Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

8885 - Tại sao nhiệm kỳ Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ kéo dài?

Biên tập: Lê Hồng Hiệp


Những thẩm phán  nghỉ hưu gần đây nhất đã phục vụ gần ba thập niên.
Với việc Thẩm phán Anthony Kennedy kết thúc 30 năm ngồi trên ghế Thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào cuối tháng 07/2018, vài ngày sau sinh nhật lần thứ 82 của ông, cùng một cuộc đấu tranh phe phái đang âm ỉ ở Thượng viện để tìm người kế vị ông, sự chú ý của công chúng một lần nữa tập trung vào một nét đặc trưng của nền tư pháp nước Mỹ: sự nghiệp dài đáng kinh ngạc của các Thẩm phán Tòa án Tối cao. Cho đến này, Điều III vẫn là điều khoản ngắn gọn nhất trong các điều khoản của hiến pháp nước Mỹ quy định về các nhánh của chính quyền, nhưng nhiệm kỳ phục vụ mà nó xác định cho các thẩm phán liên bang hầu như không bị giới hạn. Khoản 1 của điều khoản này quy định – các thẩm phán của cả “tòa án tối cao và các tòa cấp dưới…sẽ giữ chức vụ của mình nếu luôn có hành vi tốt”. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là suốt đời, hoặc cho đến khi các thẩm phán quyết định treo áo từ quan.
Một cách để khiến các thẩm phán phải rời chức vụ tại tòa án – luận tội – đã không được vận dụng nhiều. Năm 1804, theo lời đề nghị của Tổng thống Thomas Jefferson, Hạ viện đã tống đạt các điều khoản luận tội tới Thẩm phán Samuel Chase vì đã để cho tinh thần đảng phái ảnh hưởng đến các phán quyết của ông. Nhưng sau khi Thượng viện tha bổng cho Chase vào năm 1805, ông vẫn tiếp tục vai trò thẩm phán cho đến khi qua đời sáu năm sau đó. 14 thẩm phán liên bang khác đã bị luận tội kể từ năm 1789; tám người đã bị buộc phải từ chức. Tuy nhiên chưa có Thẩm phán Tòa án Tối cao nào từng bị mất  chức vì hành vi xấu.
Với việc người Mỹ sống lâu hơn gấp đôi so với cách đây 150 năm, một nhiệm kỳ kéo dài cả đời có nghĩa là các thẩm phán thường phục vụ hàng thập niên. Năm 2006, hai giáo sư luật, Steven Calabresi và James Lindgren, tính ra rằng các thẩm phán tại vị trước năm 1970 phục vụ trung bình 14,9 năm, trong khi những người tại vị sau năm 1970 đã phục vụ trung bình 26,1 năm. Năm thẩm phán mới nhất vừa rời khỏi tòa án đã phục vụ trung bình 27,5 năm; trong số đó bao gồm một ngoại lệ, David Souter, người đã nghỉ hưu sau một nhiệm kỳ khiêm tốn… 18 năm vào năm 2009, khi ông 69 tuổi.
Tại sao các nhà kiến tạo hiến pháp Hoa Kỳ lại trao cho các thẩm phán nhiệm kỳ suốt đời, khi mọi nền dân chủ khác trên thế giới đều áp dụng các giới hạn nhiệm kỳ, tuổi nghỉ hưu bắt buộc hoặc cả hai? Cái gọi là “nhánh quyền lực ít nguy hiểm nhất” sẽ cần sự hỗ trợ, các nhà lập hiến tin tưởng như vậy. Để đưa ra phán quyết mà không phải chịu tác động từ sự thay đổi chiều hướng chính trị, các thẩm phán sẽ cần một mức độ tự chủ mạnh mẽ trước các cơ quan lập pháp và hành pháp. Đối với Alexander Hamilton, nhiệm kỳ trọn đời chính là giải pháp: “cách thức tốt nhất có thể được đưa ra trong bất kỳ chính phủ nào” để bảo vệ sự độc lập tư pháp. Nếu không phải lo tranh cử hoặc sợ bị mất ghế, Hamilton lý luận, các thẩm phán sẽ có thể đứng độc lập bên trên các cuộc xung đột chính trị và phân bổ công lý một cách không thiên vị.
Với viễn cảnh Donald Trump lựa chọn một luật gia thay thế cho vị trí của Thẩm phán Kennedy để giúp củng cố một tỷ lệ đa số các thẩm phán bảo thủ [tại tòa án tối cao] trong hơn 50 năm qua, những hy vọng cao cả của Hamilton về nhiệm kỳ trọn đời bỗng nghe thật viển vông. Các phán quyết như Bush vs. Gore (trong đó có 5 thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm đã mang lại cho Đảng Cộng hòa chìa khóa để bước vào Nhà Trắng vào năm 2000) hoặc Janus vs. AFSCME (một vụ vào tháng 06/2018 vốn là một cú tấn công nhằm vào các công đoàn trong khu vực công) là những phán quyết khó có thể khiến người ta tin rằng các thẩm phán đã vô tư diễn giải luật pháp một cách trung thực mà không quan tâm đến các khuynh hướng chính trị của họ. Xu hướng các thẩm phán chỉ về hưu khi có một tổng thống chung ý thức hệ tại chức – như điều Anthony Kennedy dường như đã làm – chỉ khiến tòa án trông giống một tổ chức được chính trị hóa chín muồi dễ dàng bị thao túng.
Để giải quyết vấn đề các thẩm phán chọn thời điểm nghỉ hưu theo tính toán, đồng thời mang sự thay đổi thẩm phán thường xuyên hơn, Fix the Court (Cải cách Tòa Án – một cơ quan giám sát Tòa án Tối cao phi đảng phái) đã thu hút được sự ủng hộ của giới học giả cho một kế hoạch hạn chế nhiệm kỳ hoạt động của các thẩm phán liên bang xuống còn 18 năm, sau đó họ sẽ vẫn được phép làm việc tại các tòa án cấp thấp hơn. Đề xuất này kêu gọi việc bổ nhiệm hai năm một lần, hoặc bổ nhiệm hai người mới cho mỗi nhiệm kỳ tổng thống.
Nguồn: Why Supreme Court justices serve such long terms?The Economist, 04/07/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét