗ đá. Hơn thế nữa, khi xe về đến bến xe Đà Lạt, tên tài xế đã đi báo cáo với chủ bến. Qua cử chỉ của hắn, chúng tôi cảm thấy bất an nên vội trở ra đón xe dọc đường.
Trên đường về Sàigòn, nhìn dòng người hối hả trong cơn lốc cơm áo gạo tiền, tôi không khỏi khắc khoải vì sự đơn độc của những người đi đấu tranh. Những người như Thúy Nga, Sơn, Tam được gì khi can đảm đi theo tiếng gọi lương tâm? Người ta hay nói những anh chị em đấu tranh là “lên tiếng nói thay cho những người khác”, thế nhưng khi gặp nạn ai dám đứng ra bênh vực (chứ chưa nói là bảo vệ) cho họ? Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng trong xã hội này vẫn có nhiều người can đảm như bà sơ trên xe khi nãy, chỉ có điều là chúng ta chưa có duyên gặp họ, và điều này ngày càng thấy đúng sau các vụ xuống đường chống Tập Cận Bình, chống giàn khoan HD-981, chống Formosa và gần đây nhất là chống dự luật đặc khu và an ninh mạng. Hàng chục, thậm chí hàng trăm bạn trẻ đã bị bắt, bị đánh đập, bị hù dọa vì đã can đảm tham gia xuống đường là những bằng chứng rõ ràng và chính đó là những niềm an ủi và động viên cho những anh chị em đấu tranh từ bao năm nay.
Trở về với Thúy Nga, trong những lần tiếp xúc, em thường hay bày tỏ mặc cảm về trình độ học vấn của mình. Tuy nhiên đối với tôi thì việc đó chưa xảy ra. Tôi thiết nghĩ cái học ở nhà trường cho chúng ta một số kiến thức, nhưng cái học ngoài đường cũng như bản chất con người cũng có giá trị riêng của nó. Trong số bạn bè, tôi biết nhiều người chỉ học tới lớp năm nhưng tôi học được rất nhiều ở họ về trí tuệ và lý luận. Còn nói về lòng yêu nước và sự can trường thì vô bờ bến, và điều đó đã chứng tỏ rõ ràng là những tố chất đó không hoàn toàn đến từ ghế nhà trường.

Chị Thúy Nga bị bắt ngày 27/1/2017.


Và suy nghĩ ấy đã thực sự đã được chứng minh vào ngày 21/1/2017 khi công an ập vào bắt Thúy Nga tại Hà Nam. Có lẽ đến chết tôi sẽ không quên được khuôn mặt của em lúc ấy. Tôi không biết phải dùng từ gì để diễn ta cho đúng. Trên khuôn mặt bình thản ấy, tôi thoáng thấy ánh mắt và một nụ cười. Nụ cười đón nhận những khó khăn sẽ đến cho mình trong những ngày sắp tới. Và cũng với ánh mắt, nụ cười đó, Nga đã bình thản đón nhận bản án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Nói đến nụ cười, tôi sực nhớ đến bức tranh nổi tiếng Mona Lisa được treo ở bảo tàng Louvre. Gu-gồ nói hàng ngày có hai vạn người đến chiêm ngưỡng. Họ kháo với nhau đủ điều về ánh mắt và nụ cười của nhân vật. Cách đây nửa tháng, tôi cũng chen lấn đến để “mục sở thị” nhưng thú thật tôi không thấy một cái gì đặc biệt cả.
Có lẽ vì trong tôi đã khắc ghi ánh mắt và nụ cười của Thúy Nga.
https://viettan.org/viet-cho-em-tran-thi-nga/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét