100% đại biểu tại Hội nghị Trung ương 8 "tín nhiệm giới thiệu" Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam.
Loan báo chính thức nói Ban Chấp hành Trung ương Đảng "thống nhất rất cao" với tỉ lệ bỏ phiếu tuyệt đối 100%. Về lý thuyết, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch nước mới, sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời hồi tháng 9.
Việc đương kim Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước như một phương án 'nhất thể hóa' hai chức vụ cấp cao đang được công luận quan tâm là 'không trái với Hiến pháp', một chuyên gia về Luật Hiến pháp từ Hà Nội nói với BBC hôm 01/10/2018.
Tuy nhiên cùng ngày, một luật sư và nhà vận động nhân quyền từ Sài Gòn nói với BBC Tiếng Việt phương án nhất thể hóa vào một nhân vật lãnh đạo sẽ 'chỉ mang tính tượng trưng' mà không giải quyết 'phần gốc rễ của vấn đề thể chế'.
Một ý kiến khác từ nhà nghiên cứu và quan sát chính trị Việt Nam từ trong nước trong dịp này cho rằng khu vực và thế giới có thể sẽ quan tâm tới hiệu quả của việc lãnh đạo, quản lý, quản trị hơn là 'tam trụ' thay 'tứ trụ', nếu việc điều chỉnh, hợp nhất không đem lại thực chất.
Từ Hà Nội hôm thứ Hai, PGS. TS. Phạm Đức Bảo, Phó Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu quan điểm:
"Tôi ủng hộ phương án này vì tôi thấy việc nhất thể hóa là cần thiết và phù hợp trong điều kiện hiện nay như Luật sư Trần Quốc Thuận đã nói với BBC. Việc Tổng Bí thư nắm giữ cương vị Chủ tịch nước thì sẽ chính danh và phù hợp hơn trong quan hệ quốc tế nhân danh Nhà nước.
"Vấn đề quan trọng là phải tiếp tục cải cách thể chế để bảo đảm việc kiểm soát quyền lực và thực thi dân đủ trong tổ chức, hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước. Việc này đáng lẽ ra phải làm từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên không thực hiện được nhưng nay đến nay các điều kiện đã chín muồi và cơ hội đã cho phép để hiện thực hóa. Trên thế giới, tất cả các nước được gọi là XHCN thì chỉ còn Việt Nam là chưa nhất thể hóa hai vị trí cao nhất của Đảng và Nhà nước làm một như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Lào...
"Còn tất cả các quốc gia khác trên thế giới thuộc các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển, các nước kém phát triển dù dân chủ hay độc tài thì người đứng đầu đảng cầm quyền đều là người đứng đầu nhà nước (đối với các nước theo hình thức chính thể cộng hòa Tổng thống như Mỹ, Philipines...hay cộng hòa lưỡng tính như Pháp, Nga...) hay đứng đầu chính phủ (đối với các nước theo hình thức chính thể cộng hòa đại nghị hay còn gọi là cộng hòa nghị viện và quân chủ lập hiến như Cộng hòa liên bang Đức, Ấn Độ, Sinhgapore, Italia, Nhật Bản, Thái Lan...
"Vì vậy việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền chiếm hơn 90% số đại biểu Quốc hội nắm giữ vị trí nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nhà nước để thay mặt cho nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại cũng là điều cần thiết và không có gì lạ."
Không trái với Hiến pháp?
Trước câu hỏi nếu phương án nhất thể hóa ở cấp cao này diễn ra, thì ban lãnh đạo nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam có cần phải sửa Hiến pháp, sửa đổi Điều lệ Đảng ra sao, chuyên gia luật học này nói:
"Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ này chẳng trái với điều lệ Đảng cũng như Hiến pháp. Nếu tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13, ông Nguyễn Phú Trọng nếu tiếp tục làm Tổng Bí thư thì mới phải sửa đổi Điều lệ Đảng mà hiện tại quy định người đứng đầu cấp ủy Đảng các cấp không giữ giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ.
"Còn Tổng Bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước cũng chẳng có quy định nào của Hiến pháp hạn chế cả nên Hiến pháp chẳng việc gì phải sửa cả. Hiến pháp 2013 quy định: "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chủ tịch nước nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt cho nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay đang là Đại biểu Quốc hội khóa XIV nên chẳng việc gì phải sửa đổi Hiến pháp cả. Có một số nhà nghiên cứu, kể cả quan chức, trí thức Việt Nam không nắm vững Hiến pháp 2013 nên mới nói đến chuyện sửa đổi Hiến pháp cho việc nhất thế hóa hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước."
Từ Sài Gòn, Luật sư Lê Công Định, một nhà vận động cho dân chủ nhân quyền của Việt Nam nêu quan điểm:
"Việc hợp nhất hai chức vụ cao nhất của đảng và nhà nước không đồng nghĩa với việc hợp nhất hai hệ thống đảng và chính quyền, nên không giải quyết được vấn đề chồng chéo và chồng lấn giữa đảng và nhà nước.
"Vấn đề gây tốn kém cho ngân sách và kém hiệu quả hệ thống nhà nước là bởi hệ thống đảng lấn áp và chồng lên chính quyền các cấp. Vì thế Tổng Bí thư và Chủ tịch nước hợp nhất vào một nhân vật chỉ mang tính tượng trưng mà không giải quyết phần gốc rễ của vấn đề thể chế."
Hôm 02/10, trong một bình luận thêm với BBC, Luật sư Định viết tiếp:
"Thật ra đó không phải là cải cách thể chế gì cả, mà chỉ là 'thâu tóm quyền hành cá nhân'. Do vậy, ảnh hưởng của "nhất thể hoá" theo cách đó không có ý nghĩa cho đất nước.
"Tam quyền phân lập mới là điều cần thiết cho tương lai đất nước. Tuy nhiên, nếu chuyển 'độc tài đảng trị' sang 'độc tài cá nhân thì cơ hội 'xoá bỏ độc tài chính trị' sẽ dễ dàng hơn cho phong trào dân chủ," ông Lê Công Định nêu quan điểm cá nhân.
Trước đó, hôm thứ Hai, TS Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Singapore) bình luận với BBC về quan tâm của quốc tế và khu vực, ông nhận xét:
"Quốc tế và khu vực có thể cho rằng không quan trọng về vấn đề 'tam trụ' hay 'tứ trụ'. Nếu lãnh đạo không hiệu quả thì 'tam trụ' không hơn 'tứ trụ'.
Bình luận nhanh với BBC Tiếng Việt về phương án hợp nhất này, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A từ Hà Nội viết: "Theo tôi, phương án này có thể 'hay' cho ông Trọng, nhưng 'xấu' cho Việt Nam."
Tách biệt hai Văn phòng?
Trước câu hỏi có thay đổi gì không trong hoạt động giữa hai cơ quan là Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng, nếu việc sáp nhập hai chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước được tiến hành trong thời gian sắp tới đây, nếu không có các phương án khác, PGS. TS. Phạm Đức Bảo nói:
"Trước hết, cần nói thêm là về địa phương thì đang thí điểm dự án nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo của hai hệ thống chức vụ bên đảng và chính quyền.
"Còn văn phòng thì không cần sáp nhập vì chức khác nhau. Văn phòng Trung ương là cơ quan giúp việc cho Ban chấp hành TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Ban của Đảng chứ không chỉ giúp việc Tổng Bí thư.
"Còn Văn phòng Chủ tịch nước là cơ quan giúp việc cho Cơ quan Chủ tịch nước (Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước) làm nhiệm vụ đối nội, đối ngoại."
Cũng hôm 01/10/2018, từ Marseille, Pháp, nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm với BBC về phương án sáp nhập cấp cao nói trên:
"Ý kiến của tôi là dè dặt trên những nhận định nào đó về tính "chính danh", về nền "cộng hòa", về chế độ "bán tổng thống"... mà theo tôi là là chưa tương ứng với những định nghĩa thông thường. Trong các chế độ cộng hòa, quyền lực không có kế thừa và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tính chính danh của quyền lực được bảo đảm bằng sự chuẩn nhận của toàn dân, qua hình thức phổ thông đầu phiếu.
"Trên quan điểm này thì ở Việt Nam, tất cả các quan chức nắm quyền lực trong nhà nước không ai có "chính danh". Chủ tịch nước, Thủ tướng… được Quốc hội bầu lên nhưng tất cả các đại biểu Quốc hội đều là người của đảng hay do đảng đề cử. Đây là nguyên tắc "dân chủ tập trung" của mô hình nhà nước Xô Viết mà Việt Nam (và Trung Quốc) áp dụng từ nhiều thập niên qua. Mọi quyền lực nhà nước đều nằm trong tay đảng.
"Nhưng nếu nhận định trên bản Hiến pháp của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, "đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Thì người đứng đầu đảng, tức vị Tổng bí thư, là người lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đây là tính "chính danh" của Tổng bí thư đảng, (theo mô hình tổ chức nhà nước Xô Viết).
"Vì vậy ý kiến nói rằng "nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam" theo tôi là không đúng. Ta có thí dụ là ông Nikita Khouchtchev ngày trước vốn là Tổng bí thư, chỉ nắm chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, tức Thủ tướng, trên nguyên tắc đứng hàng thứ ba trong hệ thống quyền lực Xô viết. Thực tế thì ông này mới là người đại diện cho Liên Xô, về mọi mặt đối nội lẫn đối ngoại.
"Còn ý kiến nào nói về "nền cộng hòa", thì theo tôi, Việt Nam (và cả Trung Quốc) không phải là những nhà nước xây dựng trên nền tảng "cộng hòa" đúng thực chất. Nền "cộng hòa" được xây dựng lên nhằm đối lập với các chế độ phong kiến đế quyền. Quyền lực trong chế độ cộng hòa không có kế thừa (như trong chế độ phong kiến đế quyền).
"Quyền lực nhà nước ở các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc đều tập trung vào đảng. Đảng cộng sản thể hiện như một "chân mạng thiên tử", các đảng viên thế hệ này qua thế hệ khác cứ thay thế lẫn nhau tiếm quyền của nhân dân "thay trời hành đạo". Tức là quyền lực nhà nước lại được "kế thừa" trong đảng, như dưới thời phong kiến đế quyền. Điều này trái ngược với khái niệm "cộng hòa".
"Về ý kiến đề cấp một chế độ "bán tổng thống", đều này cần được định nghĩa rõ rệt. Bởi vì, nếu chế độ "bán tổng thống" có nghĩa như là "semi présidentiel" của Pháp. Theo đó chế độ này là chế độ hỗn hợp giữa mô hình "tổng thống chế" và "đại nghị chế". Tổng thống được bầu theo thể thức trực tiếp và phổ thông. Tổng thống có đặc quyền riêng biệt và một nội các (chính phủ) chịu trách nhiệm trước quốc hội.
"Tức là việc "nhất thể hóa" hai chức danh "tổng bí thư" và "chủ tịch nước" của VN (và TQ) không có chút quan hệ nào với chế độ "semi présidentiel" của Pháp hết cả."
Bản sao không hoàn chỉnh?
Theo nhà biên khảo từ Marseille, Việt Nam dường như có sự tham khảo ít nhiều mô hình cầm quyền và nhà nước của Trung Quốc, ông Trương Nhân Tuấn tiếp tục bình luận:
"Theo tôi, việc "nhất thể hóa" hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước, nếu xảy ra trong thời gian tới, là một quá trình "logic" từng bước rập khuôn theo mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc. Việt Nam luôn là "một bản sao không hoàn chỉnh" của Trung Quốc từ thời lập quốc cho tới nay (ngoại lệ với Việt Nam Cộng hòa từ 1954-1975). Từ khi có cuộc chiến biên giới 1979, tâm lý người dân Việt Nam có nhiều "nhạy cảm" đối với Trung Quốc.
"Mặc dầu quan hệ ngoại giao hai bên thiết lập lại với những cam kết của lãnh đạo cấp cao "4 tốt và 16 chữ vàng". Vì vậy lãnh đạo chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam cố ý "làm khác" với Trung Quốc để nhân dân không 'dị nghị', như duy trì nguyên tắc "tứ trụ", quyền lực phân bổ đồng đều giữa ba chức danh với ba miền. Vị Tổng Bí thư đóng vai trò "nhiếp chánh" kiểm soát và cân bằng quyền lực.
"Vì vậy tôi rất hoài nghi (sẽ trở thành hiện thực) các nhận định về khả năng "cải cách chế độ" như ý kiến của ai đó nói. Việc "nhất thể hóa" của Trung Quốc đến nay đã sinh ra một Tập Cận Bình, với quyền lực tập trung trong tay như một Mao Trạch Đông thứ hai. Quyền lực (và vị thế) của Tập Cận Bình đang bị thách thức. Cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi đầu có nguyên nhân đến từ sự "ngạo mạn" về một "TQ vượt qua Mỹ" của họ Tập.
"Theo tôi, Việt Nam đi theo con đường TQ là "cải cách" ngược và là trở về thời "chống Mỹ" của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Cái cần thiết cho VN hiện nay (để cất cánh thành rồng) là "thoát Trung", là dân chủ hóa chế độ, chớ không phải nhất cử nhất động đều rập khuôn theo TQ," ông Trương Nhân Tuấn nêu quan điểm riêng với BBC.
Hôm thứ Hai, trong một ý kiến bình luận với BBC từ Hoa Kỳ, một nhà khảo cứu khác, ông Văn Thế Vĩnh, từng tốt nghiệp ngành quản trị hành chính công từ trường Quốc gia Hành Chánh của Sài Gòn trước năm 1975, nhận xét:
"Ý kiến về nhất thể hóa hợp lý với điều kiện ông Tổng Bí thư phải là thành viên Quốc Hội do dân bầu. Tuy nhiên, nếu chế độ nầy muốn phát huy lên cao để hội nhập cộng đồng quốc tế thì bước kế tiếp theo tôi [có thể được kỳ vọng nhưng khó xảy ra] là phải bỏ hệ thống hành chánh do đảng cộng sản đơn phương nắm giữ lâu nay, để áp dụng đồng bộ thể thức nầy - bí thư của đảng cầm quyền kiêm lãnh đạo hành chánh Nhà nước xuống tới các cấp địa phương.
"Điều này giúp chấm dứt tình trạng nhóm 'chóp bu' của đảng [đơn phương và không hạn chế thời gian, nhiệm kỳ] bổ nhiệm các bí thư đảng khống chế hệ thống nhà nước như hiện nay. Bước kế tiếp cần chấp nhận các tổ chức dân sự có đủ pháp nhân và tư cách để sẵn sàng tiến đến đa đảng (ít nhất lưỡng đảng thì càng tốt) và xây dựng nền pháp trị trên căn bản tam quyền phân lập.
"Được như thế thì tất hợp lòng dân ít nhất trên nguyên tắc, sau đó sẽ chỉnh đốn, điều chỉnh dần dần theo thời gian. Thiết nghĩ chỉ có thật sự dân chủ mới trường tồn, còn thể chế 'độc tài' thì xét về lâu dài chỉ hiện hữu trong giai đoạn ngắn của lịch sử được mà thôi," ý kiến từ quan điểm riêng này chia sẻ với BBC.
Tin cho hay, hôm 02/10/2018 tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với trong tâm giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 13 của Đảng này.
"Tại Hội nghị lần thứ 8, Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII; và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng," Website của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm thứ Ba cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét