Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

8880 - Từ bản án của Bác Sĩ Hoàng Công Lương: ‘Chỉ thiếu một vòng hoa tang cho nền y tế Việt Nam!’


Bác Sĩ Hoàng Công Lương đơn độc trong phiên tòa. (Hình: Facebook Hoàng Linh)


HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Cộng đồng y khoa và cả gia đình nạn nhân đang có những phản ứng gay gắt trên mạng xã hội về bản án 42 tháng tù giam đối với Bác Sĩ Hoàng Công Lương do cơ quan tư pháp thuộc Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hòa Bình tuyên hôm 30 Tháng Giêng. Lịch sử ngành y lẫn tư pháp Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp như thế.
Tan nát ngành y

Trong khi Bác Sĩ Hoàng Công Lương, một trong bảy bị cáo của vụ án chạy thận làm chín người chết ở Bệnh Viện Đa Khoa Hòa Bình hôm 29 Tháng Năm, 2017, phải bàng hoàng thốt lên: “Tôi ở tù vì một thứ tôi chưa hề được dạy,” thì trên mạng xã hội đang có những chia sẻ bày tỏ sự phẫn nộ, bất bình đối với bản án ông phải nhận.
Bác Sĩ Võ Xuân Sơn, cựu bác sĩ giải phẫu thần kinh của Bệnh Viện Chợ Rẫy, giám đốc phòng khám Quốc Tế Ezson viết trên trang cá nhân: “Bản án 42 tháng tù dành cho BS Lương sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả nhân viên y tế. Kể từ khi bản án đó chính thức có hiệu lực, các bác sĩ và nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm về những thứ do người khác gây ra, trong khi họ không có khả năng tác động, cũng không thuộc trách nhiệm của họ.”

Bác Sĩ Hoàng Công Lương. (Hình: Lao Động)

Theo Bác Sĩ Sơn, cơ quan điều tra, Viện Kiểm Sát Hòa Bình, và Tòa Án Hòa Bình là “những cơ cấu quyền lực thối nát. Điều đó đã rõ qua quá trình điều tra, xét xử vụ án thảm họa lọc thận Hòa Bình.” Cách làm việc của cơ quan tư pháp Hòa Bình đã ngược lại với cách làm việc mà một quá trình tố tụng đúng ra phải tuân thủ.
Bác Sĩ Sơn nhìn thấy một ngành y sẽ không còn lương tâm, không còn là nơi mà người bệnh có thể yên tâm giao phó tính mạng mình, giống như hầu hết những gia đình có khả năng tài chính, đã không yên tâm giao con mình cho hệ thống giáo dục Việt nam, nên chọn con đường “tỵ nạn thời đại,” đó là sang nước ngoài để tìm con chữ.
(Năm học 2017–2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên du học tại Mỹ với 24,325 người, theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo Dục Quốc Tế IIE. Ở Úc, du học sinh Việt Nam xếp thứ tư, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia).
Không những thế, Bác Sĩ Võ Xuân Sơn có hẳn một bài phân tích rõ ràng, lập luận sắc sảo để chỉ ra những sai sót trong quá trình tố tụng của vụ án.
Bài viết được đăng trên báo Pháp Luật trong nước và được mọi người chia sẻ rộng rãi.
Bài viết chỉ rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bác Sĩ Hoàng Công Lương do tòa án dùng làm luận cứ buộc tội. Nhưng với các luật sư, đó là những cáo buộc bất hợp pháp.
Bác Sĩ Chiêm Quốc Thái, giám độc Bệnh Viện Thẩm Mỹ Việt Mỹ, có cùng nhận định với Bác Sĩ Võ Xuân Sơn khi nói về tương lai đen tối của ngành y Việt Nam sau bản án này: “Với những phán quyết sai lầm này sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho hàng loạt cái chết tức tưởi của người bệnh sau này cũng như những hệ lụy đưa ngành y Việt Nam tụt hậu.”
Trên trang Facebook cá nhân, ông viết: “Một phán quyết sai lầm của tòa án Hòa Bình sẽ là tiền lệ nguy hiểm như thế nào đối với ngành y Việt Nam và biết bao tính mạng của bệnh nhân sẽ phải trả giá sau phán quyết sai lầm này.”
Là một trong nhiều người theo dõi sát sao vụ án ngay từ ban đầu, Bác Sĩ Thái nhận thấy rằng: “Khi mà xét xử ngành y, thẩm phán hoàn toàn không xét về yếu tố hoàn cảnh thực tế và ý kiến các nhà chuyên môn mà chì dựa vào tâm trạng vui buồn của thẩm phán!”
Không những thế, ông kêu gọi các đồng nghiệp cùng lên tiếng để lấy lại công bằng cho Bác Sĩ Hoàng Công Lương.
Tương tự, Bác Sĩ Lê Đình Phương, trưởng Khoa Nội Tổng Quát Bệnh Viện FV, đưa ra câu hỏi lớn trong bài viết: Từ bản án cho Bác Sĩ Hoàng Công Lương: Quy trình để làm gì? Cho ai?
Trong đó, ông nêu ra: “Lý lẽ duy nhất mà tòa án vin vào để tuyên án tù giam cho Bác Sĩ Lương là không làm theo quy trình, không kiểm tra việc bàn giao, nghiệm thu chất lượng hệ thống lọc nước trước khi khởi động hệ thống lọc máu. Và sau đó là một thảm hoạ y tế chưa từng thấy như chúng ta đã biết.”
Ông đồng ý “quy trình” là yêu cầu rất quan trọng cho những công việc mang tính chuyên môn, kỹ thuật cao. Nhưng vấn đề được đặt ra là quy trình do ai soạn thảo? Soạn thảo như thế nào? Với mục đích gì?
Từ những phân tích, lập luận đưa ra, Bác Sĩ Lê Đình Phương khẳng định một điều mà Bác Sĩ Hoàng Công Lương đã từng nói: “Bác Sĩ Lương không thể chịu trách nhiệm về cái mà anh ta không được đào tạo để thực hiện hay kiểm định là nguồn nước chạy thận.”

Đơn Đề Nghị của người nhà nạn nhân. (Hình: Facebook Võ Hồng Ly)

Những lá đơn công lý
Một hành động lên tiếng khác đến từ Bác Sĩ Hà Tấn Ngọc, Quảng Ngãi. Ngày 1 Tháng Giêng, 2019, ông chính thức làm đơn đề nghị được nghỉ việc vì lý do phản đối việc tuyên án có tội đối với Bác Sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận ở Hòa Bình.
Tin này do Luật Sư Lê Luân đăng tải trên Facebook cá nhân cùng với nhận định: “Chúng ta cũng cần nhớ rằng, nếu bất công xảy ra với một ai đó ở một nơi nào đó thì cũng có nghĩa bất công sẽ có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở bất kỳ nơi đâu.”
Cùng ngày, Bác Sĩ Nguyễn Đình Nguyên ở Úc đã đăng hình ảnh cùng thông điệp hiệp thông với người đồng nghiệp chưa một lần gặp mặt: “Chỉ với một lời kết án này, nghiễm nhiên mỗi một bác sĩ đang hành nghề ở Việt Nam hiện nay sẽ trở thành hoặc là một nghi can hoặc là một người tù dự khuyết.”
Ngày 28 Tháng Giêng, 2019, đại diện các gia đình nạn nhân trong vụ án lọc thận “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã gửi Đơn Đề Nghị lên Hội Đồng Xét Xử Tòa Án Nhân Dân thành phố Hòa Bình, đồng kính gửi các lãnh đạo cao cấp nhất của CSVN xin tuyên Bác Sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội.
Lịch sử ngành y chưa bao giờ nhìn thấy người nhà bệnh nhân quyết tâm bảo vệ một bác sĩ như thế. Lịch sử tư pháp cũng chưa bao giờ nhìn thấy trường hợp bên bị hại đồng loạt xin tha tội cho một bị cáo là Bác Sĩ Hoàng Công Lương.
Nếu lá Đơn Đề Nghị này không được cứu xét, cũng như nếu Bác Sĩ Hoàng Công Lượng kháng án không thành, thì hậu quả có lẽ như Bác Sĩ Lê Đình Phương nói: “Bản án dành cho Bác Sĩ Lương sẽ là một tiền lệ rất xấu cho y khoa Việt Nam. Hậu quả cuối cùng là ai? Những người bệnh sẽ chết, và chết rất đúng quy trình, không bắt bẻ vào đâu được.”
Ông ngậm ngùi nhớ ra, không lâu nữa cũng sẽ đến Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27 Tháng Hai.
Và sẽ có hoa, rất nhiều hoa…
Và ông cũng biết rằng: Chỉ thiếu một vòng hoa tang cho nền y tế Việt Nam thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét