Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

7249 - Bàn về sự gia tăng mê tín



Gần đây dân Việt gia tăng mê tín dị đoan đến chóng mặt. Các nhà nghiên cứu tìm nguyên nhân để có hướng khắc phục. Có thể quy về 3 nguồn: 1- Do người dân, 2- Do bộ phận quản lý đền chùa và người hành nghề mê tín, 3- Do sai lầm và yếu kém trong sự lãnh đạo và quản lý của chính quyền cộng sản.
Trong 3 nguồn, nguyên nhân nào giữ vai trò cơ bản? Có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng A cho rằng cơ bản là tại dân. Luồng B quy trách nhiệm chính cho lãnh đạo. Tôi ủng hộ luồng B và tìm ra các nguyên nhân thuộc về tác dụng phụ của đường lối cộng sản.
Tác dụng phụ xẩy ra ngoài ý muốn của chủ thể. Một số thuốc chữa bệnh có tác dụng phụ không mong muốn. Nó dùng để chữa bệnh chỗ này nhưng lại làm hại chỗ khác. Chủ nghĩa cộng sản, ngoài những độc hại thuộc bản chất và những ảo tưởng về một xã hội tốt đẹp nó cũng gây ra lắm tai họa thuộc loại tác dụng phụ. Gọi là phụ vì các tai họa đó không nằm trong phạm vi mục tiêu, những người CS vẫn rất muốn tránh nhưng không cách gì tránh được, nó cứ tự động xảy ra. Gọi là phụ nhưng tác dụng lắm khi rất nguy hiểm.
Vào tháng 10/2016 tôi đã đăng bài “Tác dụng phụ hay tai họa tất yếu sinh ra từ cộng sản”, vạch ra một số tai họa như vậy. Tôi cho rằng, sự gia tăng mê tín của dân Việt có nguyên nhân trực tiếp chủ yếu nhất (trong 3 nguồn nguyên nhân) là “Tác dụng phụ của cộng sản”. Và như vậy Đảng và chính quyền phải chịu trách nhiệm chính.
Cộng sản theo duy vật, không công nhận tâm linh, bài bác tôn giáo, mặc dầu tuyên bố chấp nhận tự do tín ngưỡng. Thế nhưng dưới sự thống trị của CSVN thì mê tín dị đoan lại ngày càng tăng. Phải chăng đó là một nghịch lý.
Tôi đã nhiều lần phân tích nguyên nhân gốc gác, sâu xa của mọi tai họa. Bài này chỉ đề cập đến 5 nguyên nhân gần, là tác dụng phụ do CS gây ra trong việc phát triển nhanh của mê tín dị đoan (mà chưa bàn đến các nguyên nhân từ 2 nguồn khác).
1- Sự bật lại của cấm và phá
Việc cấm lễ bái, phá đình chùa mà CS thực hiện trước đây đã đụng chạm đến tâm hồn người Việt. Người ta phát hiện thấy một vài người phá chùa gặp tai họa liền gán cho việc bị báo ứng. Điều đó lan truyền nhanh và rộng làm cho niềm tin vào thần thánh không mất đi mà tăng cao.
Về kinh tế, trói buộc mãi không được, đành phải mở vào năm 1986. Nhân đà đó, dân các nơi khôi phục lại đình chùa, mở lại các lễ hội. Mà thói thường, những thứ đàn hồi, bị uốn càng cong, đến khi được thả nhanh ra nó bật trở lại càng mạnh. Những thứ bị cấm càng gắt, đến khi được tháo cũi sổ lồng thì nó càng phát triển nhanh, nhiều khi lệch lạc mà không cách gì kìm lại được.
2- Sự sám hối
Nền thống trị của công sản đã tạo ra một số khá đông quan chức phạm nhiều tội ác như làm giàu bằng thủ đoạn bất chính, như khủng bố, ám hại người vô tội để lập thành tích với đảng, như cậy quyền hoặc tham lợi mà gây ra oan khuất cho dân. Bọn này sợ bị báo ứng về tâm linh nên ra sức đến các đình chùa linh thiêng để hối lộ thần thánh. Về việc này có lẽ nguyên chủ tịch nước là tiêu biểu. Họ đã nêu một tấm gương cho nhiều người.
3- Sự ngu dân
CS muốn làm ngu dân để dễ thống trị nhưng lại sinh ra tác dụng phụ là dân dễ mê tín. Những người buôn bán thường hay lễ bái. Nhiều khi họ kiếm được lợi nhuận cao chủ yếu là nhờ tài tháo vát, nhờ nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, nhưng họ cho rằng chính là nhờ thành tâm lễ bái. Thế là nhiều người đổ xô vào các đền chùa để lễ, để tranh cướp lộc và ấn, để cầu may.
4- Nỗi oan khuất
Thống trị của CS tạo ra nhiều dân oan. Họ khiếu nại, kiện cáo, nhưng phần lớn không được giải quyết thỏa đáng. Họ đành trông chờ vào thần thánh. Họ cầu xin các Ngài giúp lấy lại công bằng, giúp tránh rủi ro.
5- Sư quốc doanh
Lãnh đạo CS nhận thấy trong các tôn giáo thì Phật giáo dễ bị lợi dụng hơn cả. Vì vậy một mặt họ lôi kéo, mua chuộc một số chức sắc, chia rẽ cộng đồng Phật tử, mặt khác họ cài cắm các sư quốc doanh vào chùa chiền, làm tha hóa Đạo Phật. Từ đó, một số nấp danh sư sãi để hành nghề mê tín và lừa gạt đồng bào.
Năm nguyên nhân kể trên là từ phía CS. Còn các nguyên nhân từ phía người dân , từ bộ phận quản lý đền chùa và những người hành nghề mê tín chưa được bàn đến ở đây, chúng tương đối rõ, dễ thấy và đã được nhiều người trao đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét