Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

6389 - Ông Đỗ Mười: Di sản để lại


Tổng Bí Thư Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Bắc Kinh, tháng 7/1997.


Nhà nước Pháp quyền XHCN
Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, qua đời hôm 1/10, đã để lại những “di sản” đáng tranh cãi như việc định hình “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa,” thanh trừng các hộ làm kinh tế miền Nam thông qua chiến dịch “Đánh Tư sản”, và tạo dựng chương trình “Kinh tế Mới” với nhiều hệ quả kéo dài đến tận ngày nay.
Ngay khi lên làm Tổng Bí thư vào tháng 6/1991, ông Đỗ Mười đã đưa ra cái gọi là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,” lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ 2 khoá VII vào tháng 11/1991, sau đó tiếp tục được “khẳng định” và “thể chế hóa” trong Hiến pháp 2013.
Thực chất “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là quyền lực nhà nước được thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, như Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng vào 01/2016 đã tái khẳng định.
Từ Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài Nhận định về vai trò của ông Đỗ Mười đối với chủ trương “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.”
“Đó chỉ là một mỹ từ mà tôi không nghĩ rằng ông Đỗ Mười có thể nghĩ ra khái niệm Nhà nước Pháp quyền XHCN, mà có thể là do các cố vấn của ông ấy đã mớm cho ông khái niệm này và ông đã đưa ra trong các văn bản và nghị quyết của Đảng khi ông làm Tổng Bí thư.
“Khái niệm này chỉ để lừa bịp người dân là chính và hậu quả của nó kéo dài cho đến ngày nay. Các cơ quan, quan chức của Đảng không bao giờ tôn trọng pháp luật cho chính Quốc hội của Đảng làm ra mà họ xem các nghị quyết, các cuộc điện thoại hoặc thư tay của cấp trên có giá trị cao hơn cả các văn bản pháp luật.”


Tổng Bí Thư Đỗ Mười phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Tân Trào, 16/08/1995.
Tổng Bí Thư Đỗ Mười phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Tân Trào, 16/08/1995.
Theo Luật sư Đài, khái niệm Nhà nước Pháp quyền XHCN mà Việt Nam đang vận dụng hoàn toàn khác hẳn khái niệm Thượng tôn Pháp luật đã tồn tại bấy lâu nay tại các nền dân chủ trên thế giới, là giá trị phổ biến tại các xã hội phương Tây hiện đại.
Giới lãnh đạo Việt Nam sau này vẫn một mực khẳng định rằng khi xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyệt đối không thể rập khuôn theo các giá trị và mô hình xây dựng của các nước phương Tây với các mô hình và thể chế chính trị khác, và phải “bảo đảm nguyên lý của mối quan hệ giữa đảng cầm quyền và nhà nước pháp quyền.”
Từ Pháp, tác giả Trương Nhân Tuấn viết cho VOA: “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là cái “khung”, là những nguyên tắc “trật tự xã hội” từ đó nhà nước Việt Nam xây dựng lên. Đó là một tiêu sản nặng nề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đem lại một nhà nước Việt Nam XHCN thối nát toàn diện với tệ nạn tham nhũng mua quan bán chức ở toàn bộ nhân sự lãnh đạo cấp cao, cho tới sự hỗn loạn vô phương chữa trị trong giao thông, xã hội luân thường đạo lý đảo lộn, nạn gian lận, giả dối…”
Ông Tuấn chia sẻ với VOA: “Ông Đỗ Mười là người đầu tiên đưa ra khái niệm “nhà nước pháp quyền” vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhưng thực tế là “rập khuôn” Trung Quốc khi nước này đề xướng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”, dựa vào pháp luật để trị nước (hay còn gọi là ỷ pháp trị quốc).”
Ông viết thêm: “Ông Đỗ Mười vừa trút hơi thở cuối cùng. Tôi luôn hy vọng rằng cái gọi là “nhà nước pháp quyền” sẽ được thay đổi lại, từ hình thức cho tới nội dung, để việc “quản lý nhà nước” thực sự trở thành một vấn đề của “nhà nước.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nói rằng trong suốt thời gian tham gia chính trị, ông Đỗ Mười đã “duy trì được sự lãnh đạo độc quyền và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.”


Đánh Tư sản
Ngoài ra, nhắc tới ông Đỗ Mười không thể nào không nhắc tới chiến dịch “Đánh Tư sản” ở miền nam sau năm 1975. Chiến dịch này được cho là đã đưa cả miền nam vào tình trạng đói khổ cùng cực, biến Việt Nam thành một trong ba nước nghèo nhất thế giới vào năm 1985.
Blogger Đỗ Nam Trung chia sẻ với VOA:
“Vai trò lãnh đạo của ông sau khi chiến thắng miền Nam là việc đánh tư sản. Ấn tượng nhất và ghê gớm nhất đối thanh niên lúc ấy là việc đấu tố. Con cái của các gia đình tư bản sau khi vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bị buộc phải đưa lực lượng của Đoàn về chính gia đình nhà mình để mà đấu tố cha mẹ, chỉ chỗ chôn cất vàng bạc, tiền của…Các gia đình có tài sản bị họ cướp lấy hết, họ bị đuổi ra khỏi nhà, đi vượt biên, hay đi Vùng Kinh tế mới.”
Theo trang Nghiên cứu Lịch sử, chiến dịch Đánh Tư sản 1 (X-1) bắt đầu vào sáng ngày 11/9/1975 diễn ra trên khắp 17 tỉnh thành miền Nam và thành phố Sài Gòn, tập trung vào những người Việt gốc Hoa, chủ yếu nhắm vào nhà các cư dân thành thị, tịch thu nhà và cưỡng bức toàn bộ gia đình nạn nhân phải đi về vùng Kinh Tế Mới sinh sống.
Chiến dịch Đánh tư sản 2 (X-2) được tiến hành từ tháng 3/1978 và kéo dài cho đến sau Đổi Mới, tức là khoảng năm 1990, chủ yếu nhắm vào tư thương, tiểu tư sản, các thành phần sản xuất nhỏ vốn rất đa dạng và phồn thịnh trong nền kinh tế tự do mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từng khuyến khích và hậu thuẫn tại miền Nam.
Song song với chiến dịch X-2 là chiến dịch X-3 đặc biệt tập trung tại Sài Gòn. Kết quả là hàng ngàn gia đình cán bộ miền Bắc đã vào Sài gòn sinh sống trong những ngôi nhà bị tịch thu, theo trang Nghiên cứu Lịch sử.


Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện với người dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, ngày 1/11/1992. TTXVN
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện với người dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, ngày 1/11/1992. TTXVN
Trong giao đoạn từ sau 1975 đến năm 1991, ông Đỗ Mười làm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản của Trung Ương, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế kiêm Phó Thủ tướng, và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, là người chỉ huy trực tiếp các chiến dịch “đánh tư sản” hay còn gọi là “cải tạo công thương nghiệp,” với vai trò là Trưởng ban cải tạo tư sản trung ương, thành lập vào ngày 16/2/1976.
Trong cuốn “Bên Thắng cuộc,” xuất bản năm 2013 tại Mỹ, nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) viết: “Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” ở miền Nam, tiến hành từ sau 1975, đã cải tạo 3.560 cơ sở tư bản tư doanh công nghiệp, trong đó có 1.354 cơ sở của tư sản mại bản bị công hữu hóa, tịch thu, 498 cơ sở bị chuyển thành công tư hợp doanh; chuyển 5.000 tư sản thương nghiệp sang sản xuất; chuyển chín vạn tiểu thương sang sản xuất; sử dụng 15.000 người vào mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.”
Trang Trithucvn.net nói với chiến dịch “Cải tạo Tư sản,” của ông Đỗ Mười, cả triệu người dân Sài Gòn đột nhiên lâm vào cảnh đói kém trầm trọng, và đây được coi như một đòn trả thù hữu hiệu đối với ngụy quân, ngụy quyền và tiểu tư sản miền nam.
Hội nghị Thành Đô
Tháng 9 năm 1990, ông Đỗ Mười, trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã có chuyến công du tới Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cùng với Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Phạm Văn Đồng, trong một sứ mệnh mà các nhà phân tích nói để “ký kết hiệp định Thành Đô,” chỉ vài tháng trước khi ông Mười lên làm Tổng Bí thư vào tháng 6/1991.
“Ông và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã ký Hiệp định Thành Đô với phía Trung Quốc. Đó là hậu quả để lại cho con cháu mà chúng ta phải đấu tranh để gìn giữ chủ quyền quốc gia,” Luật sư Đài nói.
Tác giả Trương Nhân Tuấn viết cho VOA hôm 2/10: “Hệ quả của Hội nghị Thành Đô là “gắn liền” vận mệnh của Việt Nam vào Trung Quốc qua “thập lục tự phương châm”, Việt Nam gọi là “16 chữ vàng” (Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan). Bản Tuyên bố chung giữa hai nước do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào đầu năm 2017 có nhắc lại “hai cộng đồng cùng chia sẻ một tương lai.” Thông thường thì chỉ có những người dân trong cùng một quốc gia mới chia sẻ chung một tương lai, có cùng chung vận mạng.”
Hôm 2/10, Blogger Kudu Nấm viết: “Người cuối cùng của bộ 3 quyền lực dự Hội nghị Thành Đô đã ra đi.”


Tổng Bí Thư Đỗ Mười thăm chính thức Bắc Kinh vào tháng 11/1995.
Tổng Bí Thư Đỗ Mười thăm chính thức Bắc Kinh vào tháng 11/1995.
Trong suốt thời gian làm Tổng Bí Thư, ông Đỗ Mười đã 3 lần thăm chính thức Trung Quốc vào các năm 1991, 1995, và 1997, theo Tân Hoa Xã. Trong chuyến thăm năm 1991, ông Đỗ Mười xin lỗi và phục hồi quan hệ với Trung Quốc, theo tác giả David W.P. Elliott, viết trong cuốn sách “Đêm trước Đổi mới.”
Hội nghị Thành đô được cho là một sự kiện vẫn tác động tới đường lối và chính sách của chính quyền Việt Nam ngày nay.
Nhà báo Lê Phú Khải nhận xét về ông Đỗ Mười trên trang Thời báo Sài gòn: “Ông là tấn bi hài kịch của một người lãnh đạo Đảng cộng sản xuất thân từ tầng lớp bình dân trong xã hội Việt Nam nông nghiệp lạc hậu phong kiến nửa thực dân trước 1945.”
Nhà báo Khải viết tiếp: “Vì yêu nước, ông đi làm cách mạng, từng bị thực dân tù đầy, tra tấn. Nhưng vì đi lạc vào quỹ đạo Cộng sản nên bị “ma dẫn lối, quỷ đưa đường...!” Đó là bi kịch (tragédie) cho chính ông và cho cả nhân dân của ông.”
Tác giả Trương Nhân Tuấn nhận định rằng “tiêu sản của cố Tổng bí thư Đỗ Mười thật là nặng nề cho đất nước và dân tộc Việt Nam.”
Ông Đỗ Mười hai lần được bầu giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) và thứ VIII (1996), thuộc thành phần bảo thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với lập trường quyết liệt trong việc đánh đổ đế quốc và xóa bỏ bóc lột cũng như kiên định đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội.
Vào giữa nhiệm kỳ Tổng bí thứ lần thứ hai, tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII) tháng 12/1997, ông Mười từ chức để nhường ghế Tổng Bí Thư cho ông Lê Khả Phiêu. Từ năm 1997 đến năm 2001, ông được cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, được trao danh hiệu 85 tuổi đảng, và sau đó hầu như biến mất trong con mắt của công chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét